MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: quê hương & giáo hội việt nam :: giáo hội việt nam (more ...)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Năm Đức Tin 2013, Hành Hương Châu Âu:padova – Venise - Milan (#2)
Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 5-2013
4. VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH MÁCCÔ

Description: Description: Description: Description: http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/e9/Wenecja_Bazylika_sw_Marka.JPG/300px-Wenecja_Bazylika_sw_Marka.JPGĐây là Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Venise từ năm 1807. Gần đó có Tòa Giáo chủ Venise, nơi ở của vị Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận.

Quãng trường có rất nhiều chim bồ câu, chúng thích gần gũi với du khách như bên Tháp Eifen. Chúng tôi chiêm ngưỡng Nhà thờ cổ kính tuyệt đẹp.

Description: Description: K:\DU LICH ROMA\hình ảnh\ngay 5\DSC01167.JPGMặt tiền Nhà thờ có 2 tầng với 5 cổng. Ba cổng giữa dẫn vào tiền sảnh. Cổng chính được trang trí bằng đầu sư tử có 3 vòm với các tượng từ thế kỷ XIII. Trước cửa sổ tầng trên có bộ tứ mã nổi tiếng bằng đồng mạ vàng. Mỗi một con ngựa cao 1,6m và nặng 875kg, chúng đã có từ thế kỷ thứ IV. Đây là bộ tứ mã duy nhất còn lại của thời Cổ đại. Đầu tiên bộ tứ mã  được dựng trên Khải hoàn môn của Hoàng đế Nêrôn ở Rôma. Sau đó Hoàng đế Constantinô đem chúng về Constantinople. Enrico Dandolo đem từ Constantinople về lại Venise như chiến lợi phẩm trong cuộc Thập tự chinh lần thứ tư. Năm 1798, Hoàng đế Napoléon đem chúng về Paris và trưng bày trong Viện bảo tàng Louvre. Năm 1815 chúng lại được trả về Venise.

Nhà thờ được chia làm 3 gian theo phong cách Byzantine. Có một gian tiền sảnh với các bức tranh khảm đá năm 1220-1290 mô tả các cảnh trong Kinh thánh Cựu ước. Trong số các phẩm nổi tiếng có tác phẩm Pala d'oro là màn che phía sau của bàn thờ chính từ thế kỷ X-XIV. Một vài cột của Nhà thờ  (trong số tổng cộng 2.600 cột bằng đá quý đủ loại khác nhau ) bên trong cũng như bên ngoài có thể là cột của Đền thờ Salomon ngày xưa. Những cột của Đền thờ chủ yếu là để trang trí và là biểu tượng cho quyền lực của Venise. 

Description: Description: K:\DU LICH ROMA\hình ảnh\ngay 5\DSC01175.JPGBên trái cung thánh có hài cốt của Thánh sử Maccô bổn mạng của thành phố Venise. Chính các thương gia tại Venise mang hài cốt thánh nhân từ thành Alexandria về đây.

Đền thờ đầu tiên được được xây dựng từ năm 828-832.

Năm 976, nhà thờ bị hỏa hoạn thiêu đốt và ngay trong năm đó vị tổng trấn Venise là Pietro I Orseolo đã cho xây dựng lại. Trải qua nhiều lần bị ngưng trệ, việc xây dựng Đền thờ kéo dài mãi đến năm 1094 mới hoàn thành.

Venise có liên hệ mật thiết với đế quốc Byzantine (Đế quốc La mã ở Phương Đông) nên kiến trúc Đền thờ mang phong cách Byzantine cho đến thế kỷ XIII. Mặt bằng Nhà thờ mang hình chữ thập vuông (Thánh giá Hy lạp). Đến thế kỷ XIV lại mang phong cách kiến trúc Gôtích.

Kiến trúc nhà thờ là bước phát triển cuối cùng của nghệ thuật kiến trúc của thời đầu Kitô giáo. Sau đó nghệ thuật kiến trúc chia thành hai hướng: kiến trúc Byzantine ở phương đông và kiến trúc ở phương tây dẫn đến kiến trúc theo phong cách Carolinge và Roman.

Trong nhà thờ có các bức tranh khảm đá trên nền mạ vàng, với diện tích tổng cộng 4.200m2 nên người ta đặt biệt danh cho Nhà thờ này là “Nhà thờ vàng”. Các bức tranh có niên hiệu từ thế kỷ XII và XIII.

a.      Thánh Maccô

Thánh Máccô sinh tại Cyrene, thuộc Pentapolis, miền Tây nước Libya, Bắc Phi. Cha mẹ ngài là người Do Thái. Ngài sinh sau Chúa Giêsu khoảng trên dưới 10 năm. Tên cúng cơm của ngài là Gioan Máccô: “Ông Phêrô hoàn hồn và nói: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu. Ý thức được như vậy, ông đi đến nhà bà Maria, mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Máccô; ở đó có khá đông người đang tụ họp và cầu nguyện” (Cv 12,11-12); “Ông Banaba và ông Saolô, sau khi đã chu toàn công việc phục vụ tại Giêrusalem thì trở về, đem theo ông Gioan, cũng gọi là Mác-cô” (Cv 12:25); “Ông Banaba muốn đem theo cả ông Gioan cũng gọi là Máccô” (Cv 15,37).

Cha của Thánh Máccô là ông Aristopolos và mẹ là bà Maria, di trú tới Palestine không lâu sau khi sinh ngài, vì Berber tấn công thành phố và chiếm tài sản. Họ định cư tại Cana, miền Galilê, không xa Giêrusalem. Thánh Phêrô kết hôn với một người thân của Thánh Máccô. Vài năm sau, cha của Thánh Máccô mất, Thánh Phêrô chăm sóc Thánh Máccô và coi như con: “Hội Thánh ở Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em” (1 Pr 5,13). Thánh Phêrô nhận thấy Thánh Máccô có giáo dục tốt, vì Thánh Máccô đã học luật và các tác phẩm kinh điển.

Truyền thống Giáo Hội nói rằng bà Maria, mẹ Thánh Máccô, là người ngưỡng mộ Chúa Giêsu và theo Ngài đi khắp nơi, Thánh Máccô là người phục vụ tại các buổi lễ ở Cana, miền Galilê, khi Chúa Giêsu biến nước thành rượu (x. Ga 2,1-11).

Thánh Máccô là một trong 4 Thánh sử viết Phúc Âm (nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp). Ngài là người sáng lập Hội Thánh ở Ai Cập hoặc ít ra là ở Alexandria. Ngài đến Alexandria khoảng năm 48. Theo một số nguồn, Thánh Phêrô rao giảng ở Babylon vào khoảng thời gian Thánh Máccô ở Alexandria, nhưng ngài tập trung vào người Do Thái ở Babylon (gần Memphis, Cairo ngày nay).

Thánh Máccô tử đạo năm 68 khi giáo phái Serapis (thần Serapion-Abbis Hy Lạp và Ai Cập) trói ngài vào đuôi ngựa và cho kéo lê trên đường phố ở quận Bokalia, thuộc Alexandria, suốt hai ngày khiến thi thể ngài tan nát.

Biểu tượng của Thánh Máccô là Sư Tử. Tên ngài được đặt cho một nhà thờ ở Alexandria. Thi hài ngài được đưa về nhà thờ ở Cairo, và nay được đặt tại Nhà thờ Thánh Máccô ở Venice (x. CopticChurch.net). Chúng tôi vinh dự được cầu nguyện trước phần mộ của ngài.

Sau khi mua quà lưu niệm, hướng dẫn viên dẫn đoàn đi thăm đảo Venise. Như một cù lao ở Miền Tây sông nước, các kênh rạch là đường giao thông. Các lối đi cho du khách hẹp theo hình bàn cờ. Có nhiều cây cầu nối các kênh rạch. Đẹp nhất là Cầu Rialto, một cây cầu cổ nhất và là đường phân chia các quận San Marco và San Polo.

b.      Cầu Rialto

Description: Description: K:\DU LICH ROMA\hình ảnh\ngay 5\DSC01189.JPGCầu Rialto rộng 22,90m, cao 7,32m, dài 28,80m. Cầu được xây dựng từ năm 1588 và hoàn thành năm 1591.

Cây cầu phao đầu tiên bắc ngang qua con kênh  được Nicolò Barattieri xây dựng vào năm 1181. Người ta gọi nó là Ponte della Moneta.

Sự phát triển và tầm quan trọng của chợ Rialto ở bờ phía Đông làm gia tăng việc lưu thông trên cây cầu nổi. Năm 1255 một cây cầu gỗ thay thế nó. Cấu trúc cầu có hai sườn nghiêng gặp nhau ở khúc trung tâm có thể nâng lên được để cho phép các tàu bè qua lại. Sự nối kết với khu chợ dẫn đến việc thay đổi tên cho cây cầu. Trong tiền bán thế kỷ XV, hai dãy cửa hàng được xây dọc theo hai bên cầu. 

Việc bảo trì cây cầu gỗ là điều sống còn. Nó bị đốt cháy một phần trong cuộc nổi dậy của Bajamonte Tiepolo vào năm 1310. Năm 1444, nó bị sụp đổ dưới sức nặng của một đám đông đang coi cuộc diễu hành thuyền bè trên kênh Venise và nó lại sụp đổ một lần nữa vào năm 1524.

Ý tưởng xây dựng lại cây cầu bằng đá đã được đề xuất lần đầu vào năm 1503. Một vài dự án đã được xem xét vào những thập niên sau đó. Năm 1551, trong số các đề nghị, chính quyền yêu cầu làm mới lại cây cầu Rialto. Một số kiến trúc sư danh tiếng như Jacopo Sansovino, Palladio và Vignola đã đưa ra các bản vẽ, tất cả đều liên quan đến phương pháp xây dựng cổ điển với một vài vòng cung bị đánh giá là không phù hợp với địa thế. Michelangelo được coi như là người thiết kế cây cầu.

Cây cầu đá hiện nay được Antonio da Ponte thiết kế với một khẩu độ đơn, cuối cùng được hoàn thành vào năm 1591. Nó tương tự như cây cầu gỗ trước đó. Hai đường dốc dẫn đến một mái hiên trung tâm. Ở mỗi bên của mái hiên là một dãy các cửa tiệm. Kỹ thuật của cây cầu được coi như là táo bạo và kiến trúc sư Vincenzo Scamozzi dự đoán nó sẽ bị sụp đổ trong tương lai. Cây cầu đã thách đố những phê bình đối với nó để rồi nó trở thành một trong những biểu tượng kiến trúc của Venise.

Chụp những tấm hình lưu niệm bên cây cầu lịch sử này. Tạm biệt Venise, chúng tôi đi Milan với đường dài hơn 300km.

Milan có Đại Thánh Đường Chính Toà, có thánh Ambrôsiô và là nơi thánh Augustinô được rửa tội. Chúng tôi yêu thích Thành phố đặc biệt này với đội bóng đá nổi tiếng: A.C. MilanF.C. Internazionale Milano.

 

III. MILAN

3.                  NHÀ THỜ CHÍNH TÒA MILAN

Description: Description: K:\DU LICH ROMA\hình ảnh\ngay 5\DSC01268.JPGĐại Thánh Đường Milan có một kỷ lục xây dựng là hơn 5 thế kỷ để xây dựng và hoàn tất  theo phong cách Gôtích. Đây là Nhà thờ lớn thứ tư trên thế giới.

Nhà thờ được bắt đầu xây dựng 1386 và mãi đến 1965 mới hoàn thành. Chiều dài Nhà thờ 157m, chiều ngang 92m, chiều cao 45m, lòng giữa nhà thờ là 16,75m, chiều cao vòng ngoài là 65,5m, chiều cao xoắn ốc là 106,5m

 

Description: Description: K:\DU LICH ROMA\hình ảnh\ngay 5\DSC01220.JPGNhà thờ Chính tòa chiếm vị trí trung tâm nhất của thành phố. Bố cục của Thành phố Milan với các đường phố phát xuất từ Nhà thờ hay bao quanh Nhà thờ Milan.

Ở khu vực này có Nhà thờ Thánh Ambrosio được xây dựng vào thế kỷ thứ V, tiếp giáp với một ngôi Nhà thờ được xây thêm vào năm 1386.

 Năm 1386, Đức Tổng Giám Mục Antonio da Saluzzo bắt đầu khởi công xây dựng Nhà thờ Chính tòa. Việc khởi công xây dựng trùng khớp với việc nắm quyền lực ở Milan của Gian Galeazzo Visconti là anh em họ của Đức Tổng Giám Mục. Điều này có nghĩa như là phần thưởng dành cho tầng lớp quý tộc và lao động, là những người chịu đau khổ dưới sự cai trị độc tài của người tiền nhiệm là Barnabo. Trước khi công việc xây dựng được bắt đầu, ba tòa nhà chính bị phá hủy: dinh thự của Đức Tổng Giám Mục, dinh thự của đấng bản quyền và nhà rửa tội của Thánh Stêphanô. Sự hứng khởi cho việc xây dựng tòa nhà mới đã lan rộng trong dân chúng, cho nên Gian Galeazzo cùng với người anh em họ của mình là vị Tổng Giám mục đã quyên góp rộng rãi cho công việc đang được tiến hành. Chương trình xây dựng được điều hành một cách chặt chẽ theo sự điều khiển của "Fabbrica del Duomo", trong đó có 300 nhân viên do vị kỹ sư trưởng là Simone da Orsenigo điều động. Theo kế hoạch ban đầu Orsenigo xây dựng ngôi Nhà thờ Chính tòa bằng gạch theo phong cách Lombard Gothic.

Galeazzo có tham vọng xây cất theo xu hướng kiến trúc mới nhất của Châu âu. Năm 1389, một kỹ sư trưởng người Pháp, Nicolas de Bonaventure được bổ nhiệm, ông đã thêm vào Nhà thờ phong cách Gothic rực rỡ của Pháp, nhưng lại không phải là nét đặc trưng của Italia. Ông quyết định cấu trúc tòa nhà bằng gạch được lót đá cẩm thạch. Galeazzo cho Fabbrica del Duomo sử dụng độc quyền đá cẩm thạch từ quặng mỏ Candoglia và được miễn thuế. Mười năm sau, một kiến trúc sư người Pháp, Jean Mignot, được gọi đến từ Paris để đánh giá và cải tiến các công việc đã được thực hiện, như người thợ xây cần kỹ thuật mới hỗ trợ để nâng những phiến đá lên một độ cao chưa từng thấy. Mignot tuyên bố mọi công trình đã thực hiệncó nguy cơ bị hủy hoại. Trong những năm sau dự đoán của Mignot không đúng sự thật. Dù sao nó cũng thúc đẩy các kỹ sư của Galeazzo cải tiến phương tiện và kỹ thuật của mình. Công việc được tiến hành nhanh chóng. Năm 1402 Gian Galeazzo qua đời, thì gần một nửa Nhà thờ được hoàn tất.  Tuy nhiên công trình xây dựng hầu như bị đình trệ hoàn toàn cho đến 1480 do thiếu tiền và thiếu ý tưởng kiến trúc: công trình đáng chú ý nhất của thời kỳ này là phần mộ của Marco Carelli và của Đức Giáo Hoàng Martinô V (1424) và những cánh cửa sổ ở vòm cung sau cung thánh năm 1470 miêu tả chân dung Thánh sử Gioan của Cristoforo de’ Mottis, và thánh Eligius và thánh Gioan Damasceno, của Niccolo da Varallo. Năm 1452, Francesco Sforza đã hoàn thành lòng giữa và lối đi hai bên thành sáu gian.

Năm 1500 -1510, Ludovico Sforza đã hoàn thành mái vòm hình bát giác và trang trí phần bên trong với bốn hàng cột mỗi hàng gồm 15 tượng hình các thánh, các tiên tri, và các sự kiện trong Kinh Thánh. Phần ngoài của mái vòm không có trang trí trừ tháp hình chóp Amadeo xây dựng năm 1507-1510. Đây là một kiệt tác thời Phục hưng, tuy nhiên nó vẫn hài hòa với dáng vẻ Gothic tổng quát chung của Nhà thờ.

Sau đó, dưới thời thống trị của Tây Ban Nha, ngôi Nhà thờ mới chứng minh cho thấy đã có thể sử dụng, cho dù phần bên trong một số lớn vẫn chưa hoàn thành, và một số gian Nhà nguyện ở lòng giữa và cánh ngang vẫn còn bỏ dở. Năm 1552, Giacomo Antegnati được ủy thác xây dựng một phần lớn cho phía bắc của ca đoàn, và Giuseppe Meda cung cấp bốn trong số mười sáu câu lơn để trang trí khu vực bàn thờ, chương trình đã được Federico Borromeo  hoàn tất. Năm 1562, tượng thánh Tông đồ Batôlômêô của Marco d’Agrate và chân đèn Trivulziođê nổi tiếng  được thêm vào.

Sau khi làm Tổng Giám Mục thành Milan, Thánh Carolo Borromeo đã can thiệp để bổ nhiệm Pellegrino Pellegrini làm kiến trúc sư trưởng vào năm 1571.

Thánh Borromeo và Pellegrini đã nỗ lực đem lại một diện mạo Phục hưng mới cho Nhà thờ Chính tòa nhấn mạnh đến tính chất Roman và Italia và loại bỏ phong cách Gothic lúc ấy bị người ta coi như tính chất ngoại lai. Phần lớn mặt tiền vẫn còn dang dở, Pellegrini đã thiết kế theo phong cách Roman, với hàng cột, bia tưởng niệm và một vòm cung lớn. Khi thiết kế của Pellegrini được tiết lộ, một cuộc thi thiết kế cho mặt tiền nhà thờ được loan báo, có khoảng gần một tá bản thiết kế trúng tuyển trong đó có bản của Antonio Barca.

Bản thiết kế này không bao giờ được thực hiện, nhưng phần trang trí bên trong vẫn tiếp tục: năm 1575-1585, gian cung thánh được xây dựng lại, trong khi những bàn thờ mới và giếng rửa tội được thêm vào ở gian giữa Nhà thờ.

Dàn hợp xướng cho ca đoàn bằng gỗ được Francesco Brambilla  xây bàn thờ chính năm 1614.

Năm 1577 Thánh Borromeo thánh hiến toàn bộ Đền thờ như một ngôi Nhà thờ mới, phân biệt hẳn với Nhà thờ cũ Đức Bà Cả và Santa Tecla

Vào đầu thế kỷ XVII, Federico Borromeo đã có nền tảng cho mặt tiền mới của Nhà thờ dưới sự hướng dẫn của Francesco Maria Richini và Fabio Mangone. Công việc được tiếp tục cho đến 1638 với việc xây dựng 5 cổng và 2 cửa sổ giữa ở bên trên cổng chính. Tuy nhiên và năm 1649, vị tân kiến trúc sư trưởng Carlo Buzzi đã đưa vào một cuộc cách mạng nổi bật: mặt tiền trở lại phong cách Gothic nguyên thủy, kèm theo những họa tiết hoàn chỉnh với những hàng cột bổ tường hình chữ nhật theo phong cách Gothic và hai tháp chuông khổng lồ. Còn có những thiết kế khác của Filippo Juvarra (1733) và Luigi Vanvitelli (1745), nhưng lại không được ứng dụng. Năm 1682, mặt tiền của Nhà thờ Đức Bà Cả bị phá hủy và việc lợp mái cho Nhà thờ Chính tòa được hoàn thành.

Năm 1762, một trong những nét chính của Nhà thờ là ngọn tháp Madonnina vươn lên độ cao chóng mặt là 108,5m. Francesco Croce đã thiết kế ngọn tháp này và trang trí ở đỉnh tháp tượng Madonnina bằng hợp chất crôm nhiều màu. Việc thiết kế của Giuseppe Perego thích hợp với dáng nguyên thủy của Nhà thờ Chính tòa. Với khí hậu ẩm ướt và sương mù của Milan, khi tượng Madonnina được nhìn thấy từ xa thì người Milan coi thời tiết ngày hôm đó là tốt.

Ngày 20 tháng 5 năm 1805, Napoleon Bonaparte với ý đồ làm vua Italia nên đã ra lệnh phải hoàn thành mặt tiền. Với sự phấn khởi, ông đảm bảo ngân khố của Pháp sẽ lo mọi phí tổn. Cuối cùng, vỏn vẹn chỉ có 7 năm, mặt tiền Nhà thờ được hoàn thành. Vị kiến trúc sư mới Felice Soave, phần lớn vẫn theo dự án của Buzzi, ông thêm vào các cửa sổ phía trên những nét tân Gothic như là một hình thức tạ ơn. Một bức tượng của Napoleon được đặt ở trên đỉnh của một trong các ngọn tháp. Napoleon đã đội vương miện làm vua Italia tại Nhà thờ Chính tòa này.

Những chi tiết cuối cùng của Nhà thờ Chính tòa chỉ được hoàn tất vào thế kỷ 20: cuối cùng cổng Nhà thờ được khánh thành vào ngày 06 tháng 1 năm 1965. Người ta coi ngày này như là sự chấm dứt tiến trình xây dựng trước đây. Mặt tiền chính của Nhà thờ Chính tòa đã được nâng cấp từ năm 2003 đến đầu năm 2009. Tháng 2 năm 2009 mặt tiền nhà thờ mang màu sắc đá cẩm thạch Candoglia.

Trong lòng Nhà thờ có bốn lối đi hai bên và có một cánh ngang, còn có dàn đồng ca và vòm cung phía sau bàn thờ. Chiều cao của lòng giữa Nhà thờ khoảng 45 mét.

Lòng giữa Nhà thờ với năm gian dọc rộng, khoảng 40 cột, những cột ở lòng giữa Nhà thờ cao khoảng 24,5m, và những cửa sổ ở vòm cung sau cung thánh với kích thức 20,7m x 8,5m. Nhà thờ được xây dựng bằng gạch với mặt tiền bằng đá cẩm thạch.

Hiện nay, phía sau Nhà thờ đang còn sữa chữa. Trưa mưa to và lạnh buốt nhưng tôi phải tìm nhiều góc cạnh để chụp những tấm hình ưng ý. Sau khi tham quan và cầu nguyện bên trong Thánh đường, chúng tôi tiếp tục đi thăm Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô.

Description: DSC01277Đi ngang qua tượng đài Leonardo Da Vinci, chiêm ngưỡng một thiên tài của thế giới. Leonardo sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 tại Anchiano, Italia. Ông là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sưnhạc sĩbác sĩkỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và triết học tự nhiên.Ông được coi là một thiên tài toàn năng người Ý. Tên gọi của thành phố Vinci là nơi sinh của ông, nằm trong lãnh thổ của tỉnh Firenze, cách thành phố Firenze 30 km về phía Tây gần Empoli, cũng là họ của ông. Người ta gọi ngắn gọn là Leonardo vì "da Vinci" có nghĩa là "đến từ Vinci", không phải là họ thật của ông. Tên khai sinh là Leonardo di ser Piero da Vinci có nghĩa là "Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci". Ông nổi tiếng với những bức hoạ cổ điển của mình như bức Mona Lisa, bức Bữa Tiệc Ly.

 

 

4.      VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG  THÁNH AMBRÔSIÔ

(Nơi lưu giữ thánh tích của thánh nhân)

a. Thánh Ambrôsiô, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh

(339–397)

Thánh Ambrôsiô  sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Robus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía bắc nước Ý.

Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan. Ngoài ra ngài còn là người bạn với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.

Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị, người Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.

Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.

Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!".

Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm, một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.

Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.

Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.

Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."

"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."

Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ."

Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.

Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.

Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.

Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.

Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.

Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.

Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."

Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.

Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.

Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.

Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.

Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần ngày 4-4-397. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng 12 là ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.

Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn bênh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó phải kể đến thánh Augustinô.Ảnh hưởng của thánh Ambrôsiô đối với thánh Augustinô rất nhiều. Cuốn Tự Thuật (Confessions) của thánh Augustinô cho thấy điều đó. Do đó mà thánh Monica yêu quý thánh Ambrôsiô như thiên thần của Chúa đã hoán cải con trai bà. Chính thánh Ambrôsiô đã đặt tay trên vai thánh Augustinô khi đến giếng rửa tội để gia nhập Giáo hội Công giáo.

b.Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, hiện giờ là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu. Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu công giáo, đạo hạnh, gương mẫu, và giàu nhân đức. Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con yêu quý của mình là Augustinô tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ. Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô. Khi còn bé, ngài vốn là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius. Sau mười sáu năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao sa dễ đưa con người vào con đường sa hoa trụy lạc. Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ và Augustinô không ngoại lệ.Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học, nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp. Năm 19 tuổi, ngài đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật. Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này.Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.

Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373 ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, ngài đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống. Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành. Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato. Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô. Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14).  Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia.  Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.

 Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị.

Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1303. Ngài đã để lại cho Giáo hội một kho tàng tài liệu, tuy đã bị huỷ đi nhiều do hoả hoạn tại Hippo, nhưng cũng còn lại 100 cuốn sách, 240 lá thư, và 500 bài giảng.

Description: DSC01286  c. Vương cung Thánh đường Thánh Ambrôsiô.

Vương Cung Thánh Đường Thánh đầu tiên đã được chính Đức Giám mục Ambrôsiô cho khởi công xây dựng vào năm 385 và được thánh hiến năm 386. Nhà thờ này được xây dựng với quy mô lớn trên một nghĩa trang, gần ngôi mộ tử đạo của thánh Victor. Hai vị tử đạo địa phương có Thánh tích nơi bàn thờ chính, và Thánh Ambrôsiô được mai táng cận bên sau khi ngài qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 397.

Vương cung Thánh đường nguyên thủy được khai quật nằm bên dưới ngôi Nhà thờ hiện hữu. Nền của thánh đường còn sót lại cho thấy có hai lối đi bên cạnh, một nền bằng đá cẩm thạch và vòm cung hình bán nguyệt sau cung thánh, và bốn cột lọng tán ở trên bàn thờ.

Vương Cung Thánh Đường theo phong cách Roman thế kỷ XI. Đây là tòa nhà còn sót lại cho đến ngày hôm nay. Những tài liệu lịch sử còn thiếu nên không biết được ngày chính xác, nhưng các học giả tin rằng có lẽ nó được bắt đầu khoảng năm 1080 dựa trên lịch sử kiến trúc và kỹ thuật ở vùng Lombardy.

Tài liệu cho thấy gian giữa ngày xưa vẫn còn được sử dụng vào năm 1067 và lòng giữa mới được sử dụng vào năm 1093. Vương cung Thánh đường được hoàn thành khoảng 1128.

Phía bên ngoài:

Vương cung Thánh đường có vẻ bên ngoài không thông dụng, có một khoảng trống lớn đặc biệt với hai ngọn tháp có độ cao khác nhau.

Mặt tiền phía tây có 6 cổng vòm cung có mái che. Ngọn tháp phía nam gọi là tháp Đan sĩ có từ thế kỷ thứ X. Còn phía bắc là ngọn tháp Kinh sĩ đẹp hơn xây từ năm 1123 và hoàn thành năm 1181. Cả các vị Đan sĩ lẫn Kinh sĩ luôn luôn ở gần đó để phục vụ Vương cung Thánh đường. Mỗi bên đều có Tu viện riêng của mình.

Lòng giữa Thánh đường

Bên trong Vương cung Thánh đường đầy những chi tiết nghệ thuật thời Trung cổ: có nhiều nét hoa văn ở đầu cột theo phong cách Roman, một cỗ áo quan vào thế kỷ thứ IV chạm khắc với những câu truyện trong Kinh Thánh. Một bàn thờ bằng bạc vào thế kỷ 9, và một phương du trên bàn thờ vào thế kỷ thứ 10. Gần lối vào phía bên phải của lòng giữa là "cột rắn": một con rắn bằng đồng thời Byzantine vào thế kỷ thứ X được đặt trên đỉnh một cột ngắn. Đối diện bên kia có “cột thập giá”.

Giảng đài:

Về phía bắc của gian giữa là giảng đài rộng bằng đá cẩm thạch, được làm vào giữa 1130 và 1143 và được xây dựng lại sau khi mái nhà sụp đổ vào năm 1196. Đây là một loại bục giảng đầu tiên được các vị Đan sĩ và Kinh sĩ đọc Tin Mừng. Nó được xây dựng trên đỉnh của cỗ áo quan Stilichone vào thế kỷ thứ IV.

Những bức phù điêu theo phong cách Lombard Roman trang trí cho giảng đài dựa theo những tác phẩm của Thánh Ambrôsiô tập trung về các đề tài tội lỗi và ơn cứu độ. Phía bắc trình bày một bữa tiệc nói về Bữa Tiệc Ly hay bữa ăn huynh đệ được người Kitô hữu cử hành vào mỗi Chủ nhật. Hình ở góc tây nam có lẽ trình bày cảnh Daniel trong hang sư tử. Các phù điêu ở vòm cung trên đầu cột mô tả cảnh Ba vua diện kiến Hêrôđê và thờ lạy Chúa Hài Đồng, cảnh Adam và Eva lao động, và hai con chim uống từ nước từ chén thánh tượng trưng cho sự sống đời đời.

Ở phía đối diện với gian giữa, có hai tác phẩm điêu khắc bằng đồng đỏ mạ vàng có lẽ được gắn liền với giảng đài đầu tiên và niên đại của chúng vào đầu thế kỷ thứ VIII và được coi là ví dụ về luyện kim thời Trung cổ. Tác phẩm miêu tả con phượng hoàng, tượng trưng cho Thánh sử Gioan, thiên thần tượng trung cho Thánh sử Matthêu. Hai biểu tượng của hai thánh sử kia thì đã bị mất.

Áo quan Stililchone (thế kỷ thứ IV)

Được coi như một kho báu, là một công trình nghệ thuật tuyệt vời vào thời đầu của Kitô giáo. Tác phẩm được điêu khắc vào năm 385 vào thời thánh Ambrôsiô.

Có lẽ phần mộ này do một sĩ quan quân đội cao cấp ra lệnh xây, ông này cùng với bà vợ nằm ở phía bắc của phần mộ. Nó mang tên Stilichone, một vị tướng phục vụ hoàng đế La mã Honorius và đã qua đời năm 408. 

Những tác phẩm điêu khắc trên cỗ quan tài mang một chất lượng tuyệt vời, được một nghệ sĩ Roma thực hiện. Phía nam của quan tài đối diện với cổng giữa nhà thờ mô tả cảnh Traditio Legis, trong đó Chúa Giêsu đưa chìa khóa Nước trời cho Thánh Phêrô. Phía bên kia diễn tả cánh Chúa Giêsu dạy dỗ các tông đồ, còn các phía ngắn hơn diễn tả những cảnh trong Kinh thánh Cựu Ước.

Bàn thờ vàng vào thế kỷ IX và lọng tán vào thế kỷ X

Description: IMG_0072Bàn thờ vàng nằm ngay mặt tiền ở lòng giữa được làm vào năm 835. Nó mô tả cuộc sống của Chúa Kitô trên một lá bằng vàng ở mặt tiền và cuộc sống của Thánh Ambrôsiô được mạ bạc ở mặt sau. Bàn thờ được che phủ bởi một mái vòm với bốn cột cổ xưa và được trang trí với các phù điêu bằng vữa vào thế kỷ X. Một mặt đối diện với gian giữa Nhà thờ mô tả cảnh Chúa Giêsu trao Sách Luật cho Thánh Phaolô ở bên trái và chìa khóa Nước trời cho Thánh Phêrô.

Phần trung tâm của vòng cung khảm đá sau cung thánh mang phong cách Byzantine sau này và có từ năm 1200. Những cảnh ở hai bên có từ đầu thế kỷ IX vào thời Carolingian. Những điều này nối kết Thánh Ambrosiô và thành phố Milan với thánh Martinô và thành Tours ở Pháp. Cả hai vị Giám mục này là những người chống lại lạc giáo Arianisme.

Chúng tôi đi thăm thi hài của 3 vị Thánh phía sau cung thánh. Thánh Ambrôsiô,Thánh Gervasius và Thánh Protasius. Bộ xương của ngài được lồng kính với một lớp phủ bảo vệ và mặc phẩm phục Giám mục đầy đủ với mũ Giám mục màu trắng.

Những vị thánh chôn cùng với ngài là các vị tử đạo vào thế kỷ III được thánh Ambrosiô cải táng và đặt ở bàn thờ của Vương cung Thánh đường.

Phần mộ được xây cất vào cuối thế kỷ X như là một phần đại tu phần cuối phía đông của Vương cung Thánh đường. Một bình đựng di cốt lớn bằng bạc những thánh tích đó có niên hiệu năm 1897.

Ở phần cuối lối đi bên cánh phía nam là Sacello di San Vittore, là một Nhà nguyện mà nguồn gốc có trước Vương cung Thánh đường đầu tiên. Lúc đó nó vẫn còn là một nghĩa trang, đây một kiến trúc nhỏ được xây dựng để kính Thánh Victor, một vị tử đạo địa phương. Thánh Ambrosiô đã làm mới lại ngôi Nhà thờ có mộ thánh tử đạo và xây ngôi Vương cung Thánh đường ngay bên cạnh. Ngôi Nhà nguyện này đã được cải tạo một lần nữa vào năm 500.

Khi Vương cung Thánh đường được xây lại trên một bản thiết kế lớn hơn trong thế kỷ XI, thì ngôi Nhà nguyện có mộ thánh tử đạo trở thành một phần của Vương cung Thánh đường. Nó được bao phủ bởi những bức tranh khảm đá mạ vàng từ thế kỷ V, trong đó có bức chân dung của Thánh Ambrosiô. Bức chân dung này được thực hiện không lâu sau khi ngài qua đời vào năm 397, vì thế nó phản ánh diện mạo đương thời của ngài.

 

Rời Nhà thờ Thánh Ambrôsiô chúng tôi đến thăm Nhà thờ Santa Maria Delle Grazie, nơi có bức tranh Bữa Tiệc Ly gốc của Leonardo da Vinci.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Giảng Lễ Vọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang Ngày 14/8/ 2014 (8/16/2014)
Cơ Cấu Sinh Hoạt Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo (5/1/2014)
Minh Định Các Thủ Tục Hành Chính Xã Hội Về Việc Chủng Sinh Nhập Học Đại Chủng Viện Và Truyền Chức Linh Mục (4/2/2014)
Cảnh Báo: Có Một Lm Thuộc Gp Phan Thiết Tự Nhận Là Được Giám Mục Gửi Qua Mỹ Để Xin Tiền Xây Dựng Tttm Tàpao (2/27/2014)
Đức Thánh Cha Phanxicô Bổ Nhiệm Tổng Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Tp Hồ Chí Minh (9/28/2013)
Tin/Bài khác
Năm Đức Tin 2013 - Hành Hương Châu Âu - Assisi (5/15/2013)
Đàng Thánh Giá Trọng Thể Giữa Lòng Mùa Chay 2013 Tại Tàpao (3/24/2013)
Linh Mục Việt-nam Sống Nghèo Và Vì Người Nghèo Khó Lắm Chăng? (3/21/2013)
Chung Kết Thi Ngắm Đứng Mùa Chay 2013 Tại Giáo Phận Thanh Hóa (3/21/2013)
Thư Hdgmvn Gửi Kính Gửi Đức Thánh Cha Phanxicô I (3/17/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768