MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tận Hiến Cho Đức Maria
Thứ Năm, Ngày 6 tháng 5-2010

TẬN HIẾN CHO ĐỨC MARIA
(Bài chia sẻ lớp Tập Huấn Hè của Legio Mariae ngày 09.7.2006)

I. ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU NHỜ MẸ MARIA
Mẹ Maria là con đường tuyệt hảo mà chính Chúa Giêsu đã chọn để đến cứu chuộc và thánh hóa chúng ta. Thánh Grignion de Montfort đã viết: “Chúa Giêsu Kitô đã đến trong thế gian nhờ Trinh Nữ Maria rất thánh, thì Ngài cũng sẽ nhờ Mẹ mà ngự trị trên thế giới” (Lòng Sùng Kính Đích Thực, LSKĐT số 1). Vì thế, tận hiến cho Đức Mẹ là chúng ta bước đi theo con đường của Chúa, vì  “Chúa Giêsu Kitô đã nhờ Mẹ mà đến với chúng ta, thì chúng ta cũng phải nhờ Mẹ để có thể đến với Chúa Kitô ”( LSKĐT số 85). Khi ta tận hiến toàn thân cho Đức Maria chính là ta nhờ Đức Mẹ để yêu mến, phụng sự và thuộc trọn về Chúa Giêsu. Tận hiến cho Đức Maria chính  là nhờ Mẹ dìu dắt ta đến gần Chúa Giêsu và nhờ Mẹ giúp ta kín múc được nhiều sức sống thần linh của Chúa, như Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II nói tại Fatima ngày 13.5.1982 rằng: “Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là đến gần chính nguồn sự sống vọt lên từ đồi Canvê. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là trở lại chân Thánh giá của Con Mẹ, để trở lên tới chính nguồn cứu chuộc. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là nhờ Mẹ Tận hiến cho Thiên Chúa, Đấng thánh thiện vô cùng.”

- Tận hiến cho Đức Mẹ là một đường lối dễ dàng và cần thiết để ta gặp được Chúa Kitô cách tuyệt hảo như thánh Montfort đã qủa quyết rằng: “Nếu chúng ta thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự tôn sùng Mẹ Maria, thì chỉ vì cần phải thiết lập một nền tảng vững chắc hơn cho sự tôn thờ Chúa Giêsu Kitô, và chỉ vì muốn tìm ra một đường lối dễ dàng và bảo đảm để tìm thấy Chúa Kitô. Nếu như lòng sùng kính Mẹ Maria làm chúng ta xa rời Chúa Kitô, thì ta phải vứt bỏ lòng sùng kính đó, như xa lánh một ảo tưởng của ma quỷ; nhưng sự thật không phải thế đâu, và ngược lại, lòng tôn sùng Mẹ Maria cần thiết cho ta vì đó là đường lối cần thiết để ta gặp được Chúa Kitô cách tuyệt hảo, yêu mến Ngài cách trìu mến và phụng sự Ngài cách trung thành ” (LSKĐT số 62 ). Bởi đó, ta tận hiến cho Mẹ Maria, “ vì Chúa luôn ở với Mẹ và Mẹ luôn ở với Chúa, và Mẹ Maria không thể không ở với Ngài, nếu không, Mẹ Maria sẽ không còn là Mẹ Chúa nữa ” (LSKĐT số 63 ).

- Lời tuyên hứa của hội viên Legio cũng bày tỏ ước muốn đến với Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria: “Con biết Chúa là Đấng đã đến tái sinh thế giơiù trong Chúa Kitô. Chúa chỉ muốn thực hiện công việc này qua Đức Maria thôi. Không có Mẹ chúng con không thể biết và mến Chúa. Chúa chỉ ban những thiên tài, đức hạnh và ân sủng cho ai, lúc nào, bao nhiêu, cách nào tùy Mẹ và nhờ Mẹ” (Legio Mariae số 98). Bởi vì, “ Theo luật Chúa định, muốn đến với Chúa và muốn làm việc của Chúa phải nhờ Đức Maria” (Legio Mariae số 175).

- Thánh Ildephongse còn nói rằng: “ Nếu tôi muốn tuỳ thuộc Đức Mẹ, chính là để trở thành nô lệ của Chúa Con. Nếu tôi khát vọng nên của riêng Đức Maria, chính là để dâng lên Chúa sự thành kính của lòng tùng phục một cách chắc chắn hơn ” ( Legio M. số 19 ).

II. CHÚA GIÊSU LÀ GƯƠNG MẪU ĐỜI TẬN HIẾN
- Chúa Giêsu đã làm gương cho ta trong cuộc sống bé nhỏ và lệ thuộc vào Đức Maria. Thánh sử Luca đã ghi lại tâm tình khiêm tốn và lệ thuộc này “Chúa Giêsu cùng với cha mẹ trở về Nagiarét và hằng vâng phục các Ngài” (Lc 2,51). Hơn nữa, Chúa Giêsu còn dùng hình ảnh bé nhỏ, lệ thuộc vào Đức Maria như là một dấu chỉ cho con người nhận ra Chúa: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

- Thánh Montfort đã đề cao gương Chúa Giêsu sống lệ thuộc vào Đức Mẹ: “Chúa Giêsu đã xuống trong cung lòng trinh khiết của Mẹ, như Adam Mới đi vào vườn Địa đàng của mình, để hưởng những niềm vui, và để thực hiện cách kín nhiệm nơi đó những việc kỳ diệu của ân sủng. Thiên Chúa làm người đã tỏ sự tự do của Ngài khi tự giam hãm mình trong lòng Mẹ Maria… Ngài đã tôn vinh sự độc lập và uy quyền của mình bằng cách lệ thuộc vào Trinh Nữ Maria khả ái, trong việc được thụ thai, được sinh ra, được dâng trong đền thờ, trong ba mươi năm của cuộc đời ẩn dật và cho đến chết, vì Mẹ sẽ đứng đó để cùng với Ngài làm nên một lễ hy sinh duy nhất, và để nhờ sự chấp nhận của Mẹ mà Ngài được sát tế và dâng lên Chúa Cha hằng hữu…”

“Ôi sự lệ thuộc kỳ diệu khôn lường của một vị Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần đã không thể bỏ qua không nói đến sự suy phục này trong sách Phúc Âm, mặc dầu Ngài đã giấu kín hầu hết các việc kỳ diệu mà Ngôi Lời Nhập Thể đã thực hiện trong quãng đời ẩn dật của mình. Chúa Thánh Thần làm thế để vạch cho ta thấy giá trị và vinh quang vô cùng của hành vi này của Chúa Kitô. Do sự Ngài vâng phục Mẹ Maria trong ba mươi năm, Chúa Giêsu Kitô đã mang lại vinh quang cho Cha Ngài nhiều hơn là nếu Ngài làm cho cả thế giới trở lại, nhờ các phép lạ lớn lao của Ngài. Ôi! Nếu theo gương Chúa Kitô, là khuôn mẫu độc nhất của chúng ta, chúng ta vâng phục Mẹ Maria, để làm vui lòng Chúa, thì chúng ta sẽ tôn vinh Chúa cách trọng đại dường nào!” (LSKĐT số 18).

III. NỀN TẢNG VIỆC TẬN HIẾN CHO ĐỨC MARIA
Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria một chức phẩm cao cả là làm Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ còn được ban biết bao hồng ân trọng đại khác, nhất là các đặc ân: Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đồng Công Cứu Chuộc và Trung Gian mọi Ơn Thánh . Đó là những nền tảng việc sùng kính mà chúng ta cần tìm hiểu sơ lược sau đây:

1. Mẹ Thiên Chúa

Nền tảng việc sùng kính Đức Maria trước hết và chính yếu là đặc ân Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ là người cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục Chúa Giêsu là Thiên Chúa Nhập Thể.

- Đức Maria không sinh ra thiên tính của Chúa Giêsu, Mẹ chỉ sinh ra nhân tính của Người, nhưng cả hai bản tính của Chúa Giêsu kết hợp mật thiết và chặt chẽ với nhau trong một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa. Mẹ Maria sinh ra Người Con có ngôi vị Thiên Chúa, nên Đức Maria thật là Mẹ Thiên Chúa. Như thế, Đức Maria không phải là Mẹ của một người con đã trở nên Thiên Chúa, mà là Mẹ của Đấng là Thiên Chúa từ thuở ban đầu.

- Đức Maria thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa khi thưa lời “Xin Vâng” (Lc 1,38). Khi Mẹ đến viếng thăm bà chị họ Elizabeth, và bà Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần đã nói rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1,43).

- Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công đồng Êphêsô long trọng tuyên bố năm 431.

- Chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria là chức rất cao trọng, loài thụ tạo không thể nào hiểu rõ và ca tụng cho xứng được. Chức ấy đưa Mẹ tới gần Thiên Chúa Ba Ngôi hơn hết mọi thụ tạo. “Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quý này, Mẹ đã trổi vượt trên mọi tạo vật trên trời dưới đất” (LG 53). Vì “mối hiệp nhất mật thiết và bền chặt” (LG 53) giữa Mẹ và Con, thiên chức Mẹ Thiên Chúa vừa đòi hỏi vừa giải thích “sự cộng tác rất đặc biệt” của Đức Maria trong “công trình của Đấng Cứu Thế”, một sự cộng tác làm cho Đức Maria trở thành Mẹ của chúng ta “trên bình diện ân sủng” (LG 61).

2. Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

- Mẹ Maria được đầu thai vô nhiễm do đặc ân độc nhất Thiên Chúa ban cho Mẹ, cốt để Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Đặc ân này làm cho Mẹ, ngay từ lúc đầu thai trong lòng bà thánh Anna, đã không hề vướng mắc tội tổ tông, cũng không hề lây nhiễm hậu quả nào của tội nguyên tổ.

- Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Từ phẩm chức Thiên Mẫu xuất phát tất cả mọi ơn phúc đã được ban cho Rất Thánh Trinh Nữ Maria, mà ơn đầu tiên là đặc ân Vô Nhiễm” (14.12.1982).

- Legio đã có một lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ buổi họp ban đầu. Vì thế, “chúng ta có thể quả quyết hơi thở đầu tiên của Legio là một lời cầu nguyện dâng kính đặc ân Vô Nhiễm của Đức Mẹ” (Legio M. số 20).

“Chính đặc ân này đã chuẩn bị cho Đức Trinh Nữ thọ lãnh mọi ân huệ và phẩm chức Chúa sẽ ban về sau. Chúa đã ám chỉ đặc ân này từ đầu, khi Chúa hứa ban Đức Mẹ cho ta. Đặc ân này nên yếu tố tác thành Trinh Nữ: Đức Maria đồng nghĩa với Vô Nhiễm Nguyên Tội. Với ơn Vô Nhiễm, Thánh Kinh đã tiên báo những hậu quả siêu phàm là chức làm Mẹ Thiên Chúa, đạp nát đầu Satan nhờ ơn Cứu chuộc, làm Mẹ phần hồn của nhân loại. “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người Nữ, giữa dòng giống ngươi và dòng dõi người Nữ. Người sẽ đạp dập nát đầu ngươi, còn ngươi chỉ rình cắn gót chân Người” (Sáng thế 3, 15).

“Chính nhờ những lời Thiên Chúa toàn năng đã phán với Satan đó mà lòng tin tưởng của Legio được nên mãnh liệt, và nghị lực của họ gặp được bí thuật chiến đấu với tội ác. Legio hết lòng khát vọng hoàn toàn trở nên dòng dõi của Đức Nữ Maria, vì chỉ tựa vào đó mới gặp được cái bảo đảm cho cuộc chiến thắng. Càng nên con của Đấng Vô Nhiễm, mối thù của ta đối với quyền lực tội ác càng thêm mãnh liệt, chiến thắng của chúng ta càng hoàn toàn” (Legio M. số 21).

3. Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc

- Đức Maria được Chúa ban một thiên chức cao trọng là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ có sứ mạng đặc biệt và cao cả nhất là Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Khi Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, thượng tế Simêon được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã long trọng công bố sứ mạng Đồng Công của Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2,35). Nghĩa là chính Mẹ sẽ đau khổ như Chúa Giêsu để Đồng Công với Chúa trong việc cứu chuộc nhân loại: Chính Chúa Giêsu Cứu Thế sẽ là mũi gươm sắc thâu qua Trái Tim Mẹ.

- Chúa Giêsu đã làm hai phép lạ chứng tỏ việc Mẹ Đồng Công: thánh hóa Gioan trong lòng bà Isave và biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana (Chúa đã thực hiện phép lạ vì có sự cộng tác của Mẹ).

- Đức Bênêđictô XV tuyên bố rằng trên núi Canvê, Đức Mẹ đã “sát tế Chúa Kitô đến mức độ hết khả năng của Mẹ để làm nguôi phép công bình Thiên Chúa nên chúng ta có lý mà nói rằng: Mẹ đã cùng với Chúa Kitô cứu chuộc nhân loại” (AAS 10.182). Và theo lời Đức Piô XII Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, “cho nên ơn cứu rỗi của chúng ta đã tuôn tràn ra từ tình thương yêu của Chúa Giêsu Kitô và những đau khổ của Ngài đã được liên kết mật thiết với tình thương yêu và những khổ đau của Mẹ Ngài” (AAS 48. 352).

- Mẹ tiếp tục việc Đồng công ở trên trời: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ, giúp chúng ta được phần rỗi đời đời” (LG 62).

4. Mẹ là Đấng Trung Gian mọi Ơn Thánh

-Theo công đồng Vatican II, “ Vai trò tuỳ thuộc (vào Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giêsu) của Đức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Mẹ, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế ” (LG 62).

- Hơn nữa, “Legio đặt nơi Đức Maria một niềm tin tưởng không bờ bến, vì biết rằng, theo quyết nghị của Thiên Chúa, Đức Maria có quyền lực vô biên. Tất cả những gì Chúa có thể ban cho Đức Maria có sức lãnh nhận được, thì Đức Mẹ đã nhận lãnh đầy dẫy. Thiên Chúa dùng Đức Mẹ làm phương thế đặc biệt để ban ơn cho chúng ta. Hiệp cùng Đức Mẹ mà hành động, thì chúng ta tiến đến gần Chúa hơn; nhờ đó chúng ta được ân sủng dồi dào hơn, vì chúng ta được đặt ngay giữa dòng ơn Chúa, vì Đức Maria, Bạn của Chúa Thánh Thần, là máng tuôn dẫn mọi ơn mà Chúa Kitô đã có công tác tạo. Không có gì ta đã nhận lãnh mà không nhờ Mẹ trực tiếp can thiệp. Chuyển giao cho ta tất cả, Đức Mẹ chưa lấy làm đủ. Đức Mẹ còn xin được tất cả cho chúng ta. Bởi thấm nhuần lòng tin tưởng mãnh liệt vào địa vị Môi giới của Đức Maria, Legio buộc hội viên phải coi việc tin tưởng như một sự tôn sùng đặc biệt” (Legio Mariae số 20).
IV. THỰC HÀNH TẬN HIẾN
1. Để cho Mẹ làm chủ

- Thực hành tận hiến cho Đức Mẹ là thực thi cuộc sống của một người làm “ Nô lệ của Đức Maria”, nghĩa là để cho Đức Mẹ làm chủ cuộc sống của ta. Để cho Mẹ làm chủ nghĩa là ta phải hành động theo ý muốn của Mẹ, để cho Mẹ toàn quyền sử dụng con người và cuộc sống của ta theo ý Mẹ. Như thế, “người Tận hiến tự đặt mình vào hạng tôi đòi không có của riêng, lệ thuộc hoàn toàn vào Đức Maria , để Ngài toàn quyền sử dụng” (Legio M. số 204).

- Để cho Mẹ làm chủ nghĩa là lệ thuộc vào Đức Mẹ cách trọn vẹn, hoàn toàn còn hơn cả một người nô lệ ở đời. Vì người “nô lệ ở đời tự do hơn nô lệ của Maria. Vì họ còn làm chủ tư tưởng, tâm tư và những gì mật thiết của đời tư. Nô lệ của Mẹ lệ thuộc tất cả: từ tư tưởng, tâm tư, tài sản sâu xa, tất cả con người. Tất - kể cả hơi thở cuối cùng - để Mẹ sử dụng cho Chúa. Đây là một lối tử đạo, hiến tế mình cho Chúa trên bàn thờ là Maria. Của hiến tế này giống Chúa Kitô hiến tế mình ta cũng bắt đầu từ dạ Mẹ, do tay Mẹ hiến dâng trong ngày lễ Mẹ dâng mình, tay Mẹ chăm sóc suốt đời, và kết liễu trên đồi Calvê, mà Thánh giá là Trái Tim của Mẹ” (Legio M. số 205).

- Để cho Mẹ làm chủ, điều khiển cuộc sống của ta là một yếu tố cốt lõi của việc thực hành tận hiến. Bởi vì, “thành thực tôn sùng Đức Mẹ không phải là một cử chỉ nhưng là một tâm trạng. Nghĩa là nếu Đức Mẹ không làm chủ được tất cuộc sống của ta, với tất cả mọi giây phút của đời ta, thời có làm bao nhiêu lần lễ Dâng mình, nó cũng chỉ đáng giá một kinh thường đọc, chưa phải là tận hiến. Cũng ví như một cây trồng xuống đất, mà không bao giờ đâm rễ” (Legio M. số 206).

Tóm lại, điều quan trọng của việc thực hành tận hiến không phải là ta đã làm gì cho Đức Mẹ, nhưng là ta có để cho Đức Mẹ làm nơi ta không, nghiã là ta cần phải để cho Mẹ làm chủ con người và cuộc sống của ta bằng việc luôn thực thi mọi ý muốn của Mẹ, cũng chính là tuân phục Thánh ý của Chúa được biểu lộ qua các giới răn của Chúa, của Giáo hội và luật pháp quốc gia. Thánh ý Chúa còn được biểu lộ qua mọi biến cố vui buồn, đau khổ, bệnh tật, hiểu lầm…. Chúa cho phép xảy đến trong đời ta, qua công việc bổn phận hằng ngày và qua tiếng lương tâm của mỗi người.

2. Ngoan ngoãn thưa xin vâng

Để thể hiện tâm tình bé nhỏ, lệ thuộc vào Đức Mẹ, người tận hiến cho Đức Mẹ cần phải biết quảng đại, ngoan ngoãn thưa lời xin vâng thực hiện theo ý Mẹ trong mấy việc làm cần thiết sau đây:

a) Nêu gương sáng bác ái yêu thương

- “Vào cuối triều đại Đức Piô X, để cứu rỗi thế gian, Người chỉ tin tưởng nơi lòng nhiệt thành của hàng giáo sĩ chăm lo đào tạo những người Công giáo hiến thân làm tông đồ bằng lời nói, việc làm và nhất là bằng gương sáng” (Legio M. số 39). Nhất là gương sáng về đức bác ái yêu thương, đó là của lễ tận hiến rất quý giá mà ta có thể dâng cho Chúa và Đức Mẹ mỗi ngày. Chúng ta cần nhắc lại ở đây lời của thánh Gioan tông đồ: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (I Ga 4,20).

- Vả nữa, gương sáng về đức bác ái luôn có sức thuyết phục rất lớn cho mọi người. Đức Piô XI nói: “Chỉ có ngọn lửa bác ái này mới làm êm dịu và giảm bớt những cái gai góc và làm tiêu tan những nỗi khó khăn do trí độ, nghề nghiệp, chủng tộc và phong tục khác nhau gây ra” (Legio M. số 33).

b) Nêu gương sáng khiêm nhường

- Khiêm nhường phải là gốc của hoạt động: “Tinh thần Legio là chính tinh thần của Đức Maria. Hội viên Legio sẽ đặc biệt cố gắng rèn luyện cho được đức khiêm nhường sâu xa của Đức Maria” (Legio M. số 6).

“Trong đường lối Legio, khiêm nhường giữ vai trò số một. Nó chiếm chỗ nhất, là dụng cụ căn bản của hoạt động Tông đồ Legio. Khi thực hiện và mở rộng việc giao thiệp với từng người, mà Legio đặt trọng tâm vào việc này, những hội viên đi công tác phải lễ độ, khiêm tốn, vì vậy cần họ phải khiêm nhường thực trong lòng. Khiêm nhường không ở cử chỉ bên ngoài. Khiêm nhường phải là gốc của hoạt động. Thiếu khiêm nhường, mọi hoạt động sẽ không có kết quả” (Legio M. số 181).

- Học nơi trường khiêm hạ của Đức Maria:

“Theo thánh Tôma Aquinô, Chúa Kitô dặn dò ta phải khiêm nhường trước tất cả, vì nó đánh đuổi tính kiêu căng là nguyên do chính làm nhiều linh hồn hư mất. Có khiêm nhường, các đức tính khác mới có giá trị. Chỉ khi có sự khiêm nhường, Chúa mới ban ơn, mất khiêm nhường ơn Chúa sẽ bị thu hồi. Nhập thể, gốc sinh ơn, cũng lệ thuộc đức khiêm nhường. Trong kinh Magnificat Đức Maria nói: Nơi Mẹ, Chúa đã ra tay uy quyền, tức là Chúa sử dụng uy lực toàn năng của Chúa nơi Mẹ. Lý do là vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tá Chúa, tức sự khiêm nhường của Mẹ đã kéo Chúa xuống để chấm dứt đời cũ và khai trương đời mới” (Legio M. số 182).

“Thế nào là khiêm nhường chân chính? Học theo trường của Mẹ, hội viên Legio biết rằng căn bản của sự khiêm nhường thực, ở tại sự ta chân thành nhận sự thực về con người của ta trước mặt Chúa; biết rằng tự con người của ta, ta chỉ là con số không. Mọi sự đều do Chúa ban cho ta và cho không: Nếu chỉ có mình Chúa cho ta, Người cũng có thể thêm, bớt hay rút hẳn đi. Để minh chứng ta hoàn toàn lệ thuộc Chúa, ta sẽ thích làm những việc tầm thường mà không mấy ai thích, sẵn sàng chịu khinh chê hất hủi. Và nhất là tuân theo mọi sự như Ý Chúa, theo lời của chính Mẹ đã nói xưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).

“Hơn nữa, Legio hoạt động tông đồ qua Mẹ Maria, nhưng không giống Mẹ làm sao liên kết với Mẹ được. Ai thiếu đức khiêm nhường đặc biệt của Mẹ, người đó không giống Mẹ một chút nào. Nếu hợp nhất với Mẹ là điều kiện cần thiết – hay nói được là cội gốc – của tất cả hoạt động Legio, đất để cội cây sống là đức khiêm nhường. Thiếu đất khiêm nhường, cây Legio sẽ khô dần” (Legio M. số 184).

- Khiêm nhường là sống quên mình:

“ Trong người Legio đã thực sự quên mình, Đức Maria không còn gặp trở ngại trong việc truyền thông đức tính của Mẹ. Mẹ đã xây dựng cho họ một nghị lực và lòng hy sinh tuyệt vời, để họ nên người lính tốt của Chúa Kitô (2Tim 2, 3) dám nhận những công tác khó khăn mà nghề nghiệp đòi buộc.”

“Chúa muốn làm việc từ con số không: từ cái hư vô Chúa đã tạo dựng nên mọi sự đối với quyền năng của Người. Ta vừa phải sốt sắng làm cho danh Chúa cả sáng, vừa phải hiểu tự sức mình không làm nổi việc này. Hãy tự dìm mình trong vực hư vô của chính mình; hãy ẩn mình trong bóng tối của sự thấp hèn nơi ta; hãy bình tĩnh chờ Đấng Tối Cao, lúc nào tùy ý Người sẽ dùng sự cố gắng tích cực của ta để làm sáng danh Người. Về điểm này Người sử dụng những phương tiện thực là trái ngược ngoài sức ta có thể tưởng tượng. Sau Chúa Kitô, chưa có ai đã làm sáng danh Chúa như Đức Maria đã làm, nhưng riêng Đức Mẹ chỉ nghĩ có sự hư vô của chính mình. Sự khiêm nhường này tưởng là gây trở ngại cho ý định của Chúa, nhưng ngờ đâu chính sự khiêm nhường này đã giúp Chúa thực hiện chương trình từ bi cao nhất của Người” (Grou, Tâm hồn Giêsu và Maria). ( Legio M. số 188).

3) Luôn sống tựa vào Mẹ

Một việc thực hành tận hiến thật quan trọng và cần thiết đó là sự kết hợp gắn bó với Đức Mẹ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính nhờ sự liên kết mật thiết với Mẹ sẽ giúp ta kín múc được nhiều sức mạnh để làm việc tông đồ cho Mẹ. Lời tuyên hứa của hội viên Legio đã nhắc nhở ta ý thức điều này:

“Con nhận định rõ ràng bí quyết để hoàn thành nghĩa vụ hội viên Legio ở tại sự hoàn toàn liên kết với Đức Mẹ, vì Mẹ đã trọn vẹn kết hợp với Chúa… Tim Mẹ và tim con là một. Và tự đáy trái tim duy nhất này, Mẹ sẽ nói lại lời đã nói xưa: “Này tôi tá của Đức Chúa Trời”. Và Chúa lại xuống thực hiện những sự trọng đại nhờ Mẹ” (Legio M. số 98 & 99).

- Sống tựa vào Mẹ là phương thế đắc lực nhất trong công tác tông đồ:

“Trong khi chúng ta làm việc tông đồ, phương sách hoạt động đắc lực nhất là biết tựa vào Đức Maria, liên kết hết sức chặt chẽ với Người, trong mọi nơi và mọi việc, đến nỗi chúng ta hành động như một dụng cụ của Người, và chúng ta hãy nên như gót chân của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm. Chúng ta thực hành việc tông đồ không phải của chúng ta cho bằng của Đức Mẹ: Chính Người hành động với ta, trong ta, bởi ta, tùy mức độ ta sống hoàn toàn cho Đức Mẹ” (Tiểu luận về lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, do một thầy Dòng Đức Bà)- (Legio M. số 22).

- Hãy biết tựa vào Mẹ bằng việc năng lặp lại lời dâng mình vắn tắt: “Lạy Nữ Vương, là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ”. “Việc dâng mình liên tục và sống động này, nhắc ta hằng lệ thuộc Đức Mẹ, linh hồn ta hô hấp Đức Mẹ cũng như xác ta hô hấp không khí vậy” (Thánh Môngpho) – (Legio M. số 177).

- Hãy tựa vào Mẹ để sống khiêm nhường:

“Điểm tựa chắc nhất đối với Legio là Đức Maria. Hãy hoàn toàn tin tưởng tựa vào Mẹ. Vì Mẹ là cái gốc đã châm rễ sâu trong đức khiêm nhường, nhờ đó mà bạn được cứu sống, không phải thất vọng. Khi ta chân thành theo tinh thần làm nô lệ hoàn toàn của Đức Maria, ta sẽ gặp ngay cái lối đi rất đẹp, đơn sơ, dễ theo của đức khiêm nhường, mà Thánh Mongpho gọi đó là “cái bí mật của Ơn thánh mà ít ai biết, giúp ta dễ dàng và chóng dẹp được cái tôi (ích kỷ, kiêu căng), để Chúa chiếm ngự hoàn toàn trong ta, và ta nên hoàn hảo” (Legio M. số 186).

- Hãy liên kết với Mẹ để sống “đức hiền hậu như Thiên thần, lòng nhẫn nhục anh dũng” hầu sẵn sàng yêu thương phục vụ tha nhân. Bởi vì, “Ai đi với Mẹ mới có thể phục vụ anh em, ai có tinh thần của Mẹ mới có thể làm việc này một cách tốt đẹp. Liên kết với Maria càng chặt chẽ, ta càng thi hành đứng đắn luật Chúa dạy mến Chúa yêu người” (1 Ga 4, 19)- ( Legio M. số 292).

- Sống kết hợp gắn bó với Đức Mẹ sẽ giúp ta đạt tới đỉnh cao của đời tận hiến, đó là hoàn toàn phó thác nơi tình thương vô bờ của Mẹ. Vì thế, trong mọi khó khăn hay thiếu thốn bất cứ cách nào, ta hãy tập sống phó thác hoàn toàn nơi Mẹ. “Đừng ngại, hãy mạnh dạn tận hiến. Những gì giao cho Mẹ rất được bảo đảm. Vì Mẹ coi cả kho tàng của Thiên Chúa kia mà. Mẹ có thể giữ quyền lợi của người tin tưởng nơi Mẹ. Hãy đặt vào tình thương vô biên của Mẹ tất cả những gì ta có và những nhiệm vụ ta phải mang, tất cả những gì ta có phận sự và bị bắt buộc phải làm, Mẹ sẽ lo cho ta, như người con duy nhất, và Mẹ không còn con nào khác. Ta có được cứu rỗi, được nên thánh, ta cần nhờ những gì, Mẹ đều lo cho tất cả. Khi ta cầu nguyện theo ý Mẹ, thời chính ta là người được Mẹ để ý trước nhất” (Legio M. số 212).

“Như ngày nào đối với những người giúp tiệc cưới Cana, Đức Maria cũng chỉ Chúa Giêsu và bảo ta: “Người có bảo làm gì, các con nhớ làm” (Ga 2, 6). Nếu nghe lời Mẹ, ta đổ vào những bình Bác ái và hy sinh những thùng nước lã, là tất cả những thứ việc làm của ta hằng ngày, phép lạ Cana sẽ tái diễn. Nước lã hóa rượu ngon, tức hóa thành những ơn quý báu cho ta và cho các linh hồn” (Cousin) – (Legio M. số 215).

LM Roberto Maria Vũ Thanh Tòng,

Dòng Đồng Công, Việt Nam

Tu Viện Mẫu Tâm, Thủ Đức

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Món Quà Bất Ngờ Dành Cho Cậu Bé Mồ Côi (5/12/2010)
Ðức Mẹ Làm Gương Đức Yêu Người (5/12/2010)
Giờ Bình An 2010-45 (gba) Tận Hiến Cho Đức Mẹ Maria (5/11/2010)
09 Tháng Năm, Ngày Của Mẹ (5/9/2010)
Một Biên Cố Ý Nghĩa (ga 14:23-29) (5/7/2010)
Tin/Bài khác
02 Tháng Năm, Ðức Mẹ Guadalupe (5/3/2010)
Đức Mẹ Maria Luôn Luôn Nhậm Lời Cầu Xin (4/24/2010)
Thông Điệp Tình Yêu Của Chúa Và Mẹ Medjugorje: Hãy Mở Trái Tim Cho Chúa Thánh Thần (#44) (4/13/2010)
Hành Hương Đức Mẹ Tàpao - Mùa Phục Sinh (4/13/2010)
Thông Điệp Tình Yêu Từ Medjugorje, Đi Tìm Tình Yêu #43 (4/7/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768