Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia Và Paraguay 5-13/7/2015
Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 7-2015
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia và Paraguay 5-13/7/2015

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html


Ngày 9/7/2015  Bolivia


Huấn Từ ngỏ cùng Hàng Giáo Sĩ và Tu Sĩ Bolivia ở Coliseum of Don Bosco College Thứ Năm 9/7/2015

 

............ Trong Phúc Âm Thánh Marco, chúng ta cũng đã nghe thấy cảm nghiệm của Bartimaeus, người đã nhập bọn với nhóm môn đệ của Chúa Giêsu. Anh đã trở thành một người môn đệ vào giây phút cuối cùng. Điều này xẩy ra trong chuyến hành trình cuối cùng của Chúa, từ Giêrico lên Giêrusalem, nơi Người sắp bị trao nộp. Một người hành khất là Bartimaeus ngồi ở vệ đường, bị đẩy ra ngoài. Khi anh nghe thấy Chúa Giêsu đi ngang qua thì anh ta bắt đầu la lên.....................


Có 3 đáp ứng trước lời kêu vang của người mù này. Chúng ta có thể diễn tả chúng bằng ba cụm từ được lấy từ Phúc Âm: Họ đi ngang qua, họ bảo anh ta im đi, và họ bảo anh ta hãy an tâm đứng lên. 


1- Họ đi ngang qua. Có lẽ một số người đi ngang qua thậm chí không nghe thấy tiếng la hò của anh ta. Việc băng ngang qua là một thứ đáp ứng lạnh lùng, tránh né các vấn đề của người khác vì chúng không ảnh hưởng gì tới chúng ta. Chúng ta không nghe thấy chúng, chúng ta không nhận ra chúng. Ở đây chúng ta có khuynh hướng thấy đau khổ là những gì tự nhiên, cho bất công là thường. Chúng ta tự nhủ mình rằng: 'Điều ấy chẳng có gì là lạ; sự thể là như thế'. Đó là thứ đáp ứng xuất phát từ một con tim khép kín mù quáng đã mất đi khả năng cảm kích và vì thế mất cả cơ hội đổi thay. Một con tim quen đi ngang qua mà không để mình được đụng chạm; một đời sống băng ngang qua từ điều này đến vật kia nhưng chưa từng thấm thía đời sống của dân chúng chung quanh chúng ta. 


Chúng ta có thể gọi điều ấy là "thứ linh đạo quần quật - the spirituality of zapping". Lúc nào cũng chuyển động, thế nhưng chẳng có gì cho thấy như thế. Có những người biết được các tin tức mới nhất, biết được những thứ mới bán chạy nhất, thế nhưng họ chẳng bao giờ cố gắng liên hệ với các người khác, cố gắng kiến tạo một mối liên hệ, cố gắng tham gia.............


2- Họ bảo anh ta im đi. Đây là cách đáp ứng thứ hai đối với tiếng kêu của Bartimaeus: im đi, đừng làm phiền đến chúng tôi, hãy để cho chúng tôi yên. Không như cách đáp ứng thứ nhất, cách đáp ứng này có nghe thấy, có nhận ra, và có liên hệ với tiếng kêu của người khác. Nó nhận ra rằng họ ở đó, nhưng chỉ phản ứng bằng cách trách móc. Nó là thái độ của một số vị lãnh đạo của dân Chúa; họ tiếp tục khiển trách người khác, trút xuống họ các lời quở mắng, bảo họ câm cái miệng lại.  


Đó là thảm kịch của thứ nhận thức cô lập, của những ai nghĩ rằng sự sống của Chúa Giêsu chỉ giành cho những ai xứng đáng với nó. Họ dường như tin rằng chỉ có chỗ cho thành phần "xứng đáng", cho "người khá hơn", để rồi từ từ họ tách mình ra khỏi người khác. Họ gắn cho cái căn tính của họ một nhãn hiệu trổi vượt. 


Họ nghe thấy nhưng không lắng nghe. Cái nhu cầu cần phải tỏ ra rằng họ là một con người khác hẳn đã đóng cõi lòng họ lại. Cái nhu cầu cần nói với họ "tôi không như người ấy, không  như những con người ấy", chẳng những chặn họ lại trước tiếng kêu của dân họ, chặn họ lại không cho họ chảy nước mắt, thế nhưng trên hết là chặn họ lại không cho họ lập luận để hoan hỉ. Cuời với những ai vui cười, khóc với những ai than khóc; tất cả những điều này đều thuộc về mầu nhiệm của cõi lòng vị linh mục. 


3- Họ bảo anh ta hãy an tâm đứng lên. Sau hết, chúng ta sang cách đáp ứng thứ ba. Đây không phải là một cách đáp ứng trực tiếp với tiếng kêu của Bartimaeus cho lắm như là một âm vang, hay như là một phản ánh, của cách thức chính Chúa Giêsu đã đáng ứng lời van xin của người ăn xin mù lòa này. Nơi những ai bảo anh ta hãy an tâm đứng lên, tiếng kêu của người ăn xin đã làm phát sinh một lời, một mời gọi, một cách thức đáp ứng mới mẻ và thay đổi với Dân thánh của Thiên Chúa. 


Không giống như những ai chỉ đi ngang qua, Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu đã dừng lại và hỏi những gì đang xẩy ra. Người đã dừng lại khi có ai kêu la tới Người. Chúa Giêsu chọn lựa họ trong đám đông vô danh và can dự vào đời sống của họ. Và chẳng những không bảo họ im đi, Người hỏi anh ta rằng: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Người không cần tỏ ra rằng Người khác lạ, là một con người ngoại lệ; Người không xét xem Bartimaeus có xứng đáng hay chăng trước khi nói với anh ta. Người chỉ hỏi anh ta một câu hỏi, nhìn anh ta và tìm cách đi vào đời của anh ta, để chia sẻ với thân phận của anh ta. Làm như thế, Người từ từ phục hồi cái phẩm giá bị mất đi của con người ấy; Người đã bao gồm anh ta. Người chẳng những không tỏ ra khinh thường anh ta, Người còn cảm kích muốn biết vấn đề của con người này, để nhờ đó Người có thể tỏ quyền năng biến đổi của tình thương. Không thể nào có cảm thương nếu không dừng lại, nghe thấy và tỏ tình đoàn kết với người khác. Lòng cảm thương không phải là những gì quần quật, nó không phải là một thứ đớn đau câm nín, mà là lý lẽ của tình yêu. Một thứ lý lẽ, một đường lối suy tư và cảm thức, không bắt nguồn từ sợ hãi mà từ tự do xuất phát bởi tình yêu và lòng mong muốn coi sự thiện của người khác trước hết mọi sự khác. Một thứ lý lẽ xuất phát không bởi sợ đến gần với nỗi đớn đau của dân chúng ta. Thậm chí còn có nghĩa là đứng bên cạnh họ và cầu nguyện với họ nữa.


Đó là thứ lý lẽ của vai trò làm môn đệ, nó là những gì Thánh Linh làm với chúng ta và trong chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân về điều này. Có ngày Chúa Giêsu đã thấy chúng ta trên vệ đường, đắm mình trong đớn đau và khốn khổ của chúng ta. Người không bịt tai lại trước tiếng kêu của chúng ta. Ngài đã dừng lại, đã đến gần và đã hỏi xem những gì Người có thể làm cho chúng ta. Nhờ nhiều chứng nhân, thành phần đã nói với chúng ta rằng: "Hãy an tâm đứng lên", chúng ta đã dần dần cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu này, tình yêu biến đổi này, một tình yêu giúp chúng ta có thể thấy được ánh sáng. Chúng ta là những chứng nhân không phải của một thứ ý hệ, của một thứ thực đơn, của một thứ thần học đặc biệt. Chúng ta là những chứng nhân cho việc chữa lành và tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu. Chúng ta là những chứng nhân của việc Người làm trong đời sống của các cộng đồng chúng ta...

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về