CÁCH GIẢI TỎA NHỮNG LO ÂU
CUỘC ĐỜI
Bất cứ ai tự hỏi về số
phận của mình trong dòng lịch sử mà họ đang
sống, đều thấy mình đụng phải một
bức tường bí ẩn. Đã hẳn, chúng ta, Kitô
hữu nhờ đức tin đều biết là vận
mệnh của ta sẽ được thành tựu trong CK
và trong HT, đó là niềm hy vọng vinh quang cánh-chung như
trên đây trình bày. Dầu
vậy, cái thành tựu vẻ vang ấy vẫn còn bị
bao trùm trong bức màn bí nhiệm chỉ hé mở từ
từ. Chỉ đến cuối cuộc đời,
với điều kiện đã trung thành vâng theo ân
sủng, ta mới hé thấy ánh sáng dọi trên các
đoạn đường đã qua.
Sống làm sao trong
Mùa Vọng dài dọn đường cho cuộc sống
lại và cuộc sống đời đời vinh quang
được hứa cho ta đó?
Trong CƯ, TC có thói quen nhờ các sứ ngôn
dạy cho Tuyển dân biết vận mạng đích
thực của họ xuyên qua các biến cố của
lịch sử dân tộc: Cứ từng chặng, họ
tưởng niệm lại những việc đã qua và dò
tìm được đường lối của ý định
TC cho tương lai sắp tới.
Trong Giao ước mới, Th.Phêrô, Th.Phaolô -
những cột trụ của GH - cũng chỉ dần dà
mới được thấy lộ ra trọn vẹn
sứ mệnh họ. (Th.Phêrô, xem: Cv 10.17-23,29-35; Th.Phaolô, xem
9.5-6,15-16; 11.25-26; 13.1-49); v.v…
Đối với ĐTN Maria cũng vậy,
Người chỉ nhìn rõ bí ẩn của vận mệnh
mình dưới ánh sáng của ngày Chúa Thánh Thần hiện
xuống. Bởi vậy:
Nhìn vào Đ.Maria, để hiểu
đời ta:
Về điều này, J.Guitton viết: “Tôi
nghĩ người ta có thể đến xin ĐTN soi
dẫn cho ta cách gián tiếp, như phản chiếu
lại, về vài vấn đề liên quan đến
cuộc sống con người trong thời gian… Những
vấn đề bình thường thôi của cuộc
sống mọi người, mà ai ai cũng phải tự
đặt câu hỏi: “Tôi sinh ra trên trần gian để
làm gì? Đời sống ngắn ngủi, với các
biến cố, các khủng hoảng và dòng lịch sử
không dò trước được, đang dệt thành vận
mạng tôi: Cái đó có nghĩa gì? Còn cái chết có nghĩa
gì? Bản chất của cuộc sống vĩnh cửu
được hứa cho ta là gì?” V.v…
“Tôi thiển nghĩ: Ta có thể tìm thấy
trong thái độ sống của ĐTN một cái gì giúp ta
hiểu và đào sâu vài khía cạnh của bí mật
cuộc sống của ta, xét như là nó được bao
hàm và tiên báo trong cuộc sống của Người. Vì tôi
tìm thấy ở đó một luật rất thông minh và
thực tế như sau: “Cái
cao cắt nghĩa cho cái thấp, cái bí nhiệm
cắt nghĩa cho cái tầm thường, người
thánh cắt nghĩa cho tội nhân, linh hồn cắt
nghĩa cho thân xác, cũng như TC cắt nghĩa cho loài
người.
“Chắc chắn, có nhiều huyền bí
hơn, nhưng cũng có nhiều ánh sáng ở trong cái cao
trọng hơn là ở trong cái tầm thường…
Chẳng hạn, có nhiều ánh sáng trong Mầu nhiệm
Nhập Thể để hiểu sự kết hợp
giữa linh hồn và xác của chúng ta, hơn là trong
việc học hỏi bằng kinh nghiệm và tâm lý.
“Vậy thì có
nhiều ánh sáng trong cuộc đời rất đặc
biệt và rất huyền diệu của ĐTN Maria
để hiểu cuộc đời chúng ta, hơn là
nếu ta chỉ khảo sát cuộc đời ấy theo
cách thường của loài người” (Sđd, 231tt).
Vậy,
cuộc đời của Đ.Maria diễn ra như
thế nào ?
Maria đã sống cuộc đời như
ta, trong tình trạng tranh sáng tranh tối của một
đức tin chỉ sáng tỏ dần dần.
J.Guitton viết: “TM Luca nhấn trên
điểm này của tâm hồn Đức Trinh Nữ:
Người “giữ kỹ
mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ
lại trong lòng” (Lc 2.19,51), tức là Người so sánh
các lời nói cũng như biến cố, đem cất
giữ trong ký ức, và hồi tưởng lại, suy
niệm trong lòng, tìm hiểu ý nghĩa kín ẩn của
chúng.
“Thỉnh thoảng hình như Đức
Mẹ tỏ ra không kịp hiểu một vài biến
cố và vài lời nói, Người chỉ hiểu
đầy đủ sau đó và trong ánh sáng dọi lại
của kỷ niệm. Trong biến cố lạc mất và
tìm lại Thánh Trẻ Giêsu trong Đền Thờ thì
thấy rõ: dù đã 12 năm sống với CG, Người
vẫn chưa hiểu ý nghĩa lời này của Ngài: “Thì sao tìm con, lại còn không
biết là con phải ở lại nhà Cha Con sao?” (Lc 2.49).
Với các Tông đồ cũng vậy, ĐG có lần
cũng nói là có những điều Ngài nói mà hiện nay
họ không mang nổi, không hiểu nổi, phải
đợi Thánh Thần, Thần Khí sự thật, sẽ
dẫn dắt họ vào tất cả sự thật…
“Thế nên, ta có thể hình dung ĐTN ngày ngày
suy nghĩ lại về những lời nói, những
biến cố của ĐG, Con mình, để rút ra
những ý nghĩa kín nhiệm và càng ngày càng sâu sắc
hơn, hầu được hiểu rõ tầm mức
của lời TC mời gọi mình cộng tác, cũng
như của lời ưng thuận lúc ban đầu
của mình với TC, đồng thời thấy
được phần nào kế hoạch nhiệm mầu
và kỳ diệu của TC cứ thực hiện, mặc
dầu phải trải qua bao âu lo khắc khoải, qua bao
hành động chống đối của loài
người…
“… Chúng ta có lẽ chưa đủ suy
ngắm về tính nhân loại của ĐTN. Thường
chúng ta đặt Người quá cao, vượt trên
điều kiện nhân loại bình thường. Nhưng
thật êm dịu và an ủi, khi biết rằng
đời sống của Người thật sự không
khác gì đời sống bình thường của mỗi
người chúng ta. Người cũng trải qua những
tình huống dệt thành bức thảm cuộc đời
con người, trải qua những cơn khủng hoảng
mà mọi cuộc sống con người đều có.
Người cũng gặp phải mâu thuẫn, và
Người không hề được miễn chuẩn cái
bi đát thường nhật của cuộc sống.
Nhưng hình như phương pháp riêng của Người
để giải tỏa những xung khắc, là
để chúng sẽ tự giải tỏa bởi thời
gian, phần mình, Người chỉ biết ở trong
đơn sơ và phú thác, im lặng và kiên nhẫn.”
(Sđd, trang 232tt).
Học nơi Mẹ cách giải tỏa
căng thẳng và khủng hoảng
Đ.Maria không hề thụ động
để mặc định mệnh mù quáng lôi kéo. Nhưng chính bởi lời “Xin
vâng” vô điều kiện, tích cực xuất phát từ ý
chí tự do muốn làm theo Thánh ý TC mọi đàng, mà
Người giải quyết các căng thẳng hay xung
đột không thể tránh trong cuộc đời mình.
Trong đời sống của một
người, mỗi lần có xung đột hay mâu
thuẫn là mỗi lần họ cảm thấy cuộc
sống mang sắc màu bi đát: Tâm hồn họ sầu
khổ, não nề…, họ cảm thấy như bị
giằng xé đôi ngả, hoặc như treo lơ lửng
giữa hai vực sâu… Đ.Maria cũng gặp những
cảnh chéo ngoe như thế trong đời. Ta thử
lấy ví dụ một hai biến cố trong đời
Đức Mẹ mà coi:
Ví dụ 1:
Người đang sống bình thản đời cô thôn
nữ trinh khiết, bỗng sứ giả của TC
đến đề nghị Người làm mẹ sinh
Đấng Thiên Sai. Đó là một tin sét đánh cho một
thiếu nữ còn đồng trinh. Người phải lên
tiếng hỏi: “Điều
ấy sẽ làm sao được vì tôi không biết
đến việc vợ chồng” (Lc 1.34). Rõ ràng là
một lời trình bày vấn đề khó xử… Sau khi
được mời tin tưởng vào sự can
thiệp của Thánh Thần, Maria nói: “Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài”. Dù ĐTN
đã có thể nói: “Tôi muốn thế này…, không muốn
thế kia…”. Nhưng Người đã nói với sứ giả:
“Xin hãy thành sự cho tôi theo
lời Ngài”, đây là một câu đơn sơ biểu
lộ sự kết hợp hài hòa giữa tác động
của ân sủng và tự do tín thác của loài
người, dung hòa quyền lợi của loài
người và quyền tối thượng chọn
lựa và tiền định của TC.
Ta không thể bảo rằng từ phút
ấy Đức Mẹ sống hoàn toàn yên ổn, vô tư,
đang khi chờ điều “khác đời” chưa
từng thấy, xảy ra nơi mình.
Ví dụ 2:
Những lời Thiên sứ truyền tin cho Người toàn
hứa những điều cao cả, lớn lao : “…Bà sẽ thụ thai, sinh hạ
một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Ngài
sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con
Đấng Tối Cao. Đức Chúa là TC sẽ ban cho Ngài
ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Ngài. 33 Ngài sẽ
trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều
đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận…” – “Trẻ
sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con TC.”
(Lc 1.31-33,35). Nhưng trong thực tế, Đ.Maria
chỉ thấy nghèo nàn khốn khổ hơn ai khác : Không
tìm được chỗ trọ, phải sinh con trong hang bò
lừa, không có nôi phải đặt con trong cái máng súc
vật ăn… Khi Giêsu lớn lên, chẳng thấy làm vua trên
ngai vàng, chỉ thấy một thanh niên bình thường
như mọi kẻ đồng trang lứa, cũng
phải học nghề làm thợ mộc, rồi cũng
phải chìa tay lãnh tiền công của những đồ
vật mình làm…
Người ta thường có xu hướng
thần thoại hóa các nhân vật được TC
tuyển chọn, họ nghĩ rằng TC sẽ dùng phép
mầu can thiệp là mọi chuyện sẽ đâu vào
đó, một kiểu như trong các chuyện thần
thoại, hoặc chuyện hoang đường tiên đồng,
ngọc nữ… Và từ đó ta sẽ nghĩ đời
Đức Mẹ không có gì căng thẳng, hay bi đát. Hay
có lẽ vì chúng ta luôn thấy Người im lặng, khiêm
nhường tuân phục ý TC và ý Con chí Thánh của mình trong
hết mọi sự, nên không có dấu tỏ ra khủng
hoảng, không thấy lộ ra chiến đấu vật vã,
than thở hay rên la… Không đâu! Đời Người
cũng có căng thẳng, bi đát, như bao cuộc
đời người khác, chỉ khác là căng thẳng
và bi đát đã được siêu hóa bởi một tâm
hồn trọn vẹn đơn giản, trọn vẹn
phú thác.
Đ.Maria siêu
hóa cái căng thẳng, bi đát ấy bằng tấm lòng
đơn sơ tín thác như thế nào ?
Rất nhiều người, cách riêng phụ
nữ, khi gặp những hoàn cảnh ngặt nghèo bế
tắc, không thấy lóe ra ở chân trời chút tia sáng hy
vọng nào, nên họ chỉ muốn chết cho thoát
khổ. Còn Mẹ Maria, Người làm thế nào?
Đức Mẹ đã xử sự giống như Con
mình. Như ĐG, Con của Người, đã nói trong
cơn hấp hối bi thống: “Lạy Cha… đừng theo ý của con, mà là ý của
Cha được thành sự” (Lc 22.42), Đức
Mẹ cũng hành động tương tự,
Người uốn ý chí mình thuận theo ý TC, Đấng
sẽ lo liệu tất cả: “Đây
là nữ tỳ Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài”
(Lc 1.38).
Từ đây căng thẳng bi đát kia
đã dịu xuống, nhưng không phải đau
đớn đã biến mất đâu. Từ lúc quyết
tâm xin vâng làm theo chương trình cứu độ của
TC, Đức Mẹ sống trọn vẹn đời
“một nữ tỳ” dâng hiến toàn thân, không bao giờ
rút lại, vào công trình cứu chuộc mà TC dẫn
Người vào, để cộng tác trong công cuộc
cứu độ nhân loại. (x. Thông Điệp “MĐCT”,
số 39).
Đ.Maria không đòi biết trước
tất cả con đường đời mình, biết
tất cả vận mệnh của mình. Khi chấp
nhận làm Mẹ Đấng Thiên Sai lúc Thiên sứ
truyền tin, Người đâu có đòi biết cuộc
đời Người sẽ ra sao, kết cục thế
nào. Có thể, Người linh cảm con đường
sẽ đầy đau khổ, vì là con đường
của công cuộc Cứu chuộc. Linh cảm ấy rõ nét
hơn, lúc ông già Simêon tiên báo minh bạch cho Người những
điều bi đát (x. Lc 2.34-35). Nhưng Người không
đòi cắt nghĩa, không đòi bảo đảm. Người tin cậy và phó thác.
KT chỉ giữ lại hai chữ mô tả tất cả
thái độ tâm hồn Người: “Con là nữ tỳ của
Chúa”. Mà tôi tớ là
kẻ nghe lệnh và làm theo. Dấn thân trọn vẹn,
sẵn sàng phục dịch một cách ý thức và tự
do.
- Bài học quí giá biết bao cho ta, nhất là
trong những giai đoạn khó khăn của cuộc
đời, và trong những tình huống khốn khó bi
thảm! Ta hãy ôn lại vài giai đoạn quan trọng
của đời Đức Mẹ để so sánh và
học đòi:
a) Đức
Mẹ trong tuổi thanh xuân đã trải qua con
đường ơn gọi như thế nào ? Gá nghĩa cùng
Giuse ư? Chọn con đường sống hoàn toàn
tận hiến “thánh thiện
cả thân xác lẫn thần hồn” ư ? (như
Th.Phaolô nói sau này ở 1Cr 7.34)… Nhưng đột nhiên
một biến cố từ trên dọi xuống: Thiên
sứ Gabrien đến kêu gọi Người thụ thai
và sinh hạ Đấng Cứu Thế… Và trình thuật
Truyền tin đã cho ta thấy rõ sự chấp thuận
dấn thân của ĐTN.
Trong cuộc đời mỗi người
chúng ta cũng vậy, sau tuổi thơ vô tư lự,
chúng ta sửa soạn bước vào đời. Đây là
ngưỡng cửa: cuộc đời bắt đầu
mở ra cho sự chọn
lựa. Người tuổi trẻ thấy cả
một cõi mênh mông mở ra trước mắt mình,
đầy quyến rũ và huy hoàng, song cũng hứa
hẹn bão bùng sóng gió; đầy sữa và mật ngọt
song cũng đầy mật đắng, giấm chua…
Nếu là Kitô hữu, có thể tất cả
tương lai lôi cuốn người trẻ tuổi theo
tiếng gọi: “Hãy phục vụ cho Nước TC, hãy làm
cho Chúa ngự trị trong thế giới, trong lịch
sử, hãy làm cho Ngài sinh ra bí nhiệm trong các tâm hồn.”
Họ lưỡng lự. Họ bối rối. Họ ngạc
nhiên tự hỏi tại sao mình được chọn
chứ không phải người nào khác. Họ cảm
thấy giữa các đòi hỏi nơi họ và khả
năng thực tế của mình có một khoảng cách vô
cùng rộng lớn. Tuy vậy, nếu họ chấp
nhận tuân theo những mưu định không thể
hiểu được ấy, thì sau giờ phút quyết
định, họ bước vào trong cuộc xoay vần
của Tạo hóa và của cuộc đời, nó
đưa họ đến lúc thì hoan lạc, lúc thì sầu
khổ, lúc thì cam go vật lộn, lúc thì khải hoàn vẻ
vang, có lúc tất cả những cái đó một trật.
b) Ta hãy nhìn ngắm Đức Mẹ vào
buổi đời đứng bóng: ở đây thấy
một chuyện đá động đến chức
vụ làm mẹ của Người. Đáp lại câu
một phụ nữ vô danh khen người mẹ có phúc
của Ngài, ĐG nói: “Phải
hơn phúc cho những ai nghe lời TC và noi giữ” (Lc
11.27-28). Lời cứng cỏi này, dù bên ngoài có vẻ
phủ nhận người mẹ, hay ít nhất cũng
hạ thấp giá trị của vai trò làm Mẹ của
Người lại không làm mích lòng ĐTN, vì nó khêu nổi
bật tâm hồn nữ tỳ khiêm hạ của Người:
cái phúc do huyết nhục, giống nòi, phải
nhường bước cho cái phúc do tinh thần, do thi hành lời
TC.
Mà sự nhường bước này là bí
quyết làm mẹ mà Mẹ Maria đã, đang và sẽ còn
sống nó, và là bài học mà những người làm mẹ
phải học hỏi.
Người mẹ là người nắn
đúc con mình, dạy cho con tiếng nói của dân tộc
mình, trong truyền thống gia đình, trên mảnh
đất cha ông… Hiển nhiên, những điều ấy
là những điều có giới hạn. Nếu các cái
đó tồn tại, ngăn chận, đứa trẻ
sẽ suốt đời ấu trĩ, chỉ biết
lặp lại những điều thô thiển, đơn
sơ mẹ nó đã mớm cho nó cùng với sữa mình.
Một người mẹ đích thực và xứng danh,
phải làm sao cho dây liên hệ tinh thần thắng thế
trên dây huyết nhục. Bà phải chấp nhận
đứa con ấy bị lấy đi khỏi vòng tay ôm
chặt của bà, để nó đi đến những
bến bờ khác, nói những ngôn ngữ khác, khai thác và phát
triển những mầm giống mà gia đình đã gieo,
thành những hoa quả khác lạ mà gia đình không thấy
trước được. Đấy là bí quyết
của mọi việc giáo dục gia đình, của
mọi truyền thống nhân loại: Phải tan vỡ ra
để có thể trung tín với nguồn gốc, cũng
như cây muốn lớn lên, vỏ nó phải nứt
nẻ và rơi rụng đi, để cây mới thật
là cây đúng tầm vóc xum xuê và hiệu năng sinh hoa
kết quả.
c) Ta còn có thể
gặp thấy một tình thế khó xử của Đ.Maria
trong giai thoại do Thánh Sử Mác-cô kể lại (Mc
3.20-21,31): ĐG trở về nhà và đám
đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn
đệ không sao ăn uống được. Anh em
họ hàng của ĐG đến “để bắt Ngài vì họ bảo: Ngài đã
mất trí”. Thân thuộc của ĐG đã lôi kéo Mẹ
Ngài vào cuộc: “Này, Mẹ
Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài kia và tìm Thầy!”
để lợi dụng uy thế Người gây áp
lực trên ĐG hầu lôi Ngài về, bắt Ngài chấm
dứt những việc dạy dỗ, rao giảng.
Đ.Maria không thể không theo họ, cho dù Người
biết là họ vô lý. Ta hãy nhớ đến thân phận
người đàn bà và nhất là góa phụ ở Trung
Đông cách đây 20 thế kỷ! Người bị bó
buộc phải làm như thể Người cũng tin Con
mình đã loạn óc!
Quả thực,
Người bị kẹt giữa hai bổn phận trái
ngược. Người ta đã linh cảm thấy ngay
đây mầu nhiệm sầu bi của Mẹ, Mầu
Nhiệm Thập giá… Trong tình
huống đó, Người đã phải vượt
thắng sự xung đột căng thẳng do áp lực
họ hàng gây ra thế nào, để có thể ủng
hộ sứ mạng của Con mình. Cuộc đời
của một con người trưởng thành, nhất là
có sứ mạng lớn cách riêng, hầu như luôn gặp
hiểu lầm và chống đối. Chắc ta chưa
quên ĐG là một người bị săn đuổi
hầu như suốt cuộc đời, lúc sơ sinh phải
trốn lánh vua Hêrôđê tìm giết; rồi trong những
năm thi hành sứ vụ công khai, luôn luôn Ngài buộc
phải rời chỗ trú ngụ, phải rút lui vào nơi
vắng vẻ, hoặc lánh sang biên giới khác vì
bị truy lùng bởi công an thời ấy…
Trong cuộc đời chúng ta cũng
biết bao tình huống bi đát như vậy: bên tình bên
hiếu, bên tình nhà bên nợ nước, bên nào nặng
hơn … Còn biết bao nhiêu hoàn cảnh giằng xé khác nữa
trong cuộc đời không cần kể ra đây... Kẹt
trong những hoàn cảnh đó, có người đã
liều làm điều trái lương tâm, phạm luật
Chúa…, có người chống lại thì mất quyền
lợi, địa vị, công việc, có khi phải
chấp nhận chết…
Trong thế kẹt tương tự,
Đức Mẹ chỉ còn biết giữ thinh lặng và kiên nhẫn trông cậy.
d) Đến
đây, cuộc đời ĐTN đi vào giai
đoạn cuối cùng, kể từ cuộc Phục
Sinh của CG và thời GH sơ khai. Có thể nói, sau khi Con
Chí Thánh Người thăng thiên, Đức Mẹ còn
sống ở dương thế mà tâm hồn như
chỉ muốn về trời nơi Con Mẹ đang
ở… Đức Mẹ có lý hơn Th.Phaolô mà nói:
“21 Đối
với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một
mối lợi. 22… tôi không
biết phải chọn đàng nào, 23 tôi
bị giằng co giữa hai đàng : ao ước của
tôi là ra đi để được ở với
Đức Kitô, điều này tốt hơn bội
phần : 24 nhưng ở lại
đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Pl
1.21-24).
Đức Mẹ sống cái giằng co
ấy thế nào, nếu chẳng phải là bằng thái
độ tuân phục ý TC muốn Người phải
sống vì GH, cho GH sơ khai sao ?
Qua gương sống ấy, Đức
Mẹ là gương mẫu cho mọi người già,
người về hưu, góa bụa, tàn tạ… Bắt
chước Đức Mẹ sống còn, là sống cho,
sống vì kẻ khác, ý nghĩa sống của giai đoạn
xế chiều này là như thế: họ sẽ là
nguồn suối cho kẻ khác, là khôn ngoan, là kinh nghiệm,
là trái chín muồi, là ánh hoàng hôn êm dịu cho kẻ khác.
Th.Phaolô nói:
“Dẫu
rằng con người bên ngoài nơi chúng tôi tiêu hao tàn
tạ, thì con người bên trong nơi chúng tôi cứ ngày
càng canh tân đổi mới” (2Cr 4.16).
Cũng vậy, theo thời gian, người
già lão tàn tạ theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng theo thực
tế, họ đang lột xác, cải lão hoàn đồng
cho đời sống vĩnh cửu, tâm hồn họ
trở nên trong sáng hơn, đơn sơ hơn, hiền
dịu lại, bình tĩnh và sáng suốt hơn, và bởi
sức trẻ trung tinh thần ấy, họ làm cho
đời sống vĩnh cửu ấy hiện diện
trước trong trần thế này. Người ta hỏi
Micae Angelo (điêu khắc gia vĩ đại người
Ý) tại sao nơi tượng “pièta” (Đức Mẹ ôm
xác Chúa), ông tạc khuôn mặt Đức Mẹ rất
trẻ như cô gái 18 vậy? Ông trả lời: “ĐTN
không thể già được!”
Hy sinh đau
khổ làm cho vui mừng
Có thể nói “CG vui sướng vô hạn khi
nghĩ đến cuộc Tử nạn, vì Ngài nghĩ
đến vinh hiển TC sẽ được do các đau
khổ ấy: “Thầy còn một phép
rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc
khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất
!” (Lc 12.50), phép rửa là câu nói bóng bảy để
chỉ cuộc khổ hình và chết đổ máu trên
thập giá.
“Đó là sự toàn thắng của tình yêu
Ngài, của lòng biết ơn của Ngài vì được
vinh hiển vô cùng nhờ việc được kết
hiệp với Ngôi Hai TC (ngôi hiệp). Ngài làm gì để
đáp ân? Ngài đã dấn mình vào cuộc khổ nạn và
Ngài đã đi “đến tận cùng”, bởi lòng yêu Chúa
Cha: “Để cho thế gian
biết Thầy yêu Cha Thầy,…Đứng dậy! Ta đi
khỏi đây!” (Ga 14.31)
Đức Mẹ học đòi theo
gương Con Mẹ:
Khi một trong bảy gươm nhọn
đâm thâu tim Đ.Maria, ý nghĩ về các ân sủng vô
hạn bởi đó Mẹ sẽ được, và vinh
quang Mẹ sẽ dâng lên TC, làm cho đau khổ trổ sinh
vui mừng trong linh hồn Mẹ và làm tăng lòng mến.
Với tâm hồn nào có sự hiện
diện TC, luôn luôn tiếp xúc với TC, ý tưởng
sự hy sinh và đau khổ không những không còn đáng
sợ, mà còn làm cho họ vui mừng. Chị Lucia,
một trong 3 trẻ đã được Đức
Mẹ hiện ra ở Fatima, sau một cuộc đời
dài đằng đẵng sống trong tuân phục ý TC và
các mệnh lệnh của Đức Mẹ, có nói: “Ý TC, là
Thiên đàng của tôi”
Cha B.M.Bernadot nói
: “Nơi chúng ta, có nhiều khi thấy dễ làm những
việc chúc tụng, tạ ơn, khâm phục, phó thác, khi
khác lại thấy khó... Có những giây phút tâm tình ta có
ở trong lòng mà không thể lên tới môi miệng. Lúc
ấy ta hãy nhớ: lòng trung
thành là bằng chứng của tình yêu. Thay vì dâng lên
những tâm tình mơ hồ, bạn hãy dâng các công việc
làm, các đau khổ bạn đang chịu.”
|