HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA
NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM
C
Lc 9,51-62 ( Lm. Cao
Sieu, SJ)
1. Luca 9,51 cho thấy
Đức Giêsu bắt đầu
đi đâu? Luca 9,31 và 9,51 gọi biến cố này là
gì? Lc 9,51
có giống
với Ga 3,14; 8,28; 12,32-34 không?
· Luca 9,51 là một câu quan trọng
trong Tin Mừng Luca, vì là câu giới thiệu hành trình của
Đức Giêsu lên Giêrusalem. Đây là một hành trình dài,
được trình bày từ Lc 9,51 đến Lc 19,27. Tin Mừng
Luca (9,31) coi Giêrusalem là nơi Đức Giêsu thực hiện
cuộc Xuất hành của Ngài (exodos). Còn Lc 9,51 lại coi
Giêrusalem là nơi Đức Giêsu được nâng lên
(analêmsis, analambánô) qua cuộc Tử nạn, Phục sinh và
Lên trời của Ngài ở đó. Tương tự như
thế, Tin Mừng thứ Tư cũng cho rằng Đức
Giêsu được giương cao (hupsôthênai) qua cuộc
Tử nạn, Phục sinh và Lên trời của Ngài. Đức Giêsu được giương
cao trên thập giá như con rắn đồng được
Môsê giương cao trong sa mạc để chữa lành cho
dân (Ga 3,14). Những nhà lãnh đạo Do-thái giáo đã giương
cao Ngài trên thập giá (Ga 8,28), nhưng khi được giương
cao, Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài (Ga
12,32-34). Tin Mừng thứ Tư không kể lại biến
cố Lên trời, nhưng lại nói đến việc
Đức Giêsu phục sinh lên cùng Cha (Ga 20,17, anabáinô).
2. Giêrusalem có đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng Luca không? Đọc Lc 1,9-10; 4,9; 24,52-53. Đọc
thêm về Giêrusalem trong
cuộc hành trình
của Đức Giêsu : Lc
9,53; 13,22; 17,11; 18,31; 19,11; 19,28. Đọc
thêm về Giêrusalem trong
những ngày cuối của Ngài : Lc 19,41;
21,5.20.24; 24,13.18.33.47.
· Tin Mừng Luca dành một tầm
quan trọng đặc biệt cho Giêrusalem. Tin Mừng này bắt
đầu bằng cảnh ông Dacaria dâng hương trong
Đền thờ Giêrusalem (Lc 1,8-10), và kết thúc bằng
việc các môn đệ thường ở trong Đền
thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24,52-53). Trong cuộc hành
trình lên Giêrusalem lần cuối, Giêrusalem được nhắc
đến nhiều lần (Lc 9,53; 13,22; 17,11; 18,31; 19,11;
19,28). Khi đến Giêrusalem rồi, Đức Giêsu đã sống
những ngày cuối đời ở đó. Ngài đã khóc
thương Giêrusalem vì những gì sẽ xảy đến
cho thành này (Lc 19,41). Ngài tiên báo Đền thờ sẽ sụp
đổ tan tành (Lc 21,5) và thành phố này bị dân ngoại
giày xéo (Lc 21,20.24). Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các
môn đệ ở Giêrusalem (Lc 24,13.18.33). Các môn đệ sẽ
khởi từ Giêrusalem mà đi rao giảng cho muôn dân (Lc
24,47).
3. Đọc Luca 9,51 -
19,27, và kể ra những dụ ngôn chỉ có
trong Tin Mừng Luca, chứ
không có trong bất cứ Tin Mừng nào khác?
· Khi kể lại cuộc hành trình
lên Giêrusalem của Đức Giêsu, thánh Luca đã đưa
vào những chất liệu riêng của mình. Sau đây là một
số dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Luca: dụ ngôn người
Samari nhân hậu (Lc 10,29-37); dụ ngôn người bạn
quấy rầy (Lc 11,5-8); dụ ngôn nhà phú hộ (Lc 12,16-21);
dụ ngôn cây vả không ra trái (Lc 13,6-9); ba dụ ngôn về
lòng thương xót (Lc 15.1-32); dụ ngôn người quản
lý bất lương (Lc 16,1-8); dụ ngôn ông nhà giàu và anh
Ladarô (Lc 16,19-31); dụ ngôn ông quan tòa và bà góa (Lc 18,1-8); dụ
ngôn ông Pharisêu và người thu thuế lên Đền thờ
cầu nguyện (Lc 18,9-14).
4. Đọc các đoạn sau: Lc 9,57; 10,25; 11,15.27.45; 12,13.41; 13,1.23; 14,15; 15,2;
16,14; 17,20.37; 18,18.26. Bạn có
nhận xét gì không?
· Khi đọc những đoạn
trên đây, ta thấy trên con đường lên Giêrusalem,
Đức Giêsu gặp nhiều biến cố. Và Ngài đã
có những lời nói hay hành động phản hồi trước
những biến cố đó (Lc 9,57). Nhiều người
đã đặt câu hỏi, và Đức Giêsu đã trả
lời (Lc 10,25; 11,1; 12,41; 13,23; 17,20.37; 18,18.26). Khi nghe người
ta nói, Ngài đã đáp lại (Lc 11,15-17.27-28.45-46; 13,1-2;
14,15-16; 15,1-3), hay khi người ta nhờ Ngài làm một việc,
Ngài đã làm (Lc 17,11-19).
5. Thái độ của hai môn đệ
Giacôbê và Gioan có gì giống với ngôn sứ Êlia xưa không?
Đọc 2 Vua 1,1-18 và Mc 3,17. Đâu là thái độ cần
có khi bị từ chối? Đọc Lc 9,5.56; 10,10-11.
· Thái độ của Giacôbê và Gioan
giống với thái độ của ngôn sứ Êlia đã
sai lửa từ trời đốt 100 quân của nhà vua (2
V 1,1-18). Chắc hai ông này là người nóng tính, vì có biệt
danh là “con của thiên lôi” (Mc 3,17). Đức Giêsu dạy ta
có thái độ ôn hòa khi bị từ chối: chỉ giũ
bụi chân lại khi ra khỏi thành (Lc 9,5; 10,11) và đi
sang nơi khác (Lc 9,56).
6. Đọc
Lc 9,57-58. Bạn nghĩ gì về cuộc gặp gỡ và
đối thoại này giữa anh ấy và Đức Giêsu?
· Chính trên con đường lên
Giêrusalem, Đức Giêsu gặp một người xin
đi theo Ngài (Lc 9,57-58). Anh này khá quảng đại, vì anh
sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Thầy đi. Trước
thái độ ấy, Đức Giêsu cho anh biết: đi
theo Ngài là bước vào một cuộc sống hết sức
bấp bênh và thiếu thốn. Ngay cả một chỗ cư
ngụ ổn định cùng không có. Ngài không giấu anh cuộc
sống khó khăn của những ai muốn theo Ngài. Ngài
để cho anh tự do suy nghĩ trước khi tự
quyết định.
7. Đọc Lc 9, 59-60. Cuộc gặp
gỡ này khác với cuộc gặp gỡ trên ở điểm
nào? Chôn cất cha có phải là điều quan trọng và cần
thiết không? Đọc Tôbia 4,3-4.
·
Lần
này Đức Giêsu gặp một anh khác (Lc 9,59-60). Không phải
anh xin đi theo, nhưng chính Ngài gọi anh. Tuy nhiên, anh này
chưa sẵn sàng. Anh xin phép về nhà lo việc chôn cất
người cha trước đã, rồi mới theo
Thầy. Chôn cất cha mẹ là bổn phận hết sức
quan trọng của người
con (x. Tôbia 4,3-4). Tuy nhiên, Đức Giêsu lại không chấp
nhận một sự trì hoãn nào. Điều này có thể làm
chúng ta bị sốc, nhưng qua đòi hỏi nghiêm khắc
đó, Ngài muốn cho thấy việc theo Ngài đi loan báo Nước
Thiên Chúa là ưu tiên một, là chuyện hết sức khẩn
trương. Không được đặt điều gì
lên trước nó. Ngay cả những bổn phận
thuộc chữ hiếu cũng phải đặt sau
(x. Lc 14,26; 18,29). Còn chuyện chôn cất người chết
sẽ do “người chết” (= những người chưa
theo Chúa làm môn đệ) đảm nhận.
8. Đọc Lc 9,61-62. Cuộc gặp
gỡ thứ ba này khác và giống với cuộc gặp
gỡ thứ hai ở điểm nào? Đức
Giêsu
có đòi hỏi hơn ngôn sứ Êlia không? Đọc
1 Vua 19,19-21.
·
Cuộc gặp
gỡ thứ ba này khác cuộc gặp gỡ thứ hai ở
chỗ anh này xin đi theo, nhưng giống ở chỗ
anh này cũng xin hoãn để về từ biệt gia
đình trước đã (Lc 9,61-62). Êlisa đã từng
xin Êlia cho về từ giã gia đình trước khi theo Êlia
(1 V 19,19-21), và Êlia đã đồng ý. Còn ở đây Đức
Giêsu lại không đồng ý. Về từ giã gia đình
thì giống như người đi cày mà ngoái lại sau lưng.
Đức Giêsu nghiêm khắc đòi những ai theo mình phải
toàn tâm toàn ý và theo Ngài vô điều kiện.
GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Sau khi học hỏi về ba cuộc gặp gỡ giữa
Đức Giêsu và ba người trẻ, bạn thấy mình
có dám theo Ngài không? Kitô hữu là người môn đệ
đi theo Chúa Giêsu là Thầy, bạn thấy theo Chúa có khó
không?
|