Hiệp thông với Giáo Hội tại Trung Đông
Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông Tháng mười 2010
LTS: Một vị linh mục người VN mà nhóm hành hương chúng tôi được gặp gỡ tại Do Thái vừa gửi bài này cho chúng tôi với lời nhắn như sau:
"Bài nói chuyện của ĐGM Phụ Tá Giêrusalem có thể soi sáng nhiều điều về tình hình Giáo hội ở bên này(Do Thái). Bài này tôi có gởi cho Web của HDGM/VN, chị có thể cho lên mạng được"
Xin cám ơn cha. (KH)
---
Sau chuyến viếng thăm Hội Thánh tại Gio-đan, It-ra-en và Pa-let-tin hồi tháng 5-2009, Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI đã quyết định triệu tập một cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục vùng Trung Đông từ ngày 10 đến 24 tháng 10 năm 2010. Và trong chuyến viếng thăm đảo quốc Síp (Cyprus), cũng thuộc giáo phận Giê-ru-sa-lem, vào tháng 6 năm nay Đức Thánh Cha sẽ trao “tài liệu làm việc” (instrumentum laboris) cho các Giám Mục.
Đây là dịp để chúng ta hiệp thông với Hội Thánh vùng Trung Đông, một Hội Thánh đang sống trong thời kỳ thử thách quyết liệt.
Theo dõi thông tin của các phương tiện truyền thông Âu-Mỹ trong nhiều năm qua, từ khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra vào năm 1990, chúng ta chỉ biết đến chiến tranh và khủng bố; thậm chí hình ảnh do các phương tiện truyền thông tạo ra trên khắp thế giới là Hồi Giáo là tôn giáo của bạo lực và khủng bố, người A-rập là những kẻ hung ác, sắt máu. Kẻ từ bên kia đại duơng đem bom đạn giáng xuống đầu người ta thì là hành động chính đáng; người ta đánh lại những kẻ ấy thì lại bị gọi là khủng bố. Thật là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Khốn nỗi kẻ cướp lại la to hơn nạn nhân. Chúng ta đâu có được thông tin gì về cuộc sống hàng ngày của người dân trong các nước Arập đâu. Những người dám nói ngược lại thì bị tẩy chay.
Một thí dụ gần đây nhất, giữa tháng 5 vừa qua, nhà ngữ học nổi tíêng thế giới Noam Chomsky (82 tuổi),một người Do Thái chính tông, đã từng sống tại It-ra-en trong những năm 1940-1960 trước khi di cư qua Mỹ, đã bị từ chối nhập cảnh vào It-ra-en khi ông từ vương quốc Gio-đan qua Bờ Tây Gio-đan (vùng đất thuộc quyền Pa-let-tin bên bờ tây sông Gio-đan) để thuyết trình tại đại học Pa-let-tin, vì ông là người chống lại đường lối của Mỹ và It-ra-en trong chính sách đối với người Pa-let-tin, và bị coi là xách động chống It-ra-en.
Trong một buổi thuyết trình tại Đại Học Pa-let-tin này lần cuối cùng hơn hai chục năm trước đây, ông mở đầu: “Người ta thường hỏi tôi: “Pa-let-tin có phải là nhà nước khủng bố không?”, tôi trả lới “có”! Lập tức sinh viên la ó, toan hành hung. Ông bình tĩnh nói tiếp: “nhưng là kẻ khủng bố nhỏ, không hữu hiệu, không đáng kể. Nhà nước It-ra-en mới là kẻ khủng bố thứ thiệt và nhà nước Mỹ mới là tay khủng bố hàng đầu thế giới.” Những lời của ông cả ba phe đều ghi nhớ không bao giờ quên! Vì thế mà sau hơn hai muơi năm ông mới trở lại vùng đất này theo lời mời của Đại Học Pa-let-tin, thì nhà nước It-ra-en là phe chiếm đóng và kiểm sóat biên giới đã không cho ông qua sông.
Các phương tiện truyền thông của thế giới Âu-Mỹ đều phục vụ cho đường lối chính trị và lợi ích kinh tế của họ. Đối với Giáo Hội Công Giáo, họ chỉ tìm những lỗi lầm, sai sót của các thành phần trong Giáo Hội để bêu rếu, câu độc giả, còn số phận của những tín hữu Chúa Kitô trong các nước Trung Đông thì không hề được nhắc đến. Thử hỏi có bao nhiêu nuớc trên thế giới biết đến việc Hội Thánh Công Giáo và nhiều cộng đồng Kitô giáo khác tồn tại như thế nào và phải đương đầu với những thách đố nào trong các nước vùng Trung Đông.
Để góp phần tạo nhịp cầu hiệp thông với Hội Thánh tại Trung Đông, tôi đã xin phép dịch bài nói chuyện của Đức Tân Giám Mục Phụ Tá giáo phận Giêrusalem với giới tu sĩ tại đây ngày 12 tháng 5 vừa qua. (Giáo phận Giêrusalem bao gồm It-ra-en, Pa-let-tin, vương quốc Gio-đan và đảo Síp).
Cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông trong bối cảnh địa dư và mục vụ.
Đức Cha William Hanna Shomali Tân Giám Muc Phụ Tá Giêrusalem nói với các tu sĩ tại Giêrusalem ngày 12 – 5 - 2010. Anh chị em thân mến,
Xin cám ơn anh chị em đã tổ chức buổi nói chuyện này để chuẩn bị đón nhận cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông sắp tới. Anh chị em đã hỉểu điều này và đã quan tâm trả lời những câu hỏi đặt ra trong bản dự thảo (lineamenta). Chắc chắn anh chị em sẽ là những người đầu tiên thực hiện những điều Thượng Hội Đồng sẽ đề nghị. Xin cám ơn anh chị em về sự hợp tác đáng trân trọng. Anh chị em, những tu sĩ nam nữ tại Đất Thánh tiếp tục đứng ở tuyến đầu trong chứng tá của Hội Thánh về tình yêu của Chúa Kitô đối với mọi người, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Chứng tá của anh chị em trong lãnh vực từ thiện, giáo dục và chăm sóc sức khỏe là duy nhất và không thể thay thế.
Thượng Hội Đồng Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo Trung Đông liên quan tới các nước A-rập cũng như không A-rập, trải rộng khắp vùng địa dư bao la từ Ai Cập đến Thổ nhĩ kỳ, từ I-ran tới It-ra-en xuyên Vùng Vịnh, I-răc, Li-băng, Sy-ri, Gio-đan, Palestin và Síp; bao gồm trực tiếp hay gián tiếp 14 triệu Kitô-hữu giữa khối dân số 330 triệu, trong đó có người A-rập,Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran, Hy Lạp và Do Thái. Cuộc họp Thượng hội Đồng này sẽ tập trung vào tình hình rất phức tạp và đa phương này.
Quả thật trong những năm vừa qua chúng ta đã có một Công Nghị cho Li-băng, một Công Nghị cho Đất Thánh. Người ta có lý do để tự hỏi: “Tại sao không tiếp tục tổ chức Công Nghị từng nước cho những nước chưa họp, thay vì cao vọng một cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục cho tòan vùng Trung Đông? Tại sao Hội Thánh tại Li-băng và Đất Thánh phải làm lại cùng một công việc đã làm rồi?” Câu trả lời nằm ở sự kiện là số lượng và tính phức tạp của các vấn đề và thách đố đối với tòan vùng Trung Đông quá lớn, không thể để mỗi giáo phận và mỗi cộng đồng Hội Thánh đơn phương giải quyết. Thêm vào đó, thế giới tòan cầu hóa của chúng ta khiến chúng ta thấy cần phải bao quát các vấn đề chung của chúng ta dưới quyền Đức Thánh Cha, “cum Petro et sub Petro” (cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô).
Hai mục tiêu của Thượng Hội Đồng
1- Củng cố các Kitô hũu trong căn tính qua Lời Chúa và các bí tích. 2- Đem sức sống mới cho sự hiệp thông giữa các cộng đồng Hội Thánh theo luật riêng (sui iuris) để có thể cùng nhau cống hiến một chứng tá đích thực về đời sống Kitô hữu vui tươi và có sức cuốn hút.
Một điểm đặc biệt của vùng Trung Đông là số lớn những cộng đồng Hội Thánh Đông Phương theo luật riêng (sui iuris) đã bén rễ tại đây: Men-kit, Sy-ri, Ma-rô-nit, Cốp, Ac-me-ni và Can-đê. Một đàng các cộng đồng Hội Thánh này cần sống theo ngôn ngữ và phụng vụ riêng của mình, đàng khác lại cần hiệp thông với nhau mật thiết hơn. Hiện nay sự hiệp thông này còn nhiều điểm đáng mong ước. Họ cũng cần một cuộc canh tân mục vụ và phụng vụ. Hội Thánh theo nghi lễ La-tinh đã trải qua những thay đổi này từ công đồng Vatican II như một cuộc cách mạng về phụng vụ và Giáo Hội học, đem lại sự cởi mở với thế giới. Các cộng đồng Hội Thánh Phương Đông cần một cuộc cách mạng tương tự hầu có thể có khả năng thích nghi và canh tân và nhờ đó đáp ứng những nhu cầu hiện tại của họ.
Đến đây chúng ta có thể đi vào chi tiết.
I. Tình hình địa dư ở Trung Đông
1- Thổ nhĩ kỳ - Xứ này hiện có 72 triệu dân (theo wikipedia), đa số là Hồi Giáo. Kitô hữu chỉ có 100 ngàn, nghĩa là gìa một phần ngàn. Xứ này theo chính sách thế tục, nghĩa là phân biệt nhà nước với tôn giáo. Họ đang tìm cách gây ấn tượng tốt đẹp để có thể gia nhập Cộng Đồng Âu Châu. Về mặt tích cực thì có thể nói đến chính sách thế tục do nhà cách mạng Ataturk đưa vào từ năm 1924. Về mặt tiêu cực thì phải kể đến cuộc diệt chủng người Ac-me-ni hồi đầu thế kỷ 20 mà cho đến nay Thổ nhĩ kỳ vẫn từ chối nhìn nhận trách nhiệm, và cuộc chia cắt đảo Síp giữa người gốc Thổ nhĩ kỳ và người gốc Hy-lạp, cũng do trách nhiệm của Thổ nhĩ kỳ.
2- I-ran - Tại xứ này người Hội Giáo phái Si-a thống lĩnh mọi lãnh vực của xã hội. Số người Hồi Giáo 72 triệu, trong khi Kitô hữu – chủ yếu là Ac-me-ni va At-si-ri – chỉ có 200 ngàn. Tin tức từ I-ran cho biết có một cộng đồng Báp-tít họat động tích cực, đã kéo được chừng 10.000 người theo đạo. Nhưng người đổi đạo bị coi là phản bội Hồi Giáo và ủng hộ kẻ thù chính : Mỹ. I-ran giàu có và hỗ trợ người Hồi Giáo Si-a ở Li-băng và phe Hamas ỏ Gaza vì lý do tôn giáo và ý-thức-hệ. Xứ này nuôi tham vọng bành trướng lãnh địa ở Vùng Vịnh, nơi Hồi Giáo Si-a là một thiểu số và bị lép vế.
3- A-rập Sa-u-đi và Các Vương Quốc A-rập Thống nhất - 33 triệu dân sống trên miền đất giếng dầu hỏa này. Thái độ đối với Kitô hữu thay đổi tùy thể chế chính trị của mỗi vương quốc; từ tôn trọng - như ở Qatar, A-bu Đa-bi và Đu-bai – đến cứng rắn và thiếu tự do – như A-rập Sa-u-đi. Trong khi Qatar cho phép xây một nhà thờ chứa được 5 ngàn, thì các Kitô-hữu tại A-rập Sa-u-đi khỏang hơn 500 ngàn không được phép tụ họp để cầu nguyện. Họ bí mật tụ họp tại các tư gia để cầu nguyện, liều mình bị sách nhiễu. Một vấn đề khác đặt ra cho con số đông những người lao động di dân, thường bị tước cả những quyền căn bản về an tòan xã hội và về tôn giáo. Thêm vào đó, phe Hồi Giáo quá khích lợi dụng khó khăn kinh tế của những người di dân lao động để dụ họ theo Hỗi Giáo. Mỗi năm có một số đáng kể đổi đạo vì được hứa hẹn những lợi lộc vật chất cơ bản.
4- Ai-cập- Chúng ta không có thống kê chính xác về số Kitô hữu Cốp. Thông kê của chánh quyền thì nói có 6 triệu, trong khi Giáo Hội Cốp thì lại nói 12 triệu. Con số 10 triệu có thể được coi là sát với thực tế hơn. Những cuộc đụng độ giữa người Hồi Giáo với các cộng đồng tín hữu Cốp năng xảy ra. Người Ai-cập là dân sùng đạo nhất thế giới về các việc đạo đức, nhưng cũng cả về mặt cuồng tín nữa. Tín hữu Cốp cảm thấy bị khi dể và thiếu nhiều quyền lợi, nhất là về quyền tự do thờ tự (rõ ràng với nỗi khó khăn trong việc xây nhà thờ) và tự do lương tâm. Họ giữ một vị trí không đáng kể trong xã hội và chính quyền. Hãy lấy một thí dụ: chỉ có 3 Kitô-hữu trong số 454 đại biểu quốc hội, tức không tơi 1%, trong khi số Ki-tô hữu ở Ai-cập ít là 10%.
“Tại Ai-cập, chủ nghĩa Hồi Giáo chính trị gia tăng, trong khi Kitô hữu bị cưỡng bức đứng bên lề xã hội dân sự, hai yếu tố này khiến họ phải rơi vào cảnh bị kỳ thị, bất bình đẳng và bất công. Thêm vào đó, qua phương tiện truyền thông và trường học chủ nghĩa Hồi Giáo hóa này xăm nhập vào đời sống gia dình Kitô hữu, làm thay đổi não trạng của họ khiến họ chiều theo thế giới quan của Chủ Nghĩa Hồi Giáo một cách vô thức.” (Tài liệu làm việc – Intrumentum laboris).
5- I-rắc- Cuôc xâm lược của Mỹ đã làm cho cộng đồng Kitô hữu gần như tan tác. Trước năm 1987, cộng đồng này có 1,25 triệu tín hữu, hầu hết là Can-đê, nay chỉ còn non 400 ngàn. Một trong những thảm họa của thế kỷ là cuộc di tản ồ ạt của các Kitô hữu I-rắc vì mất an ninh và bị sách nhiễu. Tại I-rắc, chiến tranh đã mở khóa cho những sức mạnh của sự ác tung hòanh trong xứ này khi đảo lộn các luồng chính trị và phe phái tôn giáo. Sự thể này đã gây thiệt hại lớn cho mọi người I-rắc, nhưng các Kitô hữu thuộc hàng nạn nhân chính, vì họ tiêu biểu cho những cộng đòan nhỏ nhất và yếu nhất ở I-rắc. Cho đến hôm nay, giới chính trị tòan cầu vẫn chưa hề đếm xỉa tới họ. Chuyện này thêm vào những thảm họa đã giáng trên các Kitô hữu Trung Đông suốt hai thế kỷ qua:
- Cuộc thảm sát một triệu rưởi người Ac-me-ni ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1915 - Cuộc thảm sát các tín hữu Ma-rô-nít năm 1860 và cuộc nội chiến Li-băng đã khiến nhiều Kitô hữu di tản - Cuộc di tản không ngừng của các Kitô hữu ở Đất Thánh từ hơn một thế kỷ nay.
6- Sy-ri – Tình trạng của một triệu rưởi Kitô hữu Sy-ri có vẻ yên ổn dưới quyền Đảng Ba-at là đảng dựa trên sự ủng hộ của các khối thiểu số, vì chính gia đình A-sat thuộc nhóm thiểu số A-la-uy. Nhưng trên đầu họ luôn treo lơ lửng nỗi lo sợ một sự thay đổi và xáo trộn đột ngột. Như truớc đây bên I-rắc, dưới chế độ của Saddam, Kitô hữu được nhiều đặc ân; ngày Saddam bị lật đổ thì tựa như cái kho tai họa được mở tung để trút xuống dân Kitô hữu. Nỗi lo sợ các cuộc xáo trộn vẫn triền miên trong thế giới A-rập, vì chính sách nhà nước thường tùy thuộc thái độ chiếu cố hay ngược đãi của một dòng họ hay đảng phái cầm quyền, hơn là một não trạng ổn định lâu bền.
7- Li-băng - Kitô hữu ở Li-băng bị chia rẽ cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo, và chẳng ai có nổi một kế họach được mọi người chấp nhận. Thế quân bình chính trị đạt được hồi 1943 khi Kitô hữu chiếm 53% tổng số dân không còn phản ảnh thực tế hiện nay. Người Hồi giáo Si-a đang trở nên đông và mạnh hơn, đòi quyền lớn hơn trong Quốc hội. Thế quân bình quyền lực hiện nay yếu. Li-băng phải vươn tới thái độ trưởng thành về dân chủ, bỏ lại sau lưng chủ nghĩa “giáo phái trị” phi lý, mà đừng đổ máu.
8- Gio-đan - Gio-đan là một xứ yên ổn. Kitô-hữu cảm thấy an tòan và được tự do tôn giáo, với sự có mặt các đại biểu trong Quốc Hội và chánh quyền. Chúng ta đã thấy Quốc Vương Gio-đan và chính quyền tiếp đón Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nồng nhiệt như thế nào. Mặc dù thế, vẫn không có tự do lương tâm. Đó là điều chúng ta nhận thấy trong mọi nước A-rập. Hồi Giáo tự coi là tôn giáo của sự thật và là duy nhất thật. Các tôn giáo khác chỉ được khoan nhượng. Vì thế người Hồi Giáo không được phép bỏ sự thật để theo sự lầm lạc. Đổi đạo bị coi là phản bội xã hội, văn hóa và dân tộc, cả ba thực tại này chủ yếu dựa trên một truyền thống tôn giáo.
9- Pa-let-tin và It-ra-en – Cuộc xung đột giữa Pa-let-tin và It-ra-en đã kéo dài hơn 80 năm, gồm 6 cuộc đụng đầu bằng bạo lực, phải kể thêm hai cuộc Intifada (tổng nổi dậy). Đây là một cuộc xung đột ý thức hệ mà hiện chưa thấy ló rạng một giải pháp trong thời gian ngắn trước mặt. Tình trạng kinh tế và sự thiếu an ninh đã buộc một số đông Kitô hữu Pa-let-tin di cư. Số tín hữu tản mác khắp nơi hiện lên tới khỏang 500 ngàn, phần đông định cư tại Chi-Lê.
II. Xác định một vài vấn đề lớn THĐGM phải đối diện
Cuộc thăm dò đã cho phép chúng ta xác định dược những vấn đề lớn mà các cộng đồng Kitô hữu tại Trung Đông phải đối diện:
- Một cuộc di dân làm suy yếu kết cấu đời sống Kitô. Cuộc di dân này cũng đã mở mắt cho một số người Hồi Giáo ôn hòa thấy rằng cuộc di tản này làm nghèo xã hội A-rập và mất đi những thành phần ôn hòa. Nhiều người trong giới trí thức Pa-let-tin – kể cả chủ tịch Mahmoud Abbas và Thủ Tướng Salam Fayyad – đã nói rằng sự ra đi của các Kitô-hữu là một mất mát cho mọi người Pa-let-tin và sẽ dẫn tới kết cục là đặt khối cực đoan Do Thái và khối cực đoan Pa-let-tin đối diện với nhau. Kitô hữu là thành phần ôn hòa kéo được thiện cảm của phương tây đối với vấn đề Pa-let-tin. Thêm vào đó. Trong quá khứ, Kitô hữu ở Li-băng, Ai-cập, Sy-ri và Pa-let-tin đã góp phần vào sự tiến bộ và phát triển của mỗi nước. Sự giảm sút con số làm cho họ chỉ còn chiếm một tỉ lệ nhỏ không đáng kể trong tổng số dân, sự hiện diện của họ trở thành vô nghĩa. Điều này càng thêm lý do cho số còn lại cũng ra đi.
- Đổi đạo theo Hồi Giáo. Sự thật là có ít Kitô hữu trở thành người Hồi Giáo. Nhưng vì con số của các cộng đòan chúng ta ít ỏi, nên mỗi người đều đáng kể. Tại Ai-cập, ước lượng 15 ngàn thiếu nữ trở thành người Hồi Giáo vì lý do liên quan tới hôn nhân. Mỗi năm tại Pa-let-tin và Gio-đan cũng có những trường hợp như thế. Mỗi lần đều là thảm kịch cho một gia đình, vì họ coi cuộc đổi đạo này là một sự phản bội đối với tôn giáo và với chính gia đình. Không phải chỉ có các thiếu nữ rơi vào trường hợp này. Người di dân lao động tới các nước Vùng Vịnh cũng là nạn nhân. Muốn tiếp tục có việc làm, đổi đạo đi theo Hồi Giáo là biện pháp hiệu lực đáng kể nhất. Chỉ tính trong vương quốc Đu-bai năm 2008 đã có 2.763 người, cả nam lẫn nữ, thuộc 72 quốc tịch khác nhau, đổi đạo theo Hồi Giáo.
- Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi Giáo chính trị. “Sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi Giáo Chính Trị từ khỏang thập niên 1970 là một hiện tượng rất đáng chú ý tác động trong vùng và ảnh hưởng tới tình trạng của các Kitô-hữu trong thế giới A-rập. Chủ nghĩa Hồi Giáo chính trị bao gồm nhiều trào lưu tôn giáo muốn áp đặt nếp sống Hồi Giáo trên các xã hội A-rập,Thổ nhĩ kỳ hay I-ran, và những người sinh sống tại đó, dù theo Hồi Giáo hay không. Đối với các trào lưu này, sự xa rời Hồi Giáo là cội rễ mọi sự ác. Giải pháp duy nhất là trở về với nguồn gốc Hồi Giáo. Do đó nảy sinh khẩu hiệu: HỒI GIÁO LÀ GIẢI PHÁP DUY NHẤT […] để đạt mục tiêu này, một số người không ngần ngại dùng đến bạo lực.” (Tài liệu làm việc).
- Não trạng khép kín: “Tôn giáo khi bị coi là một nhân tố phân định, không chỉ đưa tới sự phân biệt mà còn gây chia rẽ và được vận dụng để cắt đứt tương quan và gây thù hận. Mối nguy nằm ở chỗ khép kín trong chính mình và sợ người khác. Chúng phải đồng thời củng cố đức tin và linh đạo của tín hữu và củng cố các mối tương quan xã hội và sư liên đới giữa các yếu tố này, không để rơi vào não trạng khép kín (ghetto). (Tài liệu làm vịêc) III. Thượng Hội Dồng Giám Mục đáp ứng những mong đợi của Kitô hữu Trung Đông.
Hội Thánh không chủ trương đưa ra những giải đáp “tiền chế” cho mọi vấn đề các tín hữu sống ở Trung Đông đang phải đối diện. Tình trạng của mỗi cộng đồng Hội Thánh, thậm chí của mỗi tín hữu, là duy nhất và không có một giải đáp hòan hảo nào cho mọi cộng đồng, mọi người. Thay vào đó, Hội Thánh vạch ra những nơi và những đường hướng để đi tới giải đáp. Đây là 3 đường hướng quan trọng:
1- Cần đào tạo Kitô hữu đọc và sống Lời Chúa Tại Trung Đông có rất nhiều nền đạo đức và những hình thức sùng kính bình dân. Nhưng Lời Chúa lại chưa có được vị trí đúng trong linh đạo của dân Kitô. Việc “Đọc và suy niệm Lời Chúa” (Lectio Divina) vẫn còn là đặc ân của một tầng lớp. Cần nỗ lực rất nhiều để khai tâm cho dân chúng biết đọc và suy niệm Sách Thánh. Một phần sự thành công của các giáo phái là do sự tiếp cận với Lời Chúa, cộng với sự kiện là họ có những cộng đòan nhiệt tình khắp nơi hấp dẫn những người muốn tìm một bầu khí ấm cúng.
Sách Thánh được viết trên miền đất của chúng ta, bằng tiếng nói của chúng ta (Hip-ri, A-ram.và Hy Lạp), với những cách diễn tả văn chương và văn hóa mà chúng ta cảm thấy là của mình, sẽ dẫn dắt suy tư của chúng ta. Lời Chúa được đọc trong Hội Thánh. Sách Thánh đến với chúng ta qua các cộng đòan Hội Thánh nhờ được truyền lại và suy niệm trong Phụng Vụ. Sách Thánh là điểm qui chiếu không thể thiếu để khám phá ý nghĩa của sự hiện diện, sự hiệp thông và chứng tá của chúng ta trong bối cảnh hiện nay ở mỗi nước. Đây là một câu trả lời trong bản dự thảo (lineamenta) liên quan tới Lời Chúa: “Lời Chúa hướng dẫn và trao ban ý nghĩa cho cuộc sống, biến đổi nó tận căn. Lời Chúa làm rực lên những nẻo đường hy vọng và đem thế quân bình sinh động cho mối tương quan ba chiều của chúng ta với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân. Hơn nữa. Lời Chúa còn là sự trợ giúp để đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay.. Như vậy Lời Chúa phải là điểm quy chiếu cho Kitô hữu trong việc giáo dục con cái, cách riêng đối với kinh nghiệm về tha thứ và yêu thương. Một số gia đình đã thật sự tìm được ở đó nguồn hứng để giáo dục con cái.
2 – Cần đào tạo Kitô hữu biết tha thứ, hòa giải và cởi mở với người khác Trung Đông bị xâu xé bởi những xung đột đẫm máu, gây ra những nỗi thù ghét và óan hận không nguôi. Người Kurd, I-ran, Pa-let-tin, It-ra-en, Li-băng đã chịu những nỗi đau khủng khiếp và những vết thương vẫn còn chưa khép, nói chi đến lành. Đôi khi tôn giáo pha vào như là hậu cảnh cho cuộc xung đột để cho nó tính ý-thức-hệ và củng cố nó. Giải đáp không phải ở chỗ trả đũa vì trả đũa chỉ tạo nên một vòng luẩn quẩn không cùng của bạo lực. Đúng hơn, giải pháp ở chỗ đối thọai và tha thứ. Đó là công việc lâu dài của các nhà giáo dục. Kitô hữu có phần đóng góp của mình vào việc giải quyết những xung đột chính trị hay tôn giáo.
Mở ra với tha nhân cũng là một chiều kích tôn giáo. Trong cuộc viếng thăm Đất Thánh, Pa-let-tin và Thổ Nhĩ kỳ, ĐTC Biển Đức XVI đã chú trọng đặc biệt tới việc gặp gỡ với các vị lãnh đạo Hồi Giáo. Ngài cũng gặp gỡ các vị lãnh đạo Do Thái Giáo nhằm cổ võ đối thọai. Ngài biết rằng tương lai của nhân lọai tùy thuộc nỗ lực của chúng ta trên con đường đối thọai này.
Mở ra với tha nhân cũng có chiều kích hiệp nhất giữa các Hội Thánh. Trong những câu trả lời của bản dự thảo, chúng ta gặp thấy những lời này: “Mọi sự chia rẽ giữa các Hội Thánh ở Trung Đông là trái đắng của quá khứ, nhưng Thánh Thần tác động nơi các cộng đòan Hội Thánh sẽ đưa các cộng đòan này xích lại gần nhau và phá đổ mọi bức tường ngăn cách đem lại sự hiệp nhất hữu hình mà Chúa Kitô mong muốn; “…để chúng nên một, lạy Cha, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để chúng cũng được ở trong chúng ta, nhờ vậy thế gian có thể tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17,21).
Điểm khác biệt lớn giữa các Hội Thánh Công Giáo và Chính Thống nằm ở quan niệm về quyền đứng đầu của Giám Mục Rôma. Trong thông điệp “Để chúng nên một” (Ut unum sint, s.88-96 và cách riêng 93 và 95), Đức Gioan Phaolô II nhận trách nhiệm “Tìm kiếm một đường lối thi hành quyền đứng đầu, vừa không chối bỏ cái chính yếu của sứ vụ ấy, vừa mở ra với một tình huống mới, quan tâm đến truyền thống giáo luật La-tinh và Phương Đông.
3 – Cần đào tạo Kitô hữu biết coi sự hiện diện của họ ở đây như một ơn gọi chứ không phải một định mệnh. Kitô hữu sống ở Trung Đông bén rễ trong một nền văn hóa và một ngôn ngữ nhất định, và sống với những người khác, có chung với họ một ngôn ngữ, một lịch sử và nhiều truyền thống. Kitô hữu không nên coi mình là người ngọai bang. Kitô hữu được mời gọi làm chứng về Đức Kitô tại những nước họ đang sống. Chạy trốn xứ sở nguồn gốc của mình có nghĩa là chạy trốn thực tại. Chúng ta cần cổ võ các Kitô hữu sống tại đất của tổ tiên mình với lòng tin và niềm vui. Việc họ ra đi làm suy yếu số ít còn lại, khiến rồi đây họ cũng tìm cách ra đi.
Các tín hữu chờ đợi các vị mục tử cho họ lý do rõ ràng về sứ mạng của họ ở mỗi nước.Phần của chúng ta không là gì khác hơn là cống hiến một chứng tá chân chính về Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện trong Hội Thánh nhờ Thánh Thần, tại những đất nước nơi chúng ta đã chào đời và đang sinh sống, những đất nước có đặc điểm là đang trải qua một tiến trình trưởng thành về chính trị và dân chủ, nhưng không may, lại thông qua xung đột và bất ổn định.
Một yếu tố khác có thể giúp chúng ta giới hạn việc di dân: làm cho Kitô hữu ý thức về ý nghĩa của sự hiện diện và về nhu cầu dấn thân của họ vào đời sống xã hội tại đây hôm nay. Mỗi người đem sứ điệp của Đức Kitô đến cho xã hội tại nước mình. Sứ điệp ấy phải được chuyển đi cả trong khó khăn và bách hại.
Kết luận
Tôi xin đuợc kết luận bằng một vài chứng từ về các tu sĩ và giáo sĩ đã xuất hiện trong các bản trả lời cho Dự Thảo (Lineamenta):
“Các câu trả lời nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng tá Kitô hữu ở mọi tầng lớp: truớc hết, trong đời sống thánh hiến, hiện diện trên đất nước chúng tôi ở những mức độ khác nhau. Sứ mạng thứ nhất của các tu sĩ nam nữ là cầu nguyện và chuyển cầu cho xã hội; xin cho có công lý hơn trong đời sống chính trị và kinh tế, có sự liên đới và tôn trọng hơn trong các tương quan gia đình, có can đảm hơn để tố giác bất công, có liêm khiết hơn để đừng vướng vào những tranh chấp địa phương hoặc tìm tư lợi. Đó là nền luân lý mà các vị mục tử, các tu sĩ nam nữ và các nhà giáo dục phải đề nghị, với sự thống nhất trong đời sống cá nhân và cộng đòan của chúng ta cũng trong như các cơ sở xã hội, từ thiện và giáo dục của chúng ta. Tất cả nhằm giúp các tín hữu của chúng ta có thể trở nên trong xã hội những chứng nhân đích thực của Đấng Phục Sinh.”
“Việc đào tạo giáo sĩ và tín hữu, qua các bài giảng và các lớp giáo lý, phải đem cho tín hữu ý nghĩa đích thực của lòng tin cùng với ý thức về vai trò của họ trong xã hội nhân danh đức tin. Tín hữu phải được dạy cho biết tìm và nhận biết Chúa trong mọi sự và mọi người, góp nỗ lực làm cho xã hội và thế giới của chúng ta, nhờ thực hành các nhân đức cá nhân và xã hội, có được: công bằng xã hội, liêm khiết, ngay thẳng, hiếu khách, liên đới, tâm hồn cởi mở, trong sáng, trung thành v.v.”
Các thừa tác viên của Đức Kitô, những người sống đời thánh hiến và tất cả những ai tìm theo Chúa sát hơn, mang một trách nhiệm nặng nề trong cộng đồng của chúng ta: họ phải là kiểu mẫu và gương sáng cho những người khác. Cộng đồng chờ đợi họ sống các giá trị Tin Mừng một cách gương mẫu. Không phải là một điều đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều tín hữu khao khát một nếp đơn sơ hơn trong cuộc sống, dứt bỏ thực sự lòng dính bén với tiền bạc, tiện nghi thế tục, tỏa sáng sự thực hành khiết tịnh và đời sống trong sạch không bụi mờ. Thượng Hội Đồng muốn phục vụ việc kiểm thảo lương tâm chân thành này để chúng ta có thể tìm ra những điểm mạnh mà thăng tiến và phát triển, phát hiện những điểm yếu để có can đảm khắc phục.
Đức Tân Giám Mục Phụ Tá William Hanna Shomali, thụ phong chiều ngày 27 tháng 5 vừa qua tại Vương Cung Thánh Đường thánh nữ Catarina, bên cạnh nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bet-le-hem. Ngài xuất thân từ Bet Sa-hua, nơi các người chăn chiên đã được Thiên Thần báo tin mừng trong đêm Chúa giáng sinh. Mảnh đất được coi là nơi các người chăn chiên canh thức, thuộc sở hữu gia đình ngài. Năm 1897 mảnh đất này đã được nhượng lại cho giáo xứ để xây nhà thờ. Năm nay kỷ niệm 150 năm thành lập giáo xứ Bet Sa-hua. Một nhánh trong dòng họ Shomali đã di cư sang Chile mấy chục năm trước và cống hiến cho cộng đồng người Pa-let-tin ở đó một vị giám mục phụ tá đang phục vụ trong giáo phận Santiago, Chile.
|