Tình trạng nghèo khổ ở Manila Phi Luật Tân và Colombo Tích Lan
Người nghèo là nạn nhân của thứ văn hóa phế thải này (the culture of waste). Ngày nay dân chúng bị loại bỏ, gợi nhớ đến một thứ chế độ đẳng cấp... Ở giáo phận của tôi, giáo phận Buenos Aires có một vùng mới được gọi là Portomadero và không xa những villas miserias - khu khốn khổ. Một chỗ thì có 36 nhà hàng sang trọng, chỗ kia của người đói khổ. Cả hai sát nách nhau. Hiển nhiên là chúng ta có khuynh hướng trở thành quen thuộc với cảnh tượng này... Đó là chúng ta và đó là nơi của thành phần bị sa thải. Đó là những gì là nghèo khổ và Giáo Hội cần phải làm sao càng ngày càng đi tiên phong trong việc loại trừ đi tất cả mọi tính chất trần tục. Đối với chúng ta, thành phần được thánh hiến, giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân thì tính chất trần tục là thứ tội trầm trọng nhất. Thật là ghê sợ khi thấy một con người thánh hiến, một con người của Giáo Hội, một nữ tu có một thái độ trần tục. Đó không phải là đường lối của Chúa Giêsu, của Giáo Hội Chúa Giêsu. Nó là một thứ NGO (Non-Gorvernment Organization) - một thứ Cơ Quan Ngoài Chính Quyền tự xưng là Giáo Hội, nó là một cái gì khác. Giáo Hội là Chúa Kitô, Đấng đã chết đi và sống lại cho phần rỗi của chúng ta và là chứng từ của Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô. Đôi khi linh mục và giáo dân chúng ta gây ra gương mù, đường lối của Chúa Giêsu thì khó khăn. Thật sự Giáo Hội cần phải tước bỏ mình hoàn toàn. Tôi đã không nghĩ đến vấn đề trạng thái khủng bố (state terrorism), điều bạn đã nói khiến tôi nghĩ rằng loại phế thải này cũng có thể được coi như là một hình thức của trạng thái khủng bố (state terrorism). Thật sự là chẳng hề có chuyện chăm sóc gì hết, như thể nói rằng: 'không, không phải là mày, cút đi...'. Ở Rôma đây đã có một người vô gia cư bị bệnh bao tử. Khi anh ta đến nhà thương, họ cho anh ta một viên aspirin. Anh ta đến với một vị linh mục và vị linh mục này đã động lòng thương cảm nhìn anh ta mà nói: "Tôi sẽ đưa anh đến bệnh viện, nhưng khi tôi cắt nghĩa những gì xẩy ra cho anh thì anh hãy giả bộ như lả người đi nghe". Đó là những gì anh ta đã làm, và như một nghệ sĩ, anh ta đã được việc một cách ngon lành... Đó là chứng viêm màng bụng. Nếu anh ta đi một mình thì anh ta bị loại sang một bên mặc cho mà chết. Vị linh mục coi xứ ấy đã khôn khéo giúp anh ta được việc, cử chỉ của anh ta là những gì trần gian khác với tính cách trần tục. Hoàn cảnh này có thể bị coi là một hình thức khủng bố hay chăng? Có thể lắm...
Vấn đề thực dân hóa gia đình về ý hệ
Tôi chỉ cống hiến một thí dụ nơi kinh nghiệm tôi có được. Hai mươi năm trước, vào năm 1995, có một viên chức giáo dục công đã yêu cầu một khoản nợ lớn để xây cất các học đường cho người nghèo. Họ đã cho mượn nợ với một điều kiện đó là các trường học này phải sử dụng một sách giáo khoa khá để dạy trẻ em. Một cuốn sách giáo khoa giáo dục học đường có hạng về lý thuyết giống tính (gender). Người phụ nữ này cần tiền và đó là điều kiện... Bà cũng thông minh; bà ta đồng ý và bà cho soạn một cuốn sách khác. (Theo người dịch hiểu ở đây là người đàn bà này có thể đã cho dạy cả 2 cuốn sách khác nhau một lúc, cuốn về giống tính theo điều kiện đã đồng ý, nhưng cuốn bà cho soạn thì lại dạy ngược lại với lý thuyết của cuốn kia?). Đó là ý nghĩa của vấn đề thực dân hóa về ý hệ, ở chỗ, các ý hệ (ideologies) xâm nhập vào một thành phần dân chúng khi chúng không thích đáng với thành phần này, hay chúng xâm nhập vào các nhóm người thuộc thành phần dân chúng nhưng chúng không hợp với dân chúng, và chúng thực dân hóa họ bằng một thứ tư tưởng nhắm biến đổi một tâm thức hay thể chế nào đó. Trong Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, các vị giám mục Phi Châu phàn nàn rằng có một số nợ chỉ được cho mượn kèm theo một số điều kiện đặc biệt. Các nhu cầu của một thành phần dân chúng được coi là một cơ hội để xâm nhập và lợi dụng trẻ em. Thế nhưng, điều này chẳng có gì mới lạ hết. Các chế độ độc tài của thế kỷ vừa qua đã thực hiện y như thế, chúng đã xâm nhập bằng chủ nghĩa của mình: hãy nghĩ về Thanh Niên Hitler mà xem... Dân chúng không được đánh mất tự do của mình, tất cả mọi dân tộc đều có nền văn hóa của họ, có lịch sử của họ. Khi các tư tưởng được các đế quốc thực dân áp đặt thì mục đích họ nhắm đến đó là dẹp bỏ căn tính của một dân tộc... Tất cả mọi dân tộc cần bảo vệ căn tính của mình và không khuất phục trước việc thực dân hóa về ý hệ. Có một cuốn sách được Benson viết ở Luân Đôn vào năm 1903, nhan đề là "Chúa của Thế Giới": Tôi đề nghị các bạn nên đọc cuốn sách này. Nếu các bạn đọc nó các bạn sẽ thực sự hiểu được những gì tôi đang nói đây.
Vấn đề cởi mở chấp nhận sự sống
Thái độ cởi mở với sự sống là một điều kiện cho bí tích hôn phối. Đức Phaolô VI đã nghiên cứu điều này, ngài đã nhìn vào những gì có thể làm để trợ giúp, rất nhiều trường hợp, rất nhiều vấn đề... những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tình yêu gia đình. Thế nhưng còn một điều khác nữa. Việc bác bỏ của Đức Phaolô VI (biệt chú của người dịch: trong thông điệp đầu tiên của mình về Sự Sống Con Người - Humanae Vitae ban hành ngày 25/7/1968, vị giáo hoàng này đã bác bỏ việc ngừa thai nhân tạo ở khoản thứ 14) không chỉ liên quan đến các trường hợp riêng tư: ngài đã bảo các vị giải tội rằng hãy cảm thông và nhân hậu. Ngài nhìn vào một thứ neo-Malthusianism một chủ nghĩa kêu gọi các thế lực thế giới hãy chi phối mức độ sinh sản: mức sinh sản ở Ý đã tụt xuống dưới 1% và ở Tây Ban Nha cũng thế. Điều này không có nghĩa là các Kitô hữu cần phải có một đứa con duy nhất sau đứa khác. Tôi đã trách một phụ nữ bấy giờ đang cưu mang đứa thứ 8 mà đã trải qua 7 lần bị mổ để lấy con ra. 'Chị muốn các con của chị trở thành mồ côi hay sao?' Chị không được thử thách Thiên Chúa... Đây là những gì tôi muốn nói Đức Phaolô VI là một vị tiên tri.
Nói thêm về vấn đề ngừa thai
Tôi nghĩ rằng 3 đứa con mỗi gia đình, theo những gì được các chuyên viên nói, là con số then chốt để duy trì dân số. Vấn đề chính yếu ở đây là vai trò hữu trách của cha mẹ và mỗi người phác họa ra cách thức thực hiện điều này nhờ sự trợ giúp từ vị mục tử của họ... Xin lỗi, có một số người nghĩ rằng để trở thành những người Công giáo tốt lành chúng ta cần phải gây giống như là đàn thỏ, đúng không? Vai trò hữu trách của cha mẹ: đó là lý do tại sao có những nhóm hỗ trợ hôn nhân trong Giáo Hội bao gồm những người chuyên môn về các vấn đề như thế; rồi có cả các vị mục tử nữa. Tôi biết rằng có nhiều giải quyết khả chấp có lợi cho vấn đề này. Một điều khác nữa, đó là đối với người nghèo thì trẻ em là một kho tàng quí báu, nên ở đây cũng thực sự cần phải khôn ngoan nữa. Vai trò hữu trách của cha mẹ cũng cần phải nhận thức được tính chất quảng đại của người cha hay người mẹ coi con cái của mình như là một kho tàng quí báu.
Quyền tự do ngôn luận và việc phản ứng khi bị xỉ nhục
Về lý thuyết chúng ta có thể nói rằng một phản ứng bạo động đối với một sự xúc phạm, với một khiêu khích, là những gì bất khả chấp, không tốt. Chúng ta có thể thực hiện những gì Phúc Âm dạy, chúng ta cần phải chìa cả má kia nữa. Về lý thuyết tôi có thể nói rằng chúng ta hiểu quyền tự do ngôn luận là gì. Tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau về lý thuyết. Thế nhưng chúng ta là con người và thận trọng là một nhân đức cho việc sống chung của con người. Tôi không thể khiêu khích và xỉ nhục một người một cách liên tục vì tôi có nguy cơ khiến họ tức giận, tôi có nguy cơ bị đáp trả bằng một phản ứng bất chính. Thế nhưng đó là con người. Điều tôi muốn nói đây là quyền tự do ngôn luận cần phải được lưu ý tới bản tính của con người nữa, nghĩa là cần phải thận trọng, nói cách khác đó là cần phải lịch sự. Sự thận trọng là một nhân đức điều hòa các mối liên hệ của chúng ta. Một phản ứng bạo động bao giờ cũng xấu. Chúng ta hãy chế ngự bản thân mình vì chúng ta là loài người, chúng ta có nguy cơ khiêu khích kẻ khác. Đó là lý do tại sao tự do cần phải đi đôi với thận trọng.
Những chuyến viếng thăm sắp tới ở Phi Châu, Mỹ Châu Latinh và Hoa Kỳ
Ở Phi Châu: dự tính của tôi là sẽ đến nước Cộng Hòa Trung Phi và Urganda. Tôi nghĩ có thể là vào cuối năm nay. Chuyến viếng thăm này xẩy ra hơi muộn là vì vấn đề Ebola. Tổ chức những cuộc hội họp đông đảo là một trách nhiệm lớn vì nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng ở hai xứ sở này không có vấn đề ấy. Ở Hoa Kỳ: Có 3 thành phố, đó là Philadelphia với cuộc họp của các gia đình, Nữu Ước để viếng thăm Liên Hiệp Quốc và Hoa Thịnh Đốn. Tôi cũng muốn đến California để tôn phong hiển thánh cho Chân Phước Junipero Serra nữa nhưng tôi nghĩ đến vấn đề về thời gian, cần thêm 2 ngày nữa. Tôi nghĩ tôi sẽ tôn phong hiển thánh cho ngài ở Hoa Thịnh Đốn, vì ngài là một nhân vật có tầm vóc quan trọng toàn quốc. Việc từ biên giới Mễ Tây Cơ mà vào Hoa Kỳ sẽ là một cử chỉ huynh đệ cao cả đấy, thế nhưng, ở Mễ Tây Cơ mà không đến kính viếng Đức Mẹ thì cả là một thảm kịch... (biệt chú của người dịch: dường như ở đây ngài có ý nói đến kính viếng Đền Thánh Mẫu Guadalupe, Vị Thánh Mẫu nổi tiếng ở đây cho dù chưa được tôn kính bởi Giáo Hội hoàn vũ theo phụng vụ nhưng vẫn đã được ngài là vị giáo hoàng đầu tiên, vị giáo hoàng thuộc Mỹ Châu Latinh cử hành lễ lần đầu tiên ở trong Đền Thờ Thánh Phêrô ngày 12/12/2014 vừa qua). Tôi nghĩ rắng đó là 3 thành phố ở Hoa Kỳ mà tôi sẽ viếng thăm. Các xứ sở ở Mỹ Châu Latinh tôi đã có lịch trình thăm viếng trong năm nay đó là Ecuador, Bolivia và Paraguay. Năm tới, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến Chí Lợi, Á Căn Đình và Uruguay.
Tình trạng băng hoại về chính trị
Băng hoại là những gì rất thông thường trong thế giới ngày nay và là những thái độ đồi bại dễ dàng lẻn vào các cơ cấu tổ chức vì có nhiều vai trò trong những cơ cấu tổ chức ấy, có nhiều người xếp, có nhiều xử lý viên... Băng hoại nghĩa là ăn bớt của dân chúng. Một con người đồi bại là kẻ làm hư hoại công việc hay cai trị một cách đồi bại, hoặc cùng với những người khác làm hư hoại công việc, ăn cắp của dân chúng. Thành phần nạn nhân là những người sống bần cùng nghèo khổ... Băng hoại không phải là những gì co cụm mà là vươn ra sát hại. Giờ đây thì băng hoại là một vấn đề có tính cách toàn cầu. Vào năm 2001, tôi đã hỏi một vị lãnh đạo trong nội các của tổng thống vào lúc bấy giờ câu hỏi sau đây: "xin cho tôi biết có bao nhiêu đồ viện trợ ông gửi đi ở trong nước - cả các thùng chứa, lương thực và quần áo - đến được tới đích của chúng?" Con người thanh liêm này liền trả lời ngay rằng: "35%". Đó là vào năm 2001 ở xứ sở của tôi.
Tình trạng băng hoại trong Giáo Hội: họ đã cố đút lót tôi
Khi tôi nói về Giáo Hội là tôi muốn nói về thành phần lãnh nhận phép rửa, thành phần tín hữu và tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thế nhưng, khi chúng ta nói về vấn đề băng hoại là chúng ta nói về thành phần hay các cơ cấu tổ chức đồi bại của Giáo Hội đang trở nên hư hoại. Những trường hợp như thế thực sự là đang xẩy ra. Tôi nhớ một lần vào năm 1994, tôi vừa được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá ở khu vực Flores thì bấy giờ có hai viên chức chính quyền đến gặp tôi. Họ đã nói với tôi rằng: "Đức cha thực sự là cần cho những người nghèo này... Nếu đức cha muốn thì chúng tôi có thể giúp một tay bằng cách tặng cho đức cha 400 ngàn pesos (400 ngàn Mỹ kim bấy giờ)... Tai tôi nghe như bị bung ra vì khi các bạn được cống hiến cho một món tiền lớn như thế thì cũng đủ khiến cho cả thánh nhân phải đặt vấn đề. Thế rồi họ đã nói với tôi rằng: "Để thực hiện việc đóng góp này, chúng tôi sẽ đặt cọc số tiền, rồi đức cha cho lại chúng tôi một nửa số tiền ấy". Bấy giờ tôi nghĩ rằng: tôi có cần hạ nhục họ chăng, hay nói cho họ một trận, hoặc là tôi tác hành như thể khờ khạo? Tôi đã tỏ ra như ngu ngốc mà nói với họ rằng: "quí vị biết đấy... những người như chúng tôi làm việc ở các văn phòng đại diện đây không liên hệ gì tới trương mục nhà băng. Quí vị cần phải đặt cọc số tiền cho tòa tổng giám mục bằng một biên nhận". Họ đã bỏ đi. Tôi ngẫm nghĩ rằng: nếu hai người này không được mời mà đến - đây là một ý nghĩ khiếp đảm - tức là vì ai đó đã mời họ... Chúng ta hãy nhớ điều này: là tội nhân nhưng không đồi bại, không bao giờ! Chúng ta cần phải xin ơn tha thứ cho những người Công giáo ấy, những Kitô hữu gây ra gương mù bởi sự đồi bại của họ. Tuy nhiên, có nhiều vị thánh và những vị thánh là tội nhân nhưng không đồi bại. Chúng ta hãy nhìn vào Giáo Hội thánh.
Vấn đề Trung Hoa và việc từ chối tiếp Đức Dalai Lama
Theo nghi lễ Ngoại Giao thì các vị thủ lãnh quốc gia hay các vị lãnh tụ ở cấp ấy thường không được tiếp đón khi họ đang tham dự cuộc họp quốc tế ở Rôma. Trong cuộc họp của Tổ Chức Lương Nông (FAO: Food and Agriculture Organization of the United Nations) tôi đã không tiếp bất cứ một ai. Vấn đề vì Trung quốc mà tôi không tiếp Đức Dalai Lama là không đúng. Ngài đã yêu cầu được gặp gỡ, chúng tôi có những mối liên hệ, nhưng lý do không phải là loại trừ ngài với tư cách là một con người hay bởi sợ Trung quốc. Chúng tôi đang tỏ ra cởi mở và chúng tôi muốn bình an với hết mọi người. Đâu là tình trạng của các mối liên hệ? Chính quyền Trung Hoa là chính quyền dân sự, chúng tôi cũng dân sự, chúng tôi làm việc từng bước một. Chúng tôi chưa biết được. Họ biết rằng tôi sẵn sàng tiếp họ hay tới với họ. Họ biết điều ấy.
Nữ giới trong Giáo Hội
Khi tôi nói nữ giới cần phải có một vai trò vị vọng hơn trong Giáo Hội, thì không phải chỉ cống hiến cho họ một vai trò, vai trò bí thư của một phân bộ trong Tòa Thánh chẳng hạn... Không phải thế, mà chính là để họ có thể nói với chúng ta xem họ nhận định và nhìn xem thực tại ra sao, vì nữ giới nhìn thực tại có vẻ phong phú khác hơn và khá hơn.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (bao gồm nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý)
http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-filippine-38640/
Nếu cần xem loại trọn vẹn chuyến tông du xin bấm vào cái link sau đây:
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Tích Lan (Sri Lanka) và Phi Luật Tân (12-19/1/2015)
Đón đọc bài kết về cảm nhận tường trình của ĐTC trong buổi triều kiến chung ngày mai Thứ Tư 21/1/2015