SAI LẦM TRONG CUỐN
"HỌC THUYẾT TRINH NỮ MARIA"
Tác giả : Thomas TRẦN KHẮC KHOAN
Nhan đề : HỌC THUYẾT TRINH NỮ MARIA
Để tìm hiểu Đức Mẹ và yêu mến Đức Mẹ.
(Tái bản lần I)
IMPRIMATUR : ArchBishop FRANCIS B.SCHULTE, DD
New Orleans, March 1/1995
NIHIL OBSTAT : National Pastoral Center For Vietnamese Apostolate, Censor Librorum Msgr. DOMINIC M.LUONG, Director. (Đức Ông Dominic M.Lương, Giám Đốc Trung Tâm Mục vụ Công giáo Việt nam, duyệt sách).
New Orleans, February 2/1995
(Nay Ngài là Giám Mục Phụ Tá Giáo phận Orange)
*
Cuốn sách nêu trên đây, đã được một nữ giáo dân lớn tuổi tặng cho chúng tôi, dưới dạng sao chụp (photocopy) và bà nói đây là cuốn sách "gối đầu giường" của bà. Nó đã được tái bản, vậy là cuốn sách đã bán chạy, và hiện nay thấy đã được phổ biến cả tại Việt Nam và có nhiều người đọc.
Mà một cuốn sách đã phát hành cho công chúng, thì tất nhiên phải chịu người ta phê bình. Bởi vậy, chúng tôi xin góp ý.
Phải nhận là tác giả đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để soạn cuốn này, và tác giả là một giáo dân, được giới thiệu (ở trang 6) là "một người có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt", lại càng đáng ca ngợi. Nhưng đáng tiếc, trong sách có những điều sai lầm mà sau đây chúng tôi buộc lòng phải nêu lên một số trường hợp, không phải để khích bác tác giả hay phủ nhận công lao của ông, song chỉ vì thấy những sai lầm đó có ảnh hưởng trên lòng tôn sùng chân chính Đức Mẹ Maria nơi nhiều người đọc cuốn này.
Nhận thấy tác giả là một giáo dân, cho nên không thể bị trách cứ về những sự không chính xác chuyên môn trong khoa Thánh Kinh và Thần học, nhưng đáng ngạc nhiên là những vị duyệt sách và ban phép in sách lại không nhận thấy những sai lầm ấy để khuyến cáo cho tác giả !
*
NHỮNG SAI LẦM TRONG SÁCH NÀY
I. - LẦM LẪN GIỮA THÁNH TRUYỀN VỚI NHỮNG NGUỴ THƯ VÀ MẶC KHẢI TƯ NHÂN.
Nguy hiểm của sự lầm lẫn hay mập mờ này là làm cho độc giả bình dân nghĩ rằng các điều của nguỵ thư (1) hay của mặc khải tư nhân đều là Thánh Truyền (2) tức là thuộc phạm vi mặc khải của Thiên Chúa mà Gíáo Hội tin, lưu truyền, và đúng sự thật.
Không thể kể hết được những lầm lẫn tìm thấy trong sách "Học thuyết" này, chỉ xin trích dẫn vài ví dụ sau đây :
1) Dựa vào mặc khải tư nhân mà coi là đúng với những điều Hội Thánh tin và dạy từ xưa tới nay :
- Trang 59 : Đưa ra một tiền đề : Làm cách nào để biết tường tận (một cách chi tiết) về Đức Mẹ ? "Nếu căn cứ vào Kinh Thánh thì chẳng biết gì về Đức Mẹ một cách tường tận được. Vậy phải làm thế nào ? Thánh Ký ư ? Không đủ để cho ta tìm hiểu về Đức Mẹ. Các sử gia, các Tiến sĩ Hội Thánh đã cố gắng viết rất nhiều sách Đức Mẹ, nhưng tất cả đều chỉ là những sản phẩm của loài người. Đức Mẹ Thiên Chúa muốn cho người ta càng ngày càng tin tưởng vào quyền năng Đức Mẹ hơn, nên đã chiều lòng khao khát ấy mà bày tỏ tất cả cuộc đời của Mẹ cho một vị Thánh nữ, bề trên Dòng Thánh Clara, tức bà Chân phước Maria Agreda vào thế kỷ 17 (1637). Sau khi được ơn mặc khải (3), Chân phước đã viết tất cả chi tiết cuộc đời Đức Maria trong một cuốn sách nhan đề "The Mystical City of God" ("Thành Đô Huyền nhiệm"). Sau nhiều năm điều tra, Hội Thánh qua các Đ.G.Hoàng… (kể tên một vài vị) đã phải công nhận là một cuốn sách rất có giá trị và đúng với những điều Hội Thánh tin và dạy từ xưa tới nay, vì có sự mặc khải (4) của chính Đức Mẹ hiện ra tỏ lộ cho Thánh nữ. Chúng tôi khi viết cuốn "Học Thuyết Trinh Nữ Maria" này, mặc dù không hoàn toàn căn cứ vào nội dung của cuốn sách, nhưng nhờ sự nghiên cứu một vài chi tiết, đã giúp chúng tôi có một ý niệm sâu xa chính xác về Đức Mẹ."
Sau lời tiền đề ấy, bắt đầu thuật các chi tiết của mặc khải tư đó :
- Trang 64-66 : Dựa vào mặc khải tư nói trên kể về hai ông bà Joachim và Anna đạo đức tốt lành lấy nhau, nhưng vì son sẻ, nên đã cầu xin Thiên Chúa cho được ơn sinh một ái nữ, tên là Maria. Thánh Anna thụ thai sinh Đức Nữ Maria không theo qui luật thường tình nhân loại, song hoàn toàn là một phép lạ : "Ngày thể xác Đức Nữ Maria được thành hình trong cung lòng Thánh nữ Anna là ngày Chủ Nhật tương ứng với ngày đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ… Ngày thứ bảy tiếp đó, Thiên Chúa tạo dựng nên linh hồn Mẹ Maria… Đến ngày 8-9, đang khi Thánh Anna cầu nguyện, thì Thiên Chúa chúc phúc cho Đức Mẹ và ra lệnh cho Đức Mẹ xuất hiện trong ánh sáng mặt trời để vào thế gian….. Chính lúc đó Đức Maria được Thiên Chúa cho xuất hiện rất cao cả, không thấy mình được sinh ra vào trần gian như thế nào ? Lúc ra khỏi cơn xuất thần, Mẹ mới thấy mình xinh đẹp nằm trên tay thân mẫu Anna."
- Trang 83-91 : Cũng dựa theo tài liệu mặc khải tư nhân của Chân phước Agreda thuật lại về cuộc đời Th. Giuse. Ở đó giữa trang 84 : thấy viết : T.Giuse được dựng thai đến tháng thứ 7 thì được khỏi tội Tổ tông..
- Trang 87 (gần cuối) : Đức Mẹ thành hôn với thánh Juse ngày 8-9-5198 trước công nguyên.
- Giữa trang 88 : Đức Mẹ thụ thai Ngôi Hai Thiên Chúa, đúng vào lúc bình minh sáng thứ sáu ngày 25-3-5199, cũng là đúng vào ngày mà Thiên Chúa đã sáng tạo ra ông Adong…
- Cuối trang 174 : "Đức Mẹ sinh ra Ngôi Lời Nhập Thể đúng vào 12 giờ đêm rạng sáng Chủ nhật năm 5199 trước công nguyên. Ánh sáng xuyên qua thuỷ tinh thế nào, thì Chúa ra khỏi cung lòng Đức Mẹ cũng như thể ấy."
--- Phê bình : Làm sao dám khẳng định là "Hội Thánh tin và dạy như vậy từ xưa tới nay" (sic) những điều như thế ?
--- Niên biểu năm tháng sai với lịch sử, và khi nói về tạo dựng ông Adong, nguyên tổ loài người, còn sai cả với khoa học nữa, vì như thế là loài người được Thiên Chúa dựng nên mới có hơn 5000 năm !
*
2) Có sự lầm lẫn và mập mờ giữa Thánh Truyền và Nguỵ thư.
- Trang 78 : Viết : "Thánh Kinh là các sách chép những mặc khải do Thiên Chúa linh hứng…"… "Nhưng không phải hết mọi điều Chúa mặc khải đều đã được chép vào Thánh Kinh. Còn một số chân lý khác do các Tông đồ giảng dạy và truyền khẩu cho Giáo Hội, như một sự nghiệp quí báu, mà ta thường gọi là Thánh Truyền. Vậy Thánh Truyền là những bản văn ghi chép, hoặc của các Tông đồ, hoặc của giáo dân, hoặc của những người sống đương thời với Đức Chúa Jésu, với Đức Maria, viết lại, kể lại những truyện tích, những việc xảy ra có liên quan đến Đức Maria, Đức Chúa Jésu và công cuộc cứu chuộc của Ngài, mà không có ghi chép trong Kinh thánh (Phúc Âm)."
--- Phê bình : Trong đoạn viết trên đây, thấy có sự lầm lẫn và mập mờ giữa Thánh Truyền và Nguỵ thư : trước tiên nói rất đúng : Thánh Truyền là "một số chân lý khác do các Tông đồ giảng dạy và truyền khẩu cho Giáo Hội", nhưng sau đó lại nói: "Vậy Thánh Truyền là những bản văn ghi chép, hoặc của các Tông đồ, hoặc của giáo dân, hoặc của những người sống đương thời v.v… viết lại, kể lại những truyện tích v.v…".
Bằng chứng của sự hiểu lầm ấy biểu lộ cụ thể ở mấy đoạn sau đây :
- Trang 79-83 : Đặt câu hỏi : Vậy Thánh Truyền đã nói gì về Đức Mẹ ? Thì sau đó trích những đoạn văn nguỵ thư mà lầm là Thánh Truyền : Đức Maria vào năm 3 tuổi đã dâng mình vào đền thờ, (cũng xem trang 162-63 cho biết thêm nhiều chi tiết khác nữa), để được gần Chúa, sớm chiều đọc kinh cầu nguyện và cứ thế sống đời tu luyện thánh thiện, được kéo dài đến năm Maria lên 14 tuổi… Rồi kết bạn với một người thanh niên tên là Juse thuộc dòng dõi vua Đavít… cũng dâng mình cho Thiên Chúa, trong đền thờ, để phụ tá giúp việc các thầy tế lễ…
- "Theo Thánh Truyền, khi được chọn kết hôn với Maria, cây gậy khô của Juse đã nở hoa tươi tốt."
--- Phê bình : Rõ ràng nhầm lẫn nguỵ thư với Thánh Truyền.
--- Còn điều này nữa : Nếu ai biết rõ về Đền thờ Giêrusalem, thì sẽ kinh ngạc vì Đền thờ Giêrusalem không hề có nơi nào dành cho đàn bà, con gái vào sống và tu thân !
--- Về T. Giuse thì ở trang 82 nói : Người "dâng mình cho Thiên Chúa, trong đền thờ, để phụ tá giúp việc các thầy tế lễ", mà ở trang 86 nói ngược lại : "Juse… làm nghề thợ mộc, đến cư ngụ tại thành thánh Jerusalem, thường lên đền thờ cầu nguyện…"
- Giữa trang 107 : "Thánh Truyền ghi chép rằng : Các Tông đồ đang bôn ba giảng đạo khắp nơi, … trở về Jerusalem… Đức Mẹ lúc ấy 72 tuổi, đang hấp hối… Các Tông đồ đứng quanh khóc lóc thảm thiết v.v… và v.v…"
--- Phê bình : Cũng lầm lẫn Thánh Truyền với những điều nguỵ thư viết về những giờ phút sau cùng của cuộc đời Đức Mẹ.
***
II. - NHỮNG LẤN CẤN VÀ SAI LẦM VỀ ĐẠO LÝ.
1) Trang 100, cuối : Viết : "Maria Madalena là em ruột bà thánh Matta, … sinh trưởng tại thành Magdala".
--- Phê bình : Lầm với cô Maria em bà Matta, cô này ở cùng chị Matta và em Ladarô, và cư ngụ tại làng Bêthania (Lc 10.38-42 ; Ga 11.1-5).
2) Trang 108, giữa : Lầm "Limbo" (Lâm bô) với Ngục Tổ tông.
3) "Cả hồn lẫn xác Th. Juse đã được cất lên trời, như trường hợp Đức Mẹ hồn xác lên trời vậy."
--- Phê bình : Chưa hề thấy Hội Thánh tin và dạy tin như vậy.
4) Trang 444-445 : Dựa vào Thánh Max. Kolbe, (không thấy nói xuất xứ từ sách nào của thánh nhân), mà viết : Đức Mẹ là "sự Nhập Thể" của Đức Chúa Thánh Thần.
--- Phê bình : Rõ ràng là một lạc thuyết. Chỉ có một việc nhập thể duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống mặc xác loài người. (Ga 1.14).
5) Sau đó viết tiếp : "Thánh Max. Kolbe đã dùng một lối sánh ví như sau :
So sánh 1) "Khi một phụ nữ đi lấy chồng, thì thường người ta gọi bà ấy bằng tên chồng, vì phụ nữ đó đã kết hợp mật thiết với chồng mình, cả hai nên một. Cũng vậy, khi Đức Maria kết hợp với Đức Chúa Thánh Thần, thì đáng lẽ phải gọi Đức Maria là "Maria Thánh Thần", vì Đức Chúa Thánh Thần ở trong Đức Mẹ, và ngược lại Đức Mẹ ở trong Đức Chúa Thánh Thần."
--- Phê bình : Lối sánh ví như thế là coi Chúa Thánh Thần là chồng của Đức Maria. Sai thần học. Khi Hội Thánh ví Đức Mẹ như hiền thê của Chúa Thánh Thần, đó chỉ là lối nói biểu tượng (symbolique), chứ không theo sát nghĩa đen như sách đây nói.
So sánh 2) : "Khi ma quỉ nhập vào ai, thì nó mượn thân xác, miệng lưỡi người ấy để nói và hành động. Như vậy lời nói, hành động người ấy là lời nói, hành động của ma quỉ… Cũng một thí dụ ấy, khi Đức Chúa Thánh Thần chiếm hữu Đức Maria, thì tất cả ngôn ngữ, hành động của Đức Maria đều là ngôn ngữ hành động của Chúa Thánh Thần… Mà Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, cho nên lời nói của Đức Mẹ cũng là lời nói của Thiên Chúa."
--- Phê bình : Một lối sánh ví không những ghê sợ, lộng ngôn phạm thượng, mà còn sai cả thần học. Thiên Chúa đã dựng nên con người là những nhân vị tự lập, mà Ngài tôn trọng, lẽ nào Ngài lại nhập vào con người cách áp bức như ma quỉ nhập như thế. Và Đức Mẹ bị Chúa Thánh Thần nhập như vậy, thì Mẹ chẳng còn tự do, lời xin Vâng của Mẹ chẳng còn giá trị gì.
***
Góp ý : Nếu chấn chỉnh những lân cấn, ngộ nhận, sai lầm như được nêu ra một số trên đây, sách này vẫn còn có thể làm ích cho những ai yêu mến và sùng kính Đức Mẹ.
L.m. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, Cssr.
----------------------
CÁC CHÚ THÍCH
Chú thích (1) : "Nguỵ thư" (Apocryphes) : Từ Điển Đức tin Kitô giáo, Pháp-Việt, định nghĩa : "Những tác phẩm mà nguồn gốc được coi là đáng hoài nghi, không trung thực (vì đôi khi chứa những sai lạc về giáo lý, và nhiều chuyện tưởng tượng, hoang đường). Theo một nghĩa hẹp hơn, được hiểu là các sách (Do Thái giáo hay Kitô giáo) có mang những nét giống như các sách của bộ Kinh Thánh, tìm cách bổ sung cho Kinh Thánh (vì Kinh thánh nói quá ít, quá vắn tắt)… Những sách này… không được kể vào Thư Quy (nghĩa là bị loại ra khỏi Quy điển Thánh Kinh chính thức) và không được Chúa linh hứng… Chúng làm thành một thứ văn học cận Kinh Thánh (parabiblique) với ít nhiều tính chính thống, có thể mang lại những tài liệu quí giá cho các sử gia và các nhà thần học."
Chú thích (2) : "Thánh Truyền"/ "Truyền thống" (Tradition) : Từ Điển Công giáo Phổ thông, Tập II, định nghĩa vắn gọn : "Trước hết, là tất cả mặc khải của Thiên Chúa, từ lúc khai sinh lịch sử nhân loại đến lúc chấm dứt thời các Tông đồ, được truyền lại từ thế hệ tín hữu này sang thế hệ tiếp theo, và được Hội Thánh do Đức Kitô lập ra bảo tồn, dưới sự hướng dẫn của Chúa (Thánh Thần). Còn hiểu một cách chuyên môn hơn, Thánh Truyền là Lời Chúa mặc khải, cũng được truyền lại, nhưng không nằm trong Kinh Thánh", (Thánh truyền này soi sáng thêm cho Kinh Thánh được trọn vẹn ý nghĩa). (Nói dễ hiểu hơn, không phải hết mọi điều Thiên Chúa mặc khải đều được ghi chép vào sách Thánh Kinh, vì "thư bất tận ngôn", có một số sự kiện và chân lý khác cũng do Thiên Chúa mặc khải, được các thánh Tông đồ giảng dạy và truyền miệng lại, được lưu truyền trong Hội Thánh và ta gọi đó là Thánh Truyền hay Truyền Thống).
Chú thích (3) và (4) : Dù là do Đức Mẹ bày tỏ, đây vẫn chỉ là một "mặc khải tư", không thuộc phạm vi đức tin, (tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao), thế mà dùng cụm từ "được ơn mặc khải" trổng như thế này rất dị nghĩa, dễ làm người ta tưởng lầm với lời mặc khải của Thiên Chúa, thuộc phạm vi đức tin. Đành rằng những mặc khải tư (như trong cuốn sách của Nữ Chân phước) cũng có giá trị và cũng đáng tôn trọng, vì cung cấp một số điều chúng ta mong muốn biết thêm về đời sống Chúa và Đức Mẹ, song chúng ta vẫn phải biết phân biệt như trên đây vừa nói.
Linh mục Yves De Montcheuil còn cảnh giác như sau : “Đôi khi ta tưởng nếu ta được biết nhiều điều về Đức Trinh Nữ, lòng tôn sùng ta sẽ tăng lên. Và điều xảy ra lại ngược hẳn: lòng tôn sùng (Đức Mẹ) của ta kích thích trí tọc mạch làm ta thèm thuồng những chi tiết. Thế là ta sẽ bị cám dỗ đi tìm tại các nguồn liệu có vẻ có uy tín. Đó là một sai lầm ! Khi chọn lựa một số dữ kiện trong đời sống Đức Maria, Tác giả linh hứng không làm nghèo Đức Mẹ hay làm rỗng mất một phần ý nghĩa đâu ! Trái lại, như qua một tấm lưới thưa, Tác giả thánh cho ta đọc rõ hơn điều Thiên Chúa đã viết, ngừa ta đi lạc, trỏ cho ta những cánh cửa phải gõ” (Problèmes de vie spirit. Paris 1945, tr.189).
Như vậy, vấn đề không phải là thêm những chi tiết vào những điều Kinh Thánh đã thuật lại cho ta, nhưng là đào sâu các bằng cứ mạc khải nguyên thủy ấy, và tìm hiểu chúng dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ đã được Thiên Chúa bày tỏ, ở đó Đức Maria có một vai trò. Chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu địa vị của Đức Maria trong kế đồ cứu rỗi thế giới của Thiên Chúa, để liều mình coi Đức Mẹ chỉ là một nhân vật dễ mến nhờ những chi tiết lý thú.
Chính Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở và dạy rằng: “Lòng tôn sùng Đức Mẹ chân chính: không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật.” Công Đồng cắt nghĩa tại sao: Là vì “đức tin chân thật ấy dẫn chúng ta nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.” (Hiến chế Lumen Gentium : "Ánh sáng muôn dân", số 67).