Sáng sớm ngày mùa đông.
Trong những ngày đầu tháng 12 năm 1997 gia đình em tổ chức đi nghỉ mát một tuần, vì hè vừa rồi không đi được. Khu nghỉ mát Sầm Sơn- Thanh Hóa vào mùa đông vắng vẻ, không có khách du lịch, dường như là có duy nhất gia đình em đi nghỉ. Ngoài bãi biển không có ai ra tắm hay phơi nắng, xa xa có những thuyền đánh cá, buổi đêm ra biển em thấy có những thuyền đi câu mực.
Yên tĩnh trong sự ồn ào của sóng biển xô vào đá núi.
Đối với các thành viên trong gia đình thì đây là thời gian nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao nhọc vì công việc hàng ngày. Riêng với em thì đây là thời gian để em chọn lựa theo đạo Thiên Chúa hay sống giữa đời.
Những hình ảnh về đạo Thiên Chúa, về người Công giáo luôn in đậm trong tâm trí em từ khi em còn đang học mẫu giáo. Bộ phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Khi cha Ralph đi đón gia đình Merghi ở ga, lúc cha nhìn thấy cô bé đứng nấp sau mẹ cha đã tiến lại gần, quì xuống và bế em lên trên tay mình. Cử chỉ cha quì xuống mà không để ý đến chiếc áo dòng bị quệt xuống đất, hay khi cha thấy em tủi thân, lẻ loi mà yêu thương bế em lên trên tay... đã làm em ước mong mình cũng được yêu thương. Phim “Những người khốn khổ”, “Người đàn ông có bộ mặt cười”, phim “Thày lang”, “Jen Ero”... và em rất muốn mình cũng được sống trong tu viện, như các bạn cầu nguyện trước khi ăn, trước khi đi ngủ, được chơi ở sân nhiều cây cối trong tu viện, được đi dọc các hành lang của tu viện...
Cuộc sống hiện tại trong gia đình hoàn toàn khác với những ước nguyện đó của em. Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố mẹ là công nhân nên đời sống kinh tế rất bình thường và bố mẹ cũng phải đi làm thêm ca ba. Bố mẹ cho em ở nhà một mình từ khi còn bé để đi làm và chính điều đó đã giúp em có tính tự lập. Vì không được sự kèm cặp của bố mẹ nên em cũng mải chơi lắm, học đến lớp 7 thì nhận ra “mình có thể học được tốt mà!”. Em rất thích đọc sách, không có tiền để mua sách em đi đến các hiệu sách và đọc hay đi cùng các anh chị họ đến thư viện đọc ké. Trong những cuốn sách em đọc có nhiều nhân vật là người Công giáo. Em cũng muốn mình trở thành người Công giáo để cũng làm được nhiều việc làm tốt như họ. Em ghi những điều gì hay mà mình đọc được vào sổ tay để tập làm theo, và chính việc ghi chép này là công việc em yêu thích.
Tất cả về Đạo Thiên Chúa được em ấp ủ trong lòng và lần đầu tiên em cất tiếng gọi Thiên Chúa vào đêm trước ngày em ra khỏi bệnh viện – đêm Giáng sinh năm 1996. Đêm hôm ấy, em vẫn thấy vết mổ làm em đau quá không thể ngủ được, nằm trên giường bệnh em nghe thấy tiếng chuông ở nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội vọng sang, em đã thầm nói: “Lạy Chúa, xin cho con được giấc ngủ ngon đêm nay”. Và em đã ngủ lúc nào không hay nữa. Sáng hôm sau khi đang soạn đồ để trả lại cho bệnh viện, em nhớ lại những gì diễn ra đêm qua, em thấy vui vui trong lòng và em hứa với Chúa là ngay khi bình phục em sẽ đến nhà thờ.
Những bước chân nhỏ bé đi trên bờ biển trải dài, nhẹ êm.
Hơn hai tháng sau, sức khỏe của em đã hồi phục bình thường và em bắt đầu đi học. Hôm ấy được nghỉ 2 tiết cuối, em chưa định về nhà ngay mà sang nhà thờ Phùng Khoang gần trường em học – Trường Phổ Thông Trung Học Trần Hưng Đạo – cách khoảng 1km. Nhà thờ không mở cửa, vắng vẻ nhưng em biết Chúa đang ở trong đó! Em thầm nghĩ: “Chúa ơi, làm sao con gặp được Chúa đây ạ?”. Em đi quanh nhà Thờ một lúc và hứa với Chúa là để lần khác sẽ đến lại. Vì hẵng còn sớm nên em đi thăm anh Ái và anh Cẩn (hai anh gia sư dạy Toán-Hóa). Khi đến nơi em được biết anh Ái lên trường chỉ có anh Cẩn ở nhà. Đang khi nói chuyện anh Cẩn đi lấy cho em mượn một cuốn sách, anh vui vẻ nói:
- Anh thấy em thích đọc sách, cho em mượn này và chỉ được đọc trong một tuần thôi nhé vì em sắp thi rồi.
Cầm quyển sách trên tay là biết đã có nhiều người đọc và nhiều lần đọc, cuốn sách không còn có bìa, các mép sách quăn cả lại. Sách dày hơn nghìn trang, khổ nhỏ. Làm sao có thể đọc hết trong một tuần, cuốn sách chắc chắn là rất hay. Em chào anh Cẩn ra về với niềm vui khi cầm cuốn sách trên tay. Em đi lên hiệu sách phố Tràng Tiền, em vừa vào đến cửa thì thấy trên giá có tấm thiệp chúc mừng, có một lời ghi trên thiệp:
“I have you in my heart”
Em xin chị bán sách lấy cho xem tấm thiệp và không do dự gì nữa em đã mua ngay dù biết là rất nhiều tiền, bằng số tiền ăn sáng của cả tuần. Ngắm nhìn tấm thiệp với niềm vui, niềm hạnh phúc, hy vọng một tình yêu đến với mình. Em không ở lại xem sách như mọi khi nữa em ra về trong lòng vui tươi nhẩm đi nhắc lại nhiều lần câu viết ghi trong tấm thiệp. Sau này, khi em đọc Kinh Thánh, em mới hiểu câu ghi trong tấm thiệp đó là của Thánh Phaolo (Pl 1,7).
Sắp đến Tết Nguyên Đán nên em có thể đọc sách được, nhưng vẫn không muốn để bố mẹ phải lo. Em đọc sách của anh Cẩn cho mượn vào cuối ngày, chùm chăn và cho chiếc đèn bàn vào trong chăn. Thật là quyển sách rất hay, em ghi được rất nhiều vào cuốn sổ tay, và vì không có tên sách nên em đã ghi là: “Những điều răn”. Sắp đến thời hạn trả sách mà vẫn còn nhiều trang chưa đọc, em thấy hơi buồn. Tối hôm đó, như thường lệ, em đọc đến đoạn có ghi: “Khi anh ao ước hãy vào phòng riêng đóng cửa lại rồi suy nghĩ: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời…’” Em vùng chăn ra reo lên: “Ah! con có người cha ở trên trời”. Em chép hết cả đoạn đó vào sổ và cứ đọc đi đọc lại như đó là lời nói với cha mình. Hôm em đến trả sách cho anh Cẩn em hỏi ngay tên sách, anh Cẩn nói tên sách là “Kinh Thánh”. Khi trên đường về và nhiều ngày sau đó em đi hỏi khắp các hiệu sách trong thành phố Hà Nội nhưng không thấy ở đâu có bán “Kinh Thánh”. Và em đã coi những điều răn ấy là điều răn của cha mình, kể từ đó em nói chuyện nhiều hơn với người Cha vô hình.
Những bước chân trên cát là những bước chân theo Chúa.
“Cha ơi, con đã sống và thực hiện những lời trong Kinh Thánh, xin hãy giúp con theo Đạo”. Khắp các nhà thờ trong thành phố Hà Nội em đã đến, sau thì em tìm thấy một ngôi nhà thờ ở gần nhà nhất, chỉ đi 15' đạp xe là đến nơi. Ngoài biển chỉ dẫn “Nhà Thờ Nam Đồng” nhưng trên mái nhà thì ghi “Dòng Chúa Cứu Thế”. Nhà Dòng, em tin như vậy và đây là điểm dừng để em đến. Gần nhà em có em Thư, Thư là em của một bạn gái hồi học phổ thông. Được biết Thư theo Đạo, gia đình Thư cũng là bên lương như gia đình em, đến nhà Thư chơi em được biết thêm về việc xin học Giáo lý. Gia đình em biết em không đi Chùa vào những ngày Giằm, mồng Một hàng tháng mà em đi nhà Thờ. Bố mẹ, mọi người và bạn bè không hài lòng vì Đạo khác này. Em im lặng trước việc em đi đến nhà Thờ.
Mặt trời đã lên, tia nắng chiếu qua lớp mây để gửi xuống mặt đất chút ấm áp giữa gió và hơi lạnh.
Em đã chèo lên ngọn núi nhỏ sát biển, gió ùa khắp nơi, lần đầu tiên em được đón gió trọn vẹn, được vươn tầm mắt ra thật xa, được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, em nói với cha: “Cha ơi, thiên nhiên là của Chúa, biển cả là của Chúa và cả những con sóng dữ dội này cũng là của Chúa, con cũng muốn được đón nhận tất cả Cha à”. Đi xuống bãi biển để chuẩn bị về ăn sáng, em đứng trước biển tự nhiên dang tay ra và muốn đón lấy tất cả, đón lấy Chúa. Khoảnh khắc đón nhận ấy chính là sự chọn lựa quyết định theo Đạo Thiên Chúa.
Những ngày nghỉ tiếp theo em sống trong hạnh phúc khi sẵn sàng theo Đạo Thiên Chúa, nhưng em còn lo đến việc học hành trong năm học tới. Em đi Lễ ở nhà Dòng tùy lúc.
Chúa nhật I Mùa Vọng năm 1999 em đến dự Thánh Lễ ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế rồi sau đó đăng ký học Giáo lý. Trong lòng trĩu nặng u buồn về gia đình, bạn bè và chính mình nhận thấy mình tội lỗi, lời bài thánh ca: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” an ủi em phần nào. Có lần em đọc sách thấy nói về ngài Mahatma Gandi khi còn trẻ đã đến nhà Thờ nhưng bị người coi nhà Thờ không cho vào và từ đó ông không đến nhà thờ nào nữa. Em hứa với Chúa sẽ không như ông đâu, em không bỏ đi mà vẫn ở lại nhà Dòng. Em dành thật nhiều thời gian để tìm hiểu Đạo, tìm hiểu về Thiên Chúa, đến nhà Dòng quét dọn, cắm hoa giúp chị Đức. Em vui tươi trò chuyện với Cha: “Cha ơi, Cha xem con cắm hoa đó có đẹp không Cha, cũng được Cha nhỉ”; “Cha ơi, Cha bảo giáo dân khi ngồi, đừng để chân lên ghế quỳ đi Cha”...
Thấy em hay đến nhà Dòng, giáo dân xì xào rồi trách cứ. Cha Hiên cũng nhắc:
- Cô Chi, cô đừng làm cớ vấp phạm cho người khác nữa.
Em buồn lắm nhưng không biết giải thích sao để cha và giáo dân hiểu rằng, chính ở nơi đây em tìm thấy chính mình, tuổi thơ, lý tưởng sống, làm người tốt và làm người Công giáo... Trong Kinh Vinh Danh em đã nhận ra rằng, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao. Chỉ có Chúa mới làm được tất cả.
Một ngày trên bảng tin thông báo kêu gọi ủng hộ đòng bào bị lũ lụt, dưới tấm hình một người nghèo có ghi: “Tất cả những gì anh em làm cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40). Em hiểu thêm “Ta” ở đây là Chúa Giêsu. Vậy ra từ trước tới nay em đã gặp những người nghèo khổ như thế, tức là em đã gặp Chúa Giêsu. Thật hay làm sao khi em vẫn tin rằng Chúa là Chúa và người Cha vô hình vẫn là Cha. Lễ Trái Tim Chúa Giêsu năm 2000, bài thánh ca hát về Chúa có câu: “Trái tim hồng Thiên Chúa, trái tim Người Cha” đã giúp em hiểu, ngươi Cha vô hình mà bấy lâu nay em vẫn lắng nghe lời người, vẫn trò chuyện với Cha là Thiên Chúa.
Giữa năm 2000 em tìm hiểu về các Dòng tu và đầu năm 2001 em nhận được địa chỉ Dòng Kín Nha Trang, em viết thư xin vào Dòng. Mẹ Bề trên trả lời là em phải là người Công Giáo (được Rửa Tội và được sinh trong một gia đình Công Giáo truyền thống) và có giấy giới thiệu của cha xứ mặc dù em đã quá tuổi vào nhà thử.
Ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – 08.12.2002 em được lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, sau ngày em được Rửa tội đó, em viết thư cho Mẹ Bề trên Dòng Kín, nhưng không thấy thư trả lời của mẹ nữa.
Đứng trước những lời dị nghị của giáo dân, đối diện với sự không bằng lòng của bố mẹ, họ hàng và bạn bè phản đối việc em quyết tâm làm Người Công giáo, lúc ấy em vẫn cố gắng giữ một niềm tin em đã yêu Chúa và tin theo Chúa, Đấng Thánh của lòng em. Niềm tin, niềm hy vọng vào việc sống Đạo, sống làm con cái Chúa nơi những người Công giáo cho em vững vàng, mạnh mẽ trong đức Tin của người Công giáo.
Xa xa kia, trên bờ biển luôn có ngọn hải đăng đứng sừng sững trước biển cả bao la để phát sáng ánh sáng. Ngọn hải đăng, đó là cây đèn biển, đứng trước phong ba bão tố của biển, không kể bất kỳ điều kiện nào, bất kỳ khó khăn nào để làm định hướng cho người đi biển. Cây đèn biển rất có ý nghĩa với người đi biển trong việc xác định đâu là bờ biển để định vị hướng đi, để đi cho an toàn. Vậy nó có ý nghĩa và quan trọng vì sự an toàn và tính mạng của người khác, bất chấp mọi khó khăn và nhận tất cả mọi khó khăn về mình.
Teresa Avila Phạm Thùy Chi
|