HỌC NƠI THÁNH NỮ TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, # 5 GM. JB Bùi Tuần
Thánh nữ Têrêsa, mà tôi nói tới ở đây, mang theo nhiều tên phụ, như: • Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, • thánh Têrêsa thành Lisieux, • thánh Têrêsa, bổn mạng các xứ truyền giáo, • thánh Têrêsa, tân tiến sĩ Hội Thánh, • thánh Têrêsa nhỏ, • thánh Têrêsa trẻ đẹp. Tên phụ nào trên đây cũng dễ thương. Chính nữ tu 24 tuổi này (1873-1897) càng rất dễ thương.
Lần nào sang Pháp, tôi cũng đến Lisieux, vào cầu nguyện tại tu viện Carmel, nơi Têrêsa đã sống 9 năm đời tu. Tại đó, tôi thường dâng thánh lễ trên bàn thờ, mà xưa Têrêsa dọn đồ lễ.
Cách đây mấy năm, Mẹ Bề trên tu viện tặng tôi một kỷ vật nhỏ. Đó là chút tóc của Têrêsa. Với sợi tóc này, khoảng cách coi như không còn là vấn đề. Khoảng cách trong lãnh vực tình cảm được gần lại rất nhiều và mau lẹ một cách tự nhiên. Nhưng khoảng cách trong lãnh vực tư tưởng chỉ gần lại do học hỏi dần dần.
Càng ngày, tư tưởng của thánh nữ càng thu hút nhiều người, trong đó có tôi. Nhất là từ khi cuốn Giáo lý Hội Thánh Công giáo được Đức Giáo Hoàng công bố ngày 11/10/1992 đã nhiều lần trích dẫn tư tưởng của thánh nữ, như một uy tín lớn. Nếu muốn kiểm chứng, xin xem các số sau đây trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo: 127, 826, 956, 1011, 2011, 2558. Mọi tư tưởng đạo đức của thánh nữ được gói ghém trong Thủ bản Tự thuật do thánh nữ viết theo lệnh Mẹ Bề trên. Tôi có cảm nghĩ này: Sở dĩ các tư tưởng của thánh Têrêsa được trân trọng và học hỏi, là vì một đàng các tư tưởng đó chan hoà sự sống Phúc Âm, và một đàng, tinh thần nữ tu Têrêsa là một thứ hơi thở thiêng liêng, mà Chúa Giêsu thổi vào Hội Thánh, để ban Chúa Thánh Thần cho một thời điểm cần nhiều đổi mới.
Khi học hỏi nơi thánh Têrêsa, tôi vẫn xin Chúa Thánh Thần chỉ dẫn. Sau đây, là một số điều trong những gì tôi đã học được nơi thánh nữ.
HỌC PHÚC ÂM. Thánh Têrêsa lúc 13 tuổi Có thể nói Têrêsa là một sách Phúc Âm sống. Để chuẩn bị cho Têrêsa đi vào Phúc Âm, Chúa đã cho chị qua con đường sách Gương Phúc. Sách Gương Phúc mang nội dung “Bắt chước gương Chúa Giêsu”. Têrêsa viết: “Từ lâu, con đã sống bằng thứ bột tinh tuyền chứa đựng trong cuốn Gương Phúc. Đó là cuốn sách độc nhất đã đem lại cho con nhiều ơn ích, vì lẽ lúc bấy giờ con chưa biết tìm kiếm kho tàng giấu ẩn trong Phúc Âm. Con thuộc lòng hầu hết mọi chương cuốn sách Gương Phúc quí giá”. Thời gian lúc đó, Têrêsa mới 13 tuổi.
Gương Phúc đưa tới Phúc Âm. Khi nói về Phúc Âm, Têrêsa khẳng định: “Trên tất cả, vẫn là Phúc Âm. Nó nâng đỡ con suốt giờ nguyện gẫm. Nơi Phúc Âm, con tìm được tất cả những gì cần thiết cho linh hồn non yếu của con. Con luôn luôn tìm được ở đó những nguồn sáng mới, những ý nghĩa bí ẩn và huyền nhiệm”.
Thực vậy, đọc Thủ bản Tự Thuật, tôi có cảm tưởng suốt đời Têrêsa đã đi trên một con đường được chiếu sáng bởi những chặng cột đèn Phúc Âm, san sát chạy dài.
Nếu tìm Phúc Âm trong đời Têrêsa do chính Têrêsa kể lại, người ta thấy những tư tưởng Phúc Âm được nhắc lại rất nhiều lần, hoặc nguyên văn hoặc ý nghĩa. Chỉ xin nêu lên một ít nguồn Phúc Âm và số lần được dùng trong Tự Thuật. Phúc Âm Matthêu 71 lần. Phúc Âm Marcô 13 lần. Phúc Âm Luca 59 lần. Phúc Âm Gioan 62 lần. Thư gởi Rôma 10 lần. Thư gởi 1 Corintô 13 lần Thư gởi 2 Corintô 06 lần. Thư gởi Galata 03 lần. Thư gởi Colôsê 04 lần. Thư gởi Thessalonica 12 lần. Thư gởi Do Thái 04 lần. Khải Huyền 21 lần. Tông đồ công vụ 03 lần. Các nguồn Phúc Âm, khi đi vào đời Têrêsa, đã không còn là một lý thuyết, nhưng đã biến thành sự sống của Têrêsa. Thiên Chúa trong Phúc Âm là tình yêu của chị. Con đường Chúa Giêsu đi trở nên cuộc đời của chị. Khi Têrêsa nói Thiên Chúa là tình yêu của tôi, là Đấng cứu độ của tôi, thì chữ “của tôi” mang rất nhiều ý nghĩa sống động. Chính tình tiết đó đã là một yếu tố thúc đẩy tôi học Phúc Âm nơi thánh nữ Têrêsa. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng là một vẻ đẹp thu hút tôi đến với tư tưởng Têrêsa. Yếu tố là tinh thần đổi mới.
TINH THẦN ĐỔI MỚI. Trong một giai đoạn lịch sử có thói quen quá đề cao nhiều thứ giá trị, nhưng lại hạ thấp đức bác ái ít là trên thực tế, thì Chúa đã dùng nữ tu Têrêsa để nhấn mạnh đến đức ái. “Ôi Giêsu! Tình yêu của con ôi! Con đã tìm thấy ơn gọi của con rồi, ơn kêu gọi của con là tình yêu... Trong trái tim Hội Thánh Mẹ con, con sẽ là tình yêu”.
Trong một nếp sống đạo mà việc cạnh tranh thành tích, ưa thích địa vị, có nguy cơ trở thành bình thường, thì Chúa gởi chị nữ tu dòng kín Carmel này đến giới thiệu con đường thơ ấu bé nhỏ: “Con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một tiểu lộ, vừa thẳng lại vừa ngắn, một tiểu lộ hoàn toàn mới... Thế rồi, con đã đi tìm trong Sách Thánh,. .. và con đã đọc thấy những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: “Ai thực bé nhỏ thì hãy đến với Ta”... Vì thế mà con chẳng cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày càng sẽ bé dần đi mãi”.
Trong một tình hình mà con người muốn khẳng định mình một cách quá đáng, cả trong lãnh vực thiêng liêng, Chúa cho chị nữ tu Têrêsa đưa ra một chân lý đầy khiêm tốn, đề cao vai trò ơn thánh, nhìn nhận sự yếu đuối của mình: “Lúc đời tàn, con sẽ trở về với Chúa, hai bàn tay trắng, vì con không xin Chúa đếm các việc con làm. Trước mặt Chúa, sự công chính của con vẫn còn đầy thiếu sót. Bởi vậy, con muốn mặc lấy chính sự thánh thiện của Chúa và chiếm đoạt chính Chúa cho đến muôn đời. Con chẳng muốn hưởng ngai báu hay triều thiên nào khác hơn là chính Chúa, ôi lạy Chúa Giêsu con yêu mến”.
Trong một cách sống đạo quen an phận với việc giữ đạo nhàn hạ trong nội bộ, với cái nhìn hẹp hòi, Chúa dùng chị dòng trẻ Têrêsa nói lên niềm thao thức truyền giáo một cách mê say: “Con muốn đi rao giảng Phúc Âm khắp năm châu, đến tận cùng những hải đảo xa xôi nhất. Con muốn làm vị thừa sai không những trong một ít năm, mà còn muốn được làm thừa sai từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế”.
Thiết tưởng những gì trên đây mà Têrêsa đã nghĩ và sống, đều có thể thực hiện được đối với chúng ta. Nếu cần, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu lại hành trình thiêng liêng của mình. Thời của Hội Thánh sẽ đến, khi nhiều người của Hội Thánh sống trong thế gian như những trái tim đầy lửa yêu thương, mang thánh giá cứu độ, thích đi vào những con đường bé nhỏ phục vụ một cách khiêm nhường, để giới thiệu Thiên Chúa là tình yêu xót thương.
Thánh nữ Têrêsa có lần đã hứa: Khi về trời, sẽ làm mưa hoa hồng xuống. Tôi thấy là thánh nữ đã và đang giữ lời hứa ấy. Nhưng điều nên để ý ở đây là: Mọi người có đón nhận các hoa hồng đó không? Bởi vì đây là những hoa hồng có thánh giá, tượng trưng cho hy sinh. Hai vẻ đẹp đó vốn đi đôi với nhau. Tình yêu thiếu hy sinh là tình yêu giả. Hy sinh thiếu tình yêu là hy sinh thừa. Vì thế, tượng ảnh thánh nữ Têrêsa thường ôm hoa hồng và thánh giá. Chúng ta nên tâm sự nhỏ nhẹ với thánh nữ về hình ảnh như thế của riêng ta. Thiết tưởng đó cũng là cách chúng ta mừng lễ của vị thánh thân thương đã có một thời ao ước được sang tu tại Việt Nam chúng ta.
Gm. JB Bùi Tuần
|