2- TÌM HIỂU CHÍNH MẦU
NHIỆM MÔNG TRIỆU
Ở ngay ngưỡng cửa
đặc ân Mông Triệu ,
ta đụng đầu với vấn đề: Đ.Maria có phải chết không?
Nếu ta đọc lại lời
tuyên bố của Tông hiến “TC vô cùng rộng
lượng”, ta sẽ thấy, ngay trong từ ngữ
được sử dụng, tránh không nói đến
Đ.Maria đã chết, song nói : “lúc mãn cuộc sống
dương thế của Người”. Tại sao? Vì
vấn đề “chết” của Đ.Maria còn chưa có
bằng chứng xác định. Chết và hồn xác lên
trời là hai điều khác
nhau, và hồn xác lên trời không đòi buộc
phải chết trước đã.
Vậy thử
hỏi, Đ.Maria có phải chết không?
-
Có ba giải đáp:
I.
Tin nhận “Đ.Maria chết”
Ngoại
trừ vài Giáo phụ (Th.Epiphanô +403) và một số
thần học gia kim cổ nghi ngờ, còn hầu hết
đều nhận việc “Đ.Maria chết” vì dựa
trên:
A/ Bằng cứ của
hai nguồn truyền tụng sau đây:
1- Các đền đài lưu
niệm.
2- Các văn kiện.
1- Các đền
đài lưu niệm : Có hai nơi dành cho mình vinh dự
được Đ.Maria sống và chết tại thành
mình:
+ Ephêsô
và Giêrusalem.
Êphêsô: vì Th.Gioan tông đồ,
được CG từ thập giá ủy thác Thân mẫu cho và ông đã đón tiếp Mẹ về
nhà mình (Ga 19. 27), và sau đó, theo
một truyền tụng, ông dời sang ở Êphêsô, ắt
hẳn đã đưa Đ.Maria đi theo, và ngày nay
người ta tìm thấy một ngôi nhà ở Êphêsô
được coi là nhà của Đức Mẹ.
Giêrusalem xem ra là nơi thích hợp hơn (M.M.D.,
tr.129-138). Hầu hết các sử gia đều
đứng về phía truyền thống Giêrusalem. Theo tài
liệu các Giáo phụ, Mẹ Maria chỉ ở Êphêsô vài
năm, rồi qua đời tại Giêrusalem. Bằng
chứng Giêrusalem chính là nơi Đ.Maria sống sau khi CG
về trời, thì rõ ràng sách Công vụ Tông đồ
(1.12-14) cho biết Người hiện diện trong HT
Giêrusalem, và thư của Th.Phaolô gửi tín hữu Galát (2.9)
viết vào khoảng năm 50 nói ông gặp Gioan và
Giacôbê là những cột trụ của HT ở Giêrusalem.
Như thế, thì phải giả thiết là Gioan (tông
đồ) sống ở đó, và Đ.Maria mà ĐG đã ủy thác cho
ông cũng ở với ông, ắt đã qua đời
ở đó.
- Từ thế kỷ 5, một truyền
thống cho biết có ngôi
mộ (trống) của Đ.Maria ở chân núi Cây
Dầu, không xa vườn Ghétsimani, trên đó xây một
Đại Thánh đường (x. Wikipedia, “Sépulcre de la Vierge
Marie”; hoặc báo Công giáo&Dân tộc, số 2179, tr.36). Chính
ở đó người ta tìm thấy một hang
động đã đón nhận thân thể của Đức
Mẹ. Tương truyền Mẹ qua đời một
cách tự nhiên, êm đềm sau một giấc ngủ và
cũng từ đây Đ.Maria được đưa cả
hồn xác lên trời,
để lại ngôi mộ trống.
- Cũng có một truyền
thống không được chắc chắn lắm, nói là Đ.Maria qua đời
ở trên thửa đất gần nhà Tiệc ly, trên
đó thấy có xây lên một Thánh đường qua
nhiều thế kỷ xây đi cất lại, gọi là
Thánh đường “Đức Bà an giấc”.
Một
điểm đáng lưu ý là hoàn toàn không hề thấy có
việc tôn kính các “thánh tích” (reliques) của Đ.Maria ở
nơi nào trong thế giới Kitô giáo; cũng không có
việc tôn kính ngôi mộ nào trong đó chôn cất thi hài
Đ.Maria, như người ta thường thấy
khẳng định về ngôi mộ của thánh nọ
thánh kia, nhất là các thánh tử đạo…
2- Các văn kiện : Gồm các sách Ngụy
Thư, Sử ký, Hồi ký….
Có một điều rất đáng chú ý: tất cả ngụy thư đều nói
Đ.Maria đã chết. Ít nhất, điều ấy
cũng kỳ lạ: đáng lẽ đặc tính thiên
về hoang đường của họ phải khiến họ
mô tả một kết thúc cuộc đời kỳ
diệu, trái lại họ nói Đ.Maria cũng đã
kết thúc cuộc đời bằng một cái chết
tự nhiên, bình thường.
B/ Bằng cứ
Phụng vụ
ABD, VI, 856 cho biết Hoàng Đế
Mauritius đã đặt lễ “Đ.Maria chết” này vào
Phụng vụ, ngày 15 năm 591. GH Rôma đã tin rằng:
Đức Mẹ đã nếm sự chết, rồi
được hiển dương, vì là Mẹ TC (x. M.B.,
133-35).
C/
Ý kiến chung của các Giáo phụ, các tác giả
đạo đức, các thần học gia.
Các vị ấy thường căn cứ
vào một số lý do, sau
đây vài lý do chính:
CG đã
chết, dù Ngài là TC không chịu luật phải chết và
cũng vì Ngài không có tội (chết là hình phạt của
tội), nhưng Ngài đã muốn
chịu chết, để dùng nó mà đền tội
thế gian: cái chết ấy là cái chết cứu
chuộc.
Còn Đ.Maria
bởi thuộc dòng giống nhân loại, Người có xác
có hồn, mà xác là do vật chất hợp lại, nên sẽ
có lúc mòn mỏi, tan rã. Vậy Người phải chết
do bản tính loài người ấy, chứ không phải vì
Người có tội, bởi Người là Đấng vô
nhiễm nguyện tội và chẳng đúng bơn nhơ
tội lỗi.
*
II. Tin nhận “Đ.Maria không chết”
Chính bởi chức Thiên Mẫu mà
Người được vượt ra ngoài trật
tự bình thường nhân loại, nguyên chức vị cao
sang làm Mẹ TC cũng khiến sự chết thành bất
xứng, vì chết là hậu quả của tội. Danh
dự TC buộc phải làm cho Đ.Maria thoát khỏi
chết.
Và TC đã làm sự ấy, khi ban cho
Đ.Maria đặc ân vô nhiễm nguyện tội : Khi
ban cho Người được đặc ân “miễn
khỏi lây bất cứ vết
tích nào của tội nguyên tổ”
chính là muốn tránh cho Người khỏi chết. Vậy
Đ.Maria đương nhiên được thoát khỏi
chết, vốn là phần phạt chung mọi người
nhân loại do nhiễm tội tổ (St 3.19), và các tội
riêng mình làm:
“Vì một
người (ông Ađam) mà sự tội đã đột
nhập trần gian, và vì tội thì sự chết nữa,
và như vậy sự chết đã lan qua hết mọi,
một khi mọi người đều đã phạm
tội.”(Rm 5.12).
Hơn nữa, không những
là Đấng vô nhiễm nguyên tội, và không hề
phạm tội đang khi “mọi
người đều đã phạm tội”, Đ.Maria
còn là “Đấng đầy ân
sủng” (Lc 1.28). Điều này chúng ta đã học
hỏi ở trên kia.
III.
Nhưng Đ.Maria đã chấp
nhận chết
“Không phải
chết” là một quyền lợi, mà đã là quyền
lợi thì người ta có
thể khước từ, nhất là vì có một ích lợi lớn hơn;
và đàng khác, nếu sự từ khước ấy không
những không làm mất lòng TC, Đấng ban ân, mà
ngược lại làm hài lòng Ngài. Vậy Đ.Maria có thể không chết (vì
Chúa ban cho Người ơn được miễn
trừ), chứ không phải Đ.Maria
không có thể chết, nhưng Người đã bằng lòng chọn sự
chết, hay đã chấp nhận chết, vì muốn nên giống Con mình
trong mọi sự.
Lý do sau cùng này gặp khó khăn: chấp
nhận chết để nên giống Con Mình ư ? ĐG
chết là để đền tội cho loài người,
và cái chết của một mình Ngài là đủ (Hr
9.11-14,25-28; 10.10-14), còn Đ.Maria chết chẳng
đền tội cho ai, chẳng có mục đích gì quan
trọng, chỉ là để nên giống Con mình, phải
chăng một chuyện không cần thiết?
Đàng khác, nếu Đ.Maria không chết thì cuộc
vinh thắng trên sự chết, do công phúc Tử nạn
và phục sinh của CG, được thực hiện
trước tiên nơi Người, càng thêm trọn vẹn
và hiển hách.
Nhưng có ý kiến lại đồng ý
rằng Đ.Maria chấp nhận chết là hợp lý, vì
tuy Người vô nhiễm nguyện tội và không dính bén
tội lỗi nào, nên không bị án phải chết, song
Th.Phaolô cho biết quy
luật này : được sống lại là phải
chết trước đã:
“Ngươi
gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được
sống…
Việc kẻ chết sống lại cũng vậy” (1Cr
15.36).
Nhưng
thiết nghĩ qui luật phải chết trước rồi
mới được sống lại này cũng không áp
dụng vào Đ.Maria được, vì Người đâu
có sống lại, song “đã được… nhắc
vào vinh quang thiên quốc”, (đúng
vậy, được
“nhắc vào (hay đem vào) vinh
quang”
thì hình như muốn nói Người không phải chết),
như vậy Người không buộc theo qui luật
phải chết nêu trên, nhưng đúng như lời tuyên
bố định tín của Tông hiến “TC vô cùng rộng
lượng” là Người “mãn cuộc sống
dương thế”, vào
đúng giờ TC đã định chấm dứt cuộc
đời Người ở trần gian, TC đem hồn
xác người vào vinh quang. Chẳng phải trong KT đã có
xảy ra như thế cho ông Hênốc (Hr 11.5, x. St 5.24), ngôn
sứ Êlya (2V 2.11) sao?
Tuy nhiên, cho dù TC và ĐG có cho phép Đ.Maria
được nếm cái chết, thì các Ngài lại không
muốn để Người phải chịu cái
điều nhục nhã của sự chết: là tan rã
trong mồ. Như thế, Đ.Maria mới nên giống ĐG, Ngài chết song thân xác
của Ngài không bị tan rã (Cv 2.31) và đã sống lại.
Thân phận chúng ta thì trái lại, thân xác ta đang mang trong
cuộc sống trần gian, sẽ chết và bị tan rã
trong lòng đất (St 3.19), chỉ đến khi TC cho ta
sống lại, ta sẽ được ban một thân
xác thần thiêng, như 1Cr
15.42-44 xác nhận:
-“Việc
kẻ chết sống lại cũng vậy : gieo xuống
thì hư nát, mà chỗi dậy (=sống lại) thì bất
diệt; … gieo xuống là thân xác khí huyết, mà chỗi
dậy (=sống lại) là thân
xác thần thiêng.”
Và 2Cr 5.1 thì nói là được
TC ban một ngôi nhà bền vững vĩnh cửu do chính
TC dựng nên:
-"Quả
thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng
ta ở dưới đất, là chiếc lều này (= thân
xác trần thế), bị phá huỷ đi (tức là chết),
thì chúng ta có một nơi ở do
TC dựng lên, (đó là) một
ngôi nhà vĩnh cửu (=thân xác phục sinh) ở trên trời, không do tay
người thế làm ra.”
Nói như
trên “được một thân xác thần thiêng” hay
“được ban một ngôi nhà vĩnh cửu”, là giả
thiết đã xảy ra một sự biến đổi,
lý do là bởi vì :
“Máu thịt khí
huyết không thể thừa hưởng (= vào) Nước
Thiên Chúa, cũng như sự hư hoại không thừa
hưởng được sự bất hoại… (do
đó) tất cả chúng ta
sẽ được biến đổi…,
sẽ mặc lấy sự bất diệt.”(cc.51-53)
Xét theo
lời Chúa như thế, thì ngay cả thân xác Đ.Maria cũng
là thân xác nhân loại, do cha mẹ nhân loại (ông Gioakim
và bà Anna) sinh ra dù được vô nhiễm nguyên tội, nhưng
vẫn là “máu thịt khí
huyết”, do đó “phải
được biến đổi” thành thân xác thần
thiêng mới “được nhắc vào vinh quang thiên
quốc”, vào Nước TC (Thiên đàng), là lãnh vực
thần linh của TC là thần linh. (Theo lời Th.Germanô
thành Công-ti-năng-pô-li)
Song TC cũng có thể làm cho thân xác Đ.Maria
được biến đổi mà không chịu
luật phải chết, y như TC sẽ làm cho các
kẻ còn sống sót lúc CK quang lâm, theo lời Th.Phaolô:
“Đây tôi nói cho anh em biết mầu
nhiệm này : không phải
tất cả chúng ta sẽ chết, … trong một giây
lát, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. … những kẻ
đã chết sẽ chỗi dậy mà không còn hư nát ; còn chúng ta (những
kẻ còn sống sót), chúng ta sẽ được
biến đổi.” (1Cr
15.51-53)
Điều Th.Phaolô ước ao mà không
được: “Ta những
khắc khoải được mặc trùm ngay lấy
chốn ở thiên đài dành cho ta (= thân xác sống
lại”)(2 Cr 5.2-4), thì Đ.Maria đã được.
Hồn xác lên trời của
Đ.Maria là một mầu
nhiệm cộng đồng
Đức Maria được rước
cả hồn và xác lên trời trước chúng ta, nhưng
không là một đặc ân riêng lẻ cá nhân, mà là một mầu nhiệm
cộng đồng, nhưng với một ý
nghĩa khác Mầu nhiệm sống lại của CK.
a/ Trong Mầu nhiệm
sống lại của
CK-Đầu, tất cả HT thân thể Ngài đã được bao gồm cách tiềm tàng trong Ngài
như trong căn nguyên, trong
nguồn gốc của sự sống lại của
mình. Bởi thế cho nên việc được cùng
sống lại là do từ CK phục sinh phát xuất ra:
“21 Nếu tại một
người (Ađam) mà nhân loại phải chết, thì
cũng nhờ một người (ĐK) mà kẻ chết
được sống lại.” (1 Cr 15.21)… “Sao trong anh em có
người lại nói : không có chuyện kẻ chết
sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại,
thì Đức Kitô đã không sống lại.” (1Cr 15.12-13)…
Và việc
sống lại ấy sẽ được thể
hiện không sai chậy, lúc tận thế, cho tất
cả những ai thuộc về CK :
“Mọi người nhờ liên
đới với Đức Kitô, cũng được TC
cho sống (lại). Nhưng mỗi người theo
thứ tự của mình: Mở đầu là Đức Kitô,
rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt
những kẻ thuộc về Người.” (cc.22-23)
b/ Trong việc Hồn xác lên trời của Đ.Maria, ý
nghĩa cộng đồng lại khác: Khi Đ.Maria được
đưa cả hồn xác vào trong vinh quang của Con mình,
thì cũng như xưa Người đã đại diện cho cả nhân
loại trong lời Xin Vâng đón nhận Đấng
Cứu thế; và ở đồi Golgotha, Người
cũng đã đại diện cả nhân loại đang
cần ơn cứu chuộc, trước mặt CK
đang hấp hối, bởi lời Xin Vâng Đồng
Thống khổ và hiệp thông vào cuộc Tử nạn
cứu chuộc, thì đương nhiên, trong việc
Hồn xác lên trời đây, Đ.Maria hẳn cũng
đại diện cho nhân loại đã được
cứu chuộc trong việc hiệp thông chung cuộc vào ơn
cứu chuộc toàn diện, tức là được
sống lại cả thể xác nữa.
Nhưng việc đại diện này có tính
cách đặc biệt ở chỗ chính ở trong Đ.Maria Hồn xác lên trời
mà HT - Hiền thê CK - đi
đến gặp Hôn Phu của mình trong khải hoàn.
Như thế, Đ.Maria hồn xác lên trời là hình ảnh
cánh-chung đi trước mà HT sẽ đạt tới sau
này!
Việc hồn xác lên trời của Đ.Maria
không là căn nguyên
(như CK) của sự sống lại cả thể xác
của HT và của nhân loại chúng ta, song chỉ là một minh họa
hay hình ảnh đi trước về cuộc sống
lại toàn diện ấy của HT và của nhân
loại ngày cánh-chung-cùng-tận. Diễn ra như vậy
cốt để thêm vinh quang cho TC, còn tín hữu
được thêm tin tưởng vào lòng nhân lành rộng
rãi bao la của TC – Đấng không chỉ dành sự
sống lại cho Con Một của Ngài, mà còn thông ban
cả cho loài người phàm hèn xác thịt.
Ơn sống lại ấy được
ban cho CG một người nam và cho Đ.Maria là một
người nữ để cho thấy rằng: Ơn
cứu độ TC ban cho cả hai phần nhân loại,
vì nhân loại TC dựng nên không chỉ có nam mà còn có nữ. Và cũng cho
thấy rằng TC không kỳ thị phụ nữ, có khi
còn tôn trọng họ nữa ! Chẳng đúng sao? Cứ
xem: cũng như Ađam-Eva đã cộng tác với nhau gây
nên tội và sự chết, thì cặp song đôi
Giêsu-Maria (Ađam-Eva mới) cũng cộng tác
để đem lại ơn cứu độ toàn
vẹn xác hồn cho toàn thể nhân loại gồm cả
nam nữ, đang khi TC có thể một mình dư sức
cứu chuộc nhân loại.
Như
thế, Đ.Maria làm chứng rằng: lòng trông cậy
của toàn thể nhân loại gồm cả nam và nữ là
điều đúng đắn, khi họ hướng
vọng đến sự thông chia sự sống sung mãn
cũng như sự thánh thiện viên mãn của Đầu
mình .
Tạ ơn ĐG Kitô ! Nhờ Ngài, ta
được có một “hi vọng vinh quang” huy hoàng như
thế, khác xa với số phận nghèo nàn, buồn tẻ
của người trong CƯ: chết là phải xuống
âm ty (scheol) âm u, vật vờ, tẻ lạnh…; hay của
người ngoại giáo chết phải xuống Thập
điện Diêm la chịu hành hạ vì các nghiệp
chướng mình gây ra; hay của người vô tín không
biết chết rồi số phận sẽ rơi vào
chốn mơ hồ vô định nào…
M.Bobichon viết:
“Khi cho Đấng bị đóng đinh sống lại;
Chúa Cha đã khởi công làm mới tất cả vũ
trụ (x. Kh 21.4t). Nhưng cuộc sống lại (cả
phần xác) của chúng ta còn bị trì hoãn vì TC giãn ra ít lâu
cho kẻ tội lỗi có thời giờ ăn năn
hối cải (xem 2Pr 3.9). Bởi vậy chúng ta dễ
đâm ra tin rằng: các điều đó chỉ là giấc
mơ đẹp không có ngày mai, và chúng ta vội nghĩ
rằng: sau một tia hy vọng lóe lên, thì “tất cả mọi sự vẫn tồn tại y
như thuở tạo thiên lập địa” (2Pr 3.4). GH
chỉ còn có việc dựng lên những guồng máy
quản trị để điều hành cho tốt…
Nếu đúng thế, chúng ta sẽ là “những kẻ vô phúc nhất loài người” (x. 1Cr
15.19)”.
Theo Tông hiến
“TC vô cùng rộng lượng”, thì sau cùng, nếu
Đức Piô 12 có đồng ý công bố tín điều
Đ.Maria hồn xác lên trời, chính là vì “cần nhắc cho GH và thế giới nhớ lại
ý nghĩa thần linh về lịch sử của
mình, và cần cao giọng nhắc lại rằng: niềm
trông đợi Chúa vinh quang nơi chúng ta không phải là
lỗi thời” (sđd, 177-178).
Công Đồng Vat 2 (HC GH,
số 68) cũng xác nhận điều ấy khi công
bố: “Ngày nay, Mẹ CG đã được vinh hiển
hồn xác lên trời, là hình ảnh và khởi đầu
của GH sẽ hoàn thành đời sau. Cũng thế,
cho tới ngày Chúa đến, Người chiếu sáng
như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm
an ủi cho dân Chúa đang lữ hành dưới đất
này”.
ee¯gg
PHỤNG VỤ
Không lạ gì mà trong Phụng vụ, HT
Đông Tây ca mừng Mầu nhiệm Đ.Maria hồn xác
lên trời với những lời lẽ hết sức huy
hoàng.
1/ Trước tiên, HT ca ngợi CG Phục
Sinh và Thân Mẫu Ngài:
Từ Phục
Sinh tới Lễ Hiện Xuống, các sách TƯ không nói gì
đến ĐTN Maria (trừ ở Cv 1.14). Nếu có
tường thuật CG Phục Sinh hiện ra với môn
đệ, là để củng cố họ trong niềm
tin và dạy dỗ họ thêm về Nước TC. Không
thấy nói minh bạch đến Mẹ CG có
được thấy Con mình trong khoảng thời gian
đó hay không.
Trái lại lòng đạo đức bình dân,
có linh khiếu riêng của mình, vẫn tin rằng: “ĐG
sống lại trước hết đi viếng
Đức Mẹ” (Kinh cầu Chịu nạn). Đành
rằng Đức Mẹ không cần phải thấy Con
mình phục sinh mới tin cuộc khải hoàn của Ngài.
a- GH Tây Phương, trong Phụng vụ
Phục Sinh, cũng bắt chước phần nào sự
kín đáo ấy của KT. Dầu vậy, GH liên kết
mật thiết Đ.Maria vào niềm vui sống lại
của Con mình :
“Chính
nhờ tin mà Người đã cưu mang CK và cũng
nhờ tin mà Người chờ đợi Con mình sống
lại …Người đã thấy trước ngày ngập
tràn ánh sáng và sự sống, ngày tử thần bị
hủy diệt tiêu tan…”
Với Mầu nhiệm Phục
Sinh, Đ.Maria đã được đưa vào giai
đoạn mới của chức làm Mẹ vinh hiển các
linh hồn, bởi vì từ nay Người là Mẹ
Đấng đã bước vào vinh quang Chúa Tể. Về
Đấng ấy, Th.Phêrô tuyên bố: “TC đã đặt làm Chúa, và làm Kitô, ĐG mà các ông
đã đóng đinh kia”(Cv 2.36).Và Th.Phaolô lấy lại
một Thánh ca của GH sơ khai mà khẳng định: “Mọi loài trên trời
dưới đất đều mở miệng tung hô :
Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2.11). Vậy thì kể từ đó,
Đ.Maria được tôn vinh là Nữ Vương cả
vũ trụ, trời và đất, như lời GH ca
tụng Người sau đây:
“Chính vì Người
đã hết tình phụng sự CK, nên Chúa Cha đã ban cho
Người được muôn phần vinh hiển. Và vì
Người đã xưng mình là Nữ tỳ hèn mọn, nên
Chúa Cha đã tôn Người làm Nữ Hoàng bên cạnh Chúa
Con, để tiếp tục cầu thay nguyện giúp cho
chúng con được nhờ…”
Và qua Kinh nguyện sáng, trưa, chiều, Mùa
Phục Sinh, toàn thể con cái GH tung hô Người :
“Lạy Nữ Vương thiên
đàng, hãy vui mừng. Alleluia!
Vì Đấng Mẹ đã
(xứng) đáng cưu mang trong lòng. Alleluia!
Ngài đã sống lại thật
như lời đã phán hứa. Alleluia!
Xin cầu cùng Chúa cho chúng con.
Alleluia!
Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh
Maria, hãy vui mừng hoan hỉ. Alleluia! Vì Chúa đã sống
lại thật. Alleluia!
b- GH Đông Phương cùng hòa muôn câu ca hoan lạc với Đ.Maria:
“Hãy
bừng sáng, hãy bừng sáng Tân Giêrusalem, vì Vinh quang Chúa
tỏa trên Ngươi! Hãy vui mừng và hãy sửa soạn,
hỡi Sion! Còn Mẹ, hỡi Mẹ tinh toàn của TC, hãy
vui mừng trong cuộc sống lại của Con Mẹ!”
(Mercenier, Sđd. 275).
“Hỡi
Đức Nữ Toàn năng, Mẹ đã đẩy xa biên
giới sự chết khi Mẹ sinh CK ra đời, là
sự sống vĩnh cửu, Đấng hôm nay ra khỏi
mồ sáng láng vinh hiển và chiếu sáng cả vũ
trụ… Hãy vui mừng với các Tông đồ, hỡi
Đấng tinh tuyền và Đầy ân sủng, và hãy là
người đầu tiên nhận lấy ơn cứu
rỗi, hỡi Mẹ là nguyên nhân sự vui mừng cho
tất cả chúng con” (Sđd. 292).
“Đấng
đã nắn nên Thủy tổ chúng con, vâng lạy Mẹ,
lại đã do Mẹ nắn tạo nên, hỡi Mẹ
sạch trong. Bởi tự nguyện nhận cái chết,
Ngài đã phá hủy sự chết do Ađam gây ra, và Ngài
chiếu sáng mọi người bởi hào quang thần linh
của cuộc Phục Sinh Ngài” (Sđd. 293).
“Lạy Trinh
Nữ, các tín hữu chúng con đồng thanh tung hô Mẹ là
Người diễm phúc… Kính chào Mẹ, nhờ Mẹ, hôm
nay đã chiếu trên chúng con ánh sáng phục sinh từ cõi
chết của Đấng sinh từ lòng Mẹ” (Sđd,
294).
Sau cùng,
tổng lược cả kế đồ cứu rỗi,
là một bài thi ca phục sinh chúc tụng rằng :
“…Cao tằng
Tổ phụ của Mẹ, Vua thánh tiên tri Đavít, đã
ca mừng trước Đấng đã làm nơi Mẹ
những điều kỳ diệu, trong những lời
sau đây: “Hoàng Hậu
đứng bên hữu Vua”. Vì TC đã làm cho Mẹ thành
người ban phát sự sống, vì Ngài đã khấng nhập
thể trong lòng Mẹ, không cần người cha, hầu
tái tạo hình ảnh Ngài đã bị hư đốn vì
các đam mê, hầu dẫn về cho Chúa Cha, vác trên vai Ngài –
là ĐK giàu lòng thương xót - con chiên lạc lối
mất tích giữa rừng rậm núi non, và cho nó hợp
với các Thiên thần, hỡi Mẹ TC!” (Sđd. 301-302).
2/ Và tiếp theo đây, Phụng vụ ca
mừng chính Đức Mẹ được dự vào vinh
hiển CK ở trên trời, với cả xác cả
hồn.
a- Trong Phụng
vụ Đông Phương, lễ này mang tên “Dormitio”,
“Đức Mẹ an giấc”, có ý nói Đức Mẹ không
chết, hoặc ám chỉ việc qua đời của
Người êm ái như giấc ngủ.
Phụng
vụ Bydăngtin lên tiếng ca tụng:
“Trong
việc sinh TC ra đời, hỡi Đấng trong
sạch, Mẹ đã thắng lướt các định
luật tự nhiên. Nhưng để bắt chước
Con mình và cũng là Tạo hóa mình, Mẹ đã phục tùng
luật thiên nhiên song để vượt qua: vì thế ,
sau khi từ trần, Mẹ đã sống lại
để sống vĩnh viễn với Con Mẹ”
(Mercenier, Fêtes fixes, 427-428).
“Trong việc hồn xác
lên trời, hỡi Mẹ TC, các đạo binh Thiên thần
lấy cánh thánh thiện của họ, vừa run sợ,
vừa vui mầng, để bao bọc thân xác Mẹ,
vốn rộng lớn đủ để làm nơi trú
ngụ cho TC”.
“TC Vua muôn loài muôn vật,
đã ban cho Mẹ điều vượt quá tự nhiên; vì
trong việc Mẹ sinh hạ CG, Người đã giữ
Mẹ đồng trinh vẹn toàn, và trong cuộc an táng
Mẹ, Người đã gìn giữ xác Mẹ không hư
nát, Người đã cho Mẹ hưởng vinh quang
của cuộc Hồn xác lên trời như một quà
tặng của người Con cho Mẹ mình” (Sđd, 430,
431).
“Mồ đá và thần chết bất
lực không thể cầm giữ Mẹ TC, luôn hằng
tỉnh thức bầu cử và là niềm hi vọng
vững chắc cho chúng con bởi sự bảo vệ
của Người. Vì như Mẹ là Mẹ của sự
sống, TC, Đấng ngự trong lòng dạ luôn
đồng trinh của Mẹ, đã đưa Mẹ vào
cõi sự sống” (Sđd, 432).
-Và ngày
Hồn xác lên trời vinh hiển, là ngày Đ.Maria khai
mạc việc trung gian chuyển cầu trên trời bên tòa
CG, Con của Người, cho nên Phụng vụ Bydăngtin xin Người:
“Trong
việc làm Mẹ sinh hạ Chúa, Mẹ đã giữ
vẹn toàn đức trinh khiết, trong việc Mẹ
ngủ, Mẹ không hề bỏ thế giới này, hỡi
Mẹ TC. Mẹ đã bước vào sự sống,
nhờ Mẹ chuyển cầu, hãy giải thoát linh hồn
chúng con khỏi sự chết”.
“Lạy Đấng Quan
Thầy tốt lành, hãy giơ đôi tay thánh lên Con Bà,
…hầu Ngài thương xót các tôi tớ của Bà”.
“Hỡi
Đấng Vô nhiễm tội, Mẹ TC, luôn sống
với Vua sự sống, Con Mẹ, xin đừng thôi
bầu cử, hầu cho đoàn lũ con cái Mẹ
được bảo vệ thoát khỏi tất cả
mọi tấn công của địch thù, vì chúng con nép mình
dưới tà áo che chở của Mẹ” (Sđd, 414, 416,
418).
b- Trong Phụng
vụ Tây Phương, lễ được
đặt tên “Assumptio”: Mông Triệu, linh hồn và xác
được đưa lên trời, đem vào vinh quang
của CK.
“Lạy TC toàn năng hằng hữu, Chúa
đã đưa lên trời cả hồn xác Đ.Maria là
Trinh Nữ vô nhiễm, và là Thánh Mẫu của Con Chúa. Xin
cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc
lộc quê trời để mai sau cùng được Thánh
Mẫu chung hưởng vinh quang…”. (lời Nguyện Nhập lễ)
Kinh Tiền tụng, lấy lại Truyền thống lâu
đời, coi việc Đức Mẹ hồn xác lên
trời như một tiền ảnh của điều HT
sẽ được sau này:
“Lạy
Cha chí thánh…, chúng con cảm tạ Cha mọi nơi mọi
lúc thật là chính đáng, v.v…. Hôm nay, Đức Trinh
Nữ, Mẹ TC đã được đưa về
trời, Người là khởi đầu và là hình ảnh
của HT viên mãn, là niềm hy vọng và an ủi tràn
trề cho dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế. Cha
không muốn Người chịu cảnh hư nát trong
mồ, vì Người đã sinh hạ con Cha yêu quí, là
Đấng ban sự sống cho mọi loài. Vì thế …”
Và lời Nguyện Hiệp lễ,
cũng như trong Phụng vụ Bydăngtin, xin
Đức Mẹ làm Đấng chuyển cầu cho ta
được hưởng vinh quang phục sinh như
Người:
“Lạy Chúa, trong ngày
lễ ĐTN Maria lên trời, Chúa đã cho chúng con
được hưởng nhờ bí tích cứu
độ. Vì lời ĐTN nguyện giúp cầu thay, xin
chúng con được sống lại vinh hiển”.
Danh từ chỉ việc
Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời. Về từ Mông Triệu:
được dùng trong Giáo Hội Việt Nam trước đây, đó là
dịch từ La-ngữ “Assumptio”. Theo sách Từ
Điển Công giáo Anh-Việt, của Nguyễn Đình
Diễn, Bản mở rộng (2014), tr.162, “nguồn
gốc từ chữ Hán: “Mông” là “được”, còn
“Triệu” là “gọi”, “vời đến”, ý nói Đức
Mẹ được TC gọi lên Thiên đàng chứ không phải
chết.”
Xin trích một đoạn Ngụy thư có tựa
đề là “Transitus Mariae” (“Sự qua đời của
Đ.Maria”): (Sau khi các Tông đồ từ mọi nơi các
ngài đến giảng đạo, được
đưa về Giêrusalem một cách lạ lùng…), các ngài
tụ họp quanh Đ. Maria… và CG hiện đến…
“…Tất cả mọi người ngợi khen Thiên Chúa. CG dang
hai tay thanh sạch ra, đón lấy linh hồn thánh
thiện và vô tỳ tích của Mẹ. Và, đang khi linh
hồn vô tỳ tích ấy ra khỏi thân xác, nơi đó
tỏa ra một mùi hương thơm và chan hòa ánh sáng khôn
tả. Và người ta nghe thấy một tiếng từ
trời phán: “Người
thật có phúc hơn muôn ngàn phụ nữ”. Các Tông
đồ khiêng áo quan và đặt thi thể châu báu và thánh
thiện (của Mẹ) trong một ngôi mộ mới
tại Ghétsêmani. Này đây, một làn hương thơm
ngát nhẹ nhàng lan tỏa từ ngôi mộ thánh của Bà
Chúa chúng ta, Mẹ Thiên Chúa. Và trong suốt ba ngày,
người ta nghe thấy tiếng các Thiên thần vô hình ca
ngợi Đức Kitô, Thiên Chúa chúng ta, đã từ Mẹ
sinh ra. Và đoạn ba ngày, người ta không còn nghe các
tiếng ấy nữa. Từ đó, chúng tôi tất cả
biết rằng thân xác vô tỳ tích và châu báu của Mẹ
đã được rước về Thiên đàng.”
|