ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG, 31/05/2011
“ Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth”(Lc.1,39)
Vào những thập niên trước đây, khi đời sống con người còn đơn sơ, nghèo nàn, lạc hậu công nghệ viễn thông chưa phát triển và cung ứng tới từng nhà, từng người. Vì thế mà người ta dùng những lá thư, cánh thiệp qua đường bưu điện để gửi đến nhau những lời thăm hỏi, chúc mừng, chia buồn, mời mọc…Trong mối tương quan gia đình, dòng tộc, bạn bè, nhất là những hoàn cảnh ở cách xa nhau về địa lý, người ta thường sắp xếp thời gian ghé thăm, trao đổi, bàn bạc những vấn đề liên quan đến đời sống, có những trường hợp người ta phải bỏ ra mấy ngày đi đường mới tới, hao tốn tài chánh cũng như thời gia,. nhưng bù lại khi đến nơi, cả người đến và người tiếp đón vui và rất vui. Đây là nét văn hóa rất đẹp của nền văn hóa Á Đông.
Ngày nay, đời sống con người được nâng cao cả về tri thức lẫn đời sống, công nghệ viễn thông phát triển mạnh, không chỉ là những chiếc điện thoại cố định, nhưng đan xen những chiếc điện thoại di động từ đắt tiền cho tới giá bình dân, ai ai cũng có thể sở hữu từ em học sinh tiểu học cho tới người cao tuổi, từ người tri thức, quyền cao chức trọng cho tới bác nông dân….Muốn thăm hỏi, chia buồn, mời mọc ư! Chỉ cần lick mấy ngón tay lên chiếc điện thoại bàn hoặc di động là ok, trong tích tắc là mọi việc được giải quyết mau lẹ ít hao tốn thời gian, công sức, tài chính… Chính vì thế, hình ảnh người mẹ hoặc người cha tay xách, nách mang, cùng với một hoặc hai thành viên trong gia đình trên các chuyến xe đi thăm viếng, chúc mừng, đưa thiệp mời, chia buồn ngày càng thưa dần và có nguy cơ mai một. Nói một cách dí dỏm rằng đời sống thể xác con người ngày hôm nay được sưởi ấm bằng những tiện nghi, hiện đại.. thì ngược lại đời sống nội tâm con người bị đóng băng bằng sự lười biếng, ỷ lại và lạm dụng.
Nói như thế không có nghĩa là ta lên án những thành tựu khoa học, điều giúp ích rất nhiều cho ta trong đời sống, vì tất cả những điều đó đều là do ân sủng của Thiên Chúa, có điều là ta sử dụng những ân sủng của Thiên Chúa theo chiều hướng nào? Mưu cầu cho ta và qua ta đến với mọi người, hay ta chỉ dành cho chính bản thân và gia đình của ta…? Giờ ta dừng lại đôi chút để chiêm ngắm và suy tư nơi Mẹ Maria, khi Mẹ đón nhận ân sủng và sử dụng ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Mẹ.
Theo trình thuật Tin Mừng của thánh sử Luca, khi Mẹ Maria được Sứ Thần báo tin người chị họ của Mẹ là bà Êlisabét, tuy đã cao tuổi nhưng được phúc trọng là cưu mang một hài nhi và sau khi Mẹ cất tiếng xin vâng chính Mẹ cũng đã được phúc cưu mang Con Thiên Chúa “ Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là con đấng Tối Cao…” (Lc,1,31-32), đây là nguồn ân sủng cao trọng mà Mẹ Maria được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa. Sau khi đón nhận ân sủng, việc đầu tiên Mẹ thực hiện là vội vã lên đường đi thăm viếng, không chỉ thăm viếng nhưng Mẹ còn ở lại để săn sóc và phụ giúp người chị em của mình cho tới ngày “ mẹ tròn con vuông”.
Có thể nói, qua việc Đức Maria vội vã đi thăm viếng bà Êlisabét, Thiên Chúa đã khai mở cho nhân loại tình yêu và sự quan phòng của Chúa Cha, sự hiện diện của Chúa Con và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần “ Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn các người phụ nữ và người con em cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc.1,41-42), kế đến Thiên Chúa tỏ lộ ơn cao trọng Ngài ban cho Mẹ Maria, đó là Mẹ Maria một nữ thụ tạo được mệnh danh là Mẹ Thiên Chúa, khi bà Ê lisa bét được tràn đầy ơn Thánh Thần đã cất tiếng “ Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc.1,43-44).
Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội hướng về Mẹ Maria qua sự kiện Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Êlisabét. Trước tiên là ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta một Người Mẹ luôn khiêm hạ trước Chúa và trước những người anh em, một người Mẹ nêu gương xin vâng theo Thánh ý trong đời sống; một người Mẹ có một tấm lòng bác ái với tất cả mọi người, một người Mẹ đã tiên phong trong sứ vụ giới thiệu Chúa cho mọi người và cuối cùng là một người Mẹ nêu gương phục vụ anh em trong mối tương quan gia đình trần thế….kế đến là ta xin với Mẹ Maria giúp ta luôn biết noi gương Mẹ, sống như Mẹ đã sống.
Hằng ngày quanh ta còn rất nhiều người cần sự thăm viếng, cần lời an ủi, động viên, cần một tấm lòng bao dung và bác ái từ chính trong mái ấm gia đình của ta trở đi, quanh ta còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa, chưa tin vào Chúa, hoặc đã tin nhưng do những biến cố, những thử thách của cuộc sống đã làm lung lạc Đức Tin và hình ảnh của Chúa dần bị lu mờ trong tâm trí. Tất cả những hoàn cảnh đó, họ luôn cần Mẹ Maria hiện diện nơi họ, nhờ sự hiện diện của Mẹ Maria phúc lành của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ xuống trên họ.
Vâng! Là những người con của Mẹ Maria, lẽ nào ta lại không nài xin Mẹ đến với họ bằng đời sống cầu nguyện qua tràng chuỗi Mân Côi, là những người con của Mẹ Maria lẽ nào ta không noi gương Mẹ vội vã lên đường đến với những người anh em quanh ta bằng sự hy sinh, bác ái, phục vụ, là những người con của Mẹ lẽ nào ta không học nơi Mẹ những nhân đức như: Xin Vâng, Khiêm Nhường, Chịu Đựng, đây là ba nhân đức chính của Mẹ, nhờ ba nhân đức này mà Mẹ có thể thực hiện những công việc tưởng chừng như vượt quá sức của con người, điển hình như việc Mẹ đi ngược lên miền núi để thăm viếng và đem Chúa đến cho người anh em mà ta mừng kính hôm nay.
Là những phàm nhân luôn yếu đuối và mỏng dòn. Ta khó có thể học và sống như Mẹ Maria nếu không có ơn Chúa như Lời Chúa đã minh định: “ Không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì”. Vì thế, ta nài xin Chúa qua lời cầu bầu rất thần thế của Mẹ Maria, giúp ta sống xứng với danh phẩm là con của Mẹ Maria ngay hôm nay và mãi về sau.
Lạy Chúa! Nhờ sự thăm viếng của Mẹ Maria, gia đình bà Êlisabét đã tràn ngập ân sủng của Chúa, giờ đây nhờ sự hiện diện và lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin Chúa ban cho gia đình con ơn biết yêu mến và noi gương Mẹ Maria. Nhờ đó mà gia đình con luôn sống trong niềm vui và luôn đầy ắp tiếng cười vì mọi người biết quan tâm đến nhau, biết hy sinh và phục vụ lẫn nhau trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết noi gương Mẹ Maria mà vội vã lên đường đến với anh em, nhất là những người yếu đau, bệnh tật, khổ đau thân xác cũng như tâm hồn, để một chút nào đó đem lại cho niền vui và sự an ủi. Amen.
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm?” (Lc.1,42-43 ) Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện". Anh em thân mến, đức ái không được giả hình: Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ. Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: Hãy sốt mến trong tâm hồn và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà. Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Đừng tự đắc cho mình là khôn. Đó là lời Chúa.
Đức Urban VI thiết lập vào năm 1389, vào khoảng thời gian giữa lễ Truyền Tin và lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, phù hợp với những chi tiết Phúc Âm. Ngày lễ hôm nay ghi nhớ việc Đức Mẹ đi thăm bà chị họ Elizabeth, lúc ấy đã cao niên và đang có thai. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui về những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai chị em. Ngày lễ này - nhằm ngày kết thúc tháng Năm kính Mẹ – cho chúng ta thấy tinh thần chiêm niệm, sự phục vụ, và đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ, dạy chúng ta biết mỗi khi đi đâu, chúng ta cũng phải theo gương Mẹ Maria, trở nên một nguồn vui cho toàn thể nhân loại.
Sài Gòn Ngày 30/05/2011 Antôn Lương Văn Liêm
|