Fatima: Tâm Thư Kinh Mai Khôi của Sơ Lucía (1)
Trích đoạn hai tâm thư của Sơ Lucía viết năm 1970, gởi cho một linh mục dòng Salêsiêng tên Umberto Pasqual, cha là người có cơ duyên gặp gỡ và liên lạc thư từ với Sơ nhiều năm. Tâm Thư thứ nhất
Coimbra, Portugal Ngày 26 Tháng 11, 1970 Ngợi Khen Chúa Kitô Kính Gởi Cha Umberto Yêu Quý, Con xin cám ơn cha còn nhớ đến con và đã gởi thư cho con. Xin cha cho con gởi lời cám ơn đến tất cả mọi người, xin cha nhắn với họ là cứ yên tâm về những ý chỉ mà họ đã xin con cầu nguyện. Con hết sức vui mừng được biết tin về sứ vụ tông đồ mới của cha, là cố gắng phục hồi việc sùng nguyện Kinh Mai khôi, vận động tổ chức việc đền tạ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng và đọc gẫm Thánh Kinh. Đức Bà đã tha thiết yêu cầu nguyện chuỗi Kinh Mai Khôi. Nói đúng ra, là vì Kinh Mai Khôi, đi liền theo sau Phụng Vụ Thánh Thể, nhất là có khả năng gìn giữ và thăng tiến đức tin nơi các tâm hồn đến độ ma quỷ lồng lộn tức tối điên cuồng quyết chiến chống lại. Quả thực đây là lời kinh nguyện dìu dắt chúng ta tiến đến gần Thiên Chúa. Trong kinh cầu ấy, chúng ta được Thiên Chúa gặp gỡ thông ban ơn sủng và soi sáng cũng như tăng sức cho chúng ta vượt thắng mưu chước cám dỗ và gian chuân khốn khó. Nhờ cầu nguyện chúng ta có thể biết cách giải quyết được những vấn đề nan giải rắc rối tưởng chừng vô phương hết cách. Đáng tiếc thay, có rất ít người đi Lễ hằng ngày, để lãnh nhận Mình Thánh Chúa nuôi dưỡng. Vì thế Mai Khôi Kinh rất cần thiết cho linh hồn họ. Nếu không chịu nguyện chuỗi Kinh Mai Khôi, thế thì họ nguyện kinh gì? Nếu không nguyện kinh, thì ai sẽ được cứu? Ngay cả những ai đi Lễ mỗi ngày, cũng đều cần phải nguyện Kinh Mai Khôi hằng ngày để gìn giữ/bảo toàn ba nhân đức đối thần Tin - Cậy - Mến. Sở dĩ, Mai Khôi Kinh hỗ trợ cho Phụng Vụ Thánh là vì nó nhắc nhớ các linh hồn về màu nhiệm nguyên cội của Đấng Cứu Thế. Mai Khôi Kinh làm cho chúng ta được gặp gỡ Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Chúng ta lặp đi lặp lại lời kinh Sáng Danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần tại mỗi một chặng dừng của màu nhiệm là để chúc tụng Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta nguyện Kinh Lạy Cha, lời Kinh mà Chúa Giêsu đã dạy, là có ý khẩn cầu cùng với Chúa Cha. Đó là lời kinh chúc tụng và van xin toàn bích quy hướng về Chúa. Chúa Giêsu đâu bảo kinh nguyện ấy qua giòng thời gian sẽ trở nên hết hạn lỗi thời và buộc chúng ta phải tìm kiếm kinh nguyện nào khác đâu. Kính Mừng Maria, cũng vậy, là kinh nguyện có liên quan tới Thiên Chúa mà trong kinh nguyện ấy chúng ta thấy được lần đầu tiên Thiên Chúa mạc khải cho con người biết về màu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúng ta được diện kiến trước tôn nhan Mẹ, cũng là đang được diện kiến trước đền thờ sống động đầu tiên của Chúa Ba Ngôi. Màu nhiệm này lần đầu tiên được mạc khải cho con người xảy ra vào ngày Thiên Sứ Truyền Tin: Chúa Cha sẽ rợp bóng trên bà, Thánh Thần sẽ bao trùm bà và Con Thiên Chúa trở thành Người phàm trong cung lòng bà. Qua đó, Đức Maria thành nhà tạm sống động đầu tiên mà từ nơi ấy Đức Chúa Cha đã phái gởi Con của Người, cũng chính là Lời của Người đã hóa thành xác phàm. Hiệp nhất trong kinh nguyện, với lòng biết ơn luôn mãi, Sơ Lucía (Dòng Cácmen bất xứng "unworthy discalced Carmelite") [Nhiều người lầm tưởng Mai Khôi Kinh chỉ cần nguyện "Kính mừng Maria..." thôi là đủ. Thực ra một Kinh Mai Khôi được gọi là đầy đủ và được nguyện đầy đủ gồm có bộ ba: Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh (ghi chú của người dịch). Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo, chị chỉ nguyện kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh là đủ, các kinh khác kinh nào cũng hay, biết nguyện kinh nào?] Sóngbiển dịch
(còn tiếp thư thứ 2...)
"Mọi xác phàm đều như cỏ dại, vinh quang của nó như hoa cỏ ngoài đồng, cỏ dại cháy khô, hoa thì tàn, còn Lời Chúa tồn tại muôn đời." (1 Peter 1:24)
|