Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia và Paraguay 5-13/7/2015 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html
Ngày 8-9/7/2015 ở Bolivia
Đáp từ ở Phi Trường Quốc Tế "El Alto" La Paz Bolivia Thứ Tư 8/7/2015
"Với tư cách là một vị khách và là khách hành hương, tôi đến để củng cố đức tin của những ai tin vào Chúa Kitô Phục Sinh...."
... Trên hết mọi sự, Bolivia là một mảnh đất được chúc phúc nơi nhân dân của nó. Nó là một ngôi nhà cho một thứ đa dạng lớn lao về văn hóa và sắc tộc, một thứ đa dạng vừa là một nguồn mạch phong phú cả thể vừa là một hiệu triệu liên tục cho việc tương kính và đối thoại....
.... Với tư cách là một vị khách và là khách hành hương viên, tôi đến để củng cố đức tin của những ai tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, để trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta trên trái đất này, thành phần tín hữu chúng ta có thể trở thành những chứng nhân của tình yêu Ngài, thành men cho một thế giới tốt đẹp hơn và thành những cộng tác viên trong việc xây dựng một xã hội công chính và huynh đệ hơn....
... Trong những ngày tới, tôi muốn phấn khích ơn gọi làm môn đệ của Chúa Kitô để chia sẻ niềm vui Phúc Âm, để làm muối đất và ánh sáng thế gian...
.... Trong một thế hệ mà các giá trị căn bản thường bị coi thường hay bóp méo, thì gia đình đáng được đặc biệt chú trọng về phần của những ai có trách nhiệm lo cho công ích, vì gia đình là tế bào gốc của xã hội....
... Giáo Hội cũng cảm thấy quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, thành phần nếu dấn thân cho đức tin của họ và hoan hỉ với những lý tưởng cao cả, là hứa hẹn của tương lai, là thành phần "gác đêm để loan báo ánh sáng rạng đông và mùa xuân mới của Phúc Âm" (John Paul II, Message for the 18th World Youth Day, 6)...
Diễn từ ngỏ cùng thành phần thẩm quyền dân sự ở Vương Cung Thánh Đường La Paz Bolivia 8/7/2015
"Chúng ta rất dễ trở nên quen thuộc với bầu khí bất bình đẳng xẩy ra chung quanh chúng ta, mà hậu quả là chúng ta tự nhiên nhiễm phải. Thậm chí không để ý gì đến nó, chúng ta bị lầm lẫn giữa "công ích" và 'thịnh vượng"
.... Mỗi người chúng ta ở đây đều có cùng một ơn gọi là hoạt động cho công ích. Năm mươi năm trước đây, Công Đồng Chung Vaticanô II đã định nghĩa công ích như là "tổng số những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm xã hội cùng những phần tử riêng của các nhóm ấy có thể tương đối hoàn toàn đạt được tầm vóc viên trọn của mình"...
.... Vì hết mọi sự đều có liên hệ với nhau mà chúng ta cần nhau. Nếu chính trị được chủ trị bởi việc đầu cơ về tài chính, hay nếu kinh tế chỉ bị chi phối bởi một thứ mẫu thức có tính chất kỹ thuật và thực dụng liên quan đến mức sản xuất tối đa, chúng ta sẽ không nắm bắt được, lại càng không giải quyết được, những vấn đề lớn lao của nhân loại. Đời sống văn hóa đóng một vai trò quan trọng về khía cạnh này, vì nó có liên hệ chẳng những với việc phát triển của trí khôn nhờ khoa học và của tính chất sáng tạo về vẻ đẹp qua nghệ thuật, mà còn với cả sự quí trọng đối với các truyền thống địa phương của một dân tộc, những truyền thống thể hiện rõ môi trường chúng xuất phát và được chúng làm cho có ý nghĩa...
... Chúng ta rất dễ trở nên quen thuộc với bầu khí bất bình đẳng xẩy ra chung quanh chúng ta, mà hậu quả là chúng ta tự nhiên nhiễm phải. Thậm chí không để ý gì đến nó, chúng ta bị lầm lẫn giữa "công ích" và 'thịnh vượng", nhất là khi chúng ta là những người đang hoan hưởng những gì là thịnh vượng. Thịnh vượng được hiểu chỉ liên quan đến vấn đề giầu có về vật chất có khuynh hướng trở thành vị kỷ, trong việc bênh vực các thứ lợi lộc riêng tư, trong việc không quan tâm đến người khác, và trong việc thả dàn hưởng thụ. Nếu hiểu như thế thì thịnh vượng thay vì giúp đỡ lại gây ra tình trạng xung khắc và phân tán xã hội; khi nó thừa thắng xông lên nó mở đường cho sự dữ băng hoại là những gì sau đó gây ra rất nhiều thứ chán chường và tai hại. Trái lại, công ích là những gì vượt lên trên tổng số những lợi lộc riêng tư. Nó đi từ "những gì tốt nhất cho tôi" đến "những gì tốt nhất cho mọi người". Nó bao gồm tất cả những gì làm cho một dân tộc qui tụ lại với nhau, như cùng chung một mục đích, cùng chung các giá trị, cùng chung các tư tưởng là những sự giúp cho chúng ta phóng tầm nhìn ra bên ngoài những chân trời cá nhân hạn hẹn của chúng ta.
............. Trong số những nhóm xã hội khác nhau, tôi muốn đề cập đặc biệt đến gia đình là cơ cấu đang bị đe dọa ở khắp nơi bởi bạo động trong gia đình, bởi rượu chè, bởi tình dục, bởi thuốc phiện, bởi thất nghiệp, bởi bất ổn phố phường, bởi người già bị bỏ rơi, và bởi trẻ em bụi đời. Những vấn đề này thường được đáp ứng bằng những giải quyết ngụy tạo cho thấy những tác dụng rõ ràng của một thứ thực dân về ý hệ... Rất nhiều vấn đề xã hội đã được âm thầm giải quyết trong gia đình; việc không trợ giúp các gia đình làm cho những ai dễ bị tổn thương nhất không được bảo vệ....
........ Bolivia đang ở ngã ba đường của lịch sử: chính trị, thế giới văn hóa, các tôn giáo là tất cả mọi yếu tố của cái thách đố đẹp đẽ này trong việc gia tăng mối hiệp nhất. Ở mảnh đất có một lịch sử đã từng bị lu mờ bởi tình trạng khai thác, tham lam và rất nhiều hình thức vị kỷ và bè phái, thì giờ đây là lúc cho việc nhất thống. Hôm nay đây Bolivia có thể "kiến tạo nên các hình thức mới của cuộc tổng hợp văn hóa"...........
Giảng Lễ ở Quảng Trường Chúa Kitô Cứu Thế Santa Cruz de la Sierra Bolivia Thứ Năm 9/7/2015
"Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là, nếu nó được nhận lấy, chúc lành và ban phát, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của tình yêu Ngài, có thể trở thành bánh cho tất cả mọi người..."
... "Họ không cần phải đi đâu hết; chính các con hãy liệu cho họ ăn".
Những lời này của Chúa Giêsu có một âm vang đặc biệt đối với chúng ta ngày nay: Không ai cần phải đi đâu hết, không ai bị loại trừ; chính anh chị em hãy liệu cho họ ăn. Chúa Giêsu nói với những lời này với chúng ta ở nơi đây, tại quảng trường này. Phải, không ai bị loại trừ; anh chị em hãy liệu cho họ ăn. Đường lối của Chúa Giêsu nhìn sự vật không nhường chỗ cho thứ tâm thức bỏ bê thành phần yếu kém và những ai thiếu thốn nhất. Để mở đường dẫn lối, Người đã cống hiến cho chúng ta tấm gương của Người, Người chỉ cho chúng ta thấy con đuờng tiến bước. Những gì Người làm có thể được tóm lại thành 3 chữ. Người nhận lấy một ít bánh và mấy con cá, Người chúc lành cho chúng rồi sau đó Người trao ban chúng cho các môn đệ để chia cho dân. Đó là cách thức phép lạ xẩy ra. Nó không phải là những gì có tính chất ảo thuật hay yêu thuật. Với 3 cử chỉ này, Chúa Giêsu có thể biến một thứ tâm thức loại trừ kẻ khác thành một thứ tâm tư hiệp thông và cộng đồng. Tôi muốn vắn gọn lưu ý tới từng tác động này.
Nhận lấy. Đây là khởi điểm: Chúa Giêsu nhận lấy bản thân mình và đời sống của họ một cách rất trân trọng. Người nhìn vào con mắt của họ, và Người biết những gì họ đang nghiệm cảm, những gì họ đang cảm thấy. Người thấy trong những con mắt ấy tất cả những gì đang có trong ký ức và tâm can của dân Người. Người nhìn nó, ngẫm nghĩ về nó. Người nghĩ về tất cả sự thiện họ có thể làm, tất cả những sự thiện họ có thể dựng xây. Thế nhưng Người không quan tâm quá nhiều về những đối tượng vật chất, về những kho tàng văn hóa hay về những tư tưởng cao sang. Người quan tâm đến dân chúng. Sự giầu sang phú quí nhất của một xã hội được đo lường bằng đời sống dân chúng của nó, nó được đo đếm bằng những vị lão thành của nó, thành phần truyền đạt kiến thức của mình cùng ký ức của dân tộc mình cho giới trẻ. Chúa Giêsu không bao giờ lơ là với phẩm vị của bất cứ một ai, cho dù họ chỉ có một chút xíu hay dường như có khả năng đóng góp.
Chúc lành. Chúa Giêsu nhận lấy những gì được trao cho Người và chúc tụng Cha trên trời của Người. Người biết rằng hết mọi sự đều là tặng ân của Thiên Chúa. Bởi thế mà Người không đối xử với các sự vật như là "những đồ vật", mà là yếu tố của một sự sống bởi tình yêu nhân hậu Thiên Chúa. Người trân quí chúng. Người vượt lên trên các dáng vẻ thuần túy bề ngoài, và nơi cử chỉ chúc lành cùng chúc tụng này Người xin Cha ban tặng ân Thánh Linh. Việc chúc lành mang khía cạnh lưỡng diện này: tạ ơn và quyền năng biến đổi. Nó là việc nhìn nhận rằng sự sống bao giờ cũng là một tặng ân, mà khi được trao phó vào tay Thiên Chúa, nó bắt đầu tăng lên gấp bội. Cha của chúng ta không bao giờ bỏ rơi chúng ta; Ngài làm cho hết mọi sự tăng lên gấp bội.
Trao ban. Với Chúa Giêsu, vấn đề là ở chỗ không thể nào "nhận lấy" mà lại không phải là một "phúc lành", và không phúc lành nào mà lại cũng không phải là một "trao ban". Việc chúc lành bao giờ cũng là một sứ vụ, mục đích của nó là để chia sẻ những gì chúng ta đã lãnh nhận. Vì chỉ khi nào trao ban, chia sẻ, chúng ta mới cảm được nguồn vui của mình và cảm nghiệm thấy ơn cứu độ. Việc trao ban là những gì nhắc nhở về dân thánh của Thiên Chúa, thành phần được kêu gọi và được sai đi để mang niềm vui ơn cứu độ cho người khác. Đôi tay Chúa Giêsu nâng lên chúc tụng Thiên Chúa ở trên trời cũng là những bàn tay đã ban bánh cho đám đông đói khát. Chúng ta có thể tưởng tượng cách thức dân chúng chuyền những ổ bánh và cá từ bàn tay này sang bàn tay kia, cho đến khi chúng tiến đến những ai ở xa nhất. Chúa Giêsu đã làm phát sinh ra một luồng điện nơi thành phần môn đệ của Người, khi họ chia sẻ những gì họ có, biến nó thành tặng ân cho người khác, nhờ đó họ được ăn uống no thỏa. Không ngờ vẫn còn dư được 7 thúng đầy. Vấn đề cần nhớ ở đây là những gì được nhận lấy, được chúc phúc và được ban phát bao giờ cũng làm thỏa đáng cơn đói của dân chúng.
Thánh Thể là "tấm bánh bẻ ra cho sự sống của thế gian". Đó là đề tài của Hội Nghị Thánh Thể Lần Năm được tổ chức ở Tarija được khai mạc hôm nay. Thánh Thể là một bí tích hiệp thông, một bí tích kéo chúng ta ra khỏi cá nhân chủ nghĩa để cùng nhau sống như là các môn đệ. Thánh Thể cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng rằng tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là, nếu nó được nhận lấy, chúc lành và ban phát, thì nhờ quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng của tình yêu Ngài, có thể trở thành bánh cho tất cả mọi người.... |