TẠI SAO TÍN ĐỒ HỒI GIÁO CẦU XIN ĐỨC MẸ?
Fatima, Harissa, Damascus, Samalut, Assiut, Zeitun và nhiều nơi khác Đức Mẹ đã hiện ra trở thành điểm đến của những khách hành hương từ Lebanon, Syria, Ai Cập và Iran. Họ đến không chỉ xin chữa bệnh thể lý mà còn xin chữa bệnh tâm linh. Họ cầu nguyện tự phát, không còn theo “định dạng” của Hồi giáo. Những người bài trừ thánh tượng (Salafists) vẫn phá hủy những nơi hành hương hàng năm, nhưng lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn phát triển, đầy những câu chuyện trong kinh Koran. Cuộc đối thoại tâm linh giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo hứa hẹn những điều khác ngoài vấn đề văn hóa, thần học hoặc chính trị.
Mỗi năm có hàng triệu tín đồ Hồi giáo hành hương tới các Đền Đức Mẹ của Công giáo. Họ không chỉ tới các đền lớn như Fatima ở Bồ Đào Nha hoặc Harissa ở Lebanon, mà còn tới các đền ở Ai Cập, Syria và Iran. Các tín đồ Hồi giáo, nhất là phụ nữ, tới để tạ ơn Đức Mẹ hoặc các thánh – như Thánh Charbel hoặc Thánh George.
Trong con mắt của nhiều người Tây phương, động thái này có vẻ khôi hài và không đúng, vì họ nói về những lần Đức Mẹ hiện ra, về việc cầu nguyện, nhưng rồi vẫn có những cuộc tàn sát, giết người, bạo lực nhân danh tôn giáo!
Dù thích hay không, hiện tượng tôn giáo vẫn sống động tại Mỹ châu Latin, Phi châu và Á châu. Khi bạn thấy hàng triệu tín đồ Ấn giáo xuống tắm nước dơ ở thánh giang (sông Hằng, dòng sông thánh), bạn thấy buồn cười. Nhưng đối với họ thì đó là thanh tẩy và cầu nguyện. Người Tây phương rộng lòng với các tôn giáo khác, nhưng thái độ đó đối với các Kitô hữu là quá nhỏ mọn (increasingly hypercritical). Tây phương không là hậu Ấn giáo hoặc hậu Hồi giáo, mà là hậu Kitô giáo!
Ở Tây phương, vấn đề siêu nhiên bị coi là lỗi thời, bị dán nhãn thần thoại, ảo giác, thay vì Tây phương mãi mãi tố giác những điều khó khăn mà sự lạ hoặc hành hương cũng không thể xóa bỏ. Nhưng ở các nơi khác trên thế giới, chiều kích tâm linh vẫn sống động. Tại Đông phương, cảm xúc tôn giáo rất mãnh liệt nơi các tín đồ Hồi giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác. Nhưng tại hầu hết Tây phương – nhất là ở giới trí thức – cảm xúc tôn giáo bị coi là “xưa rồi Diễm”, là phi lý và ngây ngô. Phải nói rõ rằng đó là sai lầm!
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ CỦA TÍN ĐỒ HỒI GIÁO
Tại Ai Cập, có ít nhất 12 nơi hành hương tôn sùng Đức Mẹ, tưởng nhớ việc Thánh Gia tới Ai Cập. Truyền thống rất phong phú trong các ngụy kinh (apocryphal texts) của thế kỷ IV và V.
Ngày 15- 8 hàng năm, lễ Mông Triệu (Dormition, Đức Mẹ Lên Trời), có ít nhất 1 triệu người hành hương tới nhiều Đền Đức Mẹ (như Việt Nam có Đức Mẹ La Vang, Tà Pao, Măng Đen, Trà Kiệu, Giang Sơn,...). Nơi nổi tiếng nhất là Jabal al-Tair, gần Samalut, thuộc thượng du Ai Cập (miền Nam), cách thủ đô Cairo khoảng 200 km. Lễ hội kéo dài 15 ngày, người ta tới để cầu nguyện, rửa tội trẻ em (tư tế Hồi giáo cũng có nghi thức rửa tội), và cử hành lễ nghi.
Về phía Nam, cách Cairo khoảng 380 km và cách Assiut 7 km, có nơi hành hương tại Deir Dronka, truyền thống cho rằng Thánh Gia đã lưu trú và Đức Mẹ đã nghỉ ngơi tại một hang động ở đó.
Gần đây có vài lần Đức Mẹ hiện ra:
– Ngày 22-1-1980, Đức Mẹ hiện ra với một phó tế (thầy sáu).
– Ngày 10-1-1988, Đức Mẹ hiện ra với một du khách Úc tại một nhà thờ, và Chúa Giêsu với chim bồ câu hiện ra với các những người lao động tại một tu viện.
– Ngày 7-8-1990, Đức Mẹ hiện ra với các tu sĩ, xung quanh đầy ánh sáng, tại một hang động của tu viện này.
Hành hương hàng năm vào thời gian “Đức Mẹ ăn chay” (7 tới 21 tháng 8, lễ Mông Triệu vào ngày 22 theo nghi lễ Giáo hội Ai Cập). Trong số hơn 500.000 người hành hương tới đây có 10.000 tín đồ Hồi giáo. Một trong các tu sĩ là “người đặc biệt”, nghĩa là rửa tội, vì tu sĩ này có thể làm 36 dấu Thánh Giá trên cơ thể trẻ em trong vòng 1 phút. Các tín đồ Hồi giáo chiếm khá đông, ít nhất chiếm 1/4 số khách hành hương.
Tại Ai Cập, người ta hành hương tới Zeitun, gần Cairo, nơi Đức Mẹ hiện ra. Sự lạ xảy ra vào năm 1968, kéo dài 7 tháng. Nhiều nhà xã hội học (không có người Ai Cập) đã gọi hiện tượng này là một dạng đền bù cảm xúc, sự an ủi tâm lý đối với sự khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng những người đến đó, cả tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu, vì họ thấy một hình trắng trên mái vòm của Nhà thờ Zeitun, họ cho đó là Đức Mẹ (Sittina Mariam). Thực sự rất khó giải thích, nhưng hàng ngàn người đã nhìn thấy và cũng có nhiều hình ảnh. Lần khác Đức Mẹ hiện ra được kính nhớ ở Imbaba, một vùng lân cận đông dân cư.
Từ năm 1982 tới nay, tại Damascus gần Soufanieh vẫn được kể lại những lần Đức Mẹ hiện ra. Dầu chảy trên tượng Đức Mẹ và trên tay của Myrna Nazzour, một cô gái 18 tuổi bình thường. Linh mục xứ lúc đó, mới đầu không tin, nhưng rồi trở nên rất nhiệt thành. Có rất nhiều tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu đến đó.
Gần Damascus cũng có nơi để hành hương là lăng tẩm Settena Zainab, con gái của Ali và Fatima, người sáng lập Shiism (Hồi giáo phái Shiite, khác với phái Sunny). Đây là cuộc hành hương về cội nguồn. Nhưng khi bạn tới những nơi Đức Mẹ hiện ra, các lý do rất sâu xa. Nhiều năm qua, các phụ nữ Hồi giáo Iran đã tới Fatima (Bồ Đào Nha). Họ đến cầu nguyện với Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên. Lý do là Fatima chính là tên con gái của ông Muhammad và bà Ali Ibn Abi Talib.
Tại Harissa, Lebanon, các phụ nữ Iran vẫn đến cầu nguyện với Đức Mẹ, tới mức mà linh mục quản lý đền này đã xây một nhà nguyện dành riêng cho họ, có ảnh tượng và kinh cầu Đức Mẹ ở Ba Tư, để thuận tiện cho lòng sùng kính của họ.
Tháng 5-2012, khi tôi tham dự Thánh lễ chiều tại Harissa, tôi thấy hàng trăm gia đình Hồi giáo – có thể thuộc phái Shiite – dừng lại nghe hát ca nhập lễ, sau đó họ đi. Khi ở Morocco, tôi thấy nhiều phụ nữ (đang mang thai và có con nhỏ) vẫn giữ “kỳ chay tịnh của Đức Mẹ” mà kinh Koran có nói tới.
ĐỨC MẸ TRONG KINH KORAN
Các tín đồ Hồi giáo tới các đền thờ đều biết rằng Đức Mẹ là một phụ nữ được ca tụng nhiều nhất trong kinh Koran, là phụ nữ duy nhất được gọi là “Siddīqah” (chân chính, tin tưởng, thánh thiện), một danh xưng dược dành cho nam giới (siddīq). Đức Mẹ là người duy nhất mà kinh Koran 2 lần nói rằng Thiên Chúa đã “chọn” (inna Allāh istafāqī), và Thiên Chúa đã yêu quý hơn các phụ nữ trên trái đất (wa-faddalaki 'ala nisā' al-'ālamīn), được thánh hiến (innī nadhartu mā fī batnī muharraran) từ trong lòng mẹ. Thật vậy, câu nói “đáng sợ” (được coi là của Muhammad nên được coi là chính xác) cho rằng mọi con trẻ sinh ra đều được Satan “chạm” vào, trừ Đức Mẹ và Con Trai của Đức Mẹ, câu nói này rất gần gũi với sự Vô Nhiễm.
Trong kinh Koran, Đức Maria là người “tinh tuyền nhất”, vì Thiên Chúa đã làm cho Người tinh tuyền. Khi được truyền tin, trong 2 chương khác nhau, Đức Maria nói với Sứ thần: “Làm sao tôi có con khi tôi không biết đến người nam?”. Như vậy, trong kinh Koran, Chúa Giêsu được gọi là “Giêsu Kitô, con của bà Maria” (al-Masīh 'Īsā Ibn Mariam). Trong tiếng Ả-rập chưa bao giờ có một người nào được gọi là “con của... (một phụ nữ)”, mà luôn nói là “con của… (một đàn ông)”. Vì thế, Chúa Giêsu sinh bởi một phụ-nữ-không-biết-đến-người-nam không thể gọi là “con của ông Giuse”!
Do đó, câu cuối cùng (12) của chương 66 (al-Tahrīm) trong kinh Koran nói: “Và Maria, con gái của Imran, người đã giữ gìn đức khiết tịnh của bà; bà làm chứng cho sự thật của Lời Chúa và Mặc Khải, là một người đạo đức”.
Khi Đức Maria được nói tới trong Hồi giáo, “Alayhā l-salām” (bình an xuống trên bà) được thêm vào, một danh xưng không được trao cho bất kỳ vị thánh nào. Tước hiệu này cũng được các Kitô hữu dùng để tôn xưng Đức Maria. Có một dạng văn chương toàn vẹn về Đức Maria trong kinh Koran, được viết bởi Hồi giáo và Kitô giáo.
LÒNG SÙNG KÍNH PHỔ BIẾN Ở CÁC KITÔ HỮU ĐỐI VỚI CÁC THÁNH, NGAY CẢ TRONG HỒI GIÁO
Điều gì khiến người Hồi giáo hành hương như vậy? Trước hết, họ muốn tái khám phá niềm tin tinh túy, họ muốn canh tân đức tin. Theo sau đó này là ước muốn chữa lành thể bệnh. Nhưng ước muốn chữa thể bệnh mãnh liệt hơn. Điều này rất giống ý nghĩa của các Kitô hữu hành hương: Tôn sùng thì ít, cầu xin thì nhiều.
Phải nói rằng việc hành hương không có giá trị đối với Hồi giáo chính thống, trừ việc hành hương tới thánh địa Mecca (hajj). Với sự ngoại lệ của Mecca, họ coi việc hành hương là một dạng tôn thờ ngẫu tượng. Đây là lý do những người Hồi giáo cực đoan đã phá hoại những nơi hành hương, nhất là các ngôi mộ của các hiền nhân Hồi giáo (Sufi sages), nơi những nhà thần bí Hồi giáo (Muslim mystics) viếng thăm hàng năm. Sự phá hoại như vậy là điển hình của các Salafist – những người luôn tấn công bài trừ thánh tượng ở Tunisia, Libya, Ai Cập, Mali, Jordan, Pakistan, v.v...
Xu hướng này trong Hồi giáo cực đoan cũng gần giống với Tin Lành lúc đầu: Họ coi thường việc sùng kính của cộng đồng vì cho đó là quá ngây ngô và lệch lạc. Trong thực tế, người ta tìm kiếm Thiên Chúa qua mọi thứ hàng ngày, qua hiện tượng nào đó hoặc các chứng cớ. Điều đó không phân biệt Kitô giáo hoặc Hồi giáo.
Hàng ngày đều có các tín đồ Hồi giáo, thường là phụ nữ, hành hương tới Đền Thánh George ở Ai Cập, tới Đền Thánh Charbel Makhlouf ở Lebanon, tới Nhà Đức Mẹ ở Êphêsô. Họ đến xin ơn có con hoặc xin ơn khỏi bệnh. Luôn có người Hồi giáo tới những nơi của Kitô giáo.
NGƯỜI TRỪ QUỶ ĐỐI VỚI NGƯỜI HỒI GIÁO
Yếu tố tâm linh khác trong đức tin của người ta là sợ ma quỷ. Có thời gian tôi đã trải nghiệm nhiều năm khi tôi còn là một tu sĩ. Đây là điều quan trọng. Tôi học Đại học Hoa Kỳ tại Cairo, ra vào trường này nhiều lần. Có lần người gác cổng chặn tôi lại và xin tôi giúp: “Đứa con gái 16 tuổi của tôi bị quỷ ám”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói về quỷ ám. Ông này kể cho tôi nghe cách mà quỷ làm con gái ông ngã xuống đất, và làm nó bị thương. Ông nói thêm: “Tôi đưa con gái tới tư tế (imam, giáo sĩ Hồi giáo), nhưng họ chẳng làm được gì. Họ bảo tôi rằng chỉ có tu sĩ (Công giáo) mới trừ được quỷ”. Ông ta xin tôi trừ quỷ cho con gái.
Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho họ, nhưng tôi thấy ông ta thất vọng khi tôi nói vậy. Khi tôi kể lại chuyện này với các tu sĩ bạn, họ phê bình tôi, vì họ tin rằng tôi có thể trừ quỷ theo nghi lễ phụng vụ. Tôi phát hiện có nhiều tu sĩ được người Hồi giáo tới xin trừ quỷ cho gia đình họ. Việc này rất phổ biến.
Thường thì người Hồi giáo tới các tu sĩ hoặc tư tế Hồi giáo chính thông và việc trừ quỷ thường được làm công khai. Có lần tôi chứng kiến một người đang ở trước nhà ga tại Cairo (Bāb al-Hadīd), ngày nay gọi là Mīdān Ramsis, tay cầm nến và nước phép. Có một người đàn ông nằm trên đất, miệng nguyền rủa, nhưng một lúc sau đàn ông này nằm im.
Tháng 9-1994, một linh mục người Canada nổi tiếng về “làm sự lạ”, và đã đến Lebanon. Đó là LM Emilien Tardif (1928-1999), Dòng Truyền Giáo Thánh Tâm (The Missionaries of the Sacred Heart). Có khoảng 10.000 người đã đến xin ngài giúp, trong đó có nhiều người Hồi giáo. Án xin phong chân phước cho ngài đang được tiến hành. Hiện tượng này tôi không thể giải thích, nhưng tôi nghĩ rằng Thiên Chúa đã trao tặng phẩm siêu nhiên cho một số người để phục vụ mọi người. Các tặng phẩm này chỉ được phân phát trong môi trường Kitô giáo, nhưng chúng được những người ngoài Kitô giáo chứng thực và công nhận.
Phép lạ xảy ra vì lợi ích của bất kỳ ai có niềm tin, chính đức tin này khiến Thiên Chúa làm phép lạ. Con người có những nhu cầu không thỏa mãn trong Hồi giáo, nhưng lại sống động trong Kitô giáo. Có nhu cầu về tâm linh, về thần bí và điều tốt đẹp được trao tặng bằng sự thoải mái trong thế giới Kitô giáo nhiều hơn so với trong Hồi giáo.
ĐỨC MẸ LÀ NHỊP CẦU GIỮA KITÔ GIÁO VÀ HỒI GIÁO
Chính lòng thành tín đã liên kết mọi người. Ví dụ điển hình là quyết định của Quốc hội Lebanon về việc thành lập ngày nghỉ toàn quốc là ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Đó là một quyết định thận trọng của các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo. Kinh Koran đã 2 lần nói tới việc Đức Mẹ mông triệu (chương 3 và 19), hầu như có cách nói giống Phúc Âm, với cách nói thanh tao và nghiêm túc hơn nhiều. Trong văn bản này, Đức Maria được mô tả là rất tuân phục Thiên Chúa và ngạc nhiên về những điều xảy ra với Đức Mẹ, chính Thiên Chúa đã an ủi Đức Mẹ.
Các kinh nghiệm này dẫn tới sự hợp tác quan trọng và hài hòa tâm linh với nhiều tín đồ Hồi giáo. Nếu điều này không được chấp nhận bởi sự cực đoan Hồi giáo – pha trộn tôn giáo và sức mạnh, tôn giáo và nhà nước, tôn giáo và chính trị – thì tín đồ Hồi giáo, cũng như các tín đồ khác, vẫn ấp ủ sự cởi mở đối với siêu nhiên và tâm linh. Nhưng phương diện này không được diễn tả thoải mái trong Hồi giáo: Tâm linh được hoạch định, việc cầu nguyện mỗi ngày 5 lần được định trước và phải thực hiện với những ngôn từ được soạn sẵn, nếu lỡ đọc sai, người ta phải đọc lại. Hồi giáo thiếu tính tự phát. Vì thế, khi một tín đồ Hồi giáo tìm kiếm điều gì thân mật hơn thì họ hướng tới Kitô giáo.
Lòng sùng kính tạo cảm giác thân thiện và không đối nghịch. Ở Tây phương, người ta thường nói rằng tôn giáo – nhất là các tôn giáo độc thần (monotheistic religions) – là nguyên nhân chiến tranh và phân rẽ. Luận điểm này sai từ quan điểm lịch sử và từ quan điểm về nội dung. Dĩ nhiên, chiến tranh đã được tiến hành với danh nghĩa tôn giáo. Nhưng con người cũng thúc đẩy chiến tranh với danh nghĩa của nhiều dạng ý thức hệ, chính tôn giáo không thúc đẩy chiến tranh. Chúng ta phải nghĩ tới chủ nghĩa dân tộc, sự phân rẽ và chiến tranh thế giới xảy ra tại Âu châu, chúng ta phải công nhận rằng chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân bạo lực tệ hại hơn bất kỳ tôn giáo nào, và các ý thức hệ vô thần (atheistic ideologies) của thế kỷ XX đã gây ra nhiều cái chết hơn các tôn giáo.
Ngay cả các cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra ở Âu châu cũng dựa trên hiện tượng chính trị đã lợi dụng tôn giáo (“cuius regio, eius religio”). Đó là quan điểm chung của thời đại, không là tầm nhìn của Phúc Âm đưa ra. Sự nối kết giữa chính trị và tôn giáo vẫn rất mạnh trong Hồi giáo và Do Thái giáo. Xác định một nhà nước với một tôn giáo và một nhóm dân tộc, phát sinh chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism), đã tạo ra phong trào bạo động được tôn giáo đổ dầu vào, và tạo ra các vấn nạn đối với nhiều người Do Thái không trở lại chính trị của Israel. Về phương diện Hồi giáo, nguyên nhân Palestine được xác định với Hồi giáo và đã tạo ra sự khó khăn tương tự, và có thể đó là lý do mà tiến trình hòa bình và hòa giải đã phải trì trệ.
Với tôi, có vẻ Kitô giáo là một tôn giáo tách biệt đức tin và chính trị, mặc dù không luôn luôn hoàn hảo... giống như “nhân vô thập toàn” vậy. ĐGH Bênêđictô XVI cũn đề cập điều này trong thư cổ vũ Trung Đông: “Mặt khác, tính thế tục lành mạnh giải phóng tôn giáo khỏi gánh nặng chính trị, và cho phép chính trị được phong phú hóa bởi sự đóng góp của tôn giáo, trong khi vẫn giữ khoảng cách cần thiết, sự phân định rạch ròi và sự hợp tác cần thiết giữa hai lĩnh vực” (Ecclesia in Medio Oriente, No. 29).
Thật vậy, với các tín đồ Hồi giáo, ngay khi nói tới Đức Maria, có sự thay đổi đáng kể trong thái độ: có không khí của sự sùng kính, sự im lặng, tình huynh đệ, như thể sau khi nói chuyện mọi điều, người ta vào nơi tôn thờ, và có sự im lặng.
Một số người có thể coi đây là một dạng hổ lốn (syncretism), bình dân gọi là “tạp-pí-lù” (hotchpotch). Nhưng trong thực tế, lòng sùng kính là một hiện tượng mở ra với mọi người. Thậm chí tại tây phương, các Đền Đức Mẹ không chỉ thu hút các Kitô hữu mà cả các tín đồ của các tôn giáo khác, kể cả những người đã rời bỏ Giáo hội và những người không có niềm tin tôn giáo. Khi cầu nguyện với Đức Mẹ, nếu tôi thấy một người Hồi giáo cầu nguyện gần bên tôi, liệu có vấn đề gì không? Không, đó là sự rất thoải mái vì lòng sùng kính là nền tảng rất vững chắc đối với mối quan hệ và tình huynh đệ hơn là về ý thức hệ, chính trị hoặc văn hóa. Những người nghĩ về đức tin Kitô giáo theo cách “độc quyền”, như một số người Công giáo truyền thống (nệ cổ), thì chưa thực sự hiểu đúng Kitô giáo.
SAMIR KHALIL SAMIR
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ AsiaNees.it
|