Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia Và Paraguay 5-13/7/2015
Thứ Năm, Ngày 9 tháng 7-2015
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du 3 Nước Mỹ Châu Latinh: Ecuador, Bolivia và Paraguay 5-13/7/2015

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html


Ngày 7-8/7/2015  Ecuador


Giảng Lễ về Truyền Giáo cho Chư Dân ở Công Viên Bicentenario, Quito, Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015


"Việc truyền bá phúc âm hóa không ở tại việc dụ giáo... trái lại, việc truyền bá phúc âm hóa cần đến chứng từ của chúng ta để thu hút những ai xa cách, tức là khiêm tốn đến gần với những ai cảm thấy xa cách Thiên Chúa trong Giáo Hội, đến gần với những ai cảm thấy bị phán xét và lên án một cách thẳng thừng bởi những kẻ cho mình là toàn hảo và tinh tuyền".

.......... Chúng ta truyền bá phúc âm hóa không phải bằng những lời lẽ trọng đại, hay bằng những quan niệm phức tạp, mà là bằng "niềm vui Phúc Âm", một niềm vui "tràn đầy cõi lòng và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Vì những ai chấp nhận việc Người cống hiến ơn cứu độ đều được thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn đau, khỏi tâm trạng trống rỗng nội tâm, khỏi lẻ loi cô độc, và khỏi lương tâm bị cô lập" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 1). Chúng ta, thành phần qui tụ lại ở bàn tiệc với Chúa Giêsu đây thì tự mình đã là một tiếng kêu vang, một tiếng la hò xuất phát từ niềm xác tín rằng sự hiện diện của Người là những gì dẫn chúng ta tới mối hiệp nhất, "hướng tới một chân trời mỹ lệ và mời gọi người khác đến bàn tiệc ngon" (cùng nguồn, 15).


"Lạy Cha, xin cho họ được hiệp nhất nên một... để thế gian tin tưởng". Đó là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu khi Người hướng mắt lên trời. Lời nguyện cầu này xuất phát trong bối cảnh truyền giáo: "Như Cha đã sai Con vào thế gian, Con cũng sai họ vào thế gian". Lúc ấy, Chúa Giêsu cảm nghiệm thấy nơi xác thịt của Người những gì là xấu xa nhất của thế gian này, một thế gian dù sao cũng được Người thắm thiết yêu thương. Quá biết về những dan díu lạc loài của nó, những sai lầm của nó và những phản bội của nó, Người vẫn không quay mặt đi, Người vẫn không phàn nàn chê trách. Hằng ngày chúng ta cũng gặp gỡ một thế giới bị chiến tranh và bạo động tàn phá. Chúng ta thường dễ nghĩ rằng tình trạng chia rẽ và thù ghét chỉ liên quan đến những cuộc đối chọi giữa các xứ sở với nhau hay giữa các phe nhóm trong xã hội. Trái lại, chúng là những gì biểu lộ một thứ "cá nhân chủ nghĩa tràn lan" làm chia rẽ chúng ta và khiến chúng ta chống lại nhau (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 99), chúng là những gì thể hiện một di sản tội lỗi ẩn nấp trong tâm can con người, gây ra rất nhiều đau khổ trong xã hội cũng như cho toàn thể tạo vật. Thế nhưng chính cái thế giới bị trục trặc này, qua những hình thức vị kỷ của nó, mà Chúa Giêsu sai chúng ta đến. Chúng ta không được đáp ứng bằng thái độ thờ ơ lãnh đạm, hay bằng cách than vãn rằng chúng ta không có đủ nguồn lực để làm việc ấy, hoặc các vấn đề ấy là những gì quá to lớn. Thay vào đó, chúng ta cần phải đáp ứng bằng cách nhận lấy tiếng kêu của Chúa Giêsu và lãnh nhận ân sủng cùng thách đố trong vai trò làm thành phần xây dựng hiệp nhất. 

.............. Mối hiệp nhất ấy đã bao gồm ở trong tác động truyền giáo rồi, "để cho thế gian tin tưởng". Việc truyền bá phúc âm hóa không ở tại việc dụ giáo, vì dụ giáo là một thứ biếm họa của việc truyền bá phúc âm hóa, trái lại, việc truyền bá phúc âm hóa cần đến chứng từ của chúng ta để thu hút những ai xa cách, tức là khiêm tốn đến gần với những ai cảm thấy xa cách Thiên Chúa trong Giáo Hội, đến gần với những ai cảm thấy bị phán xét và lên án một cách thẳng thừng bởi những kẻ cho mình là toàn hảo và tinh tuyền. Chúng ta cần phải đến gần những ai lo sợ hay dửng dưng để nói cùng họ rằng: "Chúa cũng đang hết sức trân trọng và yêu thương kêu gọi anh chị em hãy thuộc về dân của anh chị em" (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 113). Vì Thiên Chúa của chúng ta tôn trọng chúng ta ngay cả trong tình trạng thấp hèn của chúng ta cũng như trong tình trạng tội lỗi của chúng ta. Lời mời gọi này của Chúa được diễn tả một cách khiêm tốn và tôn trọng trong đoạn Sách Khải Huyền sau đây: "Này, Ta đang ở ngoài cửa và Ta đang kêu gọi; các người có muốn mở cửa hay chăng?" Người không muốn sử dụng quyền lực, Người không bẻ khóa, trái lại, hết sức chân tình, Người bấm chuông, gõ nhẹ vào cửa rồi chờ đợi. Đó là vị Thiên Chúa của chúng ta


Diễn từ cùng Các Vị Đại Diện Học Đường và Đại Học ở Giáo Hoàng Đại Học Viện Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015


"Chúa Giêsu là Vị Sư Phụ đã dạy đám đông dân chúng và nhóm nhỏ môn đệ của Người bằng việc hòa mình với khả năng hiểu biết của họ..Chúa Kitô không tìm cách 'đóng vai giáo sư'. Trái lại, Người tìm cách tiến đến với cõi lòng của dân chúng"


Trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu là Vị Sư Phụ đã dạy đám đông dân chúng và nhóm nhỏ môn đệ của Người bằng việc hòa mình với khả năng hiểu biết của họ. Người làm điều ấy bằng các dụ ngôn, như dụ ngôn người gieo giống (xem Luca 8:4-15). Người làm như vậy để mọi người có thể hiểu được. Chúa Kitô không tìm cách "đóng vai giáo sư". Trái lại, Người tìm cách tiến đến với cõi lòng của dân chúngđến với kiến thức của họ và đến đời sống của họ, nhờ đó họ sinh hoa kết trái. 

Dụ ngôn người gieo giống nói với chúng ta về "việc vun trồng". Nó nói về những loại đất khác nhau, cách thức gieo và sinh hoa trái, và cách thức mà tất cả những điều ấy liên hệ với nhau. Ngay từ thời Khởi Nguyên, Thiên Chúa đã âm thầm thôi thúc chúng ta "hãy vun trồng và chăm sóc trái đất"...


........ Có một mối liên hệ giữa đời sống của chúng ta và đời sống của mẹ đất (mother earth), giữa đường lối chúng ta sống và tặng ân chúng ta đã được Thiên Chúa ban cho. "Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên cùng nhau thoái hóa; chúng ta không thể chiến đấu một cách thích đáng tình trạng thoái hóa về môi sinh trừ phi chúng ta chú ý tới những căn nguyên liên hệ tới tình trạng thoái hóa về nhân bản và về xã hội" (Thông Điệp Laudato Sí, 48). Tuy nhiên, nếu như cả hai có thể "thoái hóa" thì chúng ta cũng có thể nói rằng chúng có thể "hỗ trợ nhau và có thể thay đổi cho tốt đẹp hơn". Mối tương liên này có thể dẫn đến chỗ cởi mở, biến đổi, và sự sống, hay đến chỗ hủy hoại và chết chóc. Một điều có thể nắm chắc trong tay đó là chúng ta không thể nào quay lưng lại với thực tại, với anh chị em chúng ta, với mẹ đất. Thật là sai lầm khi quay lưng khỏi những gì đang xẩy ra chúng quanh chúng ta, như thể một số trường hợp nào đó không hề hiện hữu hay chng có gì liên hệ gì với đời sống của chúng ta. 


........... Đường lối duy nhất để suy nghĩ bao gồm tất cả chúng ta, gia đình, học đường và thày giáo. Chúng ta cần phải làm thế nào để giúp giới trẻ của chúng ta đừng coi bằng cấp đại học như là những gì đồng nghĩa với địa vị cao, với tiền bạc và thế giá trong xã hội? Làm sao chúng ta có thể giúp cho việc giáo dục của chúng thành một nhãn hiệu đảm trách hơn nữa đối với những vấn đề ngày nay, đối với các nhu cầu của người nghèo, liên quan đến môi sinh? 


Các bạn sinh viên thân mến, tôi cũng có một câu hỏi cho các bạn. Các bạn là hiện tại và là tương lai của Ecuador, là luống hạt giống cho việc tăng trưởng sau này của xã hội các bạn. Các bạn có nhận thức được rằng thời điểm học hành đây chẳng những là một quyền lợi mà còn là một đặc ân hay chăng? Biết bao nhiêu là bạn hữu của các bạn, dù là những người các bạn biết tới hay không biết tới, muốn có được một vị trí ở ngôi nhà này mà không được vì các lý do khác nhau? Việc học vấn của chúng ta giúp chúng ta cảm thấy được tình đoàn kết với họ đến độ nào?


Các cộng đồng giáo dục giữ một vai trò thiết yếu trong việc làm phong phú đời sống dân sự và văn hóa. Việc phân tích và diễn tả thực tại chưa đủ: cần phải hình thành các môi trường cho việc suy tư sáng tạo, cho các cuộc bàn luận để khai triển những giải pháp đối với các vấn đề hiện tại, nhất là ngày nay.


.............  Với vai trò là một đại học, là những cơ quan giáo dục, là thày giáo và là những sinh viên, chính đời sống thách đố chúng ta trả lời câu hỏi này: Thế giới này cần chúng ta để làm gì? Anh chị em của bạn ở đâu?.............



Diễn từ ngỏ cùng thành phần lãnh đạo xã hội dân sự ở Nhà Thờ San Francisco Ecuador, Thứ Ba 7/7/2015

"Tình đoàn kết trong xã hội xuất phát từ cảm nghiệm trong gia đình về tình huynh đệ, một tình đoàn kết chẳng những ở chỗ cống hiến cho những ai thiếu thốn mà còn cảm thấy trách nhiệm đối với nhau nữa".



Xã hội của chúng ta hưởng lợi khi mỗi một người và mỗi một nhóm người trong xã hội cảm thấy tự nhiên như ở nhà. Trong một gia đình, cha mẹ, ông bà và con cái cảm thấy tự nhiên thoải mái; không ai bị loại trừ. Nếu ai đó trong gia đình có vấn đề, cho dù là vấn đề trầm trọng, cho dù là họ gây ra cho chính bản thân mình, thì những người khác trong gia đình đều ra tay trợ giúp họ; những người ấy nâng đỡ họ, vấn đề của họ cũng là của những người trong gia đình. Tình trạng này chẳng lẽ không giống như ở trong xã hội hay sao? Thế nhưng, các mối liên hệ của chúng ta trong xã hội và trong đời sống chính trị lại thường theo chiều hướng đối chọi lẫn nhau và cố gắng loại trừ đối phương của chúng ta. Chủ trương của tôi, ý nghĩ của tôi và các dự án của tôi sẽ tiến triển nếu tôi có thể thắng vượt được người khác và có thể áp đặt ý muốn của tôi. Phải chăng đó là cách thức gia đình cần phải có? Trong gia đình, hết mọi người đều góp phần vào mục đích chung, hết mọi người đều hoạt động cho công ích, không chối bỏ cá nhân tính của mỗi người nhưng phấn khích và nâng đỡ nó. Niềm vui và nỗi buồn của mỗi một người đều được mọi người chia sẻ. Đó là những gì mang ý nghĩa gia đình! Chỉ cần chúng ta có thể nhìn các đối phương chính trị của chúng ta hay tha nhân của chúng ta cùng một cách thức chúng ta nhìn con cái của chúng ta hay vợ chồng của chúng ta, nhìn người mẹ hay người cha! Chúng ta có yêu thương xã hội của chúng ta hay chăng? Chúng ta có yêu thương xứ sở của chúng ta hay chăng, một cộng đồng mà chúng ta đang cố gắng xây dựng hay chăng? Chúng ta có yêu thương xứ sở của chúng ta một cách trừu tượng, theo lý thuyết hay chăng? Chúng ta hãy yêu thương xứ sở của chúng ta bằng hành động của chúng ta hơn là bằng lời nói! Nơi hết mọi người, trong các hoàn cảnh cụ thể, nơi cuộc đời cùng nhau chung sống của chúng ta, tình yêu bao giờ cũng dẫn đến chỗ truyền đạt, không bao giờ lẻ loi cô độc. 

............. Tình đoàn kết trong xã hội xuất phát từ cảm nghiệm trong gia đình về tình huynh đệ, một tình đoàn kết chẳng những ở chỗ cống hiến cho những ai thiếu thốn mà còn cảm thấy trách nhiệm đối với nhau nữa. Nếu chúng ta nhìn những người khác như là anh chị em của chúng ta, thì không ai bị xẩy sót hay bị loại trừ. Như nhiều quốc gia Mỹ Châu Latinh khác, Ecuador giờ đây đang trải qua những thay đổi sâu xa về xã hội và văn hóa, những thách đố mới cần phải được đương đầu bởi hết mọi cơ cấu trong xã hội. Tình trạng di dân, những thành phố quá đông đúc, chủ nghĩa hưởng thụ, các cuộc khủng hoảng trong gia đình, vấn đề thất nghiệp và bần cùng: tất cả những yếu tố này là những gì tạo nên tình trạng bất ổn và căng thẳng đe dọa đến mối hòa hợp xã hội. Các thứ luật lệ và những qui định, cũng như dự án xã hội, cần phải có tính cách bao gồm, tạo cơ hội để đối thoại và gặp gỡ, loại trừ tất cả mọi hình thức đàn áp, kiểm soát thái quá hay mất tự do như những ký ức đau thương trong quá khứ. Niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn đòi phải cống hiến những cơ hội thực sự cho dân chúng, nhất là cho giới trẻ, đòi phải kiến tạo công ăn việc làm, và đòi phải bảo đảm một thứ tăng trưởng về kinh tế được mọi người chung hưởng (hơn là chỉ hiện hữu trên giấy tờ, theo các thống kê của khoa kinh tế học vĩ mô), và đòi phải cổ võ một thứ phát triển khả trợ có thể làm nẩy sinh một cơ cấu xã hội vững chắc và gắn bó..... 




Huấn từ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và chủng sinh Ecuador ở Đền Thánh Mẫu 'El Quinche' Quito Thứ Tư 8/7/2015

"Chúng ta không phải là thành phần nhân công được thuê mướn, mà là những người tôi tớ. Chúng ta không đến để được phục vụ mà là phục vụ, và chúng ta làm thế một cách hoàn toàn không dính bén gì hết, không gậy gộc hay túi bao"

............ Trong Phúc Âm, Chúa mời gọi chúng ta hãy chấp nhận sứ vụ của chúng ta một cách vô điều kiện. Đó là một sứ điệp quan trọng chúng ta không bao giờ được quên. Ở nơi đây, nơi Đền Thánh được cung hiến cho Đức Mẹ Dâng Mình này, sứ điệp ấy lại vang vọng một cách đặc biệt hơn nữa. Mẹ Maria là một mẫu gương làm môn đệ cho chúng ta là thành phần, như Mẹ, đã nhận lãnh một ơn gọi. Lời đáp ứng tin tưởng của Mẹ: "Xin hãy thực hiện nơi tôi như lời ngài truyền", nhắc nhở chúng ta về những lời Mẹ nói ở tiệc cưới Cana: "Hãy làm những gì Người bảo" (Gioan 2:5). Mẫu gương của Mẹ là một lời mi gọi phục vụ như Mẹ đã phục vụ 

Trong việc Dâng Mình của Đức Trinh Nữ này, chúng ta thấy được một số gợi ý cho ơn gọi riêng của chúng ta. Con trẻ Maria là một tặng ân của Thiên Chúa ban cho cha mẹ của Người cũng như cho toàn thể dân của Người là thành phần đang trông đợi được giải phóng. Đó là điều chúng ta thấy lập đi lập lại trong Thánh Kinh. Thiên Chúa đã đáp ứng tiếng kêu của dân Ngài, bằng cách sai một trẻ nhỏ đến để mang ơn cứu độ và phục hồi niềm hy vọng cho nhị vị cha mẹ lão thành. Lời của Chúa cho chúng ta biết rằng, trong lịch sử của dân do Thái, các vị quan án, các vị tiên tri và các vị vua chúa đều là các tặng ân của Thiên Chúa ban cho dân của Ngài, mang đến cho họ niềm êm ái dịu dàng và tình thương của Ngài. Họ là những dấu hiệu về lòng ưu ái nhưng không của Ngài. Chính Ngài đã chọn họ, đã đích thân chọn họ và sai họ. Việc nhận thức này giúp chúng ta vượt ra ngoài cái tôi tâm điểm của mình và hiểu rằng chúng ta không còn thuộc về mình nữa, ơn gọi của chúng ta là loại trừ tất cả những gì là vị kỷ, tất cả những gì là tìm kiếm lợi lộc vật chất hay tưởng thưởng về cảm xúc, như Phúc Âm đã nói với chúng ta. Chúng ta không phải là thành phần nhân công được thuê mướn, mà là những người tôi tớ. Chúng ta không đến để được phục vụ mà là phục vụ, và chúng ta làm thế một cách hoàn toàn không dính bén gì hết, không gậy gộc hay túi bao

............. "Quyền Bính" mà các Tông Đồ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô không phải cho lợi ích riêng của các vị: các tặng ân của chúng ta là để được dùng cho việc canh tân và xây dựng Giáo Hội. Đừng từ chối chia sẻ, đừng ngần ngại cống hiến, đừng bị ràng buộc với những thứ thoải mái dễ chịu của riêng chúng ta, nhưng hãy trở nên như một con suối tuôn chảy và làm tươi mát người khác, nhất là những ai chồng chất tội lỗi, chán chường và bất mãn (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 272). 

Việc Dâng Mình của Đức Mẹ còn là những gì khiến tôi nghĩ đến sự kiên trì. Nơi hình ảnh gợi lên liên quan đến lễ Dâng Mình này, Con Trẻ Maria được trông thấy rời khỏi cha mẹ của mình khi Bé trèo lên các bậc của Đền Thờ. Trẻ Maria không quay nhìn lại, như một ám chỉ rõ ràng liên quan đến lời khuyên phúc âm, Bé dứt khoát cương quyết tiến lên. Như những người môn đệ trong Phúc Âm, chúng ta cũng cần phải tiến lên khi chúng ta mang đến cho tất cả mọi dân nước và khắp nơi Tin Mừng của Chúa Giêsu. Việc kiên trì trong sứ vụ không phải là việc đi từ nhà này sang nhà khác, tìm kiếm một nơi nào đó chúng ta sẽ được đón tiếp một cách thoải mái dễ chịu hơn. Nó có nghĩa là khuôn đúc số phận của chúng ta với Chúa Giêsu cho tới cùng

.................. Hình ảnh về việc Dâng Mình của Đức Mẹ nói với chúng ta rằng, sau khi được vị tư tế chúc lành, con trẻ Maria bắt đầu nhảy mừng ở dưới chân bàn thờ. Tôi nghĩ đến niềm vui được diễn tả nơi hình ảnh của bữa tiệc cưới, của người bạn của chàng rể, của nàng dâu trang điểm với các thứ nữ trang của nàng. Đó là niềm hạnh phúc của tất cả những ai đã khám phá ra một kho tàng và bỏ lại tất cả mọi sự để chiếm lấy nó. Việc tìm kiếm Chúa, việc ở trong nhà của Ngài, việc tham dự vào sự sống của Ngài, là những gì thúc đẩy chúng ta loan báo Vương Quốc của Ngài và mang ơn cứu độ của Ngài đến cho tất cả mọi người. Việc vượt qua ngưỡng cửa Đền Thờ có nghĩa là, như Mẹ Maria, trở nên đền thờ của Chúa và lên đường mang tin mừng đến cho anh chị em của chúng ta. Đức Mẹ, như là người môn đệ truyền giáo tiên khởi, một khi đã lãnh nhận sứ điệp của vị thiên sứ, đã vội vàng bỏ nhà để đi đến một thành ở Giuđa để chia sẻ niềm vui khôn tả này, khiến Thánh Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng trong lòng thai mẫu của ngài. Ai nghe tiếng Chúa thì "nhẩy mừng" và trở nên cho thời điểm của mình tin mừng cho niềm vui của Chúa. Niềm vui của việc truyền bá phúc âm hóa đẩy Giáo Hội tiến bước như Mẹ Maria. ............


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về