MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Liệu
Thứ Ba, Ngày 10 tháng 9-2019
LIỆU

Kinh Thánh cho biết: “Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương, Chúa đý, tự tay lo liệu. Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa, kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì.” (Tv 10:14) Thiên Chúa quan phòng và tiền định mọi sự. Ngài lo liệu tất cả, Ngài chỉ cần chúng ta dâng cuộc đời mình cho Ngài, bằng cách ký thác đường đời và công việc cho Ngài định liệu, rồi cứ an tâm. (x. Tv 37:5; Tv 16:3) Đó là hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đáng nhân hậu và quyền năng.

Trong sách “Luận Ngữ”, đại nhân Khổng Tử nhận định: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người không lo xa ắt có buồn gần.) Và Diêm Thiết Luận nói: “Biết phòng xa thì cai quản người, không biết phòng xa thì người cai quản.” Thật chí lý!

Người ta thường nhắc nhở nhau về cách sống bằng câu đơn giản: “Liệu cơm gắp mắm.” Và người ta cũng có câu cảnh báo: “Làm không biết tính, thính không có mà ăn.” Quả thật, dù điều to hay nhỏ, dù việc bình thường hay quan trọng, thì cũng đều phải tính toán, cân nhắc – dù với mức độ khác nhau. Thực sự toan tính chứ không mưu mô, lọc lừa, lươn lẹo, ranh ma, vụ lợi hoặc thực dụng... “Liệu” là thể hiện tính trung dung, thật khó chứ chẳng dễ chút nào!

Người ta thường nhắc nhở: “Liệu hồn đấy!” Có nhiều thứ phải “liệu”, một trong những thứ đó là lời nói (miệng lưỡi). Thật vậy, cổ ngữ xác định: “Cẩn ngôn vô tội, cẩn tắc vô ưu” (Giữ gìn lời nói thì không sai lỗi, cẩn thận thì không lo lắng.) Còn Kinh Thánh nói mạnh hơn: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người.” (Hc 5:13)

Thế nhưng người ta cũng có kinh nghiệm này: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Còn Thánh Phaolô xác định: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1 Cr 3:6) Đó mới thực sự là vấn đề! Đối với Thiên Chúa, mục đích của sự tính toán không là để hưởng lợi riêng mà là để từ bỏ mọi sự, kể cả chính mình. Cách tính toán của Thiên Chúa thật là độc đáo! Đúng vậy: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi.” (Kn 11:20) Và chúng ta thường nói ngắn gọn: Thiên Chúa quan phòng và tiền định.

Trong cuộc sống đời thường, vấn đề sinh hoạt hằng ngày, đành rằng mọi người đều phải biết lo liệu – cả việc chung và riêng, người lớn liệu chuyện lớn, người nhỏ liệu chuyện nhỏ. Chuyện tâm linh cũng cần biết lo liệu sao cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa, phù hợp với hoàn cảnh sống của mỗi người. Sống đúng bậc mình trong hoàn cảnh hiện tại là biết lo liệu để nên thánh, là biết làm đẹp lòng Thiên Chúa, theo khuyến cáo của Đức Giêsu Kitô: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Tất nhiên cũng liên quan cách sống nhân hậu: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36)

Lo liệu có thể là tính toán theo các phép tính thông thường, nhưng phải liệu sao có ích lợi cho cộng đồng: CỘNG lại tình người, TRỪ đi hận thù, NHÂN lên yêu thương, CHIA sẻ lòng thương xót, và không CHIA rẽ bao giờ. Tác giả sách Khôn Ngoan đã thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng con vốn là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” (Kn 9:13-14) Và rồi tác giả nhận định: “Thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.” (Kn 9:15) Thật là giỏi toan tính, khéo liệu bề.

Trong cuộc sống thực tế luôn có sự phũ phàng, nhưng đó là sự thật: “Đời là thế!” Chắc hẳn chẳng ai dám chối cãi. Và rồi có lần Chúa Giêsu cũng đã phân tích: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38) Thân phận phàm nhân chỉ là cát bụi, quá mỏng dòn và yếu đuối, thế nên luôn phải cố gắng tỉnh thức kẻo sa chước ba thù – ma quỷ, thế gian, và xác thịt. Thứ nào cũng ghê gớm, dữ tợn, đủ sức làm chúng ta đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi. Do đó mà luôn phải cẩn trọng, tỉnh thức. Theo nghĩa này, tỉnh thức cũng là một cách lo liệu để tránh bất trắc, kẻo trở tay không kịp. Muộn rồi!

Lời thân thưa với Chúa của tác giả sách Khôn Ngoan như lời nói thay tất cả chúng ta: “Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng? Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.” (Kn 9:16-18) Thụ tạo quá thấp kém, có lúc không nghĩ được ngoài tầm “cái bóng” của mình, đừng nói chi nghĩ xa, nghĩ rộng, hoặc nghĩ cao hơn. Đối với những điều trần tục mà còn vậy, huống chi đối với những điều siêu phàm!

Thật đúng “đời là thế.” Đã bao lần thấy có những điều tưởng chừng dễ như trở bàn tay, thế mà chúng ta phải khó nhọc lắm mới có thể làm được; và cũng có những điều tưởng như trong tầm tay, thế mà lại vuột mất, khiến chúng ta băn khoăn, ưu sầu, lo lắng... Lo liệu đủ kiểu, tính toán chi li và kỹ lưỡng, thế mà cũng chẳng nên công cán gì, không khác “dã tràng xe cát biển Đông”. Vì thế, dù chuyện to hay nhỏ đều phải nhờ ơn Chúa: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)

Biết người là sáng, biết mình là khôn. Cả hai đều cần để có thể liệu cách cư xử. Thánh Gióp nhận định: “Chúa có thể giết tôi, tôi chẳng còn gì để hy vọng, nhưng trước nhan Người, cách sống của tôi, tôi phải biện hộ. Đó chính là điều sẽ cứu tôi, vì trước nhan Người, ác nhân sẽ không dám xuất đầu lộ diện.” (G 13:15-16) Dạng “khẩu phật, tâm xà” là đúng kiểu Pharisêu và đúng quy trình giả hình của ma quỷ. Cách sống thường nhật của chúng ta đối với tha nhân quan trọng hơn động thái khúm núm trong nhà thờ. Chắc chắn SỐNG ĐẠO quan trọng hơn GIỮ ĐẠO, bởi vì từ cửa nhà thờ trở ra mới chứng tỏ ai là môn đệ đích thực của Đức Kitô, chứ không phải chỉ từ cửa nhà thờ tới bàn thờ. Thiên Chúa chẳng vị nể ai, cứ theo sự thật mà hành động.

Mọi quyền hành đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, kể cả quyền sinh – tử. Ngài “bắt phàm nhân trở về cát bụi” khi Ngài phán bảo: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3) Đối với Thiên Chúa luôn là hiện tại, không có quá khứ hoặc tương lai, không có khái niệm thời gian hoặc không gian, không có khái niệm xa – gần hoặc dài – ngắn: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:4) Kinh Thánh xác định: “Quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả đều do Ngài thực hiện. Điều xảy ra bây giờ cũng như sắp xảy ra, Ngài đều suy tính cả. Điều gì đã xảy ra, cũng do Ngài suy tính.” (Gđt 9:5) Rõ ràng Thiên Chúa đã liệu mọi sự từ trước đời đời.

Mọi sự, hữu hình và vô hình, đều thuộc về Thiên Chúa. Thời gian là của Chúa, ngay cả sự sống và bất cứ thứ gì chúng ta sở hữu cũng KHÔNG thuộc quyền của chúng ta, nhưng chúng ta được Ngài ban cho quyền quản lý. Tất nhiên chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách quản lý của mình. Khoảng trăm năm đời người xem chừng dài lắm, nhưng cũng chỉ như thoáng chiêm bao, tựa bóng câu qua cửa sổ, không khác đóa phù dung hoặc con thiêu thân: “Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.” (Tv 90:5-6) Quả thật, tuổi đời càng tăng thì người ta càng cảm thấy thời gian như ngắn hơn trước, dù một giờ vẫn đủ 60 phút, không thừa không thiếu. Đó là một thực tế bất biến. Qua đó, chúng ta hiểu và chắc chắn rằng Thiên Chúa bất biến, vĩnh tồn, chỉ tại nhân loại biến thiên mà thôi. Nghĩ ngắn nên mới suy bụng ta ra bụng người. Chảnh thấy ớn!

Nhận biết mình là gì và ý thức mình là ai, Thánh Vịnh gia tha thiết cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12) Đó là khôn khéo, tỉnh thức, biết lo liệu, biết tính toán. Sẵn sàng như vậy nên người ta khát khao được ngụp lặn trong Biển Tình Yêu của Đấng Hằng Hữu: “Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90:13-14) Rất cần thiết tâm nguyện suốt đời rằng “Ngay từ rạng đông, con tìm kiếm Chúa” (Tv 63:2) và “Ca ngợi Danh Thánh Chúa từ rạng đông tới lúc chiều tà!” (Tv 113:3)

Ỷ sức mình là ngu xuẩn, bởi vì chúng ta sẽ “trắng tay” vì “xôi hỏng, bỏng không”. Nhưng nếu biết cầu xin Chúa phù trợ thì chúng ta có thể quản lý cuộc đời mình hiệu quả: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17) Muốn vậy thì phải buông bỏ những thứ lỉnh kỉnh, rườm rà, nếu không sẽ vướng víu lắm.

Thánh nữ Faustina đúng là một trinh nữ khôn ngoan vì đã có thể xác định: “Tôi không tìm hạnh phúc ngoài nội tâm nơi Chúa cư ngụ. Tôi hạnh phúc khi Chúa ở trong tôi. Tôi ở với Ngài mãi mãi. Đó là nơi thân mật của Ngài và tôi. Tôi an toàn ở bên Ngài. Đó là nơi không bị loài người dò xét. Đức Mẹ khuyến khích tôi giao tiếp với Chúa bằng cách này.” (Nhật Ký, số 454) Thật tuyệt vời! Nhưng có lẽ đôi khi chúng ta có vẻ như lợi dụng hơn là tín thác vào Chúa – mặc dù chúng ta vẫn nói: “Con tín thác vào Chúa.” Phải cẩn trọng kẻo bị ảo tưởng, vì sự lợi dụng và lòng tín thác rất “gần” nhau, khá giống nhau. Nếu chính mình đang như vậy mà không biết thì đáng sợ lắm!

Thánh Phaolô viết trong thư gởi cho Philêmôn: “Tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi là một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô.” (Plm 9-10) Thánh Phaolô phải kêu gọi bác ái vì người ta thường lầm lẫn các cạnh của “tam giác yêu thương” – Bác Ái, Công Bình, và Bố Thí. Ba cạnh có vẻ “giống” nhau và “đều” nhau, nhưng thực tế không phải vậy. Ví dụ, trong âm nhạc, “nửa cung” có vẻ giống nhau, dù gọi là bán-cung-dị hoặc bán-cung-đồng (có vẻ rất giống nhau khi dùng piano – thực tế rõ ràng với phím đen và trắng – theo bán cung Tây Phương, nhưng thực tế hai nửa cung ấy hoàn toàn khác nhau, nếu xét theo kiểu bán cung của Ấn Độ, và bán cung Việt Nam cũng tương tự). Bác ái là cao cấp nhất, yêu thương vì người khác chứ không có thứ gì khác xen vào.

Có vẻ như câu chuyện này mang tính riêng tư vì là thư riêng của Thánh Phaolô gởi cho Philêmôn, nhưng thật ra vẫn có điểm chung – cái riêng ở trong cái chung, và cái chung ở trong cái riêng: “Tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện. Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa. Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi”. (Plm 12-17) Yêu thương chân thành và liên đới rõ ràng. Đó là cách lo liệu chu đáo đậm nghĩa tình.

Tình và nghĩa không tách rời nhau. Ân tình là yêu thương, yêu thương là bác ái. Yêu thương bằng hành động chứ không là lời nói suông của cái miệng – đầu môi chót lưỡi. Vừa khó vừa dễ. Còn tùy. Cái chữ “tùy” thực sự đáng quan ngại lắm! Vấn đề là đừng “đội trên”, chớ “đạp dưới”. Nghĩa là đừng mặc hai loại áo, một loại có vạt trước dài và một loại có vạt trước ngắn – loại áo dài của các quan lại ngày xưa. Nói thẳng ra là đừng nịnh trên mà hù dưới. Kiểu này nhiều người vẫn “vướng mắc”, nhưng với “phong cách” tinh vi hơn xưa và đa dạng hơn.

Theo trình thuật Lc 14:25-33, một hôm có lẽ trời quang mây tạnh, không áp thấp cũng chẳng bão bùng, Chúa Giêsu thấy có rất đông người cùng đi đường nên quay lại nói với họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Người ta luôn khoái “vội vàng vơ vét về” mà Ngài lại bảo phải “bỏ”, bỏ hết mọi sự. Thế thì chán chết được. Nhưng đó lại sự thật hiển nhiên, vì không bỏ thì vướng víu lắm, nặng nề lắm, làm sao có thể mang vác thứ cần thiết là thập giá?

Là tín nhân, ai cũng biết được rằng Chúa Giêsu rất khoái dụ ngôn, chuyện gì cũng dụ ngôn (Mt 13:34; Mc 4:34), nhưng thực tế chứ không bịa đặt – dụ ngôn chứ không phải là ngụ ngôn. Ngài vừa truyền thống vừa tân kỳ, cứ thản nhiên “bổn cũ soạn lại” khi phân tích: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.” Thấm thía thật!

Với Kitô hữu thì là kỳ diệu, với người không tin thì là kỳ cục, bởi vì Chúa Giêsu chỉ là thợ mộc, khéo đục đẽo thôi, chứ không hề là thợ xây, cũng chẳng là thầu khoán, thế mà lại nói chuyện xây dựng. Thảo nào người ta thấy “chói tai”. Mà “chói” thật, vì chính nhà thầu khoán cũng phải tâm phục khẩu phục chứ nói chi thợ xây, thợ hồ. Còn nữa, Chúa Giêsu cũng chẳng kinh nghiệm làm vua ngày nào, thế mà lại tính chuyện giao chiến như một tướng quân. Thế nhưng thủ tướng hoặc đại tướng quân sự cũng phải tôn Ngài làm Đại Sư thôi. Lạ lùng lắm!

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, Chúa Giêsu nói thẳng luôn: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ tôi được.” Cái mẫu tự B này “to tướng” luôn. Bỏ thật, bỏ hết. Biết buông bỏ là biết tự “liệu hồn” ngay khi còn có thể và còn thời gian mà cố gắng “đền tội” ngay ở đời này, để hy vọng không phải vào “phòng chờ” Luyện Hình. Và mục đích cuối cùng của mọi tín nhân là được trở thành công dân Nước Trời.

Lạy Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định, xin thúc giục chúng con luôn sống tích cực, can đảm dứt khoát bỏ mọi sự, bỏ hết những gì không thuộc về Ngài, để có thể thanh thản định hướng cuộc đời theo Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768