Phép Lạ Ðức Mẹ Cúi Ðầu (Phép Lạ Ðức Mẹ Hồng Phúc)
(Vienna, Áo Quốc, 1610)
(The Appearing of Our Lady at Vienna)
Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Phép Lạ Ðức Mẹ Cúi Ðầu hay còn được gọi là Phép Lạ Ðức Mẹ Hồng Phúc (Vienna, Austria, 1610)
Tóm lược câu truyện
Bức tranh sơn dầu họa bức chân dung Ðức Mẹ với cái đầu hơi cúi xuống, đã được phát hiện ra từ một hố rác dơ bẩn vào năm 1610 do Chân Phước Ða Minh Giuse Maria. Trước tiên, thầy để ý đến nó do một sự cảm nhận từ trong nội tâm như thể có linh tính thúc đẩy vậy. Trong khi thầy đang đi kiểm tra các căn phòng của ngôi nhà cũ đã bán lại cho tu hội với ý định biến nó trở thành tu viện. Vị tu sĩ thánh thiện đó đã được ân thưởng từ bức chân dung phép lạ, khi chính gương mặt của Ðức Mẹ trở nên sống động và Mẹ thầm khẽ nói với vị chân tu như sau: "Này con yêu dấu, phàm bất cứ ai khẩn cầu tha thiết đến sự che chở của Mẹ, và có tâm hồn sốt sắng tôn sùng và làm vinh danh bức tranh, thì Mẹ đảm bảo rằng họ sẽ được nhận lãnh mọi ơn thiêng từ trời cao, và những lời thỉnh nguyện của họ sẽ được Mẹ chúc phúc".
Vào một buổi chiều nọ trong năm 1610, Chân Phước Ða Minh Giuse Maria đang đi kiểm tra một căn nhà cũ đổ nát đã được bán lại cho nhà dòng, với ý định để biến nó thành tu viện cho các tu sĩ sống khổ hạnh dòng Carmelite. Ðang đi dạo vòng quanh ở ngoài căn nhà ấy, thầy đi ngang qua một hố rác, nhưng thầy cũng chẳng để ý gì đến cái hố rác dơ bẩn ấy. Mãi cho tới lúc thầy đang chú tâm xem xét kỹ lưỡng những căn phòng bên trong của ngôi nhà, thầy cảm thấy nội tâm như thể có một động lực đã thu hút thầy về cái hố rác ấy, và nó cũng là nguyên do xui khiến thầy quay đầu trở lại để xem xét kỹ lưỡng hơn. Thầy đốt sáng cái đèn lồng cầm tay và kiểm tra thật kỹ những cành cây khô và những vật phế thải trong đống rác, cho tới khi có những bóng mờ xuất hiện làm thầy giật mình để ý. Ðiều mà thầy khám phá ra đó là một bức tranh sơn dầu vẽ hình Ðức Mẹ! Ồ lạ nhỉ, ồ thì ra chính Ðức Mẹ đã phải chịu cảnh tang thương hôi thối như thế này sao? Thôi được để con rước bức hình về phòng con vậy Mẹ nhé. Ðây chính là một nghĩa cử cao đẹp mà sau này Ðức Hiền Mẫu sẽ động lòng trắc ẩn với thầy.
Là một đứa con ngoan ngoãn và mộ đạo của Ðức Mẹ, Chân Phước Ða Minh Giuse Maria đau đớn, buồn rầu quá đỗi khi nhìn thấy bức tranh Ðức Mẹ trong điều kiện quá tồi tệ như thế. Sau khi năn nỉ Ðức Mẹ tha thứ cho kẻ khốn cùng vì yếu đức tin đã mù quáng đối xử với bức chân dung của Ðức Mẹ trong một thời gian lâu dài như thế trong hố rác. Ngài đã nhanh nhẹn nhặt bức tranh ấy lên, rửa nó, sơn lại những phần đã bị hư hại và đặt nó trên bàn trong căn phòng khổ tu các nhân của thầy. Ở đó thầy đã cung kính nó với tất cả lòng tin yêu tha thiết nhất của thầy đối với Mẹ Hiền kính yêu.
Một buổi chiều nọ, sau khi quét dọn căn phòng của thầy xong, Ða Minh chú ý đến bụi bặm đang bám treo trên bức hình yêu quý đó. Ðang lúc đương hối hận và thương tiếc cho những sự việc đã xảy ra, thầy liền van xin sự tha thứ của Ðức Mẹ, và tự lấy cái khăn len của thầy để lau chùi bức tranh, và thầy nói với Ðức Mẹ bằng một giọng trẻ thơ mộc mạc như sau: "Lạy Mẹ Ðồng Trinh thánh thiện và tinh tuyền ơi, trên trần gian này con dám chắc rằng chẳng có ai có đủ tư cách để sờ vào gương mặt thánh thiện của Mẹ, Mẹ ơi! Giờ đây con chẳng có gì cả, ngoại trừ chiếc khăn tay bé nhỏ thô sơ này, vậy xin Mẹ hãy đoái nhìn và nhận lấy lời thỉnh cầu hèn mọn tha thiết nhất của con nhé có được không ạ?"
Trong lúc thầy đang tiếp tục lau chùi bức tranh Ðức Mẹ, với tất cả tấm lòng săn sóc và khiêm nhường, thì gương mặt của Ðức Mẹ bỗng nhiên trở nên có thần sắc của con người thật. Ðức Mẹ nhìn thấy mỉm cười, và cúi đầu xuống như để tỏ lòng biết ơn. Còn riêng thầy Ða Minh thì khi đó đang bị chìm đắm trong hoang mang và sợ hãi, bởi chính thầy e rằng mình có thể đang bị ma quỷ ám ảnh hay hiện hình chọc phá đây! Nhưng sự thật thì Nữ Vương Thiên Ðàng đã từ tốn trấn an thầy bằng những lời lẽ thật dụi dàng như sau: "Này Ða Minh, đừng sợ con ạ. Lời thỉnh cầu của con đã được Mẹ nhậm lời rồi". (Xin nhớ rằng trước đó, thầy Ða Minh đã dâng lời thỉnh cầu với Ðức Mẹ). Ngài nói tiếp: "Ðiều con xin đó sẽ được hoàn thành, và nó sẽ là một phần tưởng thưởng cho con đó, riêng con sẽ được lãnh nhận tình thương chia sẻ từ Thiên Chúa Con và chính Mẹ". Ðức Mẹ sau đó nói với Chân Phước Ða Minh hãy tâm tình với Mẹ bằng tất cả lòng tin tưởng và ước muốn mà thầy dự tính sẽ làm trong tương lai. Sau đó, thầy Ða Minh đã tức khắc quỳ gối xuống và xin dâng hiến trọn cả đời mình cho Chúa Giêsu và Ðức Mẹ, và ngài cũng được Ðức Mẹ tiết lộ cho biết rằng những linh hồn ở nơi luyện tội đang phải đau khổ trong lửa luyện hình... Thầy đã nhanh chóng khẩn xin sự cứu độ cho những linh hồn ấy. Ðức Mẹ hứa sẽ cứu vớt các linh hồn với điều kiện là thầy phải có thêm những việc làm hy sinh và tham dự thánh lễ Misa hằng ngày. Ðó là những công việc cụ thể để dâng kính cho các linh hồn. Sau đó phép lạ hiện hình hóa thân của Ðức Mẹ đã chấm dứt, và Ngài đã biến mất.
Thầy Ða Minh Giêsu Maria vội vàng thi hành những điều Ðức Mẹ đã yêu cầu, và một thời gian ngắn sau đó, một hôm trong lúc đang quỳ gối cầu nguyện trước bức tranh nhiệm mầu đó, Ðức Mẹ lại biến hình trước mặt vị tu sĩ khả kính với một linh hồn nơi luyện tội, linh hồn ấy đã được Ðức Mẹ cứu thoát từ luyện ngục. Chính linh hồn đó ở luyện hình đã đích thân trở về để cám ơn thầy đã cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình cho linh hồn. Hôm nay ngài đã được Ðức Mẹ vớt lên Thiên Ðàng. Sau đó, Ðức Mẹ Thiên Chúa đã khuyến khích thầy Ða Minh nên làm thêm một vài việc khác đẹp lòng Ðức Mẹ. Vị chân tu khả kính này nhân đó đã hỏi Ðức Mẹ rằng, liệu Ngài có muốn lắng nghe những lời khấn nguyện cho tất cả những ai muốn làm vinh danh bức tranh, và có sự liên hệ đến những sự giúp đỡ cho Mẹ? Ðức Mẹ dạy bảo một cách đảm bảo như sau:
"Tất cả những người mà khẩn cầu đến sự che chở của Mẹ, nếu như họ muốn làm vinh danh bức tranh này, họ sẽ gặt hái được những lời thỉnh cầu hay ước mơ như ý nguyện, và họ sẽ lãnh nhận được nhiều ơn phúc khác. Hơn thế nữa, Mẹ sẽ lắng nghe một cách đặc biệt đối với những kẻ khẩn nguyện tha thiết. Tất cả những lời nguyện đó sẽ được chuyển đến Mẹ để giảm bớt những khổ đau, hoặc để khoan hồng cho các linh hồn còn đang chịu cực hình trong lửa luyện tội".
Kể từ khi lời tuyên hứa dành cho tất cả những ai có lòng tôn sùng Ðức Mẹ đã phán ra, thầy Ða Minh tự cảm thấy như không thể dấu hoặc giữ bức tranh ấy cho riêng cá nhân thầy nữa. Chính vì lý do này mà thầy đã để bức tranh đó ở nhà nguyện tập thể nhỏ của thánh Charles, nó được liên kết với nhà thờ Santa Marisa Della Seala. Bức tranh này được lưu lại ở đó cho tới khi Chân Phước Ða Minh tạ thế. Bởi vì Thánh Vật đó đã trở nên huyền nhiệm và gây nên lòng sốt sắng tôn kính đối với giáo dân, nó đã ban thưởng rất nhiều tâm hồn với những ơn lạ. Sau đó vì sự quá linh thiêng của bức tranh, người ta đã xin phép được mô phỏng, in lại một số hình ảnh để lưu niệm, và bức hình đó đã được tôn kính ở nhiều nơi cho tới ngày nay.
Có một người bạn thân của thầy Ða Minh và tu hội Mont carmel là ông Maximilian, quận công của xứ Bavaria. Với một nguyện ước riêng tư, ông xin phép vị linh mục khả kính, cha Nicolas thuộc đơn vị Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, người làm cha Giám Tỉnh, Bề Trên tổng quyền của tu hội. Nếu như được phép của ngài, ông sẽ thỉnh mượn bức chân dung phép lạ ấy về tư gia riêng của ông, để tôn sùng và cầu nguyện như ý.
Bức tranh sau đó được mang sang Munich do một trợ sĩ thành kính và sùng đạo, đó là thầy Anastasius Phanxicô, người đã cùng với Chân Phước Ða Minh đi trọn cuộc hành trình tu tập hơn 15 năm trường. Vì thế thầy Anastasius Phanxicô đã viết và ký tên trong một hồ sơ tuyên thệ trọng thể để chứng nhận cho tất cả những điều mà thầy mắt thấy tai nghe về phép lạ bức tranh của thầy Ða Minh là có thực. Chẳng hạn như bức tranh sơn dầu và những sự việc cụ thể của phép lạ. Hồ sơ đó đã được ghi nhận thật đầy đủ vào ngày 07/8/1631.
Quận công Maximilian giữ phép lạ của bức chân dung Ðức Mẹ một thời gian, rồi lại chuyển giao nó cho các cha dòng Carmelite ở Munich (Munich là thành phố lớn thứ ba của Tây Ðức. Nó là thủ phủ của Bavaria vào năm 1508, năm 1920 là trung tâm đầu não của Ðức Quốc Xã, Nazi của Hitler). Sau đó, để tỏ lòng biết ơn đối với một vị ân nhân vĩ đại của nhà dòng, đó là hoàng đế Ferdinand đệ II, một người nghĩa hiệp cao cả của tu hội, ngài đã giúp đỡ để thành lập nhà dòng ở Vienna và Prague. Cha Bề trên tỉnh dòng đã cho hoàng đế mượn bức tranh phép lạ để tỏ lòng biết ơn đối với ngài. Vì thế, bức ảnh phép lạ đã đến tận cung điện của hoàng đế ở Vienna vào năm 1631. Ðó cũng là tin vui mừng phấn khởi nhất cho đức vua và hoàng hậu Eleanor, người ta để bức tranh vào nhà nguyện riêng của hoàng tộc tại lâu đài diễm lệ. Ở đó, bức tranh Ðức Mẹ lại được trang điểm thật lộng lẫy theo phong tục của các bậc vua chúa trên trần gian. Hoàng đế Ferdinand có một đức tin tuyệt đối vào bức chân dung của Ðức Mẹ, và ngay cả nếu như ngài có gặp những khó khăn rắc rối gì trong cuộc đời, chẳng hạn người khác có làm cho ngài khó chịu, ngài chẳng bao giờ ngưng cầu nguyện để xin Ðức Mẹ can thiệp cho họ. Người ta thường kể rằng, ngài luôn luôn mang bức tranh ấy với ngài trên mọi nẻo đường, và đặc biệt là những chuyến hành trình đầy nguy hiểm để xin Ðức Mẹ che chở phù hộ cho.
Sau khi hoàng đế Ferdinand băng hà, hoàng hậu Eleanor về sống hưu trí tại một tu viện nữ của các nữ tu khổ hạnh dòng Carmelô do chính bà sáng lập và giúp đỡ ở Vienna. Hoàng hậu đã lấy bức tranh phép lạ đó và di chuyển nó tới tu viện với bà, đồng thời bà cũng đặt nó trên bàn thờ chính. Mãi tới khi hoàng hậu trút hơi thở cuối cùng về với Chúa vào ngày 27/6/1655, bức tranh phép lạ đó mới chính thức được chuyển giao lại cho thân chủ đích danh của nó là các thầy khổ tu dòng Carmelite.
Chiếu theo lời hứa của Mẹ cho những ai muốn vinh danh bức tranh, Ðức Mẹ đã không ngừng ban phát những ơn thiêng và hồng ân xuống trên từng các nhân một trong cộng đồng, khi thấy con cái của Ngài đang cố gắng sửa phạt những lỗi lầm. Bức tranh phép lạ sau cùng lại được dời về một tân thánh đường và tu viện vào ngày 14/12/1901 do các tu sĩ khổ tu dòng Carmelite xây dựng ở con đường có tên là Ðất Bạc, ở Silbergasse. Bàn thờ Ðức Mẹ được xây cất tại nhà thờ do công lao của những người rộng lượng và ân nhân của tu hội, để tưởng niệm và kính nhớ hiện tượng "Phép lạ Ðức Mẹ cúi đầu". Và ở đây, trên mảnh đất bình yên này, bảo vật Thánh Tích của người Vienna được trông giữ và tôn kính cho tới ngày nay. Hiện tượng Ðức Mẹ cúi đầu cũng là một hiện tượng hiếm thấy xảy ra trong toàn bộ truyện Thánh của Giáo Hội Công Giáo. Thường thì các Thánh Nhân và những người được ơn của Thiên Chúa chỉ trông thấy Ðức Mẹ mỉm cười, Ðức Mẹ khóc v.v... Ðể tỏ lòng biết ơn Chân Phước Ða Minh Giêsu Maria đã cứu bức di ảnh mình ra khỏi hố rác hôi thối, chính Ðức Mẹ đã nghiêng mình đáp lễ một tu sĩ tầm thường và bé mọn nhất. Hành động này dạy cho chúng ta gương đơn sơ và biết ơn của Ðức Mẹ, là Ðấng Bề Trên cao cả trên Thiên Ðàng, Ngài cũng muốn hạ mình để đáp lễ đứa con thánh thiện đó.
Vì nhân đức quá khiêm nhường và thánh thiện, Chân Phước Ða Minh Giêsu Maria, người đã được diễm phúc thị kiến rất linh động về bức chân dung và lời hứa của Ðức Mẹ, ngài đã trở nên vị Bề Trên tổng quyền, đời thứ năm của dòng khổ tu Carmelô. Sau đó, ngài được Chúa thương đưa về trời tại Vienna vào ngày 16/02/1630. Mãi 46 năm sau khi ngài tạ thế, trường hợp hạnh đạo đức gương mẫu của ngài đã được nhà dòng giới thiệu để tiến cử sắc phong Thánh. Chiếu theo một cuộc nghiên cứu thật gắt gao và điều tra kỹ lưỡng về lý lịch cá nhân và quá trình tu đức của tu sĩ, Ða Minh Giêsu Maria đã được phong Chân Phước vào năm 1907 do Ðức Giáo Hoàng Piô X.
(Nguyên tác Anh Ngữ: Joan Carroll Cruz,
Dịch sang Việt Ngữ: Giuse Xuân Trường T.G.)
* Trong khi chờ đợi sự phán quyết sau cùng của Giáo Hội về những sự kiện Phép Lạ này, chúng tôi xin ghi lại đây bài viết này với những dè dặt thường lệ.)
|