Con chiên của Chúa
Giêsu
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Anh chị
em thân mến, chúng ta vẫn quen gọi các giám mục, các
linh mục là các mục tử hay chủ chăn, và anh chị
em giáo dân cũng vẫn quen nhận mình là “con chiên”. Kiểu nói nầy bắt nguồn từ trong Kinh
Thánh. Ngay từ thời Cựu Ước, tiên tri
Êzêkiel đã dùng hình ảnh đàn chiên và chủ chiên để
báo trước rằng: chính Chúa sẽ đến chăn dắt
dân Israel như mục tử chăn dắt đàn chiên, thay
thế hết các người lãnh đạo dân từ
trước đến nay. Khi Chúa Giêsu đến,
Ngài đã xưng mình là mục tử và là mục tử tốt
lành, đích thực, khác với những kẻ chăn thuê,
những mục tử giả.
Tin Mừng hôm nay vắn tắt có bốn
câu nói về “con chiên” nhiều hơn là chủ chiên, tức
là nói về “người giáo dân” hơn là hàng giáo sĩ. Người giáo dân là con chiên của
Chúa Giêsu, là người biết “nghe tiếng Chúa”, dám
“bước theo Chúa” để không bao giờ
phải hư mất, nhưng “được sống
đời đời”.
Trước đây, anh chị em có nghe
nói mình là “con chiên của các cha”
thì lấy làm thường tình, chẳng thắc mắc gì.
Nhưng ngày nay, hình ảnh con chiên dễ làm cho người
ta hiểu lầm và mặc cảm cho là hạ phẩm giá
con người giáo dân - người ta là con người mà
coi như con vật - coi giáo dân còn ấu trĩ và thụ
động trong Giáo Hội.
Cách
đây mấy chục năm, Đức Hồng Y Gasquet
trong một cuốn sách nói về người giáo dân, có kể
câu chuyện như sau: Một người sắp theo đạo hỏi linh mục về vai
trò của giáo dân trong Giáo Hội như thế nào? Linh mục
trả lời: “Giáo dân có hai vai trò: một là quỳ gối
trước bàn thờ, hai là ngồi quay mặt về tòa
giảng”. Và Đức Hồng Y Gasquet hóm hỉnh viết
thêm: “Người ta quên mất một vai trò thứ ba,
đó là móc ví tiền ra”.
Câu chuyện trên phản ảnh một
quan niệm lệch lạc về địa vị giáo dân. Vai trò của người giáo dân bị
giản lược vào mấy việc: xem lễ, nghe giảng
và góp tiền vào nhà thờ! Ngày nay, Công Đồng
Vatican II đã quan niệm Giáo Hội trước tiên là “Cộng
đồng Dân Chúa”. Giáo Hội trước
hết là giáo dân chứ không phải Giáo hoàng, Giám mục hay
Linh mục. Ngày nay, giáo dân phải đứng
hàng đầu trong Giáo Hội. Nói như
thế không có nghĩa là giáo dân điều khiển tất
cả, nhưng có nghĩa là giáo dân phải lãnh phần trách
nhiệm sống đạo chủ động của mình,
như những người trưởng thành giữa xã hội
ngày nay.
Sống đạo trong xã hội “dân chủ
tập thể” hôm nay dĩ nhiên giáo dân vẫn phải là những
“con chiên” của Chúa, hiền lành yêu thương, đừng
hung bạo ác ôn, nhưng cũng phải từ bỏ thái
độ ấu trĩ, vô trách nhiệm và thụ động.
Chúng ta muốn làm những con người tín hữu đứng
hàng đầu, những con người có tinh thần trách
nhiệm, dám nhận lãnh sứ mạng, dám sống bổn
phận của mình cách chủ động. Với điều
kiện đó, chúng ta mới “nghe tiếng Chúa” và “bước
theo Chúa” cách đúng đắn và phù hợp
với những đòi hỏi của xã hội ngày nay. “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta. Chúng theo
Ta, và Ta ban cho chúng sự sống đời đời. Không ai giựt chúng khỏi tay Ta được”.
Nghe tiếng Chúa là tin nhận Lời của Chúa và bước
theo Chúa là dấn thân sống Lời Chúa
một cách tự do và chủ động. Nghe và theo Chúa là sống gắn bó thiết thân với
Chúa. Bởi vậy, nghe và theo Chúa Kitô tức
là bước vào cuộc sống bất diệt ngay từ
đời nầy.
Tiếng Chúa hôm nay đang vang lên từ
quả tim của từng con người
nghèo khổ, bị áp bức, bị bóc lột. Tiếng
Chúa hôm nay là tiếng kêu của đồng bào, của cả
đất nước, của cả xã hội loài người
đang cần nhau để sống, để có cơm
ăn áo mặc đầy đủ, để tạo
được hạnh phúc chung. Tiếng Chúa đang vang dội
từng ngày, từng giờ mời gọi thúc bách chúng ta
xung phong đi đầu, dấn thân theo
Chúa trên mọi nẻo đường yêu thương, phục
vụ, hy sinh. Yêu thương, phục vụ
đến chỗ không còn tìm kiếm gì cho riêng mình, không giữ
lấy gì cho riêng mình và đến chỗ dám liều chết
cho anh em được sống, như chủ chiên dám liều
mạng sống vì đàn chiên.
Làm con chiên nghe tiếng Chúa và bước
theo Chúa là như thế. Làm
người có đạo hôm nay dám sống đạo thật
là như thế. Nghe tiếng Chúa và dám bước theo Chúa trong xã hội chúng ta hôm nay phải
như thế, và như thế nhất định chúng ta sẽ
được sống đời đời, không một
sức lực nào có thể cướp giựt chúng ta khỏi
tay Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Chúa nhật hôm nay với chủ đề
mục tử và đàn chiên được Giáo Hội chọn
làm Ngày Thế Giới cầu nguyện cho ơn gọi Giáo
sĩ và Tu sĩ. Giáo Hội đang thiếu các mục tử và nhất
là các mục tử tốt lành. Tiếng báo động
nầy đang vang đến tai chúng ta
hôm nay ở nơi nầy, trên đất nước chúng
ta. Hiệp ý với toàn thể Giáo Hội hoàn cầu, chúng
ta hãy cầu xin cho giới trẻ biết lắng nghe tiếng
gọi của Chúa và nhất là có đủ can đảm
để bước theo tiếng gọi đó bằng cuộc
sống dâng hiến trọn vẹn cho Chúa để phục
vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, ốm
đau, bệnh tật, cô đơn, già yếu…
Sự hy sinh hầu như tuổi trẻ
có thừa, nhưng cần rất nhiều yếu tố xã
hội góp phần để tuổi trẻ thực hiện
quyết định hy sinh quảng đại của mình:
cha mẹ, gia đình, và giáo xứ có đóng góp phần
đào tạo ơn gọi thì ơn gọi mới nẩy
nở và mới được bảo đảm. Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong sứ điệp ngày thế giới
cầu nguyện cho ơn thiên triệu đã viết: “Tôi
nói với bậc cha mẹ, dựa vào lòng tin, rằng họ
có thể nếm hưởng niềm vui của ân sủng
sẽ vào nhà họ, khi một con trai hay con gái của họ
được Chúa gọi để phục vụ Ngài…
Đặc biệt, tôi hướng về giới trẻ của
thời nay và tôi nói với họ: Hãy để cho Đấng
Vĩnh Cửu quyến rũ các bạn, và tôi lập lại
lời Ngôn sứ Giêrêmia (20,7): “Ngài đã
làm cho tôi say mê, lạy Chúa… Ngài đã chinh phục tôi và Ngài
đã mạnh hơn tôi”… “Hãy để Đức
Kitô quyến rũ bạn. Hãy để
gương Ngài lôi cuốn các bạn. Hãy để
tình yêu của Thánh Thần yêu mến các bạn… Hãy say mê
Đức Kitô để sống cuộc đời của
Ngài, hầu nhân loại có sự sống trong ánh sáng Tin Mừng…”. Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh: “Thời
đại chúng ta sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu sự
hiện diện của những cuộc đời dâng hiến
cho tình yêu trở nên khan hiếm. Xã hội chúng ta sẽ
nghèo nàn đi biết bao, nếu không được thúc
đẩy để ngước nhìn lên nơi có những
niềm vui chân thật! Giáo Hội chúng ta
cũng sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu thiếu những
gì biểu lộ một cách cụ thể và mạnh mẽ
tính thời sự vĩnh cửu của việc dâng hiến
cuộc đời vì Nước Trời”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha giao phó giới
trẻ cho Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt
các thanh thiếu niên đã được gọi bước
theo Chúa Giêsu. Mẹ biết
rõ tất cả những khó khăn, chiến đấu và
trở ngại các bạn trẻ phải trải qua.
Xin Mẹ giúp các bạn trẻ biết nói lên câu: “Xin Vâng”
đáp trả tiếng gọi của Chúa, như Mẹ
đã thưa khi được Sứ thần truyền
tin.
|