VietCatholic News (Thứ Hai 29/09/2008)
VẤN ĐỀ CỦA BẠO LỰC
Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 với sự kiện Tòa Tháp Đôi (Twin Towers) ở New York (Hoa Kỳ) bị phá hoại qua cái chết thảm khốc của hơn năm nghìn người dân Hoa Kỳ và một số người các nước khác, người ta nói nhiều đến vấn đề bạo lực (violence), lên án và đặt ra các tổ chức an ninh cấp địa phương và quốc gia nhằm ngăn chận bạo lực hoành hành tại nước Mỹ và trên khắp thế giới, thí dụ, Bộ An Ninh Nội Địa (Home Security Department) do Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush thành lập sau biến cố Sept. 11, 2001. Từ ngữ tiếng Việt với những chữ như bạo lực, bạo quyền, bạo loạn, bạo hành, bạo động, bạo chúa, bạo tàn, bạo bệnh, bạo chính, bạo nghịch, bạo ngược, bạo phát, bạo quân, bạo hổ bằng hà (hành động liều lĩnh, không có suy nghĩ chín chắn) cho người ta nhiều ý niệm phong phú về chữ bạo. Vấn đề bạo lực thật ra không phải là một cái gì mới mẻ nhưng đã có một lịch sử rất xưa cùng với sự xuất hiện của con người trên trái đất. Từ khi có con người là đã có bạo lực, và bạo lực đã được nhìn như một triết lý hành động, được áp dụng dưới nhiều chế độ chính trị qua thời gian cho đến thời đại ngày nay đặc biệt đối với vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà dưới chế độ Cộng Sản tại Việt Nam thời gian gần đây.
1.- Bạo lực qua lăng kính tôn giáo, triết lý và lịch sử dưới ảnh hưởng nền triết học Á Đông.
Ngày xưa Mạnh Tử, một vị á thánh của Trung Quốc có nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (người thuở ban đầu tính vốn thiện) nhưng một vị môn đồ khác của Khổng giáo là Tuân Tử lại chủ trương “Nhân chi sơ tính bổn ác” (người thuở ban đầu, tính vốn ác). Ở đây chúng ta không tranh luận về vấn đề điều thiện hay cái ác thứ nào có trước nhưng một quan điểm có thể có sự đồng ý chung là bạo lực xuất phát từ tâm thức của con người mà nguyên do chính là vì sự đố kỵ và lòng tham lam.
Sách Sáng Thế (4, 1-15) trong Cưụ Ước đã kể lại câu chuyện bạo lực đầu tiên của loài người khi Cain, người con đầu của Ađam (và Eva) giết em mình là Aben chỉ vì Chúa đoái thương Aben và lễ vật y phụng hiến (Đ.M. Trần Đức Huân, Kinh Thánh Cựu Tân Ước, Ra Khơi Thánh Kinh Thiện Bản tái bản, Sài Gòn, 1971, trang 8). Sự đố kỵ mặc dù là với em mình đã khiến bàn tay Cain vấy máu và Thiên Chúa rất công bình khi phán quyết cùng Cain: “Vậy nay ngươi phải vô phước trên mặt đất, vì đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi đổ ra; ngươi cày bừa ruộng đất mà chẳng thu được hoa trái, ngươi sẽ đi dông dài trốn tránh trên mặt đất.” (Trần Đức Huân, Sách đã dẫn trang 8-9). Sách Sáng Thế cho biết khi Cain thưa cùng Đức Chúa về nỗi lo sợ của y sẽ bị người khác gặp mà giết thì Đức Chúa đã trấn an người con đầu của Ađam bằng cách cho y một ám hiệu để biết mỗi khi ai gặp, người ta sẽ không giết y. Nghiệm cho cùng Cain vì gây ra bạo lực (tội ác) nên phải lo sợ bị quả báo bởi vì “thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu giả nan tàng” . Chúng ta không biết rõ Đức Chúa đã cho Cain ám hiệu gì để người ta khi gặp sẽ không giết y, và có lẽ các nhà chú giải Thánh Kinh đã có kiến giải về vấn đề này mà chúng tôi không đủ điều kiện nên chưa đọc tới. Tuy nhiên, cứ theo kinh nghiệm về nhân tướng học Việt Nam rằng “lụa tốt xem biên, người hiền xem tướng” , hoặc “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “hiện tượng Cain” hay hiện tượng bạo lực chắc chắn lộ ra từ con người của y (cử chỉ, lời nói, khuôn mặt) và thông qua cái lương tri (bon sens, vốn do Tạo Hóa ban cho) của những kẻ gặp y. Những kẻ làm ác cho dù cố dấu diếm hành tung của mình, và mặc dù cố mai phục dưới biết bao danh từ hoa mỹ chắc chắn không thể nào mà không bị lộ ra. Sách Trung Dung của Khổng Tử đã có nói “Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi” (Không có gì che dấu mà không hiện ra, không có gì nhỏ nhặt mà không hiển hiện) và trong Kinh Tụng Ca của Lễ Cầu Hồn Công Giáo (Requiem) cũng đã có viết: “Quidquid latet apparebit” (Không có gì che dấu mà không tỏ lộ) dù được viết trong thời khoảng rất xa nhau nhưng cũng chung một quan điểm đó là không có gì che dấu được sự thật.
Kinh nghiệm cho hay người ta có thể bị lầm một lần hoặc hai lần nhưng không thể bị lầm mãi mãi. Goebbels (1897-1945), cựu Bộ trưởng Tuyên Truyền của Hitler đã từng chủ trương từ những năm 30 của thế kỷ XX rằng cứ nói láo, tiếp tục nói láo rồi một ngày kia điều nói láo đó sẽ trở thành sự thật. Luận cứ đó của Goebbels ngày trước cũng có thể lừa bịp được nhân dân Đức trước khi Hitler lên nắm chính quyền (1933) và trong Thế chiến II (1939-1945) nhưng ngày nay đã hoàn toàn bị phá sản vì kỹ thuật thông tin tuyên truyền hiện tại đã quá tiến bộ (mau) và rộng khắp (toàn cầu). Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày nay còn chấp nhận dùng phương pháp cổ lổ sĩ của Goebbels thì chính là tự bóc trần bản chất gian manh của mình trước công luận.
Đối chiếu với lịch sử cận đại Việt Nam, theo Hoàng Văn Chí trong tác phẩm From Colonialism to Communism, A case history of North Vietnam (Nhà xuất bản Frederick A. Praeger, Second Printing, 1965, trang 70), hai chữ Việt Minh xuất phát từ tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm lập ra tháng 1 năm 1936 mà Hồ Chí Minh đã cưỡng đoạt lúc còn ở Trung Hoa thường được viết tắt là VM, đọc nhanh là VẸM. Trong tiếng Việt, VẸM có nghĩa con vẹt, nghĩa là nói như con vẹt, tức là nói láo. Lời ví von này có nghĩa là được dạy cho điều gì thì lặp lại điều đó. Cho nên “nói như cán bộ Việt Minh” có nghĩa nói láo như Vẹm, tức giả nhân giả nghĩa như Vẹm. Cụ Hoàng Văn Chí từng là chuyên viên in bạc cho Hồ Chí Minh trong thời gian kháng chiến nhiều năm, đã bỏ về thành nên biết rất rõ chế độ Cộng Sản. Theo cụ Chí cho biết, để tránh bị nhân dân cười cợt hai chữ Việt Minh, là VÊ-EM tức Vẹm, đảng CSVN bèn đổi hai chữ Việt Minh ra Liên Việt nhưng do thái độ ởm ờ, quờ quạng, phản trắc, không “thiệt nhân thiệt tính” của đảng Cộng Sản Việt Nam và các thành viên trong mặt trận Liên Việt, dân chúng khắp nơi gọi Liên Việt là LỜ VỜ ! Như thế đủ biết quần chúng Việt Nam lúc nào cũng biết cảnh giác, và cảnh giác cao độ chứ không thể để CS lừa bịp dễ dàng.
Sự thật nói ở trên có thể đem đối chiếu với hành động gian ác của bạo quyền Cộng Sản qua vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội trong những tháng ngày qua. Chắc chắn người Công Giáo VN và nhân dân nước Việt đã nhận diện được chân tướng của bọn cầm đầu nhà nước Cộng Sản và không thể lầm mãi với chế độ Cộng Sản được.
Trong triết lý chính trị của Á Đông thời cổ có thể nêu một thí dụ điển hình về việc sử dụng bạo lực là việc nhà Tần (221-206) áp dụng chính sách của Pháp gia trong việc thống nhất Trung Quốc vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Pháp gia là học phái chủ trương dùng hình phạt, pháp luật, nhất là bạo lực để thôn tính hay thống trị một đất nước.
Theo bản đồ của J. Gernet vẽ nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, nước Tần ở vào một vị trí hẻo lánh lại mang tính chiến lược tại phía tây của quốc gia Trung Hoa này so với các nước khác thời Chiến Quốc như Ba Thục, Chu, Tống, Lỗ, Tề, Triệu, Yên đa số ở về phía đông, nghĩa là ít bị các nước khác dòm ngó. Nước Tần có cửa ải Hàm Cốc vốn là một vị trí địa lý rất hiểm trở “một người giữ cửa đó thì cự được vạn người”. Tần Thủy Hoàng đã biết khai thác thế địa lý chính trị (geopolitics) của ải quan này mình bằng cách từ phía tây đột nhập tấn kích các nước phía đông rồi sau đó rút lui mà các nước kia không dám mạo hiểm truy kích về phía tây. Chiến lược này về sau đã ảnh hưởng trên chiến lược của Mao Trạch Đông đó là “lấy rừng núi chế ngự nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị”. Buổi đầu (năm 242) Tần Thủy Hoàng dùng Lã Bất Vi làm Tể tướng, sau đó bãi chức họ Lã và dùng Lý Tư, một môn sinh của Tuân Tử thuộc phái Pháp gia. Trong phái Pháp gia người giỏi hơn cả là Hàn Phi Tử, bạn học của Lý Tư, rất được Tần Thủy Hoàng khâm phục vì nghe tiếng nhưng chưa từng gặp gỡ. Vì đố kỵ tài năng, Lý Tư đã gièm pha Hàn Phi Tử khi ông này tới Tần được ít lâu nên Hàn Phi Tư bị tống giam và bỏ mạng trong ngục. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả trong chính sách của Tần Thủy Hoàng áp dụng sau khi thống nhất được Trung Quốc đó là vua Tần dùng Thương Ưởng hay Vệ Ưởng, cũng là một môn đồ của Pháp gia, và đã dám áp dụng những biện pháp cải cách sắt máu quan trọng trong đó có việc tiêu diệt giai cấp quý tộc mà lập ra một giai cấp mới là giai cấp quân nhân, cũng giống như CS sau này chủ trương “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, tróc tận rễ” để theo chính sách chuyên chính vô sản. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, “Tần đã thành công nhờ chính sách độc tài, sự tổ chức chặt chẽ, chiến thuật đại tài, mà cũng nhờ mưu mô xảo quyệt: dùng một bọn do thám cho lẻn vào tất cả các nước, vung tiền ra mua chuộc các đại phu, tướng quân của địch, mua chuộc không được thì ám sát. Những cách đó thành công rồi, lúc đó Tần mới đưa quân vô. Hàn (230), Triệu (228), Ngụy (225), Sở 223, Tề (221) đều vì vậy mà bị diệt.” ( Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Văn Nghệ xb. 2003, tr. 112).
Mua chuộc không được thì ám sát, tức là sử dụng bạo lực bởi vì mục đích biện minh cho phương tiện (la fin justifie les moyens). Tuy cùng là học trò của Tuân Tử nhưng hành động của Lý Tư lại khác với Hàn Phi Tử. Bạo lực nói chung là triết lý hành động của những người theo chủ nghĩa Cộng Sản như trường hợp Mao Trạch Đông thủ tiêu Lưu Thiếu Kỳ, Stalin cho giết Trosky tại Mễ Tây Cơ năm 1936, Hồ Chí Minh thanh toán Tạ Thu Thâu, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi v.v...
2.- Bản chất của bạo lực Cộng Sản qua một số sự kiện lịch sử.
Con người hay một tập thể cá nhân quen sử dụng bạo lực xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có gia đình, môi trường giáo dục hay xã hội. Nếu là gia đình tốt, có căn bản giáo dục đàng hoàng thì con cái tất nhiên cư xử đúng khuôn phép lễ giáo nhờ đó bạo lực ít khi xảy ra trong đời sống gia đình.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã uốn nắn hun đúc ông thành con người của bạo lực vì ảnh hưởng của gia đình, gia tộc của ông, nhưng lại được che dấu dưới rất nhiều lớp son do kỹ thuật sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ của guồng máy cai trị thực hiện.
Thân phụ của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng năm 1901, làm thừa biện bộ Lễ từ năm 1902 đến 1909 rồi được bổ làm tri huyện Bình Khê (Bình Định). Ông Sắc vốn nghiện rượu nên thường hay say. Vào tháng 1-1910, trong một cơn say rượu tri huyện Sắc đã dùng roi mây đánh chết một người tù, tên là Tạ Đức Quang (theo Bùi Tín, hồi ký Mặt Thật, (Nxb Saigon Press,, California, 1993, tr. 95). Vì ông Nguyễn Sinh Sắc có học vị cao nên triều đình cho khỏi bị đánh đòn 100 trượng để giữ thể diện cho ông ta, và ông chỉ bị hạ bốn cấp bậc quan lại và bị sa thải. Theo lời bà Nguyễn Thị Thanh, chị ruột của Hồ Chí Minh cho biết, “bà không thể chịu đựng lâu ngày thái độ cộc cằn thô lỗ của cha bà, nay đã mắc phải tật nghiện rượu và thường hay đánh đập bà.” (Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l”Indochine au Vietnam, Nxb. Gallimard, Paris, 1990, tr. 133. Trần Gia Phụng, Án tích Cộng sản Việt nam, Nxb. Non Nước, Canada, 2001, tr. 336).
Trong bài viết Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia đăng trong cuốn sách Trong Cõi, (Nxb Trăm Hoa, California, 1993) nhà sử học Trần Quốc Vượng cho biết ông Nguyễn Sinh Sắc thật sự không phải là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm mà chính là con của cử nhân Hồ Sĩ Tạo ở làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà Hà Thị Hy vốn có thai với ông Hồ Sĩ Tạo, được gia đình gả cho anh dân cày nhưng tương đối có của mà tuổi cao, lại góa vợ là Nguyễn Sinh Nhậm để tránh tai tiếng cho gia đình là có con gái chửa hoang. Sự việc này được nhiều người ở làng Sen biết nhưng ai cũng để bụng nhất là khi ông Hồ đã lên làm chủ tịch nước VNDCCH. Một lai lịch gia đình tai tiếng và bất minh như vậy, một ông cha nghiện ngập đến luôn luôn sử dụng bạo lực, thượng cẳng tay hạ cẳng chân với con cái trong gia đình lại có tiền án đánh chết người như Nguyễn Sinh Sắc, tất nhiên là có ảnh hưởng rất xấu trên con cái trong nhà như Nguyễn Sinh Cung hay Nguyễn Tất Thành hoặc Hồ Chí Minh.
Với chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam, từ năm 1945 bạo lực đã được công khai sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu để tiêu diệt các thế lực mà họ coi là thù nghịch như các chính đảng quốc gia Việt Quốc, Đại Việt, Duy Dân, Dân Xã, các nhân vật Công Giáo, Phật Giáo có uy tín, v.v... mà rất nhiều tư liệu đã đề cập đến.
Trong nội bộ đảng Cộng sản, bạo lực và thủ đoạn cũng được sử dụng để tranh dành quyền lực, bịt miệng đối thủ, khỏa lấp sự thật mà bản thân những người lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đã từng có những kinh nghiệm cá nhân.
Với Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1925, đã từng cấu kết với Lâm Đức Thụ bán cụ Phan Bội Châu cho thực dân Pháp lấy 100.000 quan để cướp quyền lãnh đạo các lực lượng cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa như Tâm Tâm Xã, biến các cán bộ của tổ chức này thành cán bộ CS.
Năm 1930, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã từng hứa hôn với nhau khi qua Trung Quốc làm việc tại Đông Phương Bộ Quốc tế Cộng Sản. Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt và thả ra năm 1934. Lúc này Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai được chọn làm đại biểu đi dự Đại Hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 7 tổ chức tại Liên Xô. Lê Hồng Phong lên đường về nước trước còn Nguyễn Thị Minh Khai ở lại thụ huấn với Hồ Chí Minh để tham dự đại hội. Sự gian díu của Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai trong thời gian ngắn này đã dẫn đến việc Nguyễn Thị Minh Khai có thai. Khi hai người này đến Liên Xô, tổ chức Đảng CSLX đã có những can thiệp để hai người chính thức thành hôn với nhau. Lê Hồng Phong bị bắt ở Chợ Lớn năm 1938 sau khi chia tay với Hồ Chí Minh tại Hongkong để về nước. Nhà nghiên cứu sử học Minh Võ nêu nhận xét: “Cuộc gặp gỡ giữa Lê Hồng Phong và Hồ Chí Minh diễn ra hết sức bí mật nên việc bị bắt của lê Hồng Phong cũng thành một nghi vấn là có thể do bàn tay hãm hại của ông Hồ vì ông vẫn biết Lê Hồng Phong chưa nguôi thù hận về câu chuyện tình với Minh Khai nên rat ay trừ khử.” (Minh Võ, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Nxb. Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006, tr. 62).
Đối với những người cán bộ CS do Liên Xô huấn luyện, được cử về Việt Nam hoặc Trung Hoa hoạt động bên cạnh Hồ Chí Minh để theo dõi họ Hồ, Hồ Chí Minh cũng tìm cách dùng bạo lực để thanh toán. Cụ thể là ngày 16-8-1945, khối này được gọi là khối Ly Khai đã bị Việt Minh tấn công ở Ô Cầu Giấy khiến cho một số tử nạn và một số thoát được như Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ, Nguyễn Công Tuyền, Tạ Thu Thâu, Đào Tuấn Kiệt, Lê Ngọc Huỳnh, Trần văn Mại...
Tuy nhiên nhóm Đệ Tứ Quốc Tế vẫn là nhóm bị Hồ Chí Minh và đảng CS Đông Dương thù ghét nhất. Trong một chỉ thị nhắc cho Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng ta không thể nhượng bộ điều gì cho nhóm Tờ-Rốt-Kít. Chúng ta phải làm tất cả mọi việc có thể được để lộ mặt nạ của chúng là những con chó của Phát Xít và tiêu diệt chúng về chính trị.” (Minh Võ, Sách đã dẫn, tr. 64).
Sau vụ Ô Cầu Giấy, Tạ Thu Thâu trở về Nam bằng hỏa xa. Đến Quảng Ngãi, ông ghé thăm người con của Nguyễn An Ninh vào tháng 9-1945, bị cán bộ Việt Minh phát hiện và bắt giết tại bờ biển Mỹ Khê, Quảng Ngãi. Trong thời gian ở Pháp tham dự hội nghị Fontainebleau, khi trả lời Daniel Guérin, một đảng viên đảng Xã Hội Pháp hỏi về cái chết của Tạ Thu Thâu, Hồ Chí Minh giả bộ buồn rầu trả lời: “Ông Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc; chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất...” Và khi Guérin hỏi tiếp ai là thủ phạm trong vụ ám sát này, Hồ Chí Minh khẳng quyết: “Tất cả những ai đi trái với đường lối của tôi vạch ra đều sẽ bị tiêu diệt...”
Việc Phùng Chí Kiên bị giết cũng do Hồ Chí Minh thực hiện qua Võ Nguyên Giáp. Vì Phùng Chí Kiên vừa biết quá nhiều về dĩ vãng của Hồ Chí Minh vừa được Liên Xô tín nhiệm nên được giao nắm lực lượng vũ trang trên cả Võ nguyên Giáp. Sư có mặt của Phùng Chí Kiên sẽ khiến Hồ Chí Minh khó nắm trọn quyền lực (Minh Võ, Sđd, tr. 248).
Trong tác phẩm Đêm giữa ban ngày, nhà văn Vũ Thư Hiên đã nói đến trường hợp Nông Thị Xuân bị Hồ Chí Minh ra lệnh cho Trần Quốc Hoàn thanh toán sau khi có với Hồ một đứa con trai tên Nguyễn Tất Trung càng chứng tỏ khả năng sử dụng bạo lực của “bác” ngay cả đối với người thiếu nữ nhà quê chơn chất, thật thà từng là đồ chơi của mình.
Từ năm 1954, sau khi chế độ CS chiếm được một nửa VN, đảng CS đã tiến hành thanh toán bằng thủ đoạn và bạo lực các thành phần trí thức Miền Nam theo CS như Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Trấn, mà một số tư liệu đã vạch trần sự thật trước công luận nhân dân. Từ năm 1975 đến nay, hành vi bạo lực vẫn tiếp tục được sử dụng để tranh quyền đoạt chức, thanh toán các tranh chấp nội bộ. Chẳng những thế, bạo lực còn là tiếng nói đè bẹp công lý, ngăn chận các vụ khiếu kiện của dân oan, chà đạp tự do tôn giáo, thủ tiêu các trào lưu đấu tranh cho tự do, dân chủ của người dân Việt Nam. Các cụm từ như “bạo lực cách mạng”, “bạo lực chuyên chính vô sản” vốn được chính quyền CSVN công khai sử dụng như khẩu hiệu thường ngày của họ để kích động thú tính trong lòng người cán bộ CS đồng thời là lực răn đe đối thủ, đối phương.
Qua biến cố Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà, người Công Giáo Việt Nam đã và đang đối diện với bạo lực của chính quyền CS cụ thể là những vụ việc đàn áp đã xảy ra trong các ngày 28 và 31-8-2008 tại Thái Hà mà cao điểm là chính quyền đã dùng bạo lực để biến khu đất Tòa Khâm Sứ ngày 19-9 và Linh địa Đức Bà của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội trong tuần qua thành công viên cây xanh, một hình thức cưỡng đoạt vật sở hữu của tôn giáo.
3.- Người Công Giáo Việt Nam phải làm gì trước chính sách bạo lực của ngụy quyền Cộng Sản?
Cộng Sản sở dĩ khai thác được sức mạnh của bạo lực vì biết rằng bản tính tâm lý con người là lúc nào cũng sợ, cũng muốn yên ổn trong cuộc sống chứ không muốn bị quấy rầy, phiền phức. Cộng Sản có nhiều kinh nghiệm áp dụng bạo lực đối với các thành phần dân chúng trong đó có cả trí thức, nông dân, đảng phái, tôn giáo. Ngoài ra Cộng Sản còn có cả một kho tri thức về phương cách áp dụng bạo lực học được từ các nước trong khối CS trên thế giới trước đây đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các quốc gia theo phe Xã hội Chủ nghĩa. Thêm vào đó, Cộng Sản Việt Nam còn có khả năng sáng chế ra các thủ thuật áp dụng bạo lực cách tinh vi, độc hiểm của riêng mình mà những ai trải qua nhiều năm tháng trong lao tù của chúng đều phần nào hiểu biết. Các phương tiện nhân sự đông đảo, tiền bạc rất dồi dào của đảng CSVN là nguồn hỗ trợ mãnh liệt cho chính sách bạo lực mà trong cuộc đối đầu này giữa bạo quyền với tôn giáo, có người đã ví như trứng chọi đá.
Trước hết người Công Giáo Việt Nam phải chuẩn bị cho mình một tinh thần dứt khoát đó là không sợ bạo lực. Sau khi Cain giết Aben, y cảm thấy sợ về hành động sát nhân của mình và tìm cách lẩn trốn Thiên Chúa. Tâm lý biết sợ của Cain sở dĩ có là vì y đã biết mình làm việc trái với nhân luân. Người Công Giáo cầu nguyện để đòi công lý và sự thật, không đòi lật đổ chính quyền, không làm việc gì vi phạm luật pháp mà hành động trong khuôn khổ của đức tin. Thật sự, những kẻ manh tâm thi hành bạo lực như bọn công an với chó nghiệp vụ, bọn thanh niên du đảng Hồ Chí Minh, bọn cai nghiện côn đồ, mới chính là những kẻ mang tâm lý sợ sệt vì chúng gây ra tội ác. Cần phải khuếch tán tinh thần “vô úy” (không biết sợ) trong đơn vị gia đình để người chồng hỗ trợ cho người vợ, cha mẹ nâng đỡ khuyến khích con cái, anh chị em yểm trợ cho nhau, người trong giáo xứ khích lệ lẫn nhau. Trên một bình diện rộng hơn, tinh thần vô úy phải được coi là một triết lý sống giữa những người còn có chút thiện tâm đối với một xã hội băng hoại về mọi thứ đạo đức một khi tiền bạc được coi là thước đo giá trị con người. Khi tạo được cho mình một tâm thức “vô úy”, con người sẽ trở nên bình tĩnh hơn để đối phó khôn ngoan với các thực tế chung quanh, nhất là đối phó với các mưu ma chước quỷ của chính quyền CS. Với tinh thần vô úy, con người nhận thức được giá trị thực tại tâm linh của cuộc sống, giá trị của nhân phẩm với các chiều sâu nội tâm mà Thiên Chúa đã đặt để trong từng người.
Xã hội Việt Nam hôm nay cần một luồng gió mới thổi từ những tâm hồn công chính, không biết sợ cường quyền và bạo lực, sẽ được thay da đổi thịt ít nhất là về phương diện tinh thần với não trạng mới. Tinh thần hiệp thông qua hình ảnh Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đi thăm gia đình những người có thân nhân bị chính quyền bắt trong vụ việc Thái Hà và nhất là sự hiệp thông của toàn thể các giáo phận ở trong nước và các giáo xứ, cộng đoàn, đoàn thể khắp nơi trên thế giới đã là yếu tố quan trọng khích lệ tinh thần phấn chấn hy sinh cho mục tiêu đòi công lý của giáo dân tại Tổng giáo phận Hà Nội cũng như tại giáo xứ Thái Hà, không sợ bạo lực và sẵn sàng đương đầu với bạo lực bằng tinh thần cầu nguyện của mình.
Trong nỗ lực tạo cho mình tinh thần “vô úy” đó, người Công Giáo Việt Nam tìm đến nguồn ân sủng khích lệ nhất đó là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bởi vì Các Ngài đã bày tỏ tinh thần “vô úy” đến mức cao điểm nhất với sự hiến dâng mạng sống của mình vì đức tin. Các Ngài đã chịu biết bao hình thức tàn ác của bạo lực như đánh đập, tù ngục, chửi bới, khắc chữ vào mặt, bị gọi là “tả đạo”, “dữu dân” (dữu là một thứ cỏ dại), bị phân sáp, không được làm việc mục vụ như đọc kinh, xem lễ, bị cướp hết mọi tài sản như ruộng đất, tiền bạc, nhà cửa và nhiều hình thức của cái chết như chết rũ tù, bị lăng trì, xử giảo (thắt cổ), chém đầu, chém ngang lưng, voi giầy, ngựa xéo v.v... Chính Các Thánh Tử Đạo VN, tiền nhân của chúng ta, sẽ phù hộ cho con cháu thoát khỏi nỗi sợ hãi thường tình, trở nên cam đảm, vượt thắng bạo lực.
“Đừng sợ...” là lời dạy của Đức Kitô nói với các Tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai, cũng là thông điệp mà Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II nói với người Công Giáo Ba Lan năm 1979 khi Ngài về thăm quê hương của mình để từ đó sức mạnh của đức tin tiến lên như ánh sáng đẩy lùi bóng tối. Một khi tinh thần “vô úy” trở thành phổ biến trong xã hội Việt Nam, thái độ “không sợ” đã trở thành bản lĩnh của mọi người dân Việt thì chắc chắn bạo quyền phải lùi bước.
Thứ đến, người Công Giáo Việt Nam phải vững tin vào mục tiêu tranh đấu của mình đó là đòi cho được công lý và sự thật. Xã hội Việt Nam hôm nay thật sự không vắng bóng công lý và sự thật. Vì không có công lý cho nên tham nhũng đã hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Vì không có công lý cho nên xảy ra biết bao nhiêu vụ khiếu kiện của người dân khắp nơi vốn bị cướp đất, cướp ruộng một cách bất công mà không hề được chính quyền lưu tâm giúp đỡ.
Ngày 26-9-2008, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã công bố bản “Quan điểm của Hội đồng Giám Mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” gồm ba điểm nhận xét về tình hình và ba điểm đề nghị cụ thể gọi là quan điểm nhằm giải quyết tình hình hiện nay. Đọc bản quan điểm này, người ta thấy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định rất sâu sát rõ ràng về tình hình đất nước hiện nay thông qua vụ việc Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà, đồng thời chỉ ra những hướng đi giải quyết cụ thể nói lên thiện chí đóng góp ý kiến của các vị lãnh đạo Công Giáo tại Việt Nam trong tinh thần ôn hòa, bình tĩnh giải quyết những tranh chấp đầy khó khăn hiện tại. Bản quan điểm của HĐGMVN sẽ là cẩm nang giúp cho chính quyền CS ra khỏi cảnh lúng túng, hạ sách khi họ tưởng rằng dùng bạo lực như công an, chó nghiệp vụ, bọn thanh niên du đảng Hồ Chí Minh, lũ người đầu trâu mặt ngựa cai nghiện tâm thần, súng đạn, roi điện, hơi cay để trấn áp giáo dân là mọi chuyện đều xong... Bạo lực đã lầm!
Qua bản Quan điểm này, người Công Giáo Việt Nam có thể thực hiện các việc làm của mình một cách thích ứng theo tinh thần hòa bình mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã vạch ra.
Seneca (4 trước C.N-65), một triết gia cổ điển phương Tây có nói một câu nổi tiếng: “Sự tàn bạo tự nó đã uống một phần lớn nọc độc của nó” (La méchanceté boit ell-même la plus grande partie de son venin) . Chính quyền CSVN đã sử dụng bạo lực với tất cả sự tàn ác (méchanceté) cả trong lãnh vực truyền thông, báo chí để vu khống, xuyên tạc, đặt điều, bôi nhọ Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nhưng việc làm đó đã bị phản tác dụng, trở thành gậy ông đập lưng ông, đúng triết gia Seneca đã nhận định và như Đức Kitô đã cảnh báo “Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” . (Mát-thêu, 26, 52). Chính quyền CSVN phải nhớ rằng dùng bạo lực đối với nhân dân sẽ chết vì bạo lực. Chính quyền với nhân dân cũng giống như thuyền đi trên nước, thuyền đi trên nước nhưng nước cũng có thể lật nhào và nhận chìm thuyền.
(New Jersey 29-9-2008)
Nguyễn Đức Cung
|