CN 2557: KÍNH VIẾNG ẢNH ĐỨC MẸ CZESTOCHOWA
Chiều thứ Sáu 22/8/2014, tôi nghe tin rằng có bức hình của Đức Mẹ Đen Czestochowa đến thánh du tại nhà thờ St. John The Baptist ở thành phố Costa Mesa. Tuy nhiên chiều hôm ấy, chúng tôi cần đến đọc kinh cho linh hồn Cụ Anna là mẹ của gia đình người bạn nên không đến viếng Mẹ được. Tuy vậy trong lòng tôi tiếc nuối vô cùng.
Sáng hôm nay, thứ Bẩy 23/8/2014, chúng tôi đến dự Thánh Lễ mừng 50 năm hôn phối của vợ chồng người bạn. Dù không dự tiệc nhưng khi tôi về đến nhà thì cũng đã 12giờ 30 trưa rồi. Khi nghe lời nhắn trong phone thì tôi được biết là Đức Mẹ Đen đang ở tại một nhà giáo dân gần nhà tôi. Tôi vội vàng kêu cell phone cho chị bạn nhưng hai lần mà chị không nhắc phone. Tôi buồn quá mà không biết chị ở đâu. Cuối cùng chị ấy gọi lại và cho biết địa chỉ nhà của người giáo dân Mỹ ấy. Khi tôi phóng xe đến thì đã khoảng 1 giờ trưa thứ bẩy.
Lúc đó, LM Peter West đã chuẩn bị rước Mẹ lên một nhà thờ ở vùng Los Angeles. Tôi vội quỳ xuống tạ ơn Mẹ vì Mẹ đã cho phép tôi đến thăm viếng Mẹ. Hình của Mẹ đẹp cao sang và lộng lẫy. Theo cha West thì hình này đã được chạm vào hình nguyên thuỷ của Mẹ ở Ba Lan. Ở dưới chân hình là những cánh hoa hồng đỏ thơm ngát. Tôi được hôn và đụng chạm đến đôi bàn tay Mẹ và tay Chúa Giêsu Con Mẹ. Tôi cũng xin đem những cánh hoa hồng về để chia cho những ai đang bịnh tật.
Người chủ nhà rất tử tế. Bà là một thành viên truyền giáo tích cực. Bà tặng cho tôi một chai dầu thánh đã làm phép, một hộp muối làm phép và những tài liệu về Chúa và Mẹ. Đổi lại, tôi cũng tặng cho cha West và bà những Áo Đức Bà Mầu Nâu và Chuỗi Mân Côi từ các thánh địa.
Lúc ấy tôi được gặp cha West và một anh người Phi Luật Tân là anh Christ. Anh ấy ở Montreal, Canada, còn cha West ở Virginia. Hai Cha con thay nhau lái xe từ miền Đông Hoa Kỳ đến miền Tây Hoa Kỳ để rước Mẹ thánh du đến các nhà thờ. Tôi tạ ơn Chúa vì có những linh mục và giáo dân đã hy sinh tất cả mọi sự để đem Chúa và Mẹ đến cho mọi người. Xin Chúa và Mẹ chúc phúc cho các ngài.
Theo lời bà giáo dân thì nếu được Đức Ông Phạm Quốc Tuấn cho phép thì Mẹ Đen sẽ đến nhà thờ Thánh Linh ở thành phố Fountain Valley vào ngày Chúa nhật 31/8/2014 này. Mẹ sẽ hiện diện trong các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật ấy. Hy vọng các giáo dân sẽ được Mẹ đến thăm và được Mẹ ban phép lành cho mọi người. Dù sao thì tin này chưa phải là tin chính thức.
Vì không còn thì giờ nên tôi không thể đọc kinh Chuỗi Kinh Mân Côi tạ ơn Mẹ ở đó nhưng tôi đọc kinh trên đường lái xe về. Nếu như tôi ở lại nhà anh chị bạn ăn tiệc mừng với gia đình họ như được mời từ trước thì chắc chắn tôi không được gặp Mẹ. Con tạ ơn Mẹ đã chúc phúc cho con. Con cám ơn cha West đã hai lần chúc phúc cho chúng con. Cám ơn chi bạn và bà giáo dân người Mỹ đã tử tế chia sẻ ơn lành cho chúng tôi.
Đức Mẹ Đen Czestochowa làm nhiều phép lạ tỏ tường cho nhiều người, kể cả ơn cải tử hoàn sinh. Xin ơn lành Từ Mẫu của Mẹ ban cho quý vị sức khỏe, bình an và niềm vui. Amen. Ave Maria.
Kim Hà 23/8/2014
Đọc thêm:
1. Đức Bà Đen Jasna Góra ở Czestochowa
(Kính ngày 26 Tháng 8)
Hôm cuối tháng Bảy, 2014 vừa rồi, tôi được dịp hội ngộ và kính viếng, cùng chiêm ngưỡng Thánh Ảnh Đức Bà Đen Thánh Du tới nhà thờ Đức Bà Hòa Bình "Our Lady of Peace", ở Santa Clara, do một nhóm Tín Hữu Chính Thống Công Giáo Đông Phương thuộc nghi lễ Byzantine, hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh và với Đức Thánh Cha rước tới, nghi lễ Byzantine cung nghinh thánh ảnh rất long trọng trang nghiêm và sốt sắng dài khoảng gần 3 tiếng. Sau nghi lễ, giáo dân được sắp hàng lên kính viếng Đức Bà Đen ... đến sáng hôm sau Thánh Ảnh được rước đi cầu nguyện trước các cơ sở phá thai ở San Jose. Khấn xin Mẹ cứu giúp bảo vệ sự sống sinh linh các thai nhi và gia đình họ, và xin cho chấm dứt tệ nạn phá thai. Thánh Ảnh Đức Bà Đen do nhóm giáo dân Byzantine này rước đi thánh du vòng quanh thế giới là ảnh họa lại y hệt theo Nguyên Ảnh hiện ngự trên đồi Jasna Góra ở Czestochowa, Balan. Nhóm Giáo Dân này đã nhận Đức Bà Đen Czestochowa làm Đấng bổn mạng bảo vệ thánh tính sự sống và gia đình. Nhóm có xuất xứ và được hình thành ở Vladivostok, bên Nước Nga (Russia), và được hầu hết các Đức Tổng từ Đông sang Tây chúc phúc lành và ủng hộ bất cứ nơi đâu Thánh ảnh này thánh du tới.
Quý vị muốn biết thêm chi tiết và ngày giờ ở những nơi có đón rước Thánh Du Ảnh này, hoặc muốn đón rước Thánh Ảnh tới giáo xứ hay cộng đoàn gia đình quý vị, mời bấm vào xem và liên lạc ở wéb này: http://www.hli.org/hli_campaigns/ocean-ocean-pilgrimage
Nguồn gốc sùng kính Thánh Ảnh Đức Bà Đen Czestochowa
Tôi được biết Thánh Giáo Hoàng Gioan Paulô II rất sùng kính Chân Dung Ảnh Đức Bà Đen ngự tại Đan Viện Jasna Góra (nghĩa là đồi sáng hay minh sơn “the hill of light”), thuộc giáo phận Czestochowa ở Baland. Theo Nhật Ký của Thánh Nữ Faustina cho biết có, "một tia sáng phát xuất từ Balan", và lời tiên báo đó thực tế đã ứng nghiệm nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Paulô II, xuất thân từ Baland, được Đức Bà Đồi Sáng chiếu đến tận Ngai Tòa Thánh Phêrô!
Nhân chuyến trở về cố hương Balan lần đầu tiên vào năm 1979, kể từ khi đắc cử Giáo Hoàng năm 1978, đến viếng thăm đền thánh Đức Bà Czestochowa. Ngài đã nói, "Người con của Balan đã được kêu gọi đến Tông Tòa Thánh Phêrô có hàm chứa một sự thực hiển nhiên và liên quan chắc chắn với thánh địa này, tôi hết lòng trông cậy vào Đền Mẹ nơi đây: Totus tuus ("mọi sự của con là của Mẹ"), tôi từng thầm thĩ nguyện xin như thế rất nhiều lần trước Thánh Ảnh này" (Ngày 4/6/1979). Vậy đâu là nguồn gốc sùng kính Thánh Ảnh Đức Bà Đen Czestochowa?
Sử Tích Thánh Ảnh
Sử Tích kể rằng, sau cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá, Thánh Gioan Tông Đồ đã rước Đức Bà về phụng dưỡng theo như Chúa Giêsu di ngôn, và trong số những đồ vật dụng kỷ niệm của gia đình mà Đức Bà mang theo đến Êphêsô với Thánh Gioan Tông Đồ, gồm có cái bàn gỗ do chính tay Chúa Giêsu đóng ở xưởng mộc của Thánh Giuse.
Sử tích cho biết tiếp là lúc bấy giờ các phụ nữ mộ đạo ở Giêrusalem tha thiết xin Thánh Luca họa ảnh Mẹ Thiên Chúa, cho nên thánh nhân đã vẽ ngay trên mặt bàn gỗ này (tại xứ Palestine). Trong lúc thánh nhân họa ảnh thì được Đức Bà kể chuyện cho nghe.
Xin ghi nhớ duy nhất chỉ có Phúc Âm của Thánh Luca là có kể câu chuyện; Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Maria; Đức Bà thăm viếng Bà Thánh Êlizabéth; Chúa Giêsu Giáng Sinh; Đức Bà dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ và Đức Bà tìm thấy Chúa Giêsu thất lạc nơi Đền Thờ, mà ba Sách Phúc Âm của các Thánh Sử Márcô, Máthêw và Gioan không có, thế thì, thánh Luca hẳn phải được nghe chính Đức Maria kể. Thánh Ảnh lưu ngự ở Giêrusalem khá lâu, cho tới khi quân Rôma đến phá hủy thành Giêrusalem.
Vào khoảng năm 300s, Thánh Nữ Helena là mẹ của Constantine đại đế biết được thánh ảnh đang ở Giêrusalem, nên rước về Byzantium (Constantinople), rồi ngự trị ở đó, và được gia đình hoàng tộc tôn kính qua hàng bao thế kỷ. Đúng là Ý Chúa quan phòng, đã để Thánh Ảnh lưu lạc đến Constantinople, và được các Kitô hữu ở đó gìn giữ cẩn thận.
Thánh Ảnh xuất hiện ở Bạch Nga (White Russia) vào năm 802. Năm 988, thánh ảnh thuộc quyền sở hữu của Công Chúa Anna, ái nữ Vua Byzantine là Basil II và vợ là Thánh Vladimir thành Kiev (c. 975-1015), nhà vua là người đầu tiên cải đạo sang Kitô giáo và trở thành giáo hữu tiên khởi trị vì Nước Nga. Do vì có cuộc nhân duyên giữa hai gia đình hoàng tộc Constantinople và Kiev, nên mới có sự xuất hiện của thái tử Ladislaus/Wladyslaw thành Opole, sau này trở thành Vua Louis đại đế Balan Quốc. Vào năm 1382, Thái Tử Ladislaus Opolczyk phát hiện ra thánh ảnh ở lâu đài thành Belz đang lúc chiến tranh bùng nổ với quân xâm lăng Hồi Giáo giữa thế kỷ thứ mười bốn.
Thánh ảnh đã bị một mũi tên của thổ quân hồi Tartar bắn trúng ngay cổ, cho nên, thái tử Ladislaus ra lệnh phải bảo toàn thánh ảnh khỏi sự tàn phá, và quyết định di chuyển thánh ảnh về nơi sinh quán của ngài ở Opala/Opole. Trên đường di chuyển, thái tử và đoàn tùy tùng đã ngừng lại nghỉ đêm tại Czestochowa, một trong những đô thành thuộc miền trung nam Baland bên Sông Warta. Ngày hôm sau, con ngựa nhất định không chịu kéo xe chở thánh ảnh đi tiếp, Thái tử Ladislaus cho đó là điềm lạ, bèn trèo lên đỉnh đồi Jasna Góra (nghĩa là Đồi Sáng hay Minh Sơn “the hill of light”) để cầu nguyện, vì ngài kể như điềm lạ đó là thông điệp của Chúa muốn thánh ảnh lưu ngự ở Czestochowa. Quả nhiên, Đức Bà đã hiển linh với thái tử trong mơ, và bảo là Mẹ muốn Thánh Ảnh sẽ được kính viếng ở nơi đó là Czestochowa.
Thái tử đã hoàn toàn trao phó thánh ảnh cho các đan sĩ khổ tu dòng thánh Paulô (the Order of Hermits of St. Paul) trên Minh Sơn trông coi, đan viện của họ thấy bao quát cả thành phố. Năm 1386, Vua Jagiella (a.k.a.Wladyslaw II) đã cho xây dựng một Đền Thờ dâng kính Thánh Mẫu cùng với một đan viện nguy nga lộng lẫy hơn. Khách hành hương bắt đầu tràn về hết lớp này đến lớp khác để kính viếng thánh ảnh. Kể từ đó trở đi Thánh Mẫu coi như ngự điện tại Czestochowa, và đã trở thành bửu bối quốc gia của dân chúng Balan, là những người tôn nhận Mẹ làm Nữ Vương Balan quốc. Vương Cung Đền Thánh hiện nay có Thánh Ảnh lưu ngự được xây dựng vào năm 1902.
Họa Ảnh Hodegetria
Ngài Theodore Lector (C. 530) có nhắc đến sự hiện hữu của Thánh Ảnh Hodegetria trong một nhà thờ ở Cosntantinople trước năm 450. Hodegetriathuộc loại tranh vẽ "Odigitria" (nguyên ngữ Hylạp có nghĩa là "Đấng chỉ bảo và dẫn đường", trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: "Đức Bà là Đấng chỉ bảo đàng lành" có lẽ bắt nguồn từ Thánh Ảnh này), và để chỉ Thánh Mẫu Ảnh nửa người Rất Thánh Đức Trinh Nữ Maria do Thánh Luca vẽ trên gỗ. Tranh gỗ có kích thước 122.2cm x 82.2cm x 3.5cm, cho thấy ảnh họa Đức Trinh Nữ hiện thân nửa người, đang ẵm Chúa Giêsu trên tay, tay phải đang để lên ngực hướng về Chúa Giêsu và tay trái đang ẵm Chúa Con. Sắc mặt của Đức Trinh Nữ nổi bật hẳn lên mà bất cứ ai chiêm ngắm tranh đều say đắm theo ánh nhìn của Đức Maria: dân chúng hành hương chiêm ngắm Đức Maria và Người nhìn lại họ. Chúa Hài Đồng cũng đăm đăm ngó dân chúng hành hương nhưng với ánh nhìn nghiêm nghị hơn. Cả hai sắc mặt đều có nét trầm tư và trang nghiêm, tạo cho tranh vẽ thêm phần linh động. Có hai vết thương song song cắt ngang qua vết thương thứ ba bên má phải của Đức Trinh Nữ. Cổ của Mẹ cho thấy có tới sáu vết thương, hai trong số đó có thể trông thấy rõ, trong khi bốn vết thương kia vừa đủ rõ để có thể thấy. Trong ảnh, Chúa Giêsu mặc một chiếc áo chùng màu đỏ tươi và an tọa trên vòng tay trái của Mẹ Người, tựa như một chiếc ngai để ngự tạm thời. Tay trái của Chúa Con cầm một cuốn sách, và tay phải giơ lên chúc phúc lành. Tay trái của Đức Trinh Nữ để nơi ngực chỉ về phía Chúa Con, như có ý nhủ bảo chúng ta là: "Hãy để ý vào Chúa Giêsu Con của mẹ." Áo choàng và trang phục của Đức Trinh Nữ có đính kèm hoa huệ, biểu tượng thuộc gia đình hoàng gia Hungary. Độ sáng nơi trang phục của các Ngài có nét tương phản với màu sắc đen tối trên gương mặt của quý Ngài. Cả hai Mẹ Con Chúa Giêsu đều có vầng hào quang trên đầu, trên trán Đức Maria có in hình một ngôi sao sáu cánh. Trên gương mặt và tay của Đức Bà có màu đen của bồ hóng khói, có lẽ vì vậy mà thánh ảnh có tên gọi khác dễ thương nữa là, "Đức Trinh Nữ Đen", một kiểu nói có ý nhắc nhớ chúng ta liên tưởng tới câu Thánh Kinh chép trong Sách Diệu Ca, "Da tôi đen nhưng nhan sắc mặn mà...xin đừng để ý da tôi sạm nám, vì mặt trời nắng rám da tôi" (Dc 1:5-6)
Mặt khác, Ảnh niệm còn nhắc nhớ cho giáo hữu biết rằng Chúa Giêsu chính là Con Người trưởng thành trọn vẹn trong Thiên Tính của Người. Sự sùng kính Đức Bà ở Czestochow tập trung vào Chân Dung Ảnh Rất Thánh Đức Bà được vẽ trên gỗ này.
Trải qua bao giòng thời gian, có lẽ một trong số những nơi bảo toàn và cất giấu Thánh Ảnh có tình trạng không tốt, hơn nữa, do phải trực tiếp hứng chịu biết bao nhiêu là bàn tay sờ vào, và hằng ức triệu ngọn nến thắp lên khẩn nguyện cùng Đức Bà, thành ra thánh ảnh đã bị nám khói đen. Thánh ảnh hiện thời được dát "Oklad" bọc thép, chỉ để hở Thánh Nhan và Tay của Hai Đấng ra thôi , để bảo toàn thánh ảnh khỏi bị sờ hôn và bị bồ hóng khói của nến và đèn chầu tích tụ. Thế Nhưng trải qua hàng bao trăm năm, thánh ảnh bị bồ hóng khói ngày càng đen kịt hơn. Thành ra, mới có tên gọi là, "Đức Bà Đen Czestochowa.” Năm 1430, những kẻ định ăn cắp Thánh Ảnh thuôc phái lạc giáo Huss, nhưng vì không thành, nên đã tấn công tàn phá đền thánh, (John Hus và đồ đệ lạc giáo của Hus là một trong những giáo phái tách ra từ phái thệ phản "tin lành", chủ trương chối bỏ việc sùng kính tượng ảnh Rất Thánh Đức Bà và bất kể là tượng ảnh thánh nào). Một trong những tên đồng bọn Hus đã phỉ báng và xúc phạm Thánh ảnh với ba nhát kiếm của hắn, chém ngay lên má bên phải của Rất Thánh Đức Bà. Nhưng khi Hus vừa chém xong nhát kiếm sau cùng, thì liền lăn kềnh ra quằn quại chết giấc. Còn vết thương ở cổ Đức Bà là do thổ quân Hồi Tartar trong lúc tấn công và bao vây lâu đài thành Belz; thì một trong những mũi tên của họ đã bắn xuyên qua cửa sổ Nhà Nguyện rồi đâm phập vào ngay cổ chân dung ảnh. Hai vết chém dài cắt ngang vết chém thứ ba trên má phải của Đức Trinh Nữ, cùng với những vết gươm chém xuống tới tận cổ trước đó luôn luôn tái xuất hiện, cho dù có cố gắng hồi phục thánh ảnh mấy đi nữa, nhưng các vết thương đó vẫn tái xuất hiện y như cũ. Trên thực tế, nhân sự kiện này, đã thúc đẩy đại chúng thêm lòng sùng kính Đức Bà Czestochowa lớn lao hơn nữa. Thánh ảnh Hodegetria này trải qua bao năm tháng biến loạn, và đã được tô sửa lại nhiều lần, nên thời gian gần đây ảnh có nhiều mảnh bị nứt vỡ hơn so với tình trạng nguyên thủy (thời trung cổ).
Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI đã công nhận vô số phép lạ thể hiện qua thánh ảnh, và chính thức làm lễ đội triều thiên cho Thánh Ảnh Đức Bà Đen vào năm 1717, nhưng đến năm 1909 thì bị đánh cắp mất. Đức Giáo Hoàng Piô X đã thay thế một vương miện khác nạm ngọc dát vàng cho Thánh Ảnh.
Có sử tích khác kể rằng: Họa Ảnh "Hodegtria" nguyên thủy của Thánh Luca đã bị một trong những tên thổ quân hồi chặt đứt phăng làm bốn, đang lúc chúng đánh chiếm và tàn sát tang thương thủ đô Bosphore vào ngày 29 tháng 5 năm 1453. Sau đó, có một số họa sĩ (thời Trung Cổ) đã sao họa lại Ảnh gốc Hodegtria của Thánh Luca bị chém đứt, và trước khi bắt tay vào sao họa lại, họ luôn nguyện kinh xin Chúa soi sáng hướng dẫn họ sao ảnh Mẫu Thân Tinh Tuyền của Người. Thánh Ảnh Lừng Danh Hodegtria Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Đức Piô IX ban cho Dòng Chúa Cứu Thế lưu giữ kể từ năm 1866 đến nay, là một trong những ảnh phỏng họa lại từ Họa Ảnh Hodegtria Luca này.
Có một câu chuyện liên quan tới Thánh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Hodegetria như sau:
Sau khi giáo quyền chính thức công nhận phép lạ Đức Bà hiển linh với Thánh Nữ Bernardette ở Lộ Đức, và cho phép đúc tượng Đức Bà Lộ Đức theo như Bernadette mô tả. Nhưng khi vị điêu khắc gia cho Bernadette xem tượng mới đúc xong (đa số tượng Đức Mẹ Lộ Đức hiện nay được sao đúc theo nguyên mẫu đầu tiên này), thì chị thốt lên, "đó không phải là Đức Bà! trông chẳng giống Đức Bà!” Vị điêu khắc gia khiêm tốn kia mới nói là ông đã cho đúc tượng Đức Maria đúng y chang như chị đã mô tả. Bernadette đáp, "Dạ, cháu hiểu", "Nhưng đó không phải là Đức Bà". Thế rồi, người ta đem đến trước mặt Bernadette một sấp hình Đức Mẹ, để Bernadette coi lướt qua xem có hình nào giống Đức Bà không, Bernadette dửng dưng với hết mọi ảnh, nhưng khi lướt tới ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp liền reo lên "ĐÓ là Đức Bà!" Vị điêu khắc gia tội nghiệp bật khóc, "Nhưng ảnh đó chẳng giống như những gì cháu đã mô tả", Bernadette đáp, "Dạ, cháu hiểu," "Nhưng Ảnh đó mới thực là Đức Bà." Trong cuốn “Cross Histoire de N.D. de Lourdress - Paris Beauchesne 1925, trg. 109”, sử gia L.J.M. Cross có chép: “Người ta đem đến trước mặt Bernadette một sấp ảnh Đức Bà, Bernadette chỉ dửng dưng lướt qua, nhưng khi lướt tới Thánh Mẫu Ảnh Luca (giáo dân thời đó gọi Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như vậy), Bernadette chụp ngay lấy reo lên, “Il y a quelque chose là!” (cái gì đấy!) "Đức Bà ... ĐÓ là Đức Bà".
Phép Lạ Qua Thánh Ảnh Đức Bà Đen
Trong muôn vàn phép lạ đã được thể hiện và ghi nhận qua thánh ảnh Đức Bà Đen Czestochowa, điển hình nhất là những phép lạ vang danh lịch sử Baland Quốc như sau:
Vào năm 1655, Vua Thụy Điển (Sweden) Charles Gustavus cùng với đội quân viễn chinh của nhà vua ồ ạt xâm lược Baland và hầu như đã nuốt trọn cả nước. Quân Thụy Điển đã nối gót Nga và thổ quân Hồi Tartar đua nhau đánh chiếm lãnh thổ của Baland. Tuy Nhiên, khi đội quân viễn chinh hùng hậu gồm 2.000 chiến binh Thụy Điển tấn công vào Czestochowa, liền bị các đan sĩ Paulô đẩy lui hết và ghi nhận họ thắng trận là do nhờ có Đức Bà Czestochowa chuyển cầu. Trận thắng này đã hoán đổi cuộc chiến tranh thành ra cuộc chiến vì tín ngưỡng: Dân Công Giáo đối chọi lại với dân "Tin lành Luterran " Thụy Điển, Chính Thống Giáo Nga và Hồi Giáo Tartar.
Dân chúng Baland được tăng thêm sinh khí vì đã hết lòng phó thác vào sự bảo trợ của Rất Thánh Đức Bà. Vào ngày 3 tháng Năm, 1556, Vua Jan Casimir đã mặc nhiên công nhận Đức Bà Czestochowa như sau, "Con, là Jan Casimir, Vua Nước Baland, xin nhận Đức Bà Czestochowa làm Nữ Vương và là Đấng Bảo Trợ Vương Quốc của con. Con xin đặt trọn dân quân nước con dưới sự che chở của Mẹ." Kể từ đó trở đi, chiến thắng luôn về tay dân Baland. Đức Bà Czestochowa, Nữ Vương Baland Quốc, đã trở thành biểu tượng ái quốc và tự do tôn giáo của Quốc Dân Baland. Đức Tin và lòng ái quốc kể như không thể tách rời "vì Tổ Quốc và Đức Tin" đã phối hợp thành tiếng gióng hiệu triệu họ.
Vào ngày 14 Tháng Chín, 1920, là ngày mừng kính lễ Suy Tôn Thánh Giá, đội quân xâm lược Nga hạ trại đồn binh tại Sông Vistula chuẩn bị sẵn sàng tử chiến đánh vào đô thành Warsaw của Baland. Do vì, dân chúng Baland chạy đến khẩn cầu với Đức Trinh Nữ Maria, đến ngày hôm sau là ngày lễ kính Đức Bà Sầu Bi, bỗng dưng quân Nga tự nhiên rút lui hết. Có tích cho rằng quân Nga đã nhìn thấy Đức Bà Czestochowa xuất hiện trên trời nên tháo lui. Sự kiện bất ngờ này còn được hiểu như là biến cố "Phép Lạ tại Vistula."
Trong suốt thời gian quân phát xít Đức và Cộng Sản chiếm đóng Baland, các chế độ tà quyền này đã cấm chỉ dân chúng không được hành hương đến đền Thánh và ra hình phạt rất nặng đối với những ai vi phạm lệnh cấm này. Tuy thế, hàng ức triệu giáo hữu vẫn cứ liều mạng đổ về đền thánh tôn kính Đức Bà Czestochowa.
Vào ngày 26 tháng Tám, 1982, là ngày Lễ kính Đức Bà Czestochowa, Thánh Giáo Hoàng J.P.II đã long trọng cử hành lễ mừng nhân dịp kỷ niệm 600 năm Thánh Ảnh Đức Bà Đen Czestochowa ngự đến Baland và được dân chúng tôn kính. Từ nguyện đài Castel Gandolofo, nơi có Thánh Ảnh Đức Bà Czestochowa đang hiển ngự giữa cung thánh, ngài đã truyền giảng một thông điệp đặc biệt đến dân chúng Baland đồng hương của ngài như sau:
“Kính Thưa Quý đồng hương thân mến! Dẫu cho đời sống của người dân Baland có khó khăn cách mấy đi nữa trong năm nay, xin cho mọi người biết tỉnh thức để chiến thắng, vì biết rằng cuộc đời này của chúng ta đã được Mẫu Tâm ấp ủ. Cũng như khi Mẫu Tâm Vô Nhiễm toàn thắng nơi vị Hiệp Sĩ Maximilian Kolbe thế nào, thì xin cho Mẹ cũng được toàn thắng nơi quý ông bà anh chị em như vậy. Xin Cho Khiết Tâm Mẹ được toàn thắng! Xin cho Đức Bà Jasna Gora chiến thắng trong chúng con và qua chúng con! Mẹ thắng luôn cả những khốn khổ và thất bại của chúng con. Xin Mẹ củng cố đừng bao để chúng con thôi không cố gắng tranh đấu cho công bình và sự thật, cho tự do và nhân phẩm đời sống chúng con. Chẳng phải lời Đức Maria nhắn nhủ; “Hãy làm theo những gì Ngài (con ta) dạy bảo”, có nghĩa vậy sao; chẳng phải lời của Vị Thánh Tông Đồ Dân Ngoại và gương của vị thánh đồng hương chúng ta là Cha Maximilian Kolbe nhắn bảo, “xin cho sức mạnh của tôi được thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối” đó sao. Kính Lạy Đức Nữ Vương Baland, con trông ngóng Mẹ, con tưởng nhớ Mẹ, con ở gần Mẹ!”
Bài Học: Thánh Ảnh Tượng Đức Bà và Kinh Mai Khôi cùng Ra Trận
Kể từ khi xảy ra vụ khủng bố hồi giáo tấn công hai tòa tháp đôi của Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001, thì dường như đó cũng là điềm báo cho Dân Công Giáo chúng ta biết rằng, chúng ta đang ở vào thời cuối của cuộc chiến sau hết, thời của Đức Nữ Vương sẽ “đạp nát đầu rắn quỷ”, như lời Mẹ đã báo cho biết ở Fatima “cuối cùng Khiết Tâm Mẹ sẽ thắng", và như lời Thánh Grignion Maria de Monfort đã tiết lộ trong tập sách, "Chân Thành Sùng Kính Thánh Mẫu Maria – True Devotion to Mary": “...Vào thời cuối, ...Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ bao trùm trên vương quốc của người hồi giáo và kẻ vô đạo tôn thờ tà thần. Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện các vị đại thánh trỗi vượt hơn các thánh trước kia.”
Thánh Ảnh Thần Kỳ Đức Bà Guadalupe hiển linh trên áo choàng của Thánh Juan Diego (Huân điagô) ở Mễxicô, là Chân Dung Đức Bà đang mang thai, chân đạp "mặt trăng lưỡi liềm", và đang chấp tay mặt quay về hướng đông như đang cầu nguyện. Dấu hiệu "trăng lưỡi liềm" là của "thần rắn" mà lúc bấy giờ thổ dân Aztec ở Mexico tôn thờ. Mà "trăng lưỡi liềm" cũng là cờ hiệu của Dân Hồi Giáo Islam trên thế giới (đọc thêm: "Đức Maria và Hồi Giáo"). Quý vị mở TV coi tin tức sẽ thấy ở đâu có dân hồi, ở đó xuất hiện cờ "trăng lưỡi liềm". Cờ của các nước Cộng Sản trên thế giới cũng có hình trăng lưỡi liềm như Hồi Giáo Islam và có thêm cái búa, thành ra cờ trăng búa liềm, vì Joseph Stalin, kẻ khai sinh ra tà quyền cộng sản vốn xuất thân là Người Hồi, có nguồn gốc cùng quê với anh em nhà Dzhokhar and Tamerlan Tsarnaev, là hai kẻ đã nổ bom khủng bố cuộc đua “Marathon” ở Boston vào ngày 15 tháng 4 năm 2013.
Quý vị nào theo dõi tin tức hằng ngày hẳn biết, ít có nơi nào trên thế giới hiện nay được yên ổn sống đạo, tín hữu Kitô chúng ta cũng giống như Dân Do Thái xưa, bị ghanh ghét, bị bắt bớ và bị đuổi giết khắp nơi ẩn dấu dưới nhiều hình thức tinh khôn khác nhau, chỉ vì cái tội Tôn Thờ Thiên Chúa duy nhất, chống lại bất công và nói lên sự thưc, trong khi các đạo khác không bị như vậy. Đúng như Lời chép trong Sách Sáng Thế Ký, "nó (rắn quỷ) sẽ rình cắn gót chân Bà" và trong Sách Khải Huyền chương 12, "con rồng chầu trực và rình đuổi ...để nuốt con Bà". Các nước bên Trung Đông hiện nay, máu đổ khắp nơi... Điển hình tại xứ Irap, quê hương của tổ phụ Ábraham và 12 chi tộc Giacób đang bị quân nhà nước hồi giáo ISIS (Islamic State) đánh chiếm, quét sạch mọi Tín Hữu đã tồn tại và chung sống hòa bình với lương dân hồi giáo gần 2.000 năm nay, và cho nổ tung cổ mộ 3.000 năm lịch sử của tiên tri Giôna thành tro bụi, và tôi nghe nói, Đức Tổng xứ ấy đã cho soạn lời kinh cầu cho hòa bình, nhưng liệu kinh nguyện ấy có hiệu nghiệm không?
Phải chăng lỗi của tổ phụ Abraham không biết xử các bà vợ, nên thế giới mới phải bị rơi vào cảnh ngộ trớ trêu hôm nay, 9/11/2001 có phải dấu hiệu tái mở màn cho thế kỷ 21: "Nạn Khủng Bố Hồi Giáo",
"Agar...ngươi sẽ....sinh hạ con trai và đặt tên là Ismahel, vì Thiên Chúa đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi. Con người đó sẽ như một con lừa hoang dã, nó sẽ giơ tay chống đối mọi người, mọi người sẽ chống đối nó, nó sẽ ở về phía đông đối địch với hết thảy anh em nó....Ta sẽ làm cho dòng dõi nó thành một dân tộc lớn đông đúc đến độ không thể đếm được" (Khởi Nguyên chương 16) Rồi mới đây, dịch bệnh Ebola đang bùng phát ở Phi Châu giết chết bao nhiêu người, và các Đức Tổng Xứ ấy cũng ra lệnh phải ăn chay - cầu nguyện và sám hối, vì các ngài bảo dịch bệnh do bởi tội mà ra. Nhưng liệu những lời kêu gọi đó có được đáp ứng và hiệu nghiệm không?
Có phải Lời Chúa Giêsu nói đang ứng nghiệm với thời đại này, “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna... Dân Thành Nineveh sẽ trỗi dậy thẩm xét cùng với thế hệ này, và sẽ kết án họ: Vì xưa nghe ông Giôna rao giảng dân ấy đã sám hối” (Mt 12:39,41)
Hình như thế giới Công Giáo chúng ta lâu dần rồi bỏ quên mất những bài học vang danh lịch sử của tiền nhân, muốn xung trận phải cậy nhờ vào Kinh Môi Khôi và rước Thánh Ảnh Đức Bà theo cùng, tựa như Dân Ích Diên (Israel) xưa rước hòm bia giao ước theo cùng vậy, vì hễ ở đâu có Mẹ, có Nguyện Kinh Môi, thì ở đó giống như có Nhà Tạm, có Chúa đang ngự trong nhà tạm vậy. Ở đâu có Mẹ ở đó có Chúa, vì Hai Thánh Tâm không tách thể rời nhau. Ở đâu có Chúa Giêsu - ở đó có cả Ba Ngôi cùng Hiện diện, ở đâu có Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh - ở đó có Chúa Thánh Thần Hiển Trị, vì Mẹ là Hiền Thê của Người. Mà Kinh Môi Khôi chính là cuốn Phúc Âm thu nhỏ, là đúc kết toàn bộ Phúc Âm (Giáo Lý Công Giáo Số 2773-2779).
Nếu như Thế Giới Công Giáo và hết thảy các Đấng Các Bậc hướng dẫn dân chúng, để ý "Vâng Nghe" lời Mẹ chỉ bảo như gia nhân ở "Tiệc Cưới Cana" năm xưa, mà Thánh Giáo Hoàng J.P II đã nhắc tới, chắc chắc "Cuối cùng Khiết Tâm Mẹ Sẽ Thắng". Mẹ sẽ đạp nát đầu rắn, như trong Thần Kỳ Ảnh Guadalupe "Chân đạp mặt trăng" lưỡi liềm ở Mexico, và như lời Mẹ đã hứa và truyền dạy tại Fatima năm xưa: "Hãy Cải Thiện tu chỉnh đời sống, Nguyện Kinh Mai Khôi và Tôn Sùng Mẫu Tâm...thì Nước Nga sẽ hoán cải và thế giới sẽ được hòa bình." Trận Hải Chiến lẫy lừng đại thắng thổ quân hồi ở Lepanto vào ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã chứng minh điều đó. Thánh Ảnh và Kinh Mai Khôi cùng ra trận.
Thánh Ảnh Đức Bà Jasna Góra ở Czestochowa (thuộc một trong bốn đền hành hương Thánh Mẫu nổi tiếng của Hội Thánh Công Giáo); Đức Bà Guadalupe ở Mễxicô; Đức Bà Lộđức, Đức Bà Fatima.
Đức Bà chỉ bảo đàng lành, cầu cho chúng con. Amen
Chúa Nhật ngày 10 tháng 8, 2014.
Sóng biển
2. Sự tích Đức Bà Đen Czestochowa, Ba Lan Khi nghe nói về Ba Lan và về Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chúng ta thường nghe nhắc đến ảnh Đức Bà Czestochowa của Ba Lan, hay còn được gọi là ảnh "Đức Bà Đen". Vậy sự tích Đức Bà Đen được tương truyền như sau:
Thánh sử Luca vẽ bức tranh này và đang khi vẽ tranh, Đức Mẹ Maria kể cho thánh sử nghe về cuộc đời của Chúa Giêsu, mà sau này thánh sử đã viết thành sách Phúc Âm theo thánh Luca.
Thế rồi tranh này mất tích cho đến năm 326 bà thánh Helen tìm thấy lại bức tranh trong thành Jerusalem và thánh Helen tặng tranh này cho con mình là đại đế Constantin và hoàng đế xây một đền thờ ở thành Constantinople (bên Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay). Trong một trận chiến, dân thành Constantiople đã để ảnh Đức Bà treo bên ngoài tường thành và đạo quân địch đã bỏ chạy. Đức Bà đã cứu thành này khỏi tàn phá của quân xâm lăng.
Sau đó ảnh Đức Bà truyền tay qua nhiều người, mãi tới năm 1382 khi quân xâm chiếm thành và tấn công pháo đài của hoàng tử Ladislaus, nơi mà khi đó đang cất giữ ảnh Đức Bà. Một mũi tên của quân Tartar bắn đã xuyên vào cổ họng của bức tranh Đức Bà. Thế rồi sau đó hoàng tử Ladislaus dời bức tranh đi nơi khác và để trong một nhà thờ ở thành Czestochowa, thuộc nước Ba Lan.
Đến năm 1430, nhà thờ này bị xâm chiếm và một kẻ cướp dùng kiếm đâm vào bức tranh 2 lần, thế nhưng trước khi đâm nhát kiếm thứ hai, chàng ta đã bị ngã xuống đất trong cơn đau đớn và khốn khổ, sau đó thì chết. Nhát kiếm và dấu tích của mũi tên ngày nay vẫn còn thấy được vết tích trên bức tranh.
Đức Bà Czestochowa (hay còn gọi là Đức Bà Đen) sau đó được tôn vinh là Nữ Vương và đấng Bảo Trợ cho dân Ba Lan.
Vào năm 1920, quân đội Nga sô chiếm Ba Lan, rồi khi họ thấy hình Đức Bà trên tầng mây, và họ đã rút quân.
Những biến cố lạ lùng đã xẩy ra qua các thế kỷ như là những việc Đức Bà đã chữa lành các căn bệnh khi dân chúng cầu nguyện với Đức Bà đã làm cho nhiều người tuốn đến cầu nguyện với Đức Bà Đen qua các thế kỷ.
Sở dĩ được gọi là Đức Bà Đen là bởi vì chất dầu vẽ tranh qua năm tháng thời gian các thế kỷ đã làm cho bức tranh có mầu thẫm đen. Và cũng vì qua thời gian lâu đời dân chúng đến đốt nến và cầu nguyện trước ảnh Đức Bà cũng làm cho chất sơn dầu trên tranh biến thành mầu đen.
3. ĐỨC MẸ CZESTOCHOWA (Đức Mẹ Đen)
Câu truyện
Đền thánh Đức Mẹ Czestochowa là đền thánh quốc gia Ba Lan, được xếp thứ tư trong số các trung tâm hành hương Kitô Giáo trên khắp thế giới, chỉ sau Roma, Lộ đức, và Jerusalem. Hằng năm, hơn năm triệu tín hữu hành hương đã đến đây chiêm ngắm bức ảnh thánh của Đức Mẹ, theo truyền tụng, là do thánh sử Luca đã vẽ trên một chiếc bàn được chính Chúa Giêsu đóng.
Theo lời kể, thánh nữ Helena đã tìm được bức ảnh này tại Jerusalem vào năm 326 và đưa về Constantinople. Ở đây, con trai thánh nữ là hoàng đế Constantine của đế quốc Roma đã kiến thiết một đền thánh dâng kính Đức Mẹ. Bức ảnh thánh nhanh chóng được mến mộ vì ban nhiều phép lạ, và nhờ đó mà thành Constantinople đã được cứu khỏi cuộc tấn công của quân Saracens.
Không ai biết rõ ban đầu Đức Mẹ và Chúa Con đã được vẽ với nước da màu đen hay không. Có thể những ngọn lửa đã làm sém hoặc khói nến qua bao thế kỷ sốt mến đã làm cho bức ảnh có màu đen sạm, và cũng vì đó nên thường được gọi là Đức Mẹ Đen.
Có nhiều truyền tụng khác nhau kể về sự di chuyển của bức ảnh. Một truyền tụng kể rằng đó là quà tặng cho hoàng đế Charlemagne, và về sau, hoàng đế đem tặng cho ông hoàng Leo xứ Ruthenia. Một truyền tụng khác kể rằng một công chúa Hy lạp đã nhận được bức ảnh này như món quà cưới do hoàng đế Byzantine gửi tặng, và khi lập gia đình với một nhà quí tộc người Ruthenia, công chúa đã đem bức ảnh đến Belz .
Vào thế kỷ XIV, khi quân Tartar xâm lăng Ruthenia, người ta cho biết Đức Mẹ đã can thiệp khiến một đám mây lạ bao phủ ngôi nguyện đường có bức ảnh, không để bị nguyện đường bị cướp bóc và làm cho quân xâm lược phải lập tức tháo lui.
Về sau, một thiên thần đã hiện đến với vua thánh Ladislaus xứ Opola trong giấc mơ và thúc giục hãy đem bức ảnh đến Jasna Góra (Núi Ánh Sáng), gần một ngôi làng hẻo lánh tên là Czestochowa. Vua thánh đã xây một tu viện cho các tu sĩ dòng Phaolô coi sóc bức ảnh. Năm 1386, các tu sĩ kiến thiết một đền thánh, vì vô số phép lạ đã xảy ra tại đây, nên đền thánh này nhanh chóng nổi tiếng tại Ba Lan. Vua Jagiello sau đó còn xây dựng một vương cung thánh đường đồ sộ bọc quanh đền thánh.
Vào năm 1655, khi quân Thụy Điển xâm lược Ba Lan, một số binh sĩ và tu sĩ quyết tâm tử chiến để bảo vệ đền thánh, và nài xin bức ảnh Đức Mẹ ban ơn giải thoát. Họ đã đẩy lui quân xâm lược trong vòng bốn mươi ngày, và cuộc chiến thắng nhỏ bé tại đây đã phấn khích người Ba Lan đến độ họ đã tiến đánh và xua đuổi quân Thụy Điển ra khỏi bờ cõi. Để ghi ơn, vua John Casimir đã tôn nhận Đức Mẹ Czestochowa làm Nữ Vương nước Ba Lan, và đặt đất nước dưới sự bảo bọc của Mẹ.
Ba Lan dành được độc lập năm 1919, nhưng không bao lâu sau lại bị người Nga xâm lược. Ngày 14 tháng 9 năm 1920, khi quân xâm lược đến bờ sông Vistula, chuẩn bị vây hãm thủ đô Warsaw. Giữa cơn ngặt nghèo, dân chúng đã cầu nguyện cùng Đức Mẹ Czestochowa. Hôm sau – nhằm ngày lễ Đức Mẹ Đau Thương – người ta kể lại Đức Mẹ đã hiện đến giữa đám mây trên bầu trời Warsaw, và bọn ngoại xâm đã phải tháo chạy sau một loạt những cuộc giao tranh. Sự kiện này được gọi là Phép Lạ bên bờ sông Vistula.
Năm 1717, Đức Clement XI đã công nhận bản chất hay làm phép lạ của bức ảnh. Năm 1925, Đức Pius XI đã tái xác nhận Đức Maria với tước hiệu Nữ Vương nước Ba Lan, và thiết lập lễ kính vào ngày 3 tháng 5.
Trong thời gian Thế Chiến II, nhà độc tài Hitler ra lệnh cấm hành hương đền thánh, nhưng các giáo hữu vẫn âm thầm đến nài xin sự phù trợ của Đức Mẹ. Sau khi Ba Lan được giải phóng, nhiều tín hữu đã hành hương để tạ ơn Đức Mẹ. Đền thánh này là địa điểm để tái dâng hiến nước Ba Lan cho Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 năm 1946, cũng như địa điểm tụ họp vào năm 1947, để nài xin Đức Mẹ can thiệp trước tai họa chủ nghĩa vô đạo nguy hiểm. Chắc chắn lời cầu bầu của Đức Mẹ Czestochowa đã chấm dứt ách cai trị vô đạo tại Ba Lan.
Ngày nay, Trung Âu và Đông Âu đang mở cửa cho các du khách, đền thánh Đức Mẹ Czestochowa lại được tiếp đón nhiều tín hữu hành hương hơn trước, vì câu truyện Đức Mẹ nâng đỡ một dân tộc yêu tự do đã được loan truyền khắp thế giới.
LỜI KINH TRUYỀN THỐNG
Lạy Đức Mẹ Czestochowa, Mẹ đầy ơn phúc, tốt lành và thương xót. Con xin hiến dâng cho Mẹ mọi tư tưởng, mọi ngôn từ và mọi hành vi của con – cả hồn xác con. Con nài xin Mẹ chúc lành và đặc biệt cầu bầu cho phần rỗi của con. Lạy Mẹ tốt lành, hôm nay, con xin tận hiến cho Mẹ trọn vẹn xác hồn, với niềm vui và đau khổ, xin Mẹ ban cho tha nhân và cho con những phúc lành của Mẹ ở đời này và đời sau trên thiên đàng. Amen.
LỜI KINH MỚI
Lạy Đức Mẹ Czestochowa, Đức Mẹ Đen của chúng con, xin Mẹ dạy con bài học của gia đình nhân loại. Xin Mẹ nhắc nhở con rằng, cho dù chúng con da đen hay trắng, đỏ hay vàng, cũng không có gì khác biệt, vì tất cả đều là con người. Khi con bị cám dỗ xét đoán người khác dựa trên chủng tộc hay sắc tộc, xin Mẹ hãy ban hình ảnh của Mẹ cho con để con nhớ rằng tất cả chúng con đều là con cái của Mẹ, và đều được Thiên Chúa tạo thành. Khi con nghe những lời miệt thị chủng tộc hay sắc tộc, xin Mẹ thêm sức mạnh cho tinh thần yêu thương trong con, để con biết lên tiếng ủng hộ phẩm giá của mọi người chứ đừng im lặng đồng lõa với óc phân biệt ấy. Xin Mẹ cất đi nỗi sợ hãi về dị biệt khỏi tâm hồn con, để con biết nhìn và đối xử với mọi người như những anh chị em quí mến và đáng yêu. Amen.
Kim Hà
23/8/2014
|