VietCatholic News (Thứ Ba 30/09/2008)
Trong thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cho UBND thành phố Hà Nội (25.09.2008) có kèm theo “Quan điểm của Hội Đồng GMVN về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện tại”. Trong những vấn đề ấy, có vấn đề nói đến truyền thông Việt Nam.
Trong mục I, số 2, Hội Đồng GMVN viết: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ”.
Khi nhà nước CSNV quyết không trả đất lại cho xứ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế, thì đã mở một chiến dịch tố cáo giáo dân xứ Thái Hà và các tu sĩ Dóng Chúa Cứu Thế Hà Nội, qua truyền thông nhà nước (truyền hình, truyền thanh, báo Hà Nội, báo trung ương) “gieo rắc hoang mang và nghi kỵ”, như các Giám Mục nhận định.
Trong vấn đề truyền thông của chế độ CSVN hôm nay, chúng ta không nên lên án những người làm việc cho truyền thông. Họ là những nạn nhân của một chế độ bạo tàn, nô lệ hóa họ, bắt họ viết theo lệnh đảng, để kiếm sống. Họ phải nói những điều họ không chấp nhận, họ thấy nhục nhã phải viết những điều họ không muốn viết.
Người đáng lên án là những người của Bộ Chính Trị. Bộ Chính Trị Đảng CSVN đang chỉ đạo chặt chẽ Bộ Thông Tin Truyền Thông và Bộ Công an thực hiện một loạt hoạt động khủng bố, đe doạ, kiểm soát cách độc tài tất cả những người phục vụ Truyền Thông, cách riêng các nhà báo.
Ngày 29.11.2006, Bộ Chính Trị đã ra lệnh cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký chỉ thị 37 của Bộ Chính Trị, qui định sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông, cũng như cương quyết không chấp nhận báo tư nhân. Chỉ thị này được ký sau khi hội nghị APEC kết thúc cũng như Việt Nam đã được kết nạp WTO. Nhà cầm quyền CSVN đã lật lọng, không còn để cho truyền thông được tự do như họ đã hứa để được vào WTO. Chỉ thị này có 2 nội dung chính. Một là tăng cường quản lý triệt để các báo chí ở trong nước, hai là nhất quyết không cho có báo tư nhân tại Việt Nam. Chỉ thị 37 này thể hiện sự độc tài tuyệt đối của Đảng CSVN trên bộ máy nhà nước, tất cả 3 hệ thống hành pháp, tư pháp, kể cả lập pháp đều hoàn toàn dưới quyền cai trị của Đảng CSVN mà cơ quan có quyền lực lớn nhất là Bộ Chính Trị. Trong các nước, quốc hội được qui định là quyền lực cao nhất. Ờ Việt Nam, hiến pháp cũng xác nhận quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, thế mà trong thực tế, cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ Chính Trị. Như thế, chỉ thị 37 của Bộ Chính Trị là vi hiến. Điều 69 của hiến pháp 1992 có qui định cụ thể và đầy đủ những quyền liên quan đến báo chí của công dân, mà cụ thể báo chí tư nhân. “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”.
Nhưng trong chỉ thị 37, lại có một khoản không thể chấp nhận, vi phạm pháp luật. vi phạm cả hiến pháp, như đoạn này: “kiên quyết không để tư nhân hoá báo chí dưới mọi hình thức”. Điều này xâm phạm vào quyền tự do báo chí của mọi người công dân Việt Nam, một quyền đã được hiến định bởi điều 69 của hiến pháp.
Thêm vào đó, công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc năm 1966 mà Việt Nam đã ký ngày 24.09.1982 có một đoạn nói về quyền dân sự và chính trị:
“1 - Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.
2 - Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điềm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm dưới hình thức nghệ thuật hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
3- Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2) Đòi hỏi được sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật về nhu cầu: a/ Tôn trọng quyền tự do và thanh danh của người khác. b/ Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng hay đạo lý”.
Như vậy chỉ thị 37 đã vi phạm nghiêm trọng những luật của Việt Nam và cả luật quốc tế. Chỉ thị 37 bị báo giới lên án kịch liệt, vì tự do ngôn luận là nhân quyền đầu tiên và là phương tiện để thực hiện các nhân quyền khác. Trên 600 tờ báo Việt Nam là những tờ báo của nhà nước, viết theo chỉ thị của đảng, chứ chưa có báo tư nhân, trừ một vài tờ ra không có phép như TỰ DO NGÔN LUẬN mà tôi là chủ nhiệm. Nhưng sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, đảng CSVN sợ báo chí sẽ phát triển mạnh đến tư nhân, nên đảng thấy cần phải ra chỉ thị 37- chỉ thị này bắt báo Việt Nam thành báo nô lệ, không làm sao phát triển và sáng tạo, có phong cách, bản lĩnh.
Với chỉ thị 37, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố một cách trắng trợn: không cho tư nhân ra báo. Đây là một thứ luật rừng bất chấp hiến pháp mà chính đảng CSVN đã nắn ra năm 1992. Không có một ai có quyền ra báo, viết báo theo sự suy nghĩ của mình - Đảng CSVN độc quyền ra báo. Chỉ tồn tại duy nhất một nền báo chí của đảng CSVN. Cứ theo pháp luật, một ông thủ tướng ngang nhiên tuyên bố câu vi hiến như vậy đáng phải buộc tội bãi nhiệm. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng cũng tuân theo Bộ Chính Trị toàn quyền trên cả quốc hội.
Đảng CSVN chỉ muốn có một nền báo chí nô lệ. Và đây là nỗi đau khổ của các nhà báo hiện nay. Toàn bộ các nhà báo Việt Nam đều bị khủng bố trắng trợn khi không viết báo như đảng CS muốn. Quyền tự do báo chí, nghĩa là quyền tự do suy nghĩ và tự do viết báo đang bị chà đạp và thủ tiêu một cách dã man.
Thủ phạm của một nền báo chí dã man là Bộ Chính Trị - Các nhà báo đại đa số là nạn nhân. Họ đang dở sống dở chết. Phải làm thế nào, để tự do báo chí được trả lại cho người dân và nhà báo được hiên ngang viết những gì mình suy nghĩ.
Ngày 29.09.2008
Lm. Chân Tín
|