Đức Thánh Cha Phanxicô: Vị Giáo Hoàng Bình Thường Dị Biệt. Đức Thánh Cha Phanxicô với cuộc Phỏng Vấn trên chuyến bay từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Tây về Rôma Chúa Nhật 28/7/2013 (tiếp theo) ĐTC Phanxicô: Các thứ thay đổi... các thứ thay đổi này cũng xuất phát từ 2 nguồn, từ những gì các hồng ý chúng tôi yêu cầu và từ những gì do chính cá nhân tôi. Bạn đã đề cập đến sự kiện tôi vẫn còn ở Nhà Thánh Matta. Thế nhưng tôi không thể sống một mình ở trong một Dinh Thự, cho dù là nó không sang trọng gì. Căn chung cư của Giáo Hoàng không có gì là đặc biệt sang trọng! Kích thước của nó vừa phải nhưng không sang trọng. Thế nhưng tôi không thể sống một mình hay với một nhóm nhỏ! Tôi cần dân chúng, tôi cần gặp gỡ dân chúng, nói chuyện với dân chúng. Và đó là lý do tại sao trẻ em từ các học đường của Dòng Tên đã hỏi tôi rằng: "Tại sao cha làm như thế? Vì khổ hạnh, vì nghèo khó?" Không, lý do của nó là tâm lý, đơn giản có vậy thôi, vì theo tâm lý, tôi không thể làm gì khác hơn. Ai cũng sống cuộc đời riêng của mình, hết mọi người đều có cách sống và hiện hữu riêng của họ. Các Hồng Y làm việc ở Tòa Thánh không sống cuộc sống giầu sang phú quí: các vị sống ở các chung cư nhỏ, các vị sống khắc khổ, các vị thật sự là khắc khổ. Những chung cư tôi biết, những chung cư do APSA cung cấp cho các vị Hồng Y. Vậy, đối với tôi, có một điều khác tôi muốn nói đến. Hết mọi người cần phải sống như Chúa muốn họ sống. Thế nhưng, vấn đề khổ hạnh - một thứ khổ hạnh tổng quát - tôi nghĩ rằng là những gì cần thiết cho tất cả những ai hoạt động phục vụ Giáo Hội. Có nhiều thứ bóng dáng của khổ hạnh... ai cũng cần phải tìm kiếm cách thức riêng của mình. Liên quan đến các vị thánh, quả thực là có các vị thánh: các vị hồng y, linh mục, giám mục, nữ tu, giáo dân; thành phần cầu nguyện, thành phần chịu khó làm việc, và là thành phần âm thầm giúp đỡ kẻ nghèo. Tôi biết có một số người gặp trở ngại trong việc phân phát thực phẩm cho người nghèo, nhưng rồi trong giờ rảnh rỗi của mình, đi làm thừa tác vụ ở nhà thờ này hay nhà thờ kia. Họ là những linh mục. Ở Tòa Thánh có các vị thánh. Cũng có một số không thánh cho lắm, và đó là những người bạn đang muốn nghe đến. Bạn biết rằng chỉ cần một cây đổ xuống thôi cũng làm ầm lên hơn là cả một cánh rừng đang vươn lên. Nên tôi cảm thấy đau đớn khi thấy những điều ấy xẩy ra. Thế nhưng, có một số, một số thôi gây gương mù gương xấu. Chúng ta có Đức Ông ấy ở trong tù, tôi nghĩ rằng ngài vẫn đang ở trong tù. Ngài không thực sự vào tù vì ngài giống như Chân Phước Imalda, ngài không phải là thánh nhân. Đó là những vụ bê bối và chúng thực sự là tác hại. Có một điều - tôi chưa hề nói điều này trước đây, nhưng tôi nhận thấy nó - tôi nghĩ rằng Tòa Thánh, một cách nào đó, đã rơi xuống khỏi tầm mức đã từng có, khi còn ở vào những ngày tháng còn những thành phần thuở xưa sùng mộ giáo hoàng (curalist)... còn những gì liên quan đến con người thuở xưa sùng mộ giáo hoàng, trung thành, làm phận vụ của mình. Chúng ta cần những con người ấy. Tôi nghĩ... cũng có một số, nhưng không nhiều như đã từng có. Tôi muốn nói đến những gì liên quan đến thành phần thuở xưa sùng mộ giáo hoàng. Tôi cần đến họ hơn nữa. Tôi có gắp chống đối ư! Ồ! nếu có chống đối chăng nữa thì tôi chưa hề thấy nó. Thật sự thì tôi chưa làm nhiều cho lắm, nhưng tôi có thể nói rằng tôi đã được giúp đỡ, và tôi đã có được những con người trung thành. Chẳng hạn, tôi thích khi người ta nói cùng tôi rằng: "Tôi không đồng ý", và tôi đã gặp như thế. "Thế nhưng tôi không thấy như vậy, tôi bất đồng: đó là những gì tôi nghĩ, còn ngài cứ làm như ngài muốn". Đó là một thứ hợp tác thực sự. Và tôi đã thấy có người như thế ở Tòa Thánh. Đó là một điều tốt. Thế nhưng cũng có những người nói rằng: "Ô, tuyệt vời biết bao, tuyệt với biết mấy, tuyệt vời biết chừng nào", rồi sau đó họ nói ngược lại ở chỗ khác... Tôi chưa gặp phải ai như vậy. Có thể là xẩy ra, có thể là có người như vậy, nhưng tôi không thấy họ. Vấn đề chống đối: trong 4 tháng nay, bạn sẽ không thấy gì mấy. 5- Patricia Zorzan (nữ phóng viên Ba Tây): Con xin nói thay cho những người Ba Tây, đó là xã hội đã đổi thay, giới trẻ đã thay đổi, và ở Ba Tây chúng ta thấy rất nhiều giới trẻ. Ngài không nói về vấn đề phá thai, về vấn đề hôn nhân đồng tính. Ở Ba Tây có một khoản luật đã được phê chuẩn nới rộng quyền phá thai và cho phéo hôn nhân giữa hai người cùng phái tính. Tại sao ngài không nói về điều ấy chứ? ĐTC Phanxicô: Giáo Hội đã nói quá rõ ràng về vấn đề này rồi. Không cần trở lại với nó làm gì, như tôi cũng không nói đến vấn đề gian lận, gian dối hay các vấn đề khác đã rõ ràng trong giáo huấn của Giáo Hội! 6- Patricia Zorzan Thế nhưng giới trẻ lại hào hứng ở vấn đề ấy... ĐTC Phanxicô: Đúng thế, cho dù không cần phải nói đến nó, mà nói đến những gì là tích cực để dẫn đường cho giới trẻ. Như thế không đúng hay sao! Ngoài ra, giới trẻ biết rất rõ những gì Giáo Hội chủ trương! 7- Patricia Zorzan: Xin phép cho chúng con được hỏi chủ trương của Đức Thánh Cha ra sao? ĐTC Phanxicô: Đó là chủ trương của Giáo Hội. Tôi là con cái của Giáo Hội mà. 8- Antonie-Marie Izoard (nhóm Pháp quốc): Kính chào Đức Thánh Cha, đ ại diện cho các bạn đồng nghiệp francophone của con trên chuyến bay này - tất cả là 9 chúng con - chúng con thật lòng biết ơn Đức Thánh Cha, một vị Giáo Hoàng không muốn được phỏng vấn. Ngay từ ngày 13/3, Đức Thánh Cha đã cho thấy mình là vị Giám Mục Rôma một cách nhấn mạnh cả thể, rất cả thể. Vậy, chúng con muốn hiểu được ý nghĩa sâu xa của việc nhấn mạnh này, có lẽ thay vì tính chất đoàn tính chúng con có thể nói về tính chất đại kết, có lẽ vị thế của Đức Thánh Cha trong Giáo Hội là primus inter pares - thứ nhất trong bình đẳng? Xin cám ơn Đức Thánh Cha. ĐTC Phanxicô: Đúng thế, trong vấn đề này, chúng ta cần phải đi xa hơn những gì được nói tới. Giáo Hoàng là một vị giám mục, Giám Mục Rôma, và vì ngài là Giám Mục Rôma mà ngài là vị thừa kế Thánh Phêrô, Đại Diện Chúa Kitô. Còn có những danh hiệu khác, nhưng danh hiệu đầu tiên là "Giám Mục Rôma" và mọi sự căn cứ vào đó. Vấn đề nói và nghĩ rằng điều này có nghĩa là primus inter pares - thứ nhất trong bình đẳng thì không phải như thế. Nó chỉ là danh xưng đầu tiên của Giáo Hoàng: Giám Mục Rôma, thế thôi. Tuy nhiên, còn có những danh hiệu khác nữa... Tôi nghĩ bạn nói về vấn đề đại kết gì đó. Tôi nghĩ danh xưng này thực sự giúp vào vấn đề đại kết. Thế nhưng chỉ duy điều này... 9- Dario Menor Torres (tờ Nhật Báo La Razón ở Thủ Đô Ma Ní Tây Ban Nha): Một câu hỏi về vấn đề Đức Thánh Cha cảm thấy ra sao. Một tuần trước đây Đức Thánh Cha có đề cập đến có một em bé đã hỏi Đức Thánh Cha rằng Đức Thánh Cha cảm thấy ra sao, hoặc là một ai đó có thể tượng tượng mình làm Giáo Hoàng, hay là bất cứ ai đó muốn làm Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha đã trả lời rằng người đó có lẽ là bị khùng mới muốn như thế. Sau khi cảm nghiệm đầu tiên của Đức Thánh Cha ở giữa một đám rất đông dân chúng, như Đức Thánh Cha đã thấy trong những ngày ở Rio, Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào trong vai trò làm Giáo Hoàng, nó có khó lắm hay chăng, hoặc Đức Thánh Cha cảm thấy sung sướng được làm Giáo Hoàng, hay đức tin của Đức Thánh Cha được tăng trưởng một cách nào đó, hoặc ngược lại, Đức Thánh Cha đã cảm thấy có những nghi ngại do dự nào đó. Con xin cám ơn Đức Thánh Cha. ĐTC Phanxicô: Vấn đề làm việc của một giám mục là một điều tuyệt vời. Vấn đề hiện lên khi ai đó tìm kiếm công việc này: điều ấy thì không tốt lắm, nó không từ Chúa mà ra. Thế nhưng, khi Chúa gọi một vị linh mục làm giám mục thì là điều tốt. Bao giờ cũng có cơ nguy khi nghĩ về bản thân mình cao hơn người khác một chút, không giống người khác, một cái gì đó như một ông hoàng. Đó là những nguy cơ và là những gì tội lỗi. Thế nhưng công việc của một vị giám mục thì tuyệt vời: nó giúp cho anh chị em của mình tiến tới. Vị giám mục đi trước tín hữu, khai lối mở đường; vị giám mục ở giữa tín hữu, bồi dưỡng mối hiệp thông; và vị giám mục ở sau tín hữu, vì tín hữu thường có thể đi trệch đường. Vị giám mục cần phải như thế đó. Bạn hỏi tôi rằng tôi có thích hay chăng. Phải tôi thích là một giám mục, tôi thích giám mục. Ở Buenos Aires tôi cảm thấy rất sung sướng, rất hạnh phúc! Thật đó, tôi cảm thấy hạnh phúc. Chúa là Đấng đã giúp tôi như thế. Là linh mục tôi cảm thấy sung sướng, và làm giám mục, tôi cũng cảm thấy sung sướng. Như thế, tôi muốn nói rằng: tôi thích điều ấy! 10- Một bộc phát: Còn làm Giáo Hoàng thì sao? ĐTC Phanxicô: Cũng thế, cũng thế! Khi Chúa đặt các bạn vào đó thì nếu các bạn thực hiện những gì Chúa muốn là các bạn cảm thấy sung sướng. Đó là cảm thức của tôi, đó là cách tôi cảm thấy vậy. 11- Salvatore Mazza (tờ Nhật Báo Avvenire Ý quốc ): Con không thể đứng lên. Xin tha cho con, con không thể đứng lên vì bao nhiêu là giây rợ ở dưới chân của con. Chúng con đã thấy trong những ngày qua, chúng con đã thấy Đức Thánh Cha đầy sinh lực, cho dù là đêm khuya. Chúng con đang thấy Đức Thánh Cha giờ đây trên chiếc máy bay đang nghiêng ngả từ bên này sang bên kia mà Đức Thánh Cha vẫn trầm lặng đứng đó, không ngắc ngư một giây phút nào. Chúng con xin hỏi Đức Thánh Cha về vấn đề các chuyến đi trong tương lai. Nhiều tin đồn về Á Châu, về Giêrusalem, về Á Căn Đình. Đức Thánh Cha đã có một lịch trình dứt khoát nhiều ít nào đó cho năm tới hay chăng, hay mọi sự vẫn chưa đưoọc quyết định? ĐTC Phanxicô: Dứt khoát, chưa có gì là dứt khoát cả. Thế nhưng, tôi có thể nói một số điều đang được hoạch định. Một điều đã được khẳng định - xin lỗi - đó là ngày 22/9 ở Cagliari. Rồi 4/10 ở Assisi. Ở trong nước Ý, tôi đã có ý định đến thăm họ hàng của tôi một ngày, bằng cách bay đến đó vào ban sáng và trở về vào sáng hôm sau, để chúc lành cho họ, họ gọi điện thoại cho tôi và chúng tôi có một mối liên hệ tốt đẹp. Thế nhưng, chỉ một ngày duy nhất thôi. Còn ở ngoài Ý quốc: Đức Thượng Phụ Bartholomaios I muốn thực hiện một cuộc gặp gỡ để tưởng niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Thượng Phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ở Giêrusalem. Chính Quyền Do Thái cũng đã gửi lời mời đặc biệt để tôi tới Giêrusalem. Tôi nghĩ Chính Quyền Palestine cũng đã làm như thế. Đó là những gì đang trong vòng cứu xét: hoàn toàn chưa có gì dứt khoát về việc tôi đi hay không đi... Rồi ở Mỹ Châu Latinh, tôi không nghĩ có khả năng trở lại, vì vị Giáo Hoàng Mỹ Châu Latinh này đã thực hiện chuyến tông du đầu tiên của mình tại Mỹ Châu Latinh. Đủ rồi! Bởi vậy chúng ta cần phải đợi ít lâu nữa đã! Tôi nghĩ rằng tôi có thể đến Á Châu nhưng tất cả vẫn còn chưa có gì hết. Tôi đã được mời đến Sri Lanka cũng như đến Phi Luật Tân. Thế nhưng tôi cần phải đến Á Châu. Vì Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI không có giờ đến Á Châu và đây là một vấn đề quan trọng. Ngài đã đến Úc Châu rồi đến Âu Châu và Mỹ Châu, còn Á Châu... Vấn đề về Á Căn Đình: có lúc tôi mghĩ rằng việc này có thể đợi ít lâu đã, vì những tất cả những chuyến tông du này cần phải theo thứ tự ưu tiên. Tôi muốn đến Istanbul vào ngày 30/9, thăm Đức Thượng Phụ Bartholomaios I, nhưng bất khả, bất khả vì chương trình của tôi. Nếu chúng tôi gặp nhau thì sẽ ở tại Giêrusalem. 12- Một bộc phát: Còn Fatima thì sao cơ? ĐTC Phanxicô: Fatima, cũng đã có lời mời đến Fatima, đúng vậy, đúng vậy. Đã có lời mới đến Fatima. 13- Một bộc phát: 30/9 hay 30/11 ạ? ĐTC Phanxicô: Tháng 11, Tháng 11, lễ Thánh Anrê (Biệt chú của người dịch Việt ngữ: thường thì vào ngày Lễ Trọng kính Thánh Phêrô và Phaolô 29/6 hằng năm, hai vị Thánh tiêu biểu cho Giáo Hội Công Giáo Rôma ở Tây phương, và Lễ Thánh Anrê ngày 30/11 hằng năm, vị thánh quan thày của Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, hai Giáo Hội Đông và Tây có những trao đổi hay gặp gỡ có tính cách đại kết. Bởi thế, ĐTC Phanxicô cho biết ngài có thể gặp gỡ Đức Thượng Phụ hoàn vũ Bartholomaios I ở Giêrusalem nhân dịp tưởng niệm hai giáo hội chính yếu này của Kitô Giáo đã chính thức tha vạ tuyệt thông từ năm 1052 cho nhau qua hai vị đại diện của hai Giáo Hội bấy giờ là Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Giêrusalem ngày 5/1/1964, một tác động đại kết lịch sử hết sức đặc biệt của chuyến tông du ngoài Ý quốc đầu tiên của một vị giáo hoàng Công Giáo Rôma trong lịch sử Giáo Hội, ngay khi Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng chủ trương canh tân nội bộ, cởi mở với thế giới, đối thoại liên tôn và đại kết Kitô giáo). (còn tiếp)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/holy_father/francesco/speeches/2013/july/documents/papa-francesco_20130728_gmg-conferenza-stampa_en.html
|