ĐỨC MẸ SẦU BI, GM GB. BÙI TUẦN
Trong tháng 9 có lễ kính Đức Mẹ sầu bi (15/9). Dịp này Hội Thánh nhắc cho chúng ta nhớ vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ, để chúng ta cũng hiểu vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta.
I. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ
Đức Mẹ phải đau khổ. Đau khổ vì con mình là Chúa Giêsu. Đau khổ vì nhân loại là đàn chiên Chúa muốn cứu chuộc.
Thực vậy, Chúa Giêsu là Tin Mừng đặc biệt cho Đức Mẹ. Nhưng Người cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ phải đau đớn. Đau đớn vì cảnh nghèo nàn thiếu thốn, khi sinh con trong hang đá Bêlem. Đau đớn vì cảnh đi trốn nhọc nhằn, khi đem con lánh nạn sang Ai Cập. Đau đớn vì cảnh lạc mất con, khi từ đền thánh trở về. Đau đớn vì cảnh lao động lầm than mấy chục năm giữa xóm nghèo ở Nadarét.
Đau đớn vì cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ và bị tử hình trên thánh giá ở núi Golgôta. Những đau đớn đó phải được cắt nghĩa vì lý do cứu chuộc nhân loại. Nhân loại được Chúa đoái thương cứu chuộc. Nhiều người đã đón nhận ơn đó. Nhưng nhiều người đã từ chối ơn đó. Không những thế, họ còn xỉ vả, bắt bớ và kết án chính Đấng Cứu chuộc.
Khi thấy như thế, Đức Mẹ rất đau lòng. Mẹ nhận ra lời tiên tri Simêon xưa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu vừa là duyên cớ cho nhiều người được chỗi dậy, và cũng là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã (x. Lc 2,34).
Đức Mẹ đã đau đớn thế nào? Tiên tri Simêon tả đau đớn đó bằng một câu rất tượng hình: "Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2,35).
Khi trái tim bị gươm vật chất đâm thâu, người ta cảm thấy đau đớn như phải chết dữ dằn. Khi tâm hồn bị gươm vô hình đâm thâu, người ta cảm thấy đau khổ cũng như một thứ chết khốn cực.
Để có một cái nhìn đúng đắn về đau khổ nơi Đức Mẹ, chúng ta nên nhớ mấy điều sau đây:
a) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói sâu thẳm của tình yêu Tâm hồn nào càng mến Chúa nhiều, càng cảm thấy đau nhiều, khi thấy tình yêu Chúa bị xúc phạm. Tâm hồn nào càng yêu người nhiều, càng cảm thấy khổ nhiều, khi thấy người khác rơi vào cõi khổ.
Đức Mẹ mến Chúa hết tâm hồn, và yêu thương nhân loại hết lòng. Nên Đức Mẹ dễ nhạy cảm trước bất cứ sự gì xúc phạm đến Chúa và làm hại cho phần rỗi loài người.
Nhạy cảm, nhạy bén là đặc tính cao độ của trái tim Mẹ. Lúc đó, đau khổ nơi Mẹ sầu bi là một tiếng nói sâu thẳm nhất của tình yêu.
Được mến yêu Chúa nhờ ơn Chúa ban, Đức Mẹ cảm thấy một thế giới mới. Xưa thánh Phaolô quả quyết: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi" (Pl 3,7-8).
Thánh Phaolô còn cảm thấy thế. Phương chi Đức Mẹ. Đức Mẹ được ơn hiểu thế nào là tình yêu thương xót Chúa, nên Đức Mẹ sẽ rất đau khổ, khi thấy tình yêu thương xót ấy bị người ta dửng dưng, xa tránh, chối từ, chống đối.
b) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người được ơn hiểu biết ý nghĩa sự tội Sẽ là ảo tưởng, nếu nghĩ rằng học hỏi giáo lý về tội, nghiên cứu các sứ điệp về sám hối của những lần Đức Mẹ hiện ra, là sẽ hiểu biết thấu đáo ý nghĩa sự tội. Không đâu, ý nghĩa về tội sẽ chỉ hiểu được sâu sắc nhờ ơn Chúa ban, do cầu nguyện, tĩnh tâm, đổi mới tâm hồn thực sự.
Thánh Gioan Baotixita xưa đã dành cả đời rao giảng về sự sám hối. Ngài nói: "Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối" (Lc 3,8).
Ngài đã răn đe những ai coi thường tội lỗi. Vì Ngài hiểu biết rất rõ tội lỗi sẽ đưa con người xuống cõi khổ cực ghê gớm đời sau.
Chắc chắn Đức Mẹ còn hơn thánh Gioan Tiền Hô, nên Người phải rất đau đớn khi thấy bao người nhởn nhơ đi vào đàng tội.
c) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người biết sự quan trọng trong tuyệt đối của phần rỗi
Xưa cũng như nay, nhân loại để sự tự do lôi kéo mình vào những gì nguy hiểm cho phần rỗi. Phần rỗi không phải là một hạnh phúc trả bằng giá rẻ. Nhưng thực tế cho thấy vô số người không quan tâm đủ đến phần rỗi. Trước cảnh đó, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26).
Với cái nhìn đó, Chúa Giêsu khuyên người có trách nhiệm hãy cố gắng đi tìm một con chiên lạc, hơn là quây quần với 99 con chiên ngoan (x. Mt 16,12-14).
Đức Mẹ rất hiểu thế nào là thiệt mất phần rỗi, nên Người đã rất đau khổ trước cảnh bao người không quan tâm đến phần rỗi.
Như thế, nói chung, đau khổ nơi Đức Mẹ đã giữ một vai trò hết sức quan trọng, đó là làm chứng cho tình yêu xót thương của Chúa. Đức Mẹ sầu bi vì thế sẽ là một an ủi lớn cho chúng ta, khi chính chúng ta cũng bị đau khổ trong cuộc đời.
II. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta
Đời là bể khổ. Riêng những người con Chúa sẽ gặp trong đời mình không thiếu nỗi đau như gươm đâm thấu tâm hồn mình.
Ở đây, tôi chi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm. Tiên vàn, chúng ta phải có một ý hướng tốt lành này về những đau khổ của ta. Ý hướng tốt lành đó là muốn những đau khổ ta chịu sẽ có sức làm chứng cho tình yêu Chúa.
Để được như vậy, hằng ngày chúng ta dâng mọi thứ đau khổ của ta cho Đức Mẹ sầu bi, xin những đau khổ của Mẹ thanh luyện những đau khổ của ta. Bởi vì rất nhiều đau khổ của ta phát xuất từ tính kiêu ngạo, ghen tương, ham hố và ích kỷ muốn theo ý riêng mình.
Khi đau khổ, chúng ta dễ có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho người khác. Nên coi đó là nghịch với đức ái khiêm nhường, tự nó lại gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Ở đây xin phép nhắc lại ba lời khuyên của thánh Augustinô:
a) Chớ tự coi mình là quan toà xét xử kẻ khác.
b) Xét đoán tội người khác thì phải khiêm tốn và trọng sự thật. Rất nhiều lần ta đổ cho người khác những lỗi lầm người ta thực sự không có.
c) Nếu người ta có tội, thì cũng nên nhận người ta có thể có nhiều công phúc, công khai và âm thầm.
Để đào tạo thường xuyên trái tim ta, ta nên để ý xét mình về việc ta có chia sẻ những đau khổ đủ thứ xảy đến cho đồng bào xung quanh không? Nhất là ta có hỏi Chúa về việc Chúa cùng đau khổ với bao người. Chúa đau khổ với họ, mà ta không để ý.
Đức Mẹ sầu bi sẽ cho ta thấy: Thánh giá là duyên cớ của sự vấp ngã, nhưng cũng là căn nguyên của sự vinh quang. Mẹ sầu bi sẽ làm cho những vết thương lòng của ta trở thành dòng sông thiêng liêng chuyển ơn cứu độ đến các linh hồn.
|