Nhân loại đang
rất cần Bình An Giêsu
Suy niệm Chúa nhật VI
Phục Sinh Năm– C
( Ga 14, 23-29 )
Lời chào chúc Bình an
Người
Do thái mỗi khi gặp thường chào chúc nhau “shalom” có nghĩa là bình an hay hòa
bình. Văn hóa Việt Nam “bình an” cũng có nghĩa là “hòa bình”. Tuy nhiên, “bình an”
thường được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn “hòa bình” diễn
tả tương quan giữa người với người, quốc gia với quốc gia và quốc tế với nhau.
Đã
làm người, ai cũng muốn được bình an. Sống cần bình an, chết cũng cần bình an.
Vì thế mà trên bia mộ của người Kitô hữu, chúng ta thường bắt gặp ba ký tự
(R.I.P) viết tắt của (Requiescat in Pace) trong tiếng La tinh có nghĩa là “hãy
nghỉ ngơi bình an”. Dưới cái nhìn mặc khải Kitô Giáo, bình an là trạng thái của
người dồi dào ân sủng Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu
Chúa ban.
Đức Kitô là Hoàng Tử Bình An
Khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu ra đời, tiên tri Isaia đã
loan báo Người là Hoàng Tử Bình An, Người đến để thiết lập hòa bình giữa con
người với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và giữa con người với nhau (Is 9,5).
Lúc đó, người ta sẽ "đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo
mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và
thiên hạ thôi học nghề chinh chiến" (Is 2,4). Giữa cảnh tha
hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: "Ta sẽ lập với chúng
một giao ước bình an" (Ed 37,26).
Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần ca hát
rằng "vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài
người Chúa thương" (Lc 2,14). Như thế, “Bình an” đã xuất
hiện tỏ tường trong ngày Chúa giáng sinh.
Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã
dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một
Điều Răn Mới (x. Ga 15,12). Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh
Thần (x.Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của
Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ
tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang
cần đến hơn bao giờ hết.
Chúa
Giêsu chính là Bình An đích thực. Có bình an của Chúa Giêsu đồng nghĩa với có
chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được
Bình An Giêsu người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lạnh manh,
nghĩa là bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách
chung, nhiệm cục cứu độ.
Bình an của Đức Kitô
khác với bình an thế gian ban tặng
Câu
hỏi được đặt ra: Tại sao là 'bình an' mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức
khỏe hay điều gì khác? Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không
có bình an thì coi như chẳng có gì.
Với
nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò đầy thương mến, Chúa Giêsu nói với các
môn đệ: "Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Thầy" (Ga 14,1). Người cũng nói với họ: "Thầy để lại
bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em
không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi" (Ga
14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng.
Tại sao bình an của Chúa Giêsu thế gian không thể ban tặng? Thưa, vì Chúa Giêsu
chính là Bình An; là nguồn bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an
của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con
người.
Lời
Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị mắc bệnh : "Này con, lòng tin
của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh" (Mc
5,34). Bà được khỏi bệnh cả thể xác lẫn tâm hồn, bình an tuyệt đối. Bình an
cũng là điều Chúa truyền cho các môn đệ khi đi rao giảng Tin Mừng, Người căn
dặn : "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy" (Mt
10,12). Trên đường đi Giêrusalem, tới gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, những người
theo Đức Giêsu tung hô: "Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh
Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời" (Lc
19,38). Chúa Giêsu là Bình an trên trời và dưới đất.
"Bình an cho anh em!" (Lc
24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi sống lại và hiện ra với các môn
ngày thứ nhất trong tuần. Có Bình an Giêsu, con người các ông hoàn toàn đổi
mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửu đóng then
cài, nay đi rao giảng Thiên Chúa Chúa Giêsu chết bị chôn trong mồ đã sống lại
hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.
Thánh Phaolô khẳng định : “Chính Người là bình an của
chúng ta” (Ep 2,14). Về căn
bản, bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà
không mãnh lực nào có thể cướp mất được, kể cả cái chết. Sở dĩ Chúa Giêsu có
thể 'cam lòng chịu chết' để cứu độ nhân loại vì chính Người là Bình An.
Lời Chúa Giêsu an ủi các môn đệ :“Anh em đừng xao xuyến!
Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tại sao tin vào Thiên
Chúa và tin vào Chúa Giêsu Kitô lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất
an? Thưa, bởi vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân
loại. Người đem bình an cho nhân thế. Ai thiết lập tương quan mật thiết, liên
vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm,
ma quỷ, thế gian, xác thịt.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”.
Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa. Xin đoái thương ban cho
chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con
đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và
phục sinh của Chúa. Amen.
Lm. Antôn
Nguyễn Văn Độ
|