CHIỀU KÍCH CÁNH CHUNG CỦA CUỘC HIỆN RA Ở MỄ DU
Quả thật, Ðức Mẹ Mễ Du đã nói rõ ràng về “các sự sau hết” của cuộc đời và của con người (gọi là tứ chung, hay như ngày nay người ta gọi là Cánh-chung). Ðang khi đó thật là đáng kinh ngạc khi thấy các đấng giảng thuyết và các văn sĩ Kitô giáo không khêu nổi bật cho đủ điểm cốt cán này của sứ điệp.
Ngay từ câu đầu tiên Ðức Mẹ nói với các thị nhân đã mang tính cách cánh-chung rồi, cũng như lời đầu tiên các thị nhân thưa với Người và được Người đáp trả ngay tức khắc: đó là câu hỏi của một thiếu nữ thị nhân, Ivanka, hỏi tin tức về mẹ ruột của cô vừa qua đời trước đó không lâu. Ðức Trinh Nữ trả lời: “Mẹ con yên lành. Bà đang được hạnh phúc bên Ta trên Trời”.
Ðức Mẹ còn có thể nói cho con người điều gì phấn khởi hơn cái huyền nhiệm căn bản đó của chương trình cứu độ ? Ðó là: Con Trai của Mẹ, Ðức Giêsu, đã bị hạ nhục, chế giễu, treo lên thập giá và chết trên thập giá, song đã sống lại khải hoàn, việc đó tỏ cho thấy cùng đích đời ta không phải là sự chết song là bắt đầu một cuộc sống thật. “Nếu không có việc sống lại từ cõi chết, đức tin của ta sẽ là hão huyền”, thánh Phaolô nói vậy (1Cr 15.17).
Qua câu trả lời cho Ivanka trên đây, Ðức Trinh Nữ đã xác nhận chân lý ấy.
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu những lời đầy an ủi của Ðức Mẹ, khiến chúng ta thấy đời sống con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi trở về lòng đất có một ý nghĩa.
Có lẽ không bởi ngẫu nhiên mà cũng cô Ivanka đó ngày gặp gỡ Ðức Mẹ lần thứ hai, đã hỏi xem mẹ ruột của cô có nhờ Ðức Mẹ chuyển cho cô lời dặn dò gì không? Có ! Và Ðức Mẹ đã chuyển lời nhắn này của mẹ cô: “Hãy đối xử tử tế với bà nội, vì bà đã già”.
Có một cái gì đó thật đơn sơ trong niềm tin của Ivanka và trong câu trả lời của Ðức Mẹ. Chuyện trên trời huyền nhiệm như thế mà nói ra y như thể chuyện đang xảy ra dưới đất vậy. Và sứ điệp còn tiếp tục…
Ba mươi ngày sau, được biết mẹ mình ở đâu rồi, Ivanka hầu như được linh hứng, lại hỏi Ðức Mẹ xem mẹ ruột cô có cần gì không, ví dụ như các lời cầu nguyện hay thánh lễ chỉ cho bà. Và Ðức Trinh Nữ lại hé cảnh trời cho cô biết: “Mẹ con yên bình và không cần gì cả”.
Vào một dịp khác, Ðức Mẹ cắt nghĩa cho Ivanka biết là đúng hơn chính cô phải xin mẹ ruột giúp cô đạt tới cuộc sống vĩnh cửu đó. Và sau cùng, để thuyết phục Ivanka (và cả chúng ta nữa) về thực tại của đời sống sau cái chết, Ðức Mẹ cho mẹ ruột của cô cùng xuất hiện với Ðức Mẹ ba lần cho cô thấy. Chưa hết, Ðức Mẹ cho phép bà mẹ ấy ôm hôn con gái mình, để cho cô biết thật là mẹ cô chứ không phải một ảo ảnh lừa dối (77). Ở một lần khác, để củng cố đức tin của các thị nhân vào cuộc sống đời sau, Ðức Trinh Nữ cho họ cũng nhìn nhận ra bà mẹ Ivanka, (xem lại chương 26: “Những cuộc gặp gỡ huyền bí”).
Cũng phải thú nhận rằng, chúng ta chưa biết hết những gì Ðức Trinh Nữ mặc khải về “các sự sau hết” của đời sống con người. Một phần lớn còn giữ trong những “bí mật” mà các thị nhân chưa được phép tiết lộ. Tôi nghĩ đến cách riêng những gì Người tỏ lộ cho các thị nhân về chính đời sống của Người mà một ngày nào đó Người sẽ cho phép họ tỏ bày ra.
Bản tính nhân loại đã được cấu tạo sẵn như thế này: Bị gắn chặt vào vật chất, nên khó mà thoát khỏi mê say những vẻ đẹp tạm bợ của các sự vật chất. Và con người thiếu suy nghĩ sẽ ưa chọn thế giới vật chất mà thờ ơ làm phương hại tới đời sống siêu nhiên. Vì thế, họ thường bị giằng co và bị kẹt giữa hi vọng và thất vọng. Họ cố gắng thoát ra khỏi tư thế đó, nhưng thường thì càng vùng vẫy thì càng lún sâu vào tuyệt vọng.
Biết điều ấy, Ðức Trinh Nữ không hề tiếc lời cảnh báo. Người còn đi xa hơn. Ðể tránh cho ta đại họa không thể cứu vãn, (là mất linh hồn đời đời), Người cho tất cả sáu thị nhân thấy – và qua họ, cho chúng ta nữa – Thiên đàng, Luyện ngục và Hoả ngục, với tất cả sự rõ ràng mà mắt và trí con người của các em đó có thể chịu đựng được và hiểu được. Ðặc biệt Người còn cầm tay hai thị nhân Vicka và Jakov – tức là với cả thân xác của họ – dẫn đi tham quan mấy nơi ấy một cách cụ thể và dễ hiểu, vừa tầm với trí óc bình dân của họ. Lời cắt nghĩa của Ðức Trinh Nữ về vấn đề đó cũng rất rõ ràng, vì với Vicka và cậu bé Jakov, chẳng có lời cắt nghĩa nào sống động và cụ thể cho bằng cầm tay họ dắt lên khỏi trái đất, cho họ tham quan mấy nơi đó ! (xem lại chương 58: Thấy Thiên đàng và Hoả ngục).
Cũng vậy, ba hôm liền, trước lễ Phục Sinh 1982, Ðức Trinh Nữ khơi sâu đức tin của “các con cái” Người bằng cách nói cho chúng về Bữa ăn Vượt Qua, về cuộc Thọ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Người nhấn mạnh về việc Phục Sinh, vì Phục Sinh là đích cùng của đời sống nhân loại.
Người khích lệ con cái Người bằng cách cho chúng thấy Con của Người vấy đầy máu và khạc nhổ. Người không quên nói cho chúng biết phần thưởng lớn lao chừng nào đang chờ đợi những ai tin nơi Chúa Giêsu và trung tín với Ngài đến cùng, (xem trên, chương 39).
Ngoài việc cho chung tất cả các thị nhân thấy những thị kiến ấy, Ðức Mẹ còn đặc biệt cho riêng Mirjana được biết những điều chưa từng thấy. Ví dụ, Người cắt nghĩa cho Mirjana hiểu được chừng nào hay chừng nấy làm sao lại cùng hiện hữu hai điều nghịch nhau này: tức là Thiên Chúa giàu lòng thương xót như thế mà lại có thể cho phép có hoả ngục. Người nói: Hoả ngục có và tồn tại là do có những người ghét Thiên Chúa và (đã chọn và) không muốn rời bỏ hoả ngục !
Cũng rất thú vị điều Ðức Mẹ nói với Mirjana về nơi Luyện tội. Người cho cô thấy như có nhiều tầng cấp. Cấp thấp nhất dành cho những tội nhân lòng chai dạ đá ở lì trong tội, và không muốn cầu nguyện để được giải thoát; còn các tầng cao hơn dành cho những người cầu xin và mong ước người ta cầu bầu cho mình được giải thoát càng sớm càng tốt. Lời Vicka mô tả về Luyện ngục cũng rất đáng lưu ý : Khoảng không gian ngập trong bóng tối quả là đáng sợ cho người trần chúng ta: Ai chẳng sợ bóng tối? Vậy cứ thử tưởng tượng xem những con người sống dầm dề hàng năm tháng trong cái không gian tối tăm ấy cảm thấy gì, và do đó lòng khát vọng được giải thoát sẽ mãnh liệt đến thế nào ?
Còn chuyện nữa, Ðức Trinh Nữ nói với một thị nhân: “Các con có thể cầu xin không chỉ với những người đã lên Thiên đàng, mà còn cả với những người ở nơi Luyện tội. Vì với lời cầu xin của họ, họ có thể giúp các con đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu”. Ðúng là một bằng chứng sống động về điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin các thánh cùng thông công”.
Như thế, sứ điệp của Ðức Trinh Nữ về các “Sự sau hết” của con người cứ được được lặp đi lặp lại thường xuyên trong các lần hiện ra của Người ở Mễ Du. Nhưng Sứ Ðiệp ấy không chỉ liên can đến các thị nhân. Ðức Mẹ đã nói với họ khá rõ là phải công bố lớn tiếng những gì họ thấy, để cả chúng ta nữa không quên lãng những điều ấy.
Ðức Mẹ biết Thiên Chúa đã nói gì với nhân loại từ thuở xưa: “Hãy nhớ đến giờ chết của con, và con sẽ không còn phạm tội nữa” (Sách Huấn ca 7.40).
****************************
(77) (Lời người dịch) : Chúng ta thường nói: “Ðời sau có thật hay không, thì nào có ai đã ở đó về mà nói cho biết đâu?” Thế thì nay – chỉ nói chuyện ở Mễ Du thôi – đã thấy là có người về nói rồi đó. Ai ? Bà mẹ Ivanka.… Và hai thị nhân Vicka và Jakov đã được Ðức Mẹ dắt tay đi tham quan các nơi đó rồi về nói lại.