MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
[ Audio] Tóm Lược Học Hỏi Phúc Âm: Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A.( Linh Mục Cao Siêu, Dòng Tên)
Thứ Tư, Ngày 25 tháng 10-2023

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm A

Mát-thêu 22,34-40

Lời Chúa:

34Khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: 36"Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" 37Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. 39Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".

 

 

Câu1: Bài Tin Mừng này của thánh Mátthêu (Mát-thêu 22,34-40) thường được coi là đã dựa trên bài Tin Mừng của thánh Mác-cô ( 12,28-34). Mát-thêu đã viết ngắn hơn Mác-cô. Bạn hãy tìm xem những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai đoạn Tin Mừng đó. 

TRẢ LỜI: Mát-thêu 22,34-40 và Mác-cô 12,28-34 có những điểm giống nhau và khác nhau. Ở Mát-thêu, “một người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu” (Mát-thêu 22,34-35), còn ở Mác-cô “một người trong các kinh sư” đến hỏi Đức Giêsu (Mác-cô 12,28). Ở Mát-thêu, nhóm Pha-ri-sêu hỏi là để thử (Mát-thêu 22,35), còn ở Mác-cô, ông kinh sư này hỏi có ý tốt (Xem Mác-cô 12,32-34). Cả hai bên đều hỏi câu hỏi có nội dung giống nhau về đâu là “điều răn trọng nhất” (me-ga-lê) hay “điều răn hàng đầu” (pro-tê). Câu trả lời của Đức Giêsu về điều răn thứ nhất ở Mác-cô 12,29-30 dài hơn Mát-thêu 22,37 và theo sát Đệ nhị luật 6,4-5 hơn. Còn về điều răn thứ hai, Mát-thêu và Mác-cô như nhau (Mát-thêu 22,39; Mác-cô 12,31). Khác với Mát-thêu, sau khi Đức Giêsu trả lời, trong Mác-cô còn có cuộc truyện trò thân mật giữa ông kinh sư và Ngài (Mác-cô 12,32-34). 

Câu 2: Đọc Mát-thêu 22,34. Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc câm miệng về chuyện gì ? Nhóm Xa-đốc là nhóm nào? Nhóm Xa-đốc có thân với nhóm Pha-ri-sêu không?

TRẢ LỜI: Đức Giêsu đã làm nhóm Xa-đốc câm miệng về chuyện người chết sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Nhóm Xa-đốc là nhóm các tư tế cấp cao, không tin vào sự sống lại vì họ chỉ tin vào Ngũ Thư mà thôi. Như thế nhóm này có quan điểm ngược với nhóm Pha-ri-sêu là nhóm tin có sự sống lại của thân xác vào ngày thế mạt. Sau khi đụng độ với nhóm Xa-đốc, nay Đức Giêsu lại tiếp tục đụng với nhóm Pha-ri-sêu.

 

Câu3: Đọc Mát-thêu 22,36. Môsê đã để lại tới 613 điều răn. Vậy câu hỏi của ông ấy về “điều răn nào lớn nhất” có phải là một câu hỏi nghiêm túc không? 

TRẢ LỜI: Môsê đã để lại 613 điều răn, trong đó có những giới răn cấm, và những điều răn phải giữ. Vì số lượng quá nhiều nên các rabbi Do-thái hay đặt câu hỏi xem điều răn nào lớn nhất, trọng nhất, hay đứng hàng đầu: thảo kính cha mẹ, hay yêu người thân cận…Vậy câu hỏi trên có thể là một câu hỏi nghiêm túc.

Câu 4: Mát-thêu 22,37 là đoạn đầu của kinh Shema (Đệ Nhị Luật 6,4-5) mà mọi người đàn ông Do-thái phải hướng về Đền thờ ở Giêrusalem mà đọc to sáng tối hai lần. Mát-thêu 22,37 có khác với Đệ nhị luật 6,4-5 không? 

TRẢ LỜI: Câu trả lời của Đức Giêsu trong Mát-thêu 22,37 là một phần của trích dẫn trong sách Đệ nhị luật 6,4-5: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), với tất cả trái tim anh (em), với tất cả linh hồn anh (em), và với tất cả sức lực anh (em).” Như vậy, thay vì “với tất cả sức lực” thì Mát-thêu đổi thành “với tất cả trí khôn.”

Câu 5: Điều răn thứ nhất ở Mát-thêu 22,37 có phải là một đòi hỏi triệt để tận căn không?

TRẢ LỜI: Điều răn trọng nhất (megalê) và đứng hàng đầu (protê) là điều răn nói lên thái độ phải có đối với Thiên Chúa (Mát-thêu 22,38). Điều răn này đòi buộc ta yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ mọi năng lực của mình như trái tim, linh hồn, trí khôn, hay sức lực. “Tất cả” là từ được nhắc lại nhiều lần, cho thấy Thiên Chúa đòi một sự trọn vẹn, triệt để, chứ không chỉ một phần. Yêu với “tất cả trái tim của ngươi” là yêu với tất cả con người mình, vì đối với người Do-thái, trái tim không chỉ là chuyện tình cảm, mà bao gồm mọi hoạt động nội tâm, như lý trí, hiểu biết, ý thức, trí nhớ, suy tư, phán đoán, nhận định. Mọi năng lực tinh thần ấy của con người đều phải tập trung vào một đích nhắm là “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.”  

Câu 6: Mát-thêu 22,39 là điều răn thứ hai được lấy từ sách Lêvi 19,18. Thế nào là yêu người thân cận? Đọc Luca 10,29-37 để biết người thân cận là ai.

TRẢ LỜI: Điều răn thứ hai hướng đến tha nhân, được nói đến trong sách Lêvi 19,18. Điều răn này giống điều răn thứ nhất vì cũng đòi hỏi phải yêu mến (Mát-thêu 22,39). Nhưng đây là yêu mến người thân cận (Mát-thêu 5,43; 19,19). Yêu người thân cận như chính mình là coi người khác như một phần của con người mình, là thương người như thể thương thân. Lòng yêu mến tha nhân bắt nguồn từ tình yêu đối với Thiên Chúa, và được nuôi dưỡng bởi tình yêu ấy, vì tha nhân là thụ tạo của Thiên Chúa như ta và là anh em của ta. Luca 10,29-37 cho thấy người thân cận của ta không phải là người đồng bào hay đồng đạo, nhưng là mọi người đang cần ta giúp đỡ. 

Câu 7: Hai điều răn Đức Giêsu đưa ra ở Mát-thêu 22,37-39 có điểm nào giống nhau và khác nhau? Hai điều răn ấy có liên quan mật thiết với nhau không?

TRẢ LỜI: Hai điều răn ở Mát-thêu 22,37-39 cùng có động từ “yêu mến” (agapáô): yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Điều răn thứ nhất đòi yêu Thiên Chúa một cách trọn vẹn, triệt để. Điều răn thứ hai đòi yêu tha nhân như chính mình. Ta không yêu tha nhân như yêu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, vì tha nhân cũng là thụ tạo như ta. Phải đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên tình yêu đối với thụ tạo. Nhưng tình yêu tuyệt đối ta dành cho Thiên Chúa không làm giảm đi khả năng yêu mến tha nhân. Trái lại, nó cho ta có khả năng yêu tha nhân một cách anh hùng, đến nỗi khiến ta yêu tha nhân hơn cả chính mình. Thánh Maximilian Kolbe là một thí dụ. Có thể ví tình yêu đối với Chúa như thanh dọc của thập giá, còn tình yêu đối với tha nhân như thanh ngang. Thanh ngang cần thanh dọc để bám, và làm nên thập giá của đời kitô hữu.

Câu 8: Đọc Mát-thêu 22,39. Yêu chính mình có phải là một điều răn không? Đâu là những tội tôi thường phạm đến chính bản thân mình?

TRẢ LỜI: “Yêu người thân cận như chính mình” (Mát-thêu 22,39). Đôi khi chúng ta quên rằng mình cũng phải yêu chính mình, yêu một cách thực sự. Khi ta nuông chiều thân xác thì thật ra lại đang làm hại nó. Khi ta khép lại trong ích kỷ là lúc ta làm mình nghèo đi. Mọi tội ta phạm đến Thiên Chúa hay tha nhân đều làm hỏng bản thân mình. Yêu mình thực sự đòi ta mở ra.

 

GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Giêsu tóm tất cả Luật và các sách Ngôn sứ trong Cựu Ước vào hai điều răn: yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân (Mát-thêu 22,40). Theo ý bạn, yêu là gì? Yêu Chúa với cả trái tim có khó không? Yêu tha nhân như yêu mình có khó không? Làm sao để tôi tập biết yêu?

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768