ĐỨC MẸ DÂNG CON VÀO ĐỀN THÁNH
Lễ Kính
Ngày lễ
này lúc đầu được mừng bên Giáo Hội
Đông Phương, kính nhớ ‘cuộc Gặp Gỡ.’ Vào
thế kỷ VI, lễ này bắt đầu được
mừng tại Tây Phương. Ở Roma, ngày lễ mang
đậm sắc thái sám hối; ở Pháp thì tổ chức
những cuộc rước nến và ban phép lành trọng
thể, vì thế nhiều người gọi là ‘lễ Nến.’
Sự kiện dâng Chúa vào Đền Thánh khép lại thời
gian kính nhớ cuộc giáng sinh, bằng sự kiện
Đức Mẹ Đồng Trinh dâng Chúa vào Đền
Thánh, cùng với lời tiên báo của cụ già Simeon. Từ đây các biến cố hướng về
ngày Phục Sinh.
15.1 Đức Maria dâng Chúa Giêsu lên cho Chúa Cha.
Chúa mà
ngươi đang tìm kiếm sẽ thình lình vào Đền
Thánh; và sứ thần giao ước mà ngươi đang
mong đợi, kìa, Người đang đến, Chúa các
đạo binh phán.1
Chúa Giêsu
vào Đền Thờ trong vòng tay Đức
Maria, Mẹ Người. Theo luật Do Thái, bốn
mươi ngày sau khi chào đời, mọi con trai đầu
lòng phải được hiến dâng cho Thiên Chúa. Được Thánh Thần tác động, ông
Simêon và bà Anna đã nhận ra Đấng Cứu Thế
trong hình hài một con trẻ bình thường. Trong
Đáp Ca hôm nay, Giáo Hội nhớ lại người Do
Thái đã hân hoan mừng đón Hòm Bia Giao
Ước: Hỡi các cửa, hãy ngẩng đầu lên; hỡi
các cửa ngàn xưa, hãy vươn lên cao hơn nữa. Hãy
để Vua vinh quang ngự qua!2
Trong luật
cũ có hai điều liên quan đến việc sinh con
trai đầu lòng. Theo luật Lêvi, người phụ nữ
sinh con bị kể là ô nhơ. Trong trường hợp
sinh con trai, thời kỳ ô nhơ kéo dài bốn mươi
ngày, chấm dứt bằng nghi thức thanh tẩy. Về
các con trai đầu lòng, sách Xuất Hành qui định:
Giavê phán cùng Moses rằng: Hãy hiến thánh cho Ta mọi con
đầu lòng: vật gì bất cứ, khi thông dạ mẹ,
nơi con cái Israel, dù là người hay vật, thì đều
thuộc về Ta.’3 Điều luật này tưởng nhớ
sự kiện Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi cảnh
nô lệ Ai Cập. Vì thế, mọi con trai đầu lòng
đều thuộc về Thiên Chúa và phải dành riêng cho
Người, tức là phải phụng sự Người.
Tuy nhiên, sau khi việc phụng tự được dành
riêng cho chi tộc Lêvi, thì con trai đầu lòng thuộc các
chi tộc khác không buộc phải lo việc phụng tự
nữa. Nhưng để tỏ ra chúng vẫn
thuộc sở hữu của Thiên Chúa, nên người ta
đã thực hiện một nghi thức chuộc lại.
Sách Luật qui định con dân Israel phải hiến dâng một lễ vật
tượng trưng để chuộc lại con trai.
Đức Maria sẵn lòng hiến dâng Con cho Thiên Chúa
Cha. Qua đó, Mẹ lặp
lại lời fiat, và một lần nữa, trao phó trọn
đời mình cho Thiên Chúa an bài sử dụng.
Chúa Giêsu được hiến dâng lên Chúa Cha trên tay của Mẹ Maria. Đây là
cuộc hiến dâng đặc biệt nhất tại
Đền Thờ, và không bao giờ được lặp
lại. Hơn ba mươi năm sau, Chúa Giêsu đã
hiến dâng chính thân Người, nhưng ngoài thành, trên
đồi Canvê.4
Ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy lặp lại
sự hiến dâng của chúng ta cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy dâng lên Chúa trọn
hữu thể, tư tưởng, công việc, mọi sự
chúng ta có, mọi việc chúng ta làm.
Chúng ta có thể thực hiện việc hiến dâng bằng
nhiều cách khác nhau. Hôm
nay, chúng ta hãy mượn lời cầu nguyện sốt sắng
của thánh Alphonsus Ligouri: Lạy Nữ Vương của
con, hôm nay, để noi gương Mẹ, con muốn hiến
dâng trái tim nghèo nàn của con cho Chúa… Xin
hãy hiến dâng con, như người con của Mẹ, lên
cho Thiên Chúa hằng hữu và cho Chúa Giêsu. Xin Mẹ cầu bầu,
nhờ công nghiệp của Con Chúa, và thần thế của
Mẹ, để Người chấp nhận và coi con
như kẻ thuộc về Người.5
15.2 Chiếu
soi cuộc sống bằng ánh sáng thập giá.
Đức
Mẹ Maria và Thánh Giuse lên Đền Thờ để chu toàn qui định của lề luật.
Vì không có tiền, các ngài buộc phải hiến dâng lễ
vật của người nghèo, tức là một cặp
chim gáy.6 Vào giờ ấy, các ngài đã gặp tiên tri Simeon,
một người công chính và thánh đức, vẫn mong
đợi ơn an ủi cho Israel. Chúa Thánh Thần
đã cho ông biết điều vẫn còn kín nhiệm với
hầu hết mọi người. Ông Simeon đã bồng
Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa: Lạy Chúa, giờ
đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ
này ra đi bình an. Vì chính mắt tôi đã được thấy
ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân;
đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh
quang của Israel, dân Ngài.
Thánh
Bernard đã soạn một bài giảng cho ngày lễ này,
trong đó thánh nhân đề cập đến truyền thống
rước nến có từ lâu đời.7 Hôm nay, Đức
Trinh Nữ Maria đã đem Chúa của Đền Thờ
vào Đền Thờ. Thánh Giuse đã dâng cho Thiên Chúa
Nghĩa Tử yêu dấu của ngài. Bà Anna
cùng hợp lời tạ ơn. Bốn vị đã cử
hành cuộc rước đầu tiên, cuộc rước
vui mừng sẽ được tiếp diễn mãi trên mọi
miền của địa cầu.8
Các cuộc
rước nến trong phụng vụ hôm nay nói lên đời
sống của mỗi tín hữu phải giãi chiếu ánh
sáng cho người khác. Chúa Kitô là ánh sáng cho thế gian. ‘Ánh sáng’ là một từ thường được
dùng để chỉ về sự sống và chân lý.
Thiếu ánh sáng sẽ là cô đơn, nghi nan,
và lầm lạc. Chúa Kitô là Sự Sống cho thế gian và
cho mọi người, là Ánh Sáng chiếu soi, là Chân Lý giải
thoát, là Tình Yêu viên mãn… Mỗi khi cầm nến đi trong
đoàn kiệu, chúng ta thông phần vào ánh sáng của Chúa
Kitô.
Cha mẹ Con Trẻ kinh ngạc về những
điều được nói về Người. Đức Maria lắng nghe lời ông Simeon tiên báo
trong cùng một tâm trạng như khi nghe lời sứ thần
Gabriel và các mục đồng. Hài Nhi
Mẹ đang bồng trên tay chính là Ánh Sáng được
Chúa Cha sai đến, ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
vinh quang của Israel dân Chúa. Từ khi lãnh nhận
bí tích Thánh Tẩy, việc chúng ta tham dự vào sứ mạng
của Chúa Kitô tùy thuộc vào lòng quảng đại cá nhân
của chúng ta. Chúng ta phải học để hiến
thân, để cháy sáng trước Thiên Chúa như ngọn
đèn trên giá hầu chiếu sáng cho những ai đi trong tối
tăm; như những ngọn đèn chầu gần bàn thờ,
phát ra ánh sáng cho đến khi giọt dầu sau cùng bị
đốt cạn.9 Chúng ta có sống với Thiên Chúa như
thế hay chưa? Chúng ta đã hiến thân vô
điều kiện, vô giới hạn hay chưa? Lạy
Chúa, cuộc sống con là cho Chúa. Con không muốn sống nếu
như cuộc sống này không đưa con đến gần
Chúa hơn.
Thánh
Bernard đã nhắn nhủ chúng ta đừng đến
trước nhan Chúa với hai bàn tay
không.10 Bởi vì chúng ta thường chỉ có những của
lễ hèn mọn để dâng cho Chúa, vậy chúng ta hãy nhờ
Đức Mẹ dâng những của hèn mọn ấy lên
cho Chúa, như hai con chim gáy. Hãy liên kết những lễ vật
nhỏ bé của chúng ta với lễ dâng của Chúa Kitô. Hãy liên kết lời cầu nguyện của bạn
với những lời cầu nguyện của Chúa, hòa những
giọt nước mắt của bạn trong những giọt
nước mắt của Chúa, những lần chay tịnh
của bạn với những ngày chay tịnh của
Người. Như vậy, những của
lễ hèn mọn bạn sẽ có giá trị vô cùng. Một giọt nước nhỏ không là gì, chỉ
là một giọt nước. Một giọt
nước nếu được rót vào bình rượu sẽ
trở nên giá trị hơn nhiều. Công lao vất vả của chúng ta cũng như
thế. Tự chúng chỉ có giá trị hèn mọn.
Nhưng khi được liên kết với công nghiệp
Chúa Kitô, chúng sẽ có một giá trị khôn lường.11
15.3 Chúa Giêsu Kitô, dấu chỉ cho người ta chống
đối.
Ông Simeon
chúc lành cho hai ông bà và nói cùng Maria, Mẹ của Hài Nhi, ‘Này
đây Con Trẻ này được đặt lên làm cớ
cho nhiều người trong Israel phải vấp ngã hay
được chỗi dậy, làm dấu chỉ cho người
ta chống đối. Còn về phần bà, một lưỡi
gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những
ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người được
bộc lộ.’12
Chúa Giêsu đem ơn cứu độ đến cho mọi
người. Tuy nhiên, Người lại là một dấu chỉ
cho người ta chống đối. Thời đại
chúng ta đang sống đây xác nhận mạnh mẽ sự
thật về điều đã được ông Simeon
tiên báo: Chúa Giêsu vừa là ánh sáng chiếu soi cho nhân loại,
vừa là dấu chỉ cho người ta chống đối…
Chúa Giêsu Kitô một lần nữa lại tỏ mình cho nhân
loại như ánh sáng soi cho thế gian. Phải chăng
Người lại không đồng thời trở nên một
dấu chỉ cho người ta quyết tâm chống đối
hay sao?13 Không ai có thể đối xử
hững hờ với Chúa Kitô. Chúng ta nài xin
Người hãy là Ánh Sáng và Hy Vọng cho chúng ta.
Thánh Luca đã cẩn thận ghi lại lời tiên báo
của ông Simeon nói với Đức Maria. Lời tiên báo ấy tạo nên một
liên kết giữa tương lai của Mẹ và Con. Và một
lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua tâm hồn bà.14
Ghi nhớ những lời của ông Simeon, chúng ta hướng
ánh nhìn từ Con sang Mẹ, từ Chúa Giêsu sang Mẹ Maria. Mầu
nhiệm liên kết này đã hợp nhất Mẹ với
Chúa Kitô, Chúa Kitô là ‘dấu chỉ cho người ta chống
đối,’ một điều thực sự vô cùng lạ
lùng.15
Trong ngày dâng con vào Đền Thánh, Đức Maria
đã biết rằng đời Mẹ được gắn
liền mật thiết với đời Con Mẹ. Lưỡi
gươm ông Simeon nói chính là sự thông phần của
Đức Maria vào những đau khổ của Con Mẹ.
Chúa đã tử nạn trên thập giá vì tội lỗi
chúng ta. Chính
tội lỗi chúng ta đã gây nên những khổ sầu
cho Mẹ Maria. Vì thế, chúng ta có bổn
phận không những phải đền tạ Chúa, mà còn phải
đền tạ Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ là Mẹ chúng ta.
(DongCong.net)