CHƯƠNG (68) – KẾT LUẬN
Cha Y : Thế là cả hai chúng ta đều thấm mệt sau cuộc trò chuyện dài lâu này. Bây giờ con ra sao ? Sau 30 tháng Ðức Bà hiện ra, con nay đã trở thành một cô thiếu nữ thực sự. Có bao giờ con hối tiếc về những gì xảy đến với con, và còn xảy ra nữa không?
V : Không, không bao giờ. Có những lúc con bị kẹt tứ bề. Ðôi khi thật hết sức cay cực. Ðôi lúc con thoáng có ý nghĩ: “Mà cái gì đã xảy đến cho mình vậy? Rồi chuyện này sẽ đi tới đâu? Tất cả chuyện này là tại sao vậy? Không biết mình có đủ sức chịu đựng tất cả mọi sự không?” Nhưng cái ý này chỉ thoáng qua một giây đồng hồ thôi. Chúng con đôi phen đã phải trải qua những thử thách đáng sợ. Chính Ðức Bà đã báo trước cho chúng con từ ban đầu. Nhưng Người luôn luôn vẫn ở đó để giải quyết hết, và chúng con ngày càng thêm dai sức chịu đựng. Ít nhất đó là trường hợp của con.
Cha Y : Có bao giờ con hối tiếc vì đã bị lôi cuốn bởi Ðức Bà không?
V : Không bao giờ.
Cha Y : Thật đấy chứ ?
V : Không, không bao giờ.
Cha Y : Cha tin con, và cha cũng vậy, cha nghĩ là cha cũng sẽ không bao giờ hối tiếc nếu việc đó xảy đến với cha. Con có điều gì lo sợ cho tương lai không?
V : Này cha, con đâu phải là một con cừu. Nghĩ về tương lai của con hẳn là một chuyện bình thường. Nhưng con không sợ gì hết. Con cầu xin Thiên Chúa và Ðức Bà để mắt trông nom cuộc sống con. Con cũng có những dự tính của con chứ, rồi sẽ thấy.
Cha Y : Cha có thể biết mấy dự tính ấy của con không?
V : Con đã nói cho cha nghe điều chính yếu rồi. Con hy vọng Thiên Chúa và Ðức Bà sẽ che chở con và hướng dẫn con. Ðức Bà có nói với con như thế nhiều lần.
Cha Y : Con không muốn nói gì thêm nữa cho cha ư ?
V : Có những điều mà con không được phép nói với bất cứ ai. Khi nào con có thể, con sẽ nói cho cha nghe.
Cha Y : Vicka này, mùa thu 1981 khi các bạn thị nhân khác mỗi người đi mỗi ngả, chỉ mình con ở lại nhà.
V : Vâng, con buộc phải thi môn toán
Cha Y : Con học trường nào vậy ?
V : Ở một trường kỹ thuật chuyên về ngành sợi.
Cha Y : Con đăng ký đi thi là để bắt kịp niên học phải không?
V : Vâng, nhưng con không được dự thi. Khi con đến trình diện, con có mang ở cổ một sợi dây chuyền với ảnh Thánh giá, nhưng đến khi vào cửa phòng thi, một giáo viên chận con lại mà nói là phải cất ảnh Thánh giá đi, nếu không con không được phép dự thi. Con không chịu cất mẫu ảnh chuộc tội đi, nên ông ta đã đuổi con ra về. Ông ta còn chế nhạo con nữa, do bài báo đăng trên tờ Arena. (73)
Cha Y : Câu chuyện tờ Arena là như thế nào ?
V : Ít lâu trước, tờ Arena đã đăng chuyện chúng con trong một số báo của họ. Thầy giáo đã đem đến cho chúng con xem hình chúng con đăng trên đó. Toàn chuyện tầm phào...
Cha Y : Rồi thì sao ?
V : Không sao ! Ông ấy nói: “Em đã qua được kỳ thi với Ðức Bà rồi. Tạm biệt nhé !” Thế là con lên xe buýt trở về nhà, miệng ca hát. Ngày hôm sau con trở lại nhà trường lấy lại hồ sơ. Tạ ơn Thiên Chúa.
Cha Y : Sau này, người ta nói với cha là thầy giáo có mời con đến.
V : Vâng, vâng. Ðầu niên học sau, nhà trường có gởi một giấy mời nói là con có thể tiếp tục năm học, là con đã qua được kỳ thi, v.v...
Cha Y : Họ nhờ ai đưa giấy mời cho con ?
V : Nhờ một bạn học cùng lớp với con, bên cạnh nhà con, đó là Stanko Pavlovic.
Cha Y : Và con xử trí thế nào ?
V : Con làm y như là con không nhận được gì hết.
Cha Y : Nhưng tại sao ?
V : Con biết là con sẽ gặp nhiều chuyện rắc rối. Ðức Bà cũng có nói với con là hãy ở lại với bé Jakov. Jakov sẽ làm gì khi có một mình ở đây !
Cha Y : Thế con không tiếc à ?
V : Không tiếc gì hết ! Ðức Bà để mắt trông nom con.(74)
Cha Y : Thế là “chị cả” (= Vicka) và “em út thị nhân” (= Jakov) ở lại đây à ?
V : Như cha thấy đó.
Cha Y : Ðôi khi con có nghĩ đến thầy giáo này không?
V : Hồi mới đầu thì có đôi khi. Bây giờ, con không bao giờ nghĩ đến. Con sống cuộc sống của con, và ông ấy sống cuộc sống của ông.
(73) Vicka không nói rõ chi tiết cái gì cô đã phải trải qua, những người khác đã kín đáo nói cho tôi (cha Yanko) biết. Cái đó dành cho sau này.
(74) Từ những câu nói chí thành của Vicka trên đây thấy toát ra một niềm trông cậy phó thác đơn sơ và sâu sắc đáng cảm phục.