TÌNH YÊU DỰA TRÊN
THA THỨ
Giữa
tình yêu và tha thứ luôn có mối liên hệ với nhau mật
thiết. Tình yêu tuyệt đối là tình yêu tha thứ tất cả. Tha thứ là biểu lộ của
tình yêu, chính vì thế tha thứ là một cần thiết để tình yêu tồn
tại.
Theo Thánh phaolô, “Đức
mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor
13, 7), tại sao tha thứ lại quan trọng đến vậy khi Thánh Phaolô đặt lên
hàng đầu trong đức mến.
Tha thứ mang lại
bình an nội tâm. Người tha thứ sẵn sàng tha thứ là người
không nuôi ón hận, giận hờn gì trong tâm khảm của mình. Gạt mọi phiền muộn là để
tâm hồn không bị xáo động bởi những ý nghĩ nuôi giận. Người sẵn sàng tha thứ
thường không chờ đợi nơi người mắc lỗi với mình lời xin lỗi. Chờ đợi như thế
khiến lòng vẫn bất an vì mình chưa sẵn lòng tha thứ. Tha thứ trước cả những lời
xin lỗi là tình yêu đi bước trước mà Thiên Chúa thực hiện nơi con người: "Hãy
đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra
trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,
18). Tha thứ là quà tặng ban sẵn cho người khác, nên Chúa Giêsu cũng nói với
Phêrô: “Tha thứ đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 35). Mang sẵn lòng tha thứ nên
cuộc sống sẽ bao dung hơn, vị tha hơn và chính mình là người hưởng hiệu quả đầu
tiên của việc tha thứ.
Tha thứ
là một hành vi thông cảm. Con người vốn dĩ là một con người đầy
yếu đuối bất toàn, thông cảm với sự bất toàn của người khác
là cùng biết chấp nhận thiếu sót nơi chính mình. Con người tự bản
chất là yếu đuối dễ dàng gây xung đột với người khác, như từ ngữ
Việt Nam chỉ ra “chung đụng”, có chung là có đụng. Mỗi khi đụng độ là mỗi khi tự
nhận ra nơi mình những yếu kém, chính vì mình yếu kém nên mới có đụng, nên nhận
ra yếu đuối của mình cũng là một điều cần thiết để có tấm lòng bao dung. Sống là
cần có một bao dung thông cảm, con người thông cảm với nhau mới dễ dàng giúp
nhau nên hoàn thiện, bởi con người luôn sống với người khác, không ai là một ốc
đảo. Chính vì thế, Thánh Phaolô mời gọi đức mến đón nhận tất cả, chịu đựng tất
cả. Tình yêu biểu lộ trong việc tha thứ là tình yêu cho đi chính mình.
Tha thứ
là một hành vi hy sinh. Trong tình yêu bao giờ cũng có hy
sinh. Hy sinh tự nó là một hành vi tiêu hủy cái tôi của mình. Cái
tôi càng lớn tính hy sinh càng ít. Chết đi cho người mình yêu là chết đi cái tôi
trong mình để sống cho người khác. Nơi Chúa Giêsu khi mang thân phận con người
Ngài cũng đã sống mầu nhiệm tự hủy ấy qua việc: “Con tự thánh hiến Con, để họ
cũng được hiến thánh trong chân lý” (Ga 17, 19). Hy sinh bản thân không dừng lại
ở sức chịu đựng, nhẫn nại mà hướng tới hành vi thánh hiến. Chấp nhận cuộc đời
mình để trở thành hiến lễ cho tình yêu. Không có chiều kích mở ra trong thánh
hiến, con người sẽ không thể hy sinh, điều này con người được nhận lấy từ hy
sinh của bố mẹ một cách cụ thể từ khi mang thai đến khi chết đi. Bố mẹ luôn hy
sinh để mong con trở nên con người tốt hơn, đó là động lực của hy sinh. Trong
tha thứ cũng vậy, hy sinh chết đi cho cái tôi của mình để tình yêu trở nên nguồn
sống cho người được thứ tha.
Cần có thứ tha để
được tha thứ. Ai trong chúng ta cũng mắc nợ với nhau, là những người mang nợ
những món nợ khó trả. Trong Kinh Lạy cha, Chúa Giêsu dạy cầu xin: “tha nợ chúng
con như chúng con tha cho kẻ có nợ với chúng con”. Món nợ mà chúng ta mang là nợ
cả một sự sống đời đời mà Chúa Giêsu đã đổ máu để chuộc lỗi chúng ta. Như vậy
lời Kinh lạy Cha là một cầu xin thiết thực, vì cần cầu xin mới có thể tha nợ cho
người khác một cách không giới hạn. Rất khó để tha thứ cho người khác vì trong
tội lỗi của chúng ta, con người thường bị dìm sâu trong tội lỗi của mình. Tha
thứ là dịp vươn lên thắng lấn át tội lỗi, để ra khỏi tội lỗi mà sống trong ân
tình.
Lạy Chúa! Hòa bình
chỉ xây dựng thiết thực trên tha thứ, khi chúng con chưa thể cải
thiện được nhiều về tình trạng hỗn loạn bởi chiến tranh, hận thù. Xin
cho chúng con biết sống điều cơ bản mà mỗi người chúng con có thể là tha thứ cho
nhau, để ít ra môi trường sống nhỏ hẹp của chúng con dễ sống hơn, yêu thương
hơn.
L.m Giuse
Hoàng Kim Toan
Tác giả: Hoàng Kim Toan, Lm
|