Bài Giảng cho các gia đình ở Samanes Park, Guayaquil (Ecuador) Thứ Hai 6/7/2015 "Tiệc cưới Cana được tái diễn ở hết mọi thế hệ, trong hết mọi gia đình, nơi hết mọi con người của chúng ta... Chúng ta hãy giành chỗ cho Mẹ Maria... Thiên Chúa luôn tìm tới những vùng xa xôi hẻo lánh, những ai hết rượu, những ai chỉ uống những gì là chán chường. Chúa Giêsu cảm thấy nỗi yếu hèn của họ, để tuôn đổ những thứ rượu thượng hạng cho những ai, vì bất cứ lý do nào, cảm thấy tất cả các chum nước của mình đã bị tan vỡ".
Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe là dấu hiệu trọng yếu đầu tiên trong Phúc Âm của Thánh Gioan. Mối quan tâm từ mẫu của Mẹ Maria được tỏ hiện nơi lời thỉnh cầu của Mẹ ngỏ cùng Chúa Giêsu: "Họ hết rượu rồi", và việc Chúa Giêsu nói đến "giờ của Người" sẽ được trọn vẹn hiểu biết sau này trong câu chuyện Khổ Nạn của Người. Đấy là một dấu hiệu tốt lành, vì nó cho chúng ta thấy được lòng nhiệt tình của Chúa Giêsu trong việc giảng dạy, hỗ trợ, chữa lành và mang lại niềm vui, nhờ lời của Mẹ Người: "Họ hết rượu rồi".
Tiệc cưới Cana được tái diễn ở hết mọi thế hệ, trong hết mọi gia đình, nơi hết mọi con người của chúng ta, và nỗ lực của chúng ta là để cho tấm lòng của chúng ta được nghỉ ngơi trong tình yêu mạnh mẽ, tình yêu phong phú và tình yêu hoan lạc. Chúng ta hãy giành chỗ cho Mẹ Maria, như vị thánh ký gọi Mẹ là "Người Mẹ". Giờ đây chúng ta hãy cùng Mẹ hành trình đến Cana. Mẹ Maria chú ý, Mẹ chú tâm trong suốt bữa tiệc cưới này, Mẹ tỏ ra quan tâm cho nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không khép kín bản thân mình, chỉ quan tâm về thế giới nhỏ bé của Mẹ. Tình yêu thương của Mẹ làm cho Mẹ "vươn" tới kẻ khác. Mẹ không tìm kiếm bạn bè của Mẹ để nói về những gì đang xẩy ra, để phê bình chỉ trích việc tổ chức tiệc cưới chẳng ra làm sao. Và vì Mẹ chú ý nên Mẹ mới âm thầm thấy được tình trạng hết rượu xẩy ra. Rượu là biểu hiệu cho hạnh phúc, yêu thương và phong phú. Có bao nhiêu là thanh thiếu niên và giới trẻ cảm thức rằng rượu không còn ở trong nhà của họ nữa? Có bao nhiêu phụ nữ, cảm thấy buồn bã và cô đơn, nghĩ rằng đó là lúc tình yêu rời xa họ, lúc tình yêu chuồn khỏi cuộc đời của họ? Có bao nhiêu là người già cảm thấy bị tách khỏi những cuộc mừng vui của gia đình, bị ra rìa và mong mỏi từng ngày một chút yêu thương từ những người con trai con gái của họ, từ những đứa cháu đứa chắt của họ? Tình trạng thiếu "rượu" này cũng có thể gây ra bởi nạn thất nghiệp, bởi bệnh nạn và những trường hợp khó khăn được gia đình của chúng ta khắp nơi trên thế giới cảm nghiệm thấy. Mẹ Maria không phải là một người mẹ "đòi hỏi", không phải là người mẹ chồng mẹ vợ tỏ ra thích thú về tình trạng thiếu kinh nghiệm của chúng ta, về những sai lầm của chúng ta và về những điều chúng ta quên làm. Maria là một Người Mẹ hoàn toàn chân tình! Mẹ ở đó, tỏ ra chú ý và quan tâm. Thật là mát ruột khi nghe thấy rằng: Maria là một Người Mẹ! Tôi mời gọi anh chị em hãy cùng tôi lập lại: Maria là một Người Mẹ! Một lần nữa: Maria là một Người Mẹ! Lại một lần nữa: Maria là một Người Mẹ! Thế nhưng, Mẹ Maria, vào chính lúc Mẹ thấy rằng không còn rượu thì Mẹ đã tin tưởng tiến đến với Chúa Giêsu: nghĩa là Mẹ cầu xin. Mẹ đến với Chúa Giêsu, Mẹ cầu xin. Mẹ không đến với nhóm phục tiệc, Mẹ nói ngay với Con Mẹ về vấn đề của đôi tân hôn. Câu trả lời Mẹ nhận được có vẻ cay đắng: "Điều ấy có can chi tới bà và tôi chứ? Giờ của tôi chưa đến" (câu 4). Thế nhưng, Mẹ dầu sao cũng đặt vấn đề vào tay Thiên Chúa. Mối quan tâm sâu xa của mẹ trong việc đáp ứng các nhu cầu của người khác làm cho giờ của Chúa Giêsu mau đến. Và Mẹ Maria thuộc về giờ ấy, từ máng cỏ cho tới thập giá. Mẹ đã có thể "biến máng cỏ thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với các thứ khăn lót nghèo hèn và một tình yêu dạt dào" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 286). Mẹ đã chấp nhận chúng ta như là con cái của Mẹ khi lưỡi gươm đâm thâu trái tim của Mẹ. Mẹ dạy chúng ta hãy đặt gia đình của chúng ta vào bàn tay của Thiên Chúa; Mẹ dạy chúng ta hãy cầu nguyện, hãy thắp lên một niềm hy vọng làm cho chúng ta thấy rằng các mối quan tâm của chúng ta cũng là những mối quan tâm của Thiên Chúa vậy. Việc luôn luôn cầu nguyện đưa chúng ta ra khỏi những âu lo và các thứ quan tâm của chúng ta. Nó làm cho chúng ta vượt lên trên hết mọi sự gây đau đớn, buồn phiền hay bất mãn cho chúng ta, và giúp chúng ta đặt mình vào trường hợp của người khác, vào tình trạng của họ. Gia đình là một học đường, nơi mà việc cầu nguyện nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những cá nhân cô lập; chúng ta là một và chúng ta có một người cận nhân ở kề ngay bên: họ đang sống dưới cùng một mái nhà, thuộc về đời sống của chúng ta, và đang cần giúp đỡ. Sau hết, Mẹ Maria tác hành. Những lời của Mẹ nói: "Hãy làm những gì Người bảo" (câu 5), được ngỏ cùng những phục vụ viên, cũng là lời mời gọi chúng ta hãy mở lòng của chúng ta ra cho Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là dấu hiệu của tình yêu chân thật. Những ai yêu thương đều biết phục vụ người khác. Chúng ta học biết điều này đặc biệt là trong gia đình, nơi chúng ta trở nên những người tôi tớ vì yêu thương nhau. Ở tâm điểm của gia đình không có ai bị loại trừ; tất cả đều có cùng một giá trị. Tôi nhớ có lần mẹ của tôi được hỏi rằng trong 5 người con của bà - chúng tôi có 5 anh chị em - bà yêu đứa nào nhất. Bà đã nói: giống như các ngón tay trong bàn tay của mẹ, nếu mẹ cấu một ngón trong 5 ngón thì những ngón khác như thể cũng bị cấu vậy. Con cái làm sao thì người mẹ yêu thương chúng như thế. Trong gia đình, con cái được yêu thương như chúng là. Không đứa con nào bị ruồng rẫy. "Trong gia đình chúng ta biết làm thế nào để xin mà không đòi hỏi, làm thế nào để nói 'cám ơn' như để bày tỏ lòng biết ơn chân chính về những gì chúng ta được ban tặng, làm thế nào để kiềm chế tính chất hung hăng và tham lam của chúng ta, và làm thế nào để xin tha thứ khi chúng ta gây ra tai hại, khi chúng ta cãi nhau, vì trong tất cả mọi gia đình đều xẩy ra tình trạng cãi cọ. Vấn đề thử thách đó là sau đó biết xin tha lỗi. Những cử chỉ đơn sơ có tính cách lịch sự chân thành này là những gì giúp kiến tạo nên một thứ văn hóa chung sống và tôn trọng những gì ở chung quanh chúng ta" (Thông Điệp Laudato Sí, 213). Gia đình là bệnh viện gần nhất; khi một phần tử trong gia đình bị yêu bệnh, chính ở nơi gia đình mà họ được chăm sóc cho bao lâu có thể. Gia đình là một học đường cho giới trẻ, là nhà ở tốt nhất cho người già. Gia đình cấu tạo nên tình trạng "social capital / tham gia tương ích" tốt đẹp nhất. Nó không thể nào được thay thế bằng các cơ cấu tổ chức khác. Nó cần được giúp đỡ và củng cố, kẻo chúng ta đánh mất đi cái cảm quan phục vụ thích đáng của chúng ta được xã hội nói chung cung cấp cho. Những việc phục vụ được xã hội cung cấp cho các công dân của mình đó không phải là một thứ bố thí mà là một "món nợ xã hội" đích thực liên quan đến cơ cấu gia đình là cơ cấu nền tảng và là cơ cấu góp phần cho công ích. Gia đình cũng là một tiểu Giáo Hội, được gọi là "Giáo Hội tại gia", một giáo hội, dọc theo cuộc đời, cũng làm môi giới cho niềm êm ái dịu dàng và tình thương của Thiên Chúa. Trong gia đình, chúng ta thấm nhiễm đức tin bằng sửa mẹ của chúng ta. Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của mẹ cha chúng ta, chúng ta cảm thấy gần gũi với tình yêu của Thiên Chúa. Trong gia đình, như tất cả chúng ta đều chứng kiến thấy điều này, đó là các phép lạ xẩy ra chỉ bằng một chút xíu những gì chúng ta có, những gì chúng ta là, những gì chúng ta sẵn có trong tay... và nhiều lần, nó không phải là những gì lý tưởng, không phải là những gì chúng ta mơ tưởng, không phải là những gì "cần phải là". Có một điều làm cho chúng ta suy nghĩ đó là thứ rượu mới, thứ rượu ngon được vị quản tiệc đề cập đến trong tiệc cưới Cana, đã xuất phát từ những chum nước, những chum nước được sử dụng để rửa ráy, chúng ta thậm chí có thể nói rằng xuất phát từ một nơi chốn mà mọi người đã trút bỏ tội lỗi của mình... Nó xuất phát từ những gì "xấu xa nhất", vì "nơi đâu tội lỗi gia tăng thì ở đó ân sủng càng dồi dào" (Roma 5:20). Trong gia đình riêng của chúng ta và trong gia đình bao rộng hơn mà tất cả chúng ta thuộc về thì không gì bị thải đi, không gì là vô ích. Trước khi khai mạc Năm Thánh Tình Thương, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới về gia đình, đào sâu nhận thức thiêng liêng của Giáo Hội và cứu xét các giải quyết cụ thể cùng giúp đáp nhiều thách đố khó khăn và đáng kể mà gia đình đang phải đương đầu hiện nay. Tôi xin anh chị em hãy sốt sắng cầu nguyện cho ý chỉ này, để Chúa Kitô có thể sử dụng thậm chí cả những gì đối với chúng ta có vẻ ô uế, như thứ nước trong các chum đang gây tệ hại hay đe dọa chúng ta, mà biến nó - bằng việc làm cho nó thuộc về "giờ" của Người - thành một phép lạ. Gia đình hôm nay đây cần đến phép lạ này. Tất cả những điều này đã được bắt đầu là vì "họ đã hết rượu rồi". Tất cả đều có thể thực hiện vì một người nữ - Trinh Nữ Maria - đã chú ý, đã đặt các mối quan tâm của Mẹ trong bàn tay của Thiên Chúa và đã tác hành một cách tinh tế và can trường. Thế nhưng còn một chi tiết khác nữa, chi tiết hay nhất cần phải xẩy ra, đó là hết mọi người đã hoan hưởng thứ rượu ngon nhất trong các rượu. Và đó là tin vui: thứ rượu hảo hạng nhất dầu sao cũng đã được nếm hưởng; đối với các gia đình, những điều phong phú nhất, đậm đà nhất và tuyệt mỹ nhất dầu sao cũng cần phải xẩy ra. Thời điểm này đang xẩy ra lúc mà chúng ta sẽ nếm hưởng được tình yêu thương hằng ngày, khi mà con cái của chúng ta sinh ra cảm nhận được ngôi nhà chúng ta chung sống, và những vị lão thành sẽ hằng ngày chung hưởng niềm vui của cuộc sống. Thứ rượu ngon nhất trong các rượu được thể hiện bởi niềm hy vọng, thứ rượu này sẽ đến với những ai làm mọi sự vì tình yêu thương. Và thứ rượu thượng hạng này dầu sao cũng cần phải xẩy ra, bất chấp tất cả mọi thứ biến thiên và thống kê khác lạ. Thứ rượu thượng hạng này sẽ xẩy ra cho những ai hôm nay đây cảm thấy lạc lõng vô vọng. Hãy nói với chính mình cho đến khi anh em xác tín về nó. Hãy nói với chính mình, trong tâm can của anh chị em: thứ rượu thượng hạng này dù sao cũng xẩy ra. Hãy thủ thỉ điều này với những ai vô vọng và thiếu thốn yêu thương. Hãy nhẫn nại, hy vọng và theo gương của Mẹ Maria, hãy cầu nguyện, hãy mở lòng mình ra, vì thứ rượu thượng hạng này dầu sao cũng sẽ xẩy ra. Thiên Chúa luôn tìm tới những vùng xa xôi hẻo lánh, những ai hết rượu, những ai chỉ uống những gì là chán chường. Chúa Giêsu cảm thấy nỗi yếu hèn của họ, để tuôn đổ những thứ rượu thượng hạng cho những ai, vì bất cứ lý do nào, cảm thấy tất cả các chum nước của mình đã bị tan vỡ. Như Mẹ Maria mời gọi chúng ta, chúng ta hãy "làm những gì Chúa bảo chúng ta". Hãy làm những gì Người bảo. Vậy chúng ta hãy tỏ lòng tri ân cảm tạ về điều này, đó là vào thời điểm của chúng ta và thời giờ của chúng ta, thứ rượu mới, thứ rượu thượng hạng này sẽ làm cho chúng ta lấy lại được niềm vui gia đình, niềm vui sống trong một gia đình. Chớ gì được như vậy. (Cuối lễ ĐTC còn nói thêm:) Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và hỗ trợ anh chị em. Tôi cầu cho mỗi một gia đình của anh chị em và xin anh chị em hãy theo gương của Mẹ Maria. Xin đừng quên cầu cho tôi. Cho đến khi chúng ta được gặp nhau lần nữa!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch (kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý)
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2015/outside/documents/papa-francesco-ecuador-bolivia-paraguay-2015.html
|