Cần Đôi Lời Giới Thiệu
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
CẦN ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU
Xin các bạn độc giả dành vài phút để đọc trước lời giới thiệu sau đây của Lm René Laurentin, Thánh mẫu học gia người Pháp, để thấy rõ hơn giá trị của cuộc phỏng vấn ở sau.
Cha Janko Bubalo (có thể đọc là Yanko) là linh mục tu sĩ Dòng Phan sinh người Cro-át, một thi sĩ nổi tiếng trong xứ sở của ngài. Cha thực hiện cuộc phỏng vấn Vicka, một trong sáu thị nhân đã xác nhận là được thấy Đức Trinh Nữ Maria mỗi ngày tại Medjugorje (tạm dịch: Mễ Du) nước Nam Tư (cũ). Vùng đồi núi tươi đẹp này nằm cạnh bờ biển Adriatic, đã cuốn hút, tính đến năm 1983, hơn hai triệu du khách và người hành hương đến đó, bởi vì theo họ nói, họ bị bàng hoàng và xúc động trước những cuộc hiện ra của “Đức Trinh Nữ”, khởi đầu từ ngày 24-6-1981, mặc dù Giáo Hội chưa đưa ra phán quyết chính thức và hiện thời đang tiến hành điều tra…
VICKA, thị nhân được thẩm vấn
Vicka, vừa tròn 20 tuổi khi chúng tôi (cha R. Laurentin) xuất bản quyển sách này năm 1984, là người có tính cởi mở nhất trong sáu thị nhân. Xét theo phương diện tâm lý, tính ấy là do tư chất bẩm sinh, nhưng chắc cũng là do ơn sủng, vì chỉ nguyên bẩm chất tự nhiên mà thôi không thể nào xoay sở và đương đầu được trong một hoàn cảnh hầu như quá sức con người có thể chịu đựng nổi mà cô đang trải qua.
Với những người thường ngày vây quanh cô để hỏi đủ chuyện về sự kiện hiện ra, cô vẫn một mực tiếp đón ân cần, hòa nhã, tươi cười, nhưng cũng khéo biết giữ khoảng cách cần thiết, và biết tránh né tài tình mọi kẻ quấy rối. Một lần kia trong một cuộc thẩm vấn do công an điều hành, viên sĩ quan cảnh sát ở Citluk dí súng vào người cô, cố ý dọa nạt, cô trả lời tỉnh bơ:
- Xin ông cất súng đi. Chắc ông cũng dư biết là đã có lệnh tiết kiệm đạn dược rồi chứ !
Cô cũng biết cách sớm chấm dứt những cuộc khảo nghiệm tâm bệnh vô bổ, kéo dài lê thê của những bác sĩ ở Mostar do nhà cầm quyền đặt ra, cốt để phá hủy sự kiện gây bất lợi cho chính sách của họ. Các bác sĩ ấy đều nhất trí chấp nhận sự ngay thẳng chân chất tự nhiên của cô – như chúng ta sẽ thấy trong những trang sau đây.
Trong những giây phút xuất thần khi được diện kiến Đức Mẹ, thị nhân Vicka là người nói chuyện với Đức Mẹ nhiều nhất, cùng với những cử chỉ, nét mặt diễn tả sống động nhất… tuy người ngoài không ai nghe được tiếng nói tự miệng cô thốt ra. [… ]
Tôi càng khâm phục thái độ bình tĩnh không hề lay chuyển và tính tình vui vẻ không hề suy giảm của cô, khi được biết rằng sức khỏe của cô không mấy dồi dào. Một trong những chương sau đây của sách này có đề cập đến vấn đề đó. Cô đã từng nằm bệnh viện Zagreb nhiều lần, không phải chỉ chịu giải phẫu hạch cổ (amygdales) một lần mà thôi đâu, nhưng còn vì những biến chứng đáng lo ngại khác, và tôi e rằng mặc dầu bề ngoài Vicka trông khỏe mạnh vui tươi, nhưng một cuộc sống hàng ngày bị quấy rầy khủng khiếp đòi cô phải có một nghị lực phi thường như thế, sẽ sớm tiêu hao sức khỏe của cô.
Quả là vô ích nếu có ai hỏi cô về vấn đề ấy, cô đáp ngay với nụ cười:
- Tôi vẫn khỏe.
Ngày 7-10-1984, tôi đánh liều hỏi Vicka vì biết cô đang thụ bệnh:
- Cô đang đau phải không ?
- Ồ…!
Cô trả lời như thế kèm theo một cái nhún vai.
Sau vài phút im lặng dò dẫm, tôi nói:
- Đau khổ, là giữ thinh lặng…
Người ta đồn rằng có thị nhân nào đó sẽ chết sớm. Tôi lắm lúc nghĩ rằng người đó sẽ là Vicka. Phần cô, cô nhìn thẳng mặt sự chết, và cho đó là một hạnh phúc để tìm lại được điều tốt nhất cho cuộc đời mình. Chỉ có một điều mà cô không thích nghĩ đến chút nào, đó là khi các cuộc hiện ra chấm dứt, cô sẽ sống ra sao đây ?
Nếu cô không lo sợ, ấy là vì cô tin tưởng vào Đức Mẹ sẽ trợ giúp để cô có thể tiếp tục làm điều mà cô đã và đang làm: đó là làm chứng cho Đức Mẹ Mễ Du và loan truyền sứ điệp của Người cho tất cả thế giới. Mùa hè 1984, đang khi cô chịu một cơn bệnh đau đớn dữ dội, cô đã được Đức Trinh Nữ hiện ra với cô rất lâu (45 phút) để ban cho cô sức đảm nhận cơn thử thách cực kỳ khó khăn của mình.
YANKO, vị linh mục thẩm vấn
Yanko Bubalo, 71 tuổi, là một thi sĩ rất danh tiếng. Thời thơ ấu, cậu bé làng quê này hàng ngày phải đi bộ 15 cây số tới trường học với cái bụng trống rỗng. Đến tuổi 13, sau Đệ nhất Thế chiến, cậu vào ký túc xá Dòng Phan Sinh. Năm 15 tuổi, cậu viết những bài thơ đầu tay (1928), và vào năm 18 tuổi, các bài thơ ấy đã được đăng tải trong các tạp chí Le Rayon (Luca, 1931), rồi La Rose (Roza, 1932). Sau thời gian ở Tập viện Dòng Phan Sinh, những tập thơ của cậu càng rộ lên nhiều hơn. […]
Nhưng trong đêm Noen 1936, năm 23 tuổi, ít lâu trước khi được thụ phong linh mục ở Mostar (12-6-1938), Yanko đốt tất cả các bản thảo và từ bỏ thi đàn để hiến trọn thân mình cho Nước Chúa. Cha phải đi ngược với bản tính tự nhiên ấy để trọn bề phục vụ những công việc nặng nề và nhiều mặt của một linh mục quản xứ, khiến cha suy sụp về sức khỏe suốt thời gian tân khổ của Đệ nhị Thế chiến.
Năm 1955, cha lại bị nàng thơ theo đuổi, không sao cự tuyệt nổi, ngài nói:
- Tôi đành sa chước cám dỗ !
Ngài sáng tác một mạch từ đầu chí cuối bài thơ Hoa đào nở, mùa xuân sang. – “Nếu có gì được gọi là thành công trong đời tôi, thì chính là bài thơ đó !” – người ta đọc thấy ghi trong tập nhật ký của ngài. Nhưng khổ nỗi, 70 trang giấy ấy bị ẩm ướt lâu ngày nên không còn cứu vãn được.
Năm 1971, ngài để cho nguồn thi hứng của mình tuôn ra như suối, ngài ghi lại: “Cứ đêm là viết, viết không biết mệt, không kể giờ giấc”. Đó là ơn cảm hứng thi văn đã được ban cho ngài, đi sau ơn khổ chế, và ơn chống trả lại chính mình…
Những bài thơ đầu tiên của ngài được tái bản đi tái bản lại không ngừng, đây đó, khắp nơi… Nay, trong nhiều tạp chí khác nhau, chúng rộ lên như nấm sau cơn mưa. Các nhà xuất bản tranh giành quyền ấn hành. Các thi tập tăng số lượng… [Bỏ qua một đoạn dài, liệt kê những lời các sách báo ca tụng thi tài của ngài]…
Ngày 23-7-1981, lúc 68 tuổi, ngài xin rút lui vào ẩn dật trong tu viện Humac. Đây là dịp đưa ngài đến với Mễ Du, nơi đây, vào một tháng trước đó (24-6-1981), trời mở ra cho Thân Mẫu Thiên Chúa đặt chân xuống trần.
Các cuộc hiện ra ở đó thu hút sự chú ý và niềm xác tín của ngài. Ngài thoáng nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria trong ánh mắt và những lời tường trình trong sáng của các trẻ thị nhân. […]
Với trí tuệ và tài năng vốn có như thế, Thi sĩ này, giờ đây, đến trường học của các thị nhân với một thái độ vừa thực tiễn vừa siêu nhiên. Một luồng cảm thông nối kết ngài với họ. Ngài hỏi họ, từng người một, cách kiên trì, khéo léo song không kém phần khoa học. Nhưng ngài thấy Vicka gây ấn tượng nơi ngài hơn cả: cô có một trí nhớ bền dai và sống động, và có một cách diễn tả hồn nhiên.
Thế là tất cả những cuộc tìm hiểu của ngài đã dồn vào cuộc đối thoại trong sáng với một mình Vicka thôi, mà kết quả là quyển sách này.
LUỒNG CẢM THÔNG ĐƯỢC THIẾT LẬP
Đọc những trang đối thoại sau đây, người ta liên tưởng đến bức danh họa “Ông lão và đứa bé”, gợi lên luồng cảm thông giữa người già lão và kẻ thanh xuân, giữa ông bà và các cháu, giữa hừng đông và chiều tà của cuộc sống con người. Vicka và Yanko – kẻ 18 đôi mươi, người cao niên 70 tuổi – cả hai cùng có một cái nhìn trẻ thơ trước những sự kiện kỳ diệu đang làm điên đầu những bậc thông thái bác học vùi đầu vào trong những phân tích. Vì thế, yêu cầu độc giả đừng tìm trong quyển sách này những tranh luận và thẩm định thần học hay khoa học, nhưng một cái nhìn đơn sơ biết thấy và biết làm cho thấy.
Cha Yanko Bubalo không đơn giản là một người đặt câu hỏi, hay một màn ảnh vô hồn phản chiếu các lời giãi bày của Vicka. Ngài là một quan sát viên tham gia vào cuộc. Nhiều khi ngài đón trước hay tiếp sức cho trí nhớ của cô gái đối thoại với ngài, vì có những lúc cô không còn nhớ rõ. Làm được như vậy chỉ vì ngài đã nghiên cứu, so sánh, ghi nhận rất nhiều trước đó. Ngài đã ra công đọc hết những gì mỗi thị nhân đã ghi lại. Nếu những điều họ viết thuộc diện “bí mật”, ít ra ngài xin họ cho coi tập vở hay những giấy tờ ấy… cách xa xa ! Ngài đã nghe những cuộn băng ghi âm thâu lại những sự kiện xảy đến trong những tuần lễ đầu hiện ra (ngài có trích vài đoạn băng ghi âm ấy trong sách này). Và ngài cho ta thấy tài năng điêu luyện không phải của một sử gia, mà của một người có lương tri trung thực, lương thiện, nhạy cảm, nhưng dò tìm không biết mỏi mệt và đồng thời cởi mở đối với những gì siêu phàm kỳ diệu.
Vị linh mục thi sĩ nổi tiếng này đã trở thành một xúc tác và sức khêu nổi bật cho một cô gái nhà quê, đã bỏ học vì được diện kiến Đức Mẹ Chúa Trời, và hiện nay vẫn hàng ngày làm việc trong cánh đồng trồng thuốc lá của gia đình.
NHƯ TRONG GIA ĐÌNH…
Phần cốt lõi của cuộc trò chuyện này giữa linh mục thi sĩ và cô gái nhà quê thị nhân ấy được thực hiện vào tháng 12-1983, và kết thúc vào ngày 30, lúc hai người đồng ký tên vào bản văn.
Cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra cách rất đơn sơ thân mật như trong cùng một gia đình, như giữa hai người cùng vai vế, () không long trọng, không kiểu cách… Vicka ăn nói như một cô gái nhà quê, không như người thành thị hay thuộc xã hội thượng lưu.
Cô sống trong bầu khí ơn thánh của các cuộc hiện ra ngay tại gia đình, một gia đình rất hiếu khách, trong đó người ta cùng nhau cầu nguyện, giữ chay và mọi sự khác chung với nhau… Ana, em của Vicka, làm chứng: “Hồi trước khi có các cuộc hiện ra, Thiên Chúa đối với chúng tôi rất xa lạ. Khi Vicka về nói với chúng tôi: “Con đã thấy Đức Bà !” chúng tôi đã chế giễu chị. Ai mà tin nổi. Nhưng chúng tôi cảm thấy chị nói thật. Từ đó mọi sự đã thay đổi trong gia đình. Chúng tôi cầu nguyện nhiều hơn. Hồi đầu chúng tôi mong chờ các dấu lạ điềm thiêng, nay chúng tôi tìm thấy chính Thiên Chúa. Tất cả đều được sống trong nội tâm”. ()
Gia đình nông thôn ấy mở đón mọi người. Nhà của Vicka ở ngay mặt lộ, trên con đường của thôn Bijakovici (), nằm dưới chân đồi Podbrdo, nơi Đức Mẹ hiện ra những ngày đầu, nay gọi là Đồi Hiện Ra, từ đó nhìn xéo qua thấy được nhà thờ giáo xứ Mễ Du, nơi mỗi ngày đông đảo dân chúng tứ xứ đến cầu nguyện, lần hạt và dự Thánh Lễ. Mọi người sử dụng – và cả lạm dụng – sự tiếp đón tươi cười và không biết mệt mỏi của gia đình ấy. Có thể coi đây cũng là một bằng chứng hùng hồn (cho sự Đức Mẹ hiện ra) từ hơn ba năm nay.
Cuộc trò chuyện giữa cha Yanko và Vicka tiếp diễn thoải mái trước một máy thâu băng. Những phản ứng hồn nhiên của Vicka được những câu hỏi hầu như bất tận của cha Yankô gợi lên, những câu hỏi luồn vào tất cả mọi ngõ ngách của vấn đề, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để cuộc đối thoại sinh động không đi lạc lối.
Cung giọng hoàn toàn tự do đến mức đáng ngưỡng mộ, nếu độc giả biết được rằng tất cả đã được viết ra trong một quốc gia hồi đó còn thuộc khối xã hội chủ nghĩa, tức là chính thức tuyên bố mình là vô thần, và lẽ dĩ nhiên, Đức Trinh Nữ Maria không được chấp nhận. Khó khăn này không hề xảy ra tại Lộ Đức, vì ở đó lúc ấy ông Thị Trưởng Massy, hay ông Bộ Trưởng các Tôn giáo đều là người Công giáo.
Tuy vậy, nếu có sự đụng chạm không thể tránh khỏi giữa Nhà nhước và Giáo Hội, thì va chạm ấy cũng nhẹ thôi, vì nước Nam Tư (cũ), ở rìa phía Tây của khối Đông Âu, là nước xã hội chủ nghĩa có nền chính trị cởi mở. Và thế giới thường đánh giá cao nền chính trị độc lập không liên kết ấy (non-alignée) đã biết dành những khoảng trống để cho người dân được khá tự do, và đã mở cửa liên lạc với phương Tây (tư bản), nhất là đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tòa Thánh Vatican: sự kiện độc nhất trong khối Xã hội chủ nghĩa ! […]
SƠ LƯỢC QUYỂN SÁCH
Cuộc trò chuyện diễn tiến không theo một bố cục hệ thống chặt chẽ. Cha Yanko chú tâm vào những sự kiện nho nhỏ mà cụ thể, giống như một họa sĩ hay chuyên viên quay phim, chiếu ống kính vào những đối tượng đáng lưu ý để khêu nổi bật những khía cạnh kín đáo bất ngờ.
Dầu vậy, đến cuối sách, cha Yanko Bubalo (tên gia đình có nghĩa là “bổ củi”) vẫn còn những nuối tiếc, vì thế ngài thêm vào vài chương nữa…
(Còn chúng tôi, dịch giả, ngoài việc muốn giới thiệu thêm cho các độc giả một bài phỏng vấn Vicka rất sâu sắc do bà Janice T. Connell thực hiện năm 1991, đã được đăng tải trong quyển Mẹ Đến Lần Cuối, xuất bản năm 1997, từ số 201-270, (bản mới sửa 2003) tr. 190-246, thì ở quyển sách này, chúng tôi còn thêm vào cuối sách hai bài phỏng vấn Vicka, sau 15 và 21 năm Đức Mẹ hiện ra, để bạn đọc được thấy: những gì Vicka nói với cha Yanko trong năm 1983, vẫn được giữ y nguyên, trong phần cơ bản của Sứ điệp, không có gì thay đổi. Nhưng, độc giả sẽ được biết thêm nhiều điều quí báu mà Đức Mẹ đã tỏ lộ cho cô từ năm 1983 ấy đến 2002.
Chúng tôi còn thêm một bài phỏng vấn khác do người Việt Nam thực hiện, để chúng ta, người Công giáo Việt Nam, cũng được vinh dự nghe sứ điệp của Đức Mẹ nói với chúng ta qua cô Vicka).
Trở lại với quyển sách : Trong quyển này, trước tiên trần thuật 8 ngày đầu tiên của cuộc hiện ra. Vốn là một biến cố, vậy phải tường thuật, đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng sau đó, người ta như lạc lối trong mê cung rối mù của hàng ngàn lần hiện ra (tuy đó mới chỉ tính đến năm 1984 thôi). Đáng tiếc, bản nhật ký giáo xứ lại đã bị công an tịch thu mất.
Sau đó, cha Yanko duyệt qua cách thong dong phần mô tả Đức Trinh Nữ và sự chọn lựa các thị nhân, rồi đến cái mà ngài gọi là “những chi tiết đáng lưu ý”, “những biểu thị đặc biệt” của Đức Maria với tất cả những hoàn cảnh nào có thể: này giờ giấc, này thời gian dài bao lâu, số các lần hiện ra, và cả những kinh nghiệm về biến cố phi thường ấy v.v.…
Cuộc tìm hiểu này không đem đến cho độc giả một thông tin lý thuyết trừu tượng, một niên biểu sát nút – trừ những ngày đầu tiên – nhưng một thông tin sống động và đầu tay, biểu lộ một sự lưu tâm nhạy cảm với các sự kiện, với những khía cạnh còn ít ai biết, độc đáo và bổ ích. Cha Yanko duyệt qua tất cả, một cách đơn sơ, ngây thơ nữa là đàng khác, và chắc chắn độc giả sẽ gặp những chỗ lặp đi lặp lại mà chúng tôi (cha R. Laurentin) không mấy khi dám loại bỏ, bởi lẽ việc gợi lại cùng một sự kiện rất có thể đưa đến một tia sáng mới mẻ, khi đặt nó vào một mạch lạc khác.
Cuộc tìm hiểu này – diễn ra đang khi các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ còn tiếp tục (và vẫn còn tiếp tục lúc chúng tôi ấn hành sách này) – sẽ lưu trữ cho khỏi chìm vào lãng quên những chi tiết quí giá có nguy cơ bị biến mất.
Tôi (cha R. Laurentin) đã gợi lên nhiều chi tiết để kiểm nghiệm hay làm chính xác hơn cho trình thuật cô đọng của quyển sách của tôi () mà tôi ra công cập nhật hóa nương theo tiến trình của các biến cố Mễ Du đang còn tiếp diễn. “Những chi tiết” ấy đã làm giàu thêm ngay cả việc thông tin về tâm lý và y khoa: ví dụ khi Vicka thấy Đức Mẹ hiện ra, cô kể rằng: cô không trông thấy bức tường mà Đức Mẹ đang đứng trước hay đứng trong đó. Một ký giả báo Glas Koncila bảo cô nhắm mắt lại để thử xem có thấy Đức Mẹ đang hiện ra ở đấy không. Vậy mà cô vẫn thấy Đức Mẹ. Chính cô cũng ngạc nhiên. “Những chi tiết nhỏ nhoi” ấy, được ghi lại cách chắc chắn và trực tiếp, có băng ghi âm làm chứng, quả là những đóng góp mà lịch sử sau này sẽ biết ơn cô Vicka và cha Bubalo.
Thôi, chúng tôi chấm dứt lời giới thiệu ở đây. Mời các bạn bắt đầu nghe cuộc trò chuyện của họ. ()
* * *
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|