KHỦNG HOẢNG
Nghĩ về đời người, ai cũng dễ nhận thấy có quá nhiều thứ làm ta sợ hãi, khủng hoảng :
Nào là núi lửa, động đất, sóng thần, bão tố, hạn hán. Đến ẩu đả, đánh nhau, sát hại, huỷ diệt, trộm cắp, cướp dựt, khủng bố, đe doạ. Rồi tranh dành lợi lộc, quyền chức, sắc đẹp, kiến thức, đến ghen tị, thù hằn, trả đũa, báo oán. Nào là hoả hoạn, cháy nổ, ngộ độc đến tai nạn nghề nghiệp, tai nạn của các phương tiện di chuyển, phương tiện sinh học, hoá học, y học, khoa học. Rồi nghèo đói, truyền nhiễm, bệnh tật, dịch bệnh, chết chóc, chia lìa, xa cách, ly biệt. Nào là cãi nhau, hiểu lầm, nghi oan, ngờ vực, đến chống đối, dựng chuyện, vu hoạ, bất công. Ôi đủ mọi thứ có thể làm cho ta khiếp sợ và bất ổn về tinh thần cũng như vật chất, về gia đình cũng như xã hội, về tương lai cũng như hiện tại, về đời này cũng như đời sau… Dường như, đã là người thì đều có sợ hãi và khủng hoảng.
Lý do tại sao? Đơn giản vì con người không dám can đảm đi ngang qua tất cả mọi sự ở đời đời này. Nếu chấp nhận đi ngang qua tất cả, ta sẽ gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.
Lịch sử ơn cứu độ cũng cho ta thấy dân thánh cũng luôn bị khủng hoảng, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng căn bản vẫn là xa rời Thiên Chúa.
Khủng hoảng của dân chúng
Nhìn vào con cái Ítrael ta sẽ biết ngay, qua nhiều lần, nhiều thời các tiên tri, họ đã chống đối, rời xa Thiên Chúa và đón nhận tà thần, thần ngoại bang…
Như thời tiên tri Êlia chẳng hạn, khủng hoảng đã xảy đến với con cái Ítraen khi họ không giữ giao ước với Đức Giavê. Hậu quả là đền thờ bị phá huỷ, bàn tay con cái nhuốm máu, dùng gươm giết chết các ngôn sứ.
Còn Êlia, dù rất nhiệt thành làm theo ý Chúa, được Ngài cử đến hướng dẫn, lãnh đạo, giờ cũng phải chạy trốn ở một hang núi mong thoát khỏi sự sát hại của dân chúng.
Vắng bóng Thiên Chúa, tội ác hoành hành. Và bất cứ lúc nào con người tẩy chay Thiên Chúa, lúc ấy con người sẽ chao đảo xộn, bất trung, phạm tội, huỷ diệt.
Khủng hoảng của Phêrô
Chuyện xảy ra là ban đêm, các môn đệ ở trên thuyền ngoài biển, gió ngược chiều, sóng lại dữ dội, còn Chúa Giêsu thì ở xa xa các ông. Chúa đã trấn an họ “thầy đây đừng sợ”.
Phêrô rất can đảm khi xin một điều lớn lao là được đi trên biển để đến với Chúa Giêsu. Ông đã đạt được ước nguyện và có lẽ cũng hãnh diện vì lời yêu cầu của mình được chấp nhận. Ông đã đi trên mặt nước. Nhưng bỗng nhiên lại kêu “ thầy ơi, cứu con”. Lý do tại sao ?
Ấy là lúc đầu Phêrô luôn nhìn Chúa Giêsu mà thẳng tiến, vì thế không bị chìm xuống biển. Còn lúc sau bị chìm vì ông không nhìn vào Chúa Giêsu, mà nhìn ra biển. Và với sức mạnh của biển cả, thì quả thật, con người chẳng là chi. Chìm. Chết chắc.
Khủng hoảng của Chúa Giêsu
Đối diện với cái chết, Ngài cũng sợ hãi và khủng hoảng khi nhìn về thân phận mỏng giòn, chóng qua của kiếp người. Nơi vườn cây dầu, Ngài đã đổ mồ hôi và cả máu. Tâm hồn Ngài thì buồn đến chết được. Ngài cũng cảm nghiệm thực sự cái hăng say của tinh thần, còn thân xác thì nặng nề khi nhìn thấy các môn đệ… ngủ. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.
Quả thật, cái chết làm cho người ta khiếp sợ, bởi nó chẳng chút tình cảm, chẳng thương xót ai. Nó cướp đi tất cả mọi thứ đầu tư, tích góp suốt đời người, trừ tình yêu và lòng mến. Chúa Giêsu cũng không ra khỏi cái ảnh hưởng ấy.
Nhưng rồi, cái khủng hoảng đó dần hết đi khi Ngài hướng về Cha. Lạy Cha xin cất khỏi chén này, nhưng đừng theo ý con, một vâng ý Cha.
Khủng hoảng của chúng ta
Nhìn về hành đời mình, có nhiều thứ làm ta lo sợ, khủng hoảng : sợ đói khát nghèo túng, sợ đuổi việc thất nghiệp, sợ bệnh tật chết sớm… sợ mất thiên đàng rồi cũng sợ mất đời này. Con người luôn muốn được cả đời này lẫn đời sau.
Nhất là mọi thứ tình cảm, vật chất… vốn gắn bó với ta từ nhỏ, giờ phải chia ly thì đúng là quá sợ. Con người sẽ còn mãi khủng hoảng nếu còn nắm giữ vào mọi thứ quyến luyến trần gian. Tay con nhỏ bé, nhưng cả thế giới này lại vẫn nhỏ… bởi lòng tham không đáy.
Một thanh niên đi theo tàu ra biển, xảy ra là sóng đánh dữ dội. Và theo kinh nghiệm của người đi biển thì tháo gỡ dây buồm sẽ có cơ hội thoát chết nhiều hơn. Chàng thanh niên phải leo lên cột buồm để tháo dây. Lúc đầu trèo tốt nhưng khi lên cao, anh nhìn xuống dưới biển và sợ hãi. Anh thuỷ thủ kêu : đừng nhìn xuống, hãy nhìn lên trên trời. Mọi người đều sống trở về.
Sóng biển dữ dội bao nhiêu thì sóng đời còn ghê sợ hơn nhiều bấy nhiêu.
Chỉ có một lối thoát suy nhất mà thôi.
Giống như chàng thanh niên, hãy nhìn lên trên trời.
Giống như Phêrô, hãy nhìn về Chúa Giêsu.
Giống như Phêrô, hãy kêu to: Cứu con Chúa ơi.
Giống như như Phêrô, hãy đưa tay ra nhanh để nắm lấy tay Chúa Giêsu để được cứu.
THANH THANH
|