Đức Mẹ dâng mình
Ngày 21-11 là lễ Đức Mẹ Dâng Mình. Lễ này tưởng nhớ việc Thánh Gioakim và Thánh Anna đem Ái nữ Maria lên Đền Thờ Giêrusalem theo truyền thống đạo đức để kính dâng Thiên Chúa lúc Bé Maria được tròn 3 tuổi. Nhi nữ Maria sống trong khuôn viên Đền Thờ tới lúc 14 tuổi thì đính hôn với Đức Thánh Giuse.
Các học giả tân thời quá tỉ mỉ nên quan ngại về truyền thống này. Tuy nhiên, vào thập niên 400, cả Giáo hội hoàn vũ đều đã tin rằng Trinh nữ Maria đã sống tại Đền Thờ Giêrusalem từ lúc 3 tuổi tới lúc 14 tuổi. Hơn nữa, các giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo hội xác định rằng Đức Mẹ thực sự được thánh hiến tại Đền Thờ Giêrusalem để phục vụ trong đó. Đền Thờ là biểu tượng của Vườn Địa Đàng, chính Đức Maria là Eva Mới đã hiện diện trước Tôn Nhan Thiên Chúa.
Lễ Đức Mẹ Dâng Mình có nguồn gốc từ việc thánh hiến Đền thờ Đức Mẹ được xây dựng năm 543, thời Hoàng đế Justinian I, gần vị trí Đền thờ Giêrusalem bị phá đổ.
Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vô “Đền thờ của Mẹ Thiên Chúa”. Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày (từ 20 tới 25 tháng 11), và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo Thánh Giacôbê hồi giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Trinh nữ Maria lúc nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc: ‘Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ’. Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ít-ra-en yêu mến con trẻ...”.
Lễ này tiếp tục được cử hành ở khắp Đông phương, và được cử hành ở các tu viện tại Nam Ý hồi thế kỷ IX, rồi được đưa vào Nguyện đường Giáo hoàng ở Avignon (Pháp) năm 1372, do sắc lệnh của ĐGH Grêgôriô XI. Năm 1472, ĐGH Sixtô IV ghi lễ này vào lịch phụng vụ vào, nhưng ĐGH Piô V bỏ lễ này từ năm 1568. ĐGH Sixtô lại đưa lễ này vào Lịch Rôma năm 1585. ĐGH Clement VIII làm cho lễ này thành quan trọng hơn vào năm 1597, và được tiếp tục cử hành theo Lịch Rôma từ năm 1969.
Giáo hội Công giáo tưởng nhớ việc Đức Mẹ dâng mình cho Thiên Chúa tại Đền Thờ từ lúc mới 3 tuổi. Trong Tông thư Marialis Cultus năm 1974 – về việc tôn sùng Đức Mẹ, ĐGH Phaolô VI viết: “Mặc dù có nội dung ngụy tác, nó vẫn thể hiện các giá trị cao vời và mẫu mực, đồng thời thể hiện truyền thống tôn kính có nguồn gốc từ các Giáo hội Đông phương”.
Ba lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, Thánh Danh Maria, và Đức Mẹ Dâng Mình phù hợp chu kỳ phụng vụ về Đức Maria với ba lễ theo chu kỳ phụng vụ về Chúa Giêsu: Giáng sinh, Thánh Danh Chúa Giêsu, và Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh. Ngày 21-11 cũng là ngày “Pro Orantibus” (Ngày Cầu Nguyện), ngày cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, ơn gọi sống thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, giữ thinh lặng, và ẩn mình.
Truyền thống Công giáo cho thấy rằng Đền Thờ Giêrusalem mở ra con đường mầu nhiệm dẫn tới Đền Thờ Mới và Hòm Giao Ước mà Cơ thể Đức Maria là nơi Con Thiên Chúa nhập thể. Theo văn hóa cổ, tuổi lên ba là thời điểm “chuyển tiếp” từ giai đoạn hài nhi sang giai đoạn thiếu nhi, vì lúc này các hài nhi hoàn toàn bỏ bú mẹ để ăn các thực phẩm khác.
Vào thời điểm đó, Thánh Gioakim và Thánh Anna dâng Ái nữ của mình vào Đền Thờ và để con gái sống ở đó. Tới lúc 14 tuổi, các cô gái trở thành thiếu nữ nên không được ở trong nơi thánh nữa, vì tuổi này thường có kinh nguyệt, dạng này bị coi là “ô uế”, và có nghĩa là cô gái bắt đầu trưởng thành. Thế nên Đức Mẹ được đính hôn với Đức thánh Giuse. Khi trở về Nadarét, Đức Mẹ được sứ thần của Chúa truyền tin vui là sẽ thụ thai Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô.
Sấm ngôn của Đức Chúa: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (Dcr 2:14). Câu này nói về việc Đức Mẹ dâng mình và sống trong Đền Thờ.
Trinh nữ Maria chỉ là một thôn nữ bình thường, nhưng lại là một thụ tạo đặc biệt và là một nữ tu khác thường, độc nhất vô nhị: NỮ TU KHÔNG ÁO DÒNG. Không hề bước chân vào tu viện, nhưng Đức Mẹ đã sống trọn ba lời khấn: Thanh tuân, Thanh bần, và Thanh khiết.
Đức Mẹ Maria Sống đơn sơ, giản dị Khiêm nhường và lặng lẽ Nữ tu không áo dòng
Đức Mẹ giữ vuông tròn Một là khấn Trinh Khiết Hai là khấn Vâng Phục Ba là khấn Khó Nghèo
Chưa đi tu ngày nào Mà sống đời đôi lứa Nhưng trung thành lời hứa Không hề mảy may sai
Gương sáng cho mọi người Nam, nữ, hay già, trẻ Đặc biệt giới tu sĩ Kể cả giáo sĩ luôn
Nữ tu không áo dòng Ôi, tuyệt vời Trinh Nữ Một người vợ, người mẹ Một mỹ nhân dịu hiền
Nguyện xin Mẹ từ nhân Xin cầu bầu, che chở Cho chúng con biết rõ Từng nước bước, đường đi
Lạy Thánh nữ Đồng trinh Maria, xin cầu cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.
TRẦM THIÊN THU
|