Nhân dịp lễ giỗ lần XII, ngày 16/9/2014 Đức Maria, Mẹ hiền với con thảo, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận Trong suốt 74 năm lữ hành trần thế, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận luôn là người con hiếu thảo, gần gũi, yêu thương, trông cậy vào tình mẫu tử bao la của Mẹ hiền, Đức Maria. Mối tình mẫu tử này thật ngời sáng, qua đời sống thiêng liêng, tâm tình hiến dâng, kinh nguyện sốt mến và nhất là qua chứng tá anh dũng trong những ngày cô đơn, đọa đày, ngục tù. Vì thế, chẳng phải vô tình có sự trùng hợp giữa các ngày mừng Lễ Mẹ với các sự kiện đáng ghi nhớ trong đời Vị Tôi Tớ Chúa, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận. Vào năm 1957, khi còn là Linh mục, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận đang du học tại Roma, sang Lộ Đức, để cầu nguyện với Đức Mẹ: “Trước hang đá, tôi đã suy niệm lời Mẹ nói với thánh nữ Bernadette: “Mẹ không hứa cho con các niềm vui và an ủi trên trần gian này, nhưng các thử thách và khổ đau.” Tôi đã có cảm tưởng rằng, các lời đó cũng được nói với tôi. Và tôi đã chấp nhận sứ điệp đó với ít nhiều sợ hãi. Trở về Việt Nam, tôi đã làm giáo sư, rồi giám đốc chủng viện, tổng đại diện và sau cùng làm Giám mục Nha Trang. Có thể nói rằng công việc mục vụ của tôi gặt hái nhiều thành công. Tôi trở lại Lộ Đức mỗi năm và thường tự hỏi: “Có lẽ các lời Đức Mẹ nói với chị Bernadette không dành cho tôi đâu?” Nhưng rồi năm 1975 đã đến: tôi bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bị tù, bị biết giam. Và tôi nhận ra rằng Đức Mẹ đã muốn tôi chuẩn bị cho tôi ngay từ năm 1957!”(1) Vào ngày 24/4/1975, ĐGH Phaolô VI bổ nhiệm Đức Cha Fx Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám mục Phó Tổng Giáo phận Sài gòn, với quyền kế vị, hiệu tòa Vadesi. Ngày 7/5/1975, với nhiều nước mắt âm thầm, ngài thổn thức từ giã Giáo phận Nha Trang. Ngày 12/5/1975 lên đường vào Sàigòn. Hôm sau, ngày 13/5/1975, ngài chính thức nhận nhiệm sở vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima. Đời con dâng hiến Mẹ của con (*) Giây phút đầu tiên đến Sài Gòn Cáo gian lắm điều con vì Mẹ Vu vạ nhiều nỗi Mẹ với con Trong cuộc họp tại Dinh Độc Lập, chiếu ngày 27/6/1975, qua ghi chép của Lm Thanh Lãng, ông Cao Đăng Chiếm, Phó Chủ tịch ủy ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh phát biếu:”…Việc đặt GM Thuận rất là bất thường, nằm trong những việc bất thường khác. Tại sao Cách mạng vừa về tới nơi, không có việc gí khẩn trương để phải đặt hàng loạt những gián mục mới, làm cho dân chúng hiểu như là Cách mạng sắp cấm đạo đến nơi, cần phải đặt gấp, không có sau không đặt được nữa. Việc đặt GM Thuận vội vã, không theo thủ tục nào cả,… Việc đặt GM Thuận đã tạo ra những hỗn loạn thường trực, dân chúng biểu tình đi, biểu tình lại. Khi được bổ nhiệm, GM Thuận không hề thông báo cho Cách mạng, đó là một điều rất bất bình thường. Về tới Saigon, trong khi di chuyển từ họ đạo này qua họ đạo khác, GM Thuận đã tạo nên những căng thẳng cho giáo dân, làm cho họ hiểu như là Cách mạng sắp cấm đạo, giáo dân phải chuẩn bị để tử đạo. Bây giờ là lúc cần hòa giải, mà muốn hòa giải cần phải nhắm vào lợi ích của mọi giới, đề bảo đảm tối đa lợi ích của mọi phía. Vậy, vì lợi ích của cả ba phía, tức là của Giáo hội Thiên Chúa giáo, của Giáo dân Thiên Chúa giáo, và của Cách mạng, tức là nhân dân cần được hưởng sự an toàn. Chiếu quyền lợi của cả BA GIỚI, chúng tôi dứt khoát tuyên bố GM Thuận không thể ở lại Saigon.” (2) Lời cảnh cáo quyết liệt này sẽ được chính thức thành hiện thực vào ngót hai tháng sau đó. Sống chết lao tù con có Mẹ Gian truân chẳng quản Mẹ bên con Tăm tối đêm trường con theo Mẹ Băng rừng vượt biển Mẹ dẫn con Cô quạnh ê chề con kêu Mẹ Hy vọng trào tràn Mẹ nghe con
Ngày 15/8/1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, khởi đầu cuộc phiêu lưu của người lữ hành trên đường hy vọng, ngài được mời đến Dinh Độc Lập và bị bắt đem đi quản thúc ở Giáo xứ Cây Vông, xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa. Dưới sự theo dõi ngày đêm của nhân viên an ninh chìm nổi, ngài không chờ đợi, mà sống phút giây hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Bắt chước Thánh Phaolô khi ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các Giáo đoàn. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11/1075, ngài cặm cụi viết “Sứ điệp từ ngục tù,” thành tác phẩm để đời, Đường Hy Vọng. Ngày 8/12/1975, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài hoàn thành 1001 câu di ngôn. “Tôi đã tạ ơn Đức Mẹ cho tôi viết xong Đường Hy Vọng, và trao trong tay Đức Mẹ gìn giữ, đó là của Mẹ, nhờ ơn của Đức Mẹ, xin Đức Mẹ tiếp tục lo liệu.” (3) Hiện nay, di ngôn Đường Hy Vọng đã được phổ biến toàn cầu với những bản dịch gồm 16 thứ tiếng, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Hoa. Đau khổ xác hồn con nhìn Mẹ Âm thầm lễ tế Mẹ dạy con Muôn vàn thương mến con trao Mẹ Ức triệu ân tình Mẹ thương con
Sau 7 tháng chịu quản chế tại Cây Vông, sáng ngày 18/3/1976, ngài bị đưa vào nhà tù Phú Khánh, Nha Trang. Rồi vào trại giam Thủ Đức, đến 9g đêm 1/12/1976, ngài được chở ra Miền Bắc, vào trại tù Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc, tiếp tục cuộc lữ hành tràn trề niềm Hy Vọng. Ngày 5/2/1977, ngài bị chuyển vào trại Thanh Liệt, Hà Nội. Tại nhà tù này, ngài cảm hóa ông Trần Thuyền, mật báo viên cùng phòng giam, rồi nhờ ông đến Mẹ La Vang cầu nguyện cho ngài, đã viết thư báo tin: “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ cầu nguyện Đức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tối lấy xe đạp vào trước đài Đức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Đức Mẹ biết anh cần gì thì cho anh ấy.” Đọc thư ngài quá xúc động tâm sự với Mẹ: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện. Chắc Mẹ đã nhận lời anh ấy, con mới còn sống đây.” (4) Đến ngày 13/5/1978, lễ Mẹ Fatima, ngài chịu quản thúc tại Giang Xá cho đến tháng 11/1982. Năm năm sau, ngài bị chuyển đi giam giữ nhiều nơi. Tới tháng 11/1987, ngài bị cầm tù tại Hòa Mã, Hà Nội cho đến ngày phóng thích 21/11/1988, Lễ Mẹ Dâng Mình Trong Đến Thờ. Sứ mạng tương lai con dâng Mẹ Khó khăn hiện tại Mẹ giúp con
Mẹ Maria Vô Nhiễm không bỏ quên ngài. Mẹ đã sát cánh với ngài dọc đường gập ghềnh, đen tối chốn lao tù. Trong những năm tháng thử thách triền miên ấy, ngài đã cầu xin đơn sơ, mà đầy tin tưởng cậy trông: “Lạy Mẹ, Mẹ biết con không thể làm ích gì để phục vụ Hội Thánh nữa, thì xin Mẹ cho con đặc ân được chết trong tù, để hy sinh trọn vẹn. Ngược lại, nếu Mẹ biết con còn phục vụ Hội Thánh được, xin Mẹ cho con một dấu chỉ: Ra tù trong một ngày lễ của Mẹ.” Thoát khỏi ngục tù vào ngày lễ Mẹ, ngài vui mừng hớn hở cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Hiền Mẫu Maria: Mẹ đã giải thoát con, con cảm ơn Mẹ! Con mừng lễ Mẹ! Kính chào Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Là Mẹ và mẫu gương của Hội Thánh Ngài. Kính chào Mẹ, suối nguồn ơn thánh và lòng từ nhân, mẫu gương của mọi sự tinh tuyền. Mẹ là niềm vui trong châu lệ, là chiến thắng trong đấu tranh là hy vọng trong thử thách, Mẹ là đường duy nhất dẫn đến Chúa Giêsu. Xin chỉ cho chúng con Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi. Xin hãy tỏ Mẹ ra và như vậy cũng là đủ cho chúng con. (5) ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận còn mừng lễ Mẹ Sầu Bi, Mater Dolorosa, lần cưối cùng vào ngày 15/9/2002, để hôm sau bình an Mẹ thương yêu dẫn thẳng về Thiên Quốc ngày 16/9/2002. Âu yếm đêm ngày con yêu Mẹ Ngày về tin tưởng Mẹ đợi con. Mười năm sau khi được an táng tạm tại phần mộ các Kinh sĩ Đền thờ Thánh Phêrô ở nghĩa trang chính của thành phố Roma, Campo Verano, di hài Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được cải táng về Nhà thờ hiệu tòa của ngài, Nhà thờ Đức Mẹ Scala, ở trung tâm Roma sáng ngày 8-6-2012. Vậy là con thảo Phanxicô Xaviê lại tái đoàn tụ cùng Mẹ hiền, Madonna della Scala. Con thích phiêu lưu hãy bước theo đời Mẹ là ”một cuộc hành trình phiêu lưu trong đức tin,” chỉ biết phó thác mọi sự trong tay Chúa và tiến đi, dù máng cỏ, dù Ai Cập, dù Nazareth, dù Golgotha, cứ tin và đi. Phiêu lưu vô cùng bảo đảm.( Đường Hy Vọng, số 939) Mẹ Maria đã dìu dắt, an ủi, che chở và cầu bầu cứu giúp ĐHY Fx trong suốt cuộc đời chứng nhân của Chúa Giêsu. Kính xin Mẹ đồng hành với chúng con trên đường hy vọng chênh vênh, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, quanh co, cạm bẫy đầy thử thách. Amen. AM Trần Bình An Trích dẫn: (1) & (5): TGM Fx Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng (2): Lm Thanh Lãng, Một cuộc trao đổi thẳng thắn…, nguyệt san CG&DT, số 36, 12/ 1997 (3)&(4):TGM Fx Nguyễn văn Thuận, 5 Chiếc bánh và 2 Con Cá (*): TGM Fx Nguyễn Văn Thuận. “CON VỚI MẸ” Trại Thanh Liệt, 08.12.1978
|