Mẹ Lên Trời ! Truyền thống Kitô Giáo vẫn tin rằng Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác dựa trên sự khám phá của các Tông Ðồ. Sự việc xẩy ra khi Mẹ Maria qua đời thì Thánh Tôma không có mặt. “Nói về Mẹ thì không bao giờ cùng!” (De Mariam nuquam satis). Ðó là câu nói thời danh của Thánh Bênarđô, vị thánh chảy mật của Ðức Mẹ. Vì mỗi khi nghe thánh nhân nói về Ðức Mẹ, thì người nghe có cảm tưởng như đang nếm hưởng hương thơm tho ngọt ngào của lời ngài như ăn một tảng mật ong vậy. Phần chúng ta, cũng là con Ðức Mẹ, chúng ta sẽ nói gì về một biến cố trọng đại của Mẹ, khi Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác? Lễ Các Thánh Nam Nữ, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Ðức Piô XII, sử dụng ơn vô ngộ của Giáo Hoàng đã tuyên tín điều mà mọi người Công Giáo phải tin về việc Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác sau khi qua đời như sau: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ðức Maria Trọn Ðời Ðồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc.” Trong lịch sử Kitô Giáo, đặc biệt là Công Giáo, có hai trường hợp được tin nhận là đã được về trời cả hồn lẫn xác, đó là trường hợp của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ nhân loại. Ngài đã về trời cả hồn lẫn xác sau khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài. Và trường hợp thứ hai là Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ cũng được về trời cả hồn lẫn xác sau khi hoàn tất cuộc đời này, như lời tuyên tín của Ðức Piô XII. Chúa Giêsu vì là Thiên Chúa, nên đã về trời bằng quyền năng riêng của ngài. Thánh Kinh ghi nhận biến cố về trời của Chúa Giêsu như sau: “Rồi Ngài đã dẫn họ đến tận Bêtania, đoạn giơ tay, Ngài chúc lành cho họ. Và xảy ra là đang khi Ngài chúc lành cho họ, thì Ngài đã từ biệt họ, và được nhắc lên trời” (Lc 24:50-51). Phần Ðức Maria, Mẹ được đưa về trời nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Việc Mẹ về trời cả hồn lẫn xác không phải do hành động riêng của Mẹ, nhưng đã được Thiên Chúa nâng Mẹ lên (assumption). Truyền thống Kitô Giáo vẫn tin rằng Mẹ Maria được đưa về trời cả hồn lẫn xác dựa trên sự khám phá của các Tông Ðồ. Sự việc xẩy ra khi Mẹ Maria qua đời thì Thánh Tôma không có mặt. Cũng chính ông là người đã vắng mặt trong khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Ðồ. Mà vì không có mặt hôm đó, ông đã đòi phải có chứng cớ. Với ông, chứng đó là được xỏ ngón tay vào các vết đinh, và thọc bàn tay ông vào vết thương nơi cạnh sườn của Ngài. Ông nói với các Tông Ðồ: “Trừ phi tôi thấy các vết đinh nơi tay, và xỏ ngón tay vào các lỗ đinh và bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi vẫn không tin” (Jn 20:25). Cám ơn Tôma, nhờ ông mà chúng ta biết rõ Chúa Giêsu đã sống lại, vì sau khi đã được nhìn xem và xỏ tay, bàn tay ông vào các vết đinh của tay và vết đâm nơi cạnh sườn của Thầy mình, ông đã kêu lên: “Lậy Chúa tôi. Lậy Thiên Chúa của tôi” (Jn 20:28). Và ông đã tin. Cũng vậy, vì muốn được xem thấy mặt Mẹ mình lần cuối, ông đã được các Tông Ðồ chiều ý đưa ra nơi mộ phần. Nhưng khi mở nắp quan, chính Tôma và các Tông Ðồ khác đã không thấy xác Mẹ ở đó. Các ông bằng đức tin rất chân thành, đã tin rằng Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác. Cũng qua đức tin và truyền thống nơi các Tông Ðồ, ngày nay chúng ta tin rằng Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác. Bởi vì: Thánh Kinh đã ghi nhận, tội lỗi đã lọt vào thế gian vì Nguyên Tổ phạm tội bất phục tùng. Do sự bất tuân phục này, con người đã bị đặt dưới sự thống trị của Satan, và của sự chết. Thiên Chúa đã tuyên án con người: “Ngươi là bụi tro, và từ bụi tro, ngươi sẽ trở về tro bụi” (Gn 3:19). Vậy nếu Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, tức là ngay từ giây phút hoài thai trong lòng thân mẫu, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria khỏi vết nhơ tội Nguyên Tổ, thì Mẹ cũng không bị đặt dưới sự thống trị của Satan, và hệ quả của hành động ấy khiến Mẹ phải chết. Theo mặc khải đã được kể lại trong tác phẩm Thành Ðô Huyền Nhiệm, do chân phước Maria D’acreda, Mẹ Maria đã không chết vì đau yếu, bệnh tật như con người chúng ta, nhưng Mẹ đã lịm ngất đi trong ngọn lửa thiêu đốt vì tình mến ThiênChúa. 2. Là kẻ đã tin vào lời Chúa: Mẹ là tạo vật đã tin vào lời Thiên Chúa một cách tuyệt đối với lòng yêu mến bao la, đến nỗi làm Ngài sảng khoái. Lời Tổng Thầnh Gabriel nói với Mẹ trong ngày truyền tin đã cho ta biết rõ điều này: “Vui lên! Hỡi trinh nữ diễm phúc. Thiên Chúa ở cùng trinh nữ. Trinh nữ được chúc phúc trong các người nữ” (Lc 1:28). Sở dĩ Mẹ được như vậy, là vì Mẹ đã “tin vào lời Thiên Chúa sẽ được thực hiện” (Lc 1:45). Và điều mà Thiên Chúa thực hiện đó là làm cho Mẹ được tôn vinh như chính lời Mẹ đã nói ra trong bài Kinh Ngơi Khen cùng với chị họ là Isave: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa. Lòng trí tôi vui mừng trong Ðấng cứu chuộc tôi. Vì ngài đã đoái thương đến phận nữ tỳ ngài, từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc” (Lc 1:46-47). Một trong cái phúc lớn lao ấy, phải chăng là được về trời cả hồn lẫn xác. Thật vậy, điều mà Tổng Thần Gabriel đã trấn an Mẹ trong ngày Truyền Tin là: “Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1:37), đã được thực hiện trọn vẹn nơi biến cố hồn xác Mẹ được đưa về trời. Nếu Thiên Chúa đã chọn Mẹ một nữ tỳ khiêm hạ làm Mẹ con Ngài, đã gìn giữ Mẹ không vương tội tổ truyền, đồng trinh trước, đang, và sau khi sinh con, thì việc Ngài gìn giữ và làm cho thân xác Mẹ không bị hư nát và được về trời cùng với linh hồn thánh thiện của Mẹ là một việc làm có gì là khó đối với quyền năng vô biên của Ngài. Có lẽ đối với những đầu óc tự cho mình là thông thái. Những đầu óc chỉ dựa vào những lý luận thuần túy con người, thì việc Mẹ được Thiên Chúa cho về trời cả hồn lẫn xác là một chuyện không thể xẩy ra. Nhưng với chúng ta, những tâm hồn bé mọn, những kẻ đặt niềm tin vào Thiên Chúa và vào quyền năng của Ngài, chúng ta cảm thấy không có gì là quá đáng để tin nhận một điều như thế. Và trong niềm hân hoan vui mừng đó, cùng với những tâm hồn yêu mến Ðức Mẹ, chúng ta hãy ca lên bài thánh cả đã làm cho nhiều tâm hồn cảm thấy xúc động: Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Ðàn ca các thánh tung hô. Nhân loại vui hát mừng. Vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời mừng ngày vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng. Vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đàng. 3. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là con của Mẹ. Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng cũng là một người thật. Một người mà Mẹ Maria đã sinh ra từ cung lòng đồng trinh của mình. Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly trước ngày Ngài chịu tử hình để cứu chuộc nhân loại, Ngài đã an ủi các Tông Ðồ của mình: “Ðừng để lòng mình bị xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào thầy” (Jn 14;1). Và Ngài đã bảo các ông: “ Thầy đi để dọn chỗ cho các con, và rồi thầy sẽ đến để đón các con về với thầy, để thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Jn 14:3). Vậy nếu Chúa Giêsu đã nói với các Tông Ðồ của mình cũng như đã nói với chúng ta là những kẻ tin kính Ngài những lời vừa được trích dẫn trên, thử hỏi Ngài sẽ nói gì với Mẹ mình, là người mà Ngài hằng yêu kính. Chúa Giêsu ở đâu lúc Mẹ sinh thì? Ngài ở trên Thiên Ðàng. Và như vậy, thì việc Ngài đưa Mẹ Maria về trời với Ngài là điều hợp tình, hợp lý. Lại nữa, không lẽ Ngài chỉ đưa linh hồn Mẹ về trời, mà thân xác Mẹ, một thân xác mà đã cưu mang Ngài suốt 9 tháng trong dạ lại phải hư nát, và tan hòa vào bụi đất, chờ ngày sống lại trong ngày tận thế? Nếu như thế, Chúa Giêsu làm sao nói với Mẹ mình khi chính Ngài cũng đã lên trời cả hồn và xác, thân xác mà Ngài đã lãnh nhận từ Mẹ. Chúa Giêsu đã về trời trước, đã dọn chỗ, và hẳn là chính Ngài đem theo triều thần thánh đón rước linh hồn và thân xác Mẹ về trời. Ðể hy vọng ngày sau, khi chúng ta qua đời cũng được về quê hương vĩnh cửu cùng với Mẹ Maria, thì từ hôm nay, và trong mọi ngày trên dương thế, chúng ta hãy sốt sắng tận hiến cho Mẹ. Và hãy xin Mẹ giúp chúng ta sống nên cuộc sống làm con cái Chúa của mỗi người chúng ta. Trần Mỹ Duyệt
|